Thường huấn

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA SỰ TỰ DO, BÌNH ĐẲNG VÀ TÌNH HUYNH ĐỆ

Đời sống huynh đệ cần được thêu dệt qua những mối tương quan thân tình và chia sẻ sự hiệp thông huynh đệ với anh em mình trong cộng đoàn. Để một khi Đan sĩ chấp nhận mang gánh nặng cho nhau như thánh Phaolo nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”, thì chúng ta dễ dàng đón nhận “cái là” rất khác biệt của người anh em trong cộng đoàn.

 

 

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA SỰ TỰ DO, BÌNH ĐẲNG VÀ TÌNH HUYNH ĐỆ

 

 

M. Duy Khang

 

Thông điệp Frattelli Tutti - Tất cả anh em” ra đời trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngày 3 tháng 10 năm 2020 tại thành Assisi. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định: “Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người bình đẳng về quyền hành, nhiệm vụ và phẩm giá, Ngài đã kêu gọi chúng ta sống với nhau như anh chị em”. “không ai là một hòn đảo”[1], con người sống là sống cùng, sống với và luôn cần đến nhau để đồng hành, chia sẻ những ưu tư, những vui buồn trong cuộc sống. Thế nhưng, con người của thế giới hôm nay không chỉ dửng dưng với nhau, không yêu thương nhau mà còn coi nhau như là đối thủ cạnh tranh, như đối tượng để khai thác, bóc lột, khiến một số người thì quá sang trọng, giàu có, trong khi đại đa số bị tước mất phẩm giá, nhân quyền và sự sống, đi sai lệch với đường hướng của Chúa dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

 

Bởi vậy, yêu thương là giới răn quan trọng nhất để khởi phát và hoàn thành cuộc sống của mình. Chính vì thế, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã ra thông điệp "Fratelli tutti - Tất cả anh em", là một thông điệp xã hội với hy vọng giúp chúng ta có được một nhãn giới mới về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Trong đó, Ðức Thánh Cha Phanxicô cho thấy nền tảng, nguồn gốc của tình huynh đệ và đề nghị những phương thế hữu hiệu của tình huynh đệ trong lãnh vực xã hội, kinh tế, cách riêng chính trị[2]. Chính vì vậy, “Đức Kitô muốn trở nên đối tượng của tình huynh đệ, khi tự đồng hóa mình với anh em Người[3]. Qua đó, Ðức Thánh Cha Phanxicô "mơ về một nhân loại duy nhất", “tứ hải giai huynh đệ” nơi đó tất cả chúng ta bốn bể đều là "anh em của nhau" (số 7-8). Và "đây là điều khiến ngài ưu tư, đau buồn trong khi soạn thảo thông điệp Fratelli Tutti này"?

 

I. TÌNH HUYNH ĐỆ PHÁT SINH SỰ TỰ DO VÀ BÌNH ĐẲNG (103-105)

 

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến Tình huynh đệ và tình bằng hữu; ngài mơ đến một thế giới tươi đẹp, công bằng, hòa bình và một thế giới không còn chiến tranh, không còn sự thờ ơ lạnh nhạt giữa người với nhau. Trong thông điệp, số 103 ngài viết: “Tình huynh đệ không chỉ xuất phát từ một bầu khí tôn trọng các quyền tự do cá nhân, hay cả việc tôn trọng một sự bình đẳng nào đó được nhà nước bảo đảm. Tình huynh đệ nhất thiết đòi hỏi một cái gì đó lớn hơn, một cái gì đề cao tự do và bình đẳng”[4]. Vậy, tự do là gì? và thế nào là bình đẳng?

 

1. Thế nào là sự tự do?

 

Theo Từ điển Tiếng Việt của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia định nghĩa: “Tự do là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn bản thân trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển tự nhiên và xã hội: tự do là cái tất yếu được nhận thức, đấu tranh cho tự do của dân tộc, quyền tự do ngôn luận”[5]. Theo Từ điển Công Giáo Phổ Thông: “Tự do xét về mặt chủ quan, đó là khả năng tự quyết định. Xét về mặt khách quan, tự do là tình trạng không bị áp lực hay cưỡng ép, đặc biệt trong xã hội dân sự, như được tự do tôn giáo, tự do hội họp và tự do giáo dục”[6]. Thánh Công Đồng Chung Va-ti-can II trong lời mở đầu phần Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo số 1, viết: “Nhân phẩm càng ngày càng được con người thời đại chúng ta ý thức mãnh liệt hơn, và xã hội luôn gia tăng số người đòi hỏi cho mình trong khi hành động được hưởng quyền tự quyết và tự do nhận trách nhiệm, không bị một áp lực nào chi phối nhưng do ý thức về bổn phận dẫn dắt[7]. Sách Giáo Lý Công Giáo số 450 định nghĩa: Ngay từ đầu Kitô giáo, con người không được dùng tự do để phục tùng bất cứ quyền bính trần thế nào cách tuyệt đối, mà chỉ tùng phục Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô[8]. Sách Khải Huyền minh chứng cho tự do của con người luôn thuộc trọn về Chúa, vì:vương quyền trên thế gian này đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Giêsu của Người; Người sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 11,15). Nói nôm na, khi nói đến tự do thì người ta liền nghĩ đến lý trí, ý chí và hành động theo tiếng nói của lương tâm mà không bị cưỡng chế hay bị ép buộc bởi một quyền lực nào bên ngoài. Nói như thế cũng không có nghĩa là tôi muốn làm gì thì làm miễn là tôi cảm thấy đúng. Đó cũng là tự do nhưng là thứ tự do ấu trĩ. Còn tự do trưởng thành là tự do hành động nhưng phải chịu trách nhiệm về những hành động ấy. Đối với người công dân thường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; nhưng đối với người Kitô hữu còn phải trả lẽ trước mặt Chúa nữa. Giáo hội gọi đó là hành vi nhân linh.

 

2. Thế nào là bình đẳng?

 

 Theo Từ điển Tiếng Việt của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia định nghĩa: “Bình đẳng là ngang hàng với nhau về địa vị và quyền lợi. Bình đẳng trước pháp luật, nam nữ bình đẳng, đối xử bình đẳng”. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 872 định nghĩa: “Con người do được tái sinh trong Đức Kitô, mọi tín hữu đều bình đẳng về phẩm giá và hoạt động. Nhờ sự bình đẳng thật sự này, tất cả đều cộng tác để xây dựng Thân Thể Đức Kitô, tùy theo hoàn cảnh và chức vụ riêng của mỗi người”. Sách Giáo Lý Công Giáo còn nói rõ hơn: “Con người bình đẳng với nhau chủ yếu dựa trên nhân phẩm và các quyền phát xuất từ nhân phẩm. Nghĩa là con người phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, trong phạm vi xã hội hoặc văn hóa, phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ và tôn giáo, vì như vậy là trái với ý định của Thiên Chúa”[9]. Nói tóm lại, bình đẳng là sự đối xử ngang hàng, ai cũng như ai. Vì chẳng ai nói rằng phẩm giá của Đức Giáo Hoàng thì cao hơn phẩm giá của một người mẹ quê cả.

 

3. Đặt chủ nghĩa cá nhân vào đúng vị trí của nó

 

Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh, tự do cũng chẳng là gì, chỉ là điều kiện sống như ta muốn, của việc hoàn toàn tự do khi chọn thuộc về cái gì, hay thuộc về ai hoặc cách đơn giản chọn sở hữu hay bóc lột. Sự hiểu biết nông cạn này không liên quan gì mấy tới sự phong phú của một sự tự do trước hết phải hướng tới tình yêu[10]. Thánh Tôma Aquino định nghĩa: “Đặc điểm của tình yêu là mở rộng sự sống, lôi kéo con người ra khỏi mình để hướng đến và ấp ủ tha nhân”. Vì được tạo dựng để yêu nên trong mỗi chúng ta dường như luôn hoạt động: “người yêu ‘luôn ra khỏi’ mình để tìm một sự sống trọn vẹn nơi người khác”[11]. Từ đó, “sự sống hiện hữu ở những chỗ có liên hệ, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn sự chết khi sự sống ấy được xây dựng trên các mối tương quan đích thật và những ràng buộc của sự trung thành”[12], đưa ta tới chỗ tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất cho họ. Chỉ qua việc vun xới mối liên hệ này với nhau, ta mới có thể tạo nên một tình bằng hữu xã hội và một tình huynh đệ mở ra cho mọi người[13].

 

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có rất nhiều phe nhóm, luôn tạo những điểm nhấn cho nhóm mình mà quên đi người anh em bên cạnh. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi đây là sự “dửng dưng”, trong “chủ nghĩa cá nhân cực đoan, nó là một con virus cực kỳ khó trị, vì nó rất thông minh”. Chính vì thế mà Thông điệp số 104 gọi những thành phần đó là “đồng minh” phe cánh với nhau và tạo nên một thế giới khép kín trong khuôn khổ của nhóm mình[14].  Một số quyền lợi cá nhân không làm phát sinh một thế giới tốt đẹp hơn cho toàn gia đình nhân loại, cũng không cứu ta khỏi căn bệnh ngày càng có tính toàn cầu. Nó làm cho ta ảo tưởng trong một thế giới khép kín, đóng khung chính mình; nó làm cho ta tin rằng mọi sự đều bao hàm việc thả tự do cho các tham vọng của mình là đúng. Như thế, chủ nghĩa cá nhân không làm ta tự do hơn, bình đẳng hơn, có tình huynh đệ hơn. Nhưng ta quên rằng nhờ theo đuổi những tham vọng lớn hơn là “mến Chúa và yêu người” mới thực sự tạo nên một một điểm nhấn mạnh mẽ trong thế giới mở và tạo nên những mạng lưới an toàn, để phục vụ công ích cho Giáo Hội và nhân loại[15], nhưng vì sao ta phải có thái độ ấy với họ. Đâu là nền tảng và nguồn gốc của tình huynh đệ và tình bằng hữu ấy[16]?

 

II. TÌNH HUYNH ĐỆ NHÌN NHẬN GIÁ TRỊ VÀ GIÚP CON NGƯỜI THĂNG TIẾN (106-111)

 

Ngay từ thuở ban đầu tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi người theo hình ảnh và giống như Ngài (St 1,27). Thiên Chúa đã tạo dựng con người là một gia đình, là cộng đoàn và xã hội, nên cộng đoàn Chúa Ba Ngôi bao giờ cũng là nguồn gốc là khuôn mẫu tuyệt hảo của mọi sự sống trong xã hội[17]. Thiên Chúa không chấp nhận bất cứ việc biện minh nào cho sự dửng dưng của chúng ta. Ngài khuyến khích chúng ta tạo nên một nền văn hóa của sự quan tâm đến nhau[18]. Và tình yêu làm cho chúng ta tạo nên một đại gia đình, trong đó tất cả chúng ta đều thấy mình đang ở nhà, khi “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Như thế, phẩm giá của con người và của tình huynh đệ nằm trong Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Từ Tin Mừng ấy, Hội Thánh dành ưu tiên cho các mối tương quan, các cuộc gặp gỡ tha nhân, cho sự hiệp thông hoàn vũ với gia đình nhân loại[19]. Vậy, phẩm giá con người cao quý như thế nào?

 

1. Nhân phẩm con người không căn cứ trên sự giàu nghèo

 

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1701 và số 1706 nói đến hình ảnh và nhân phẩm con người giống hình ảnh Thiên Chúa: “Khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, Đức Kitô đã cho con người biết rõ về chính bản chất của họ và cho họ biết thiên chức cao cả của họ”[20]. Vì trong Đức Kitô “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), con người được tạo dựng “theo hình ảnh và giống” Đấng Sáng Tạo. Nhưng hình ảnh này đã bị nguyên tội làm biến dạng, nay được phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy trong Đức Kitô. Thông điệp số 106 nói lên tình bằng hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát, nhất thiết đòi hỏi việc nhìn nhận giá trị về phẩm giá của con người, luôn luôn và ở khắp mọi nơi. Nếu cá nhân mỗi người có giá trị như thế thì ta phải tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ rằng: “Chỉ sự kiện này thôi là một số người được sinh ra tại những nơi ít tài nguyên hơn hay kém phát triển hơn thì không được coi họ đang sống với ít phẩm giá hơn”[21]. Những khác biệt to lớn trong sự phồn vinh giàu có giữa các quốc gia, giữa các giai cấp xã hội cũng như các cá nhân với nhau; có khi nó len lỏi vào cả những đan viện và các dòng tu, nên đã hiện tại hóa dụ ngôn Người Giàu Có và anh Lazaro nghèo khổ với tất cả những hậu quả đau xót mà Tin Mừng đề cập tới[22]. Do đó, nhân phẩm con người phải được tôn trọng vì con người là một nhân vị và là hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên chúng ta không thể căn cứ nhân phẩm trên sự giàu nghèo. Vì mọi người đều có quyền sống với phẩm giá và quyền phát triển toàn diện; quyền căn bản này không quốc gia nào có thể phủ nhận.

 

Trong Cựu Ước chính tình yêu Thiên Chúa đã truyền lệnh cho Dân Ngài là phải đặc biệt săn sóc chăm nom người ngoại kiều và các cô nhi quả phụ. Như Thiên Chúa đã đối xử với Dân Ngài như thế, thì con người cũng đối xử với nhau như vậy đối với những người khác. Trong Tân Ước, Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ và với những người bị bỏ rơi: “Ngài đến để cho những người nghèo đói được loan báo Tin Mừng, những người tù đày được thả tự do, người mù lòa được xem thấy, những người bị áp bức được hưởng tự do và công bố một năm hồng phúc” (Lc 4,18-19). Vì vậy, trong những người nghèo đói và những người đau khổ, Giáo Hội phải nhận ra được hình ảnh của Thiên Chúa Đấng sáng tạo nên mình vốn nghèo đói và đau khổ. Giáo Hội luôn ra sức làm tất cả những gì có thể, để làm vơi nhẹ nỗi cơ cực của họ như phụng sự chính Đức Kitô trong nhân loại[23].

 

Trong Thông điệp, số 107 Đức Thánh Cha nói: “Con người có quyền phát triển về phẩm giá, dẫu họ không sản xuất hay được sinh ra với hoặc những giới hạn phát triển. Điều này không trừ mất phẩm giá cao cả của họ với tư cách là người, một phẩm giá được xây dựng không phải trên những hoàn cảnh nhưng trên giá trị nội tại của con người họ”[24]. Chính vì thế, Giáo Hội thâm tín rằng: “Phẩm giá con người không thể hủy bỏ được, dầu cho con người bị bỏ rơi vào bất cứ tình trạng khốn cùng, bị khinh khi, bị tẩy chay hay bị bất lực nào đi nữa. Giáo Hội liên kết chặt chẽ với những người bị coi là vô dụng trong xã hội, bị xã hội tẩy chay về mặt tinh thần và nhiều khi về cả mặt thể lý nữa. Đặc biệt Giáo Hội với tất cả tình mẫu tử hướng về các con trẻ mà vì sự gian ác của con người đã không bao giờ được mở mắt chào đời, cũng như những người già cả, những người đơn côi, bị bỏ rơi. Sự chọn lựa dành ưu tiên cho những người nghèo của Giáo Hội hoàn toàn vượt xa chủ nghĩa đặc thù và óc bè phái. Nó nói lên tính cách phổ quát của Giáo Hội cũng như của sứ mệnh Giáo Hội[25].

 

2. Không được đặt tự do thị trường và lợi nhuận lên trên quyền sống của con người

 

Thông điệp số 109 nêu rõ về một số người được sinh vào trong một quốc gia ổn định về kinh tế đều có một nền giáo dục tốt, được lớn lên, được nuôi dưỡng tốt và tự nhiên cũng có được những tài năng lớn. Một điều chắc chắn họ không cần đến một nhà nước chủ động, họ chỉ cần khẳng định tự do của mình. Tuy nhiên, nếu một xã hội nào đó được cai trị trước tiên bằng tiêu chuẩn của sự tự do thị trường và hiệu quả, thì sẽ không có chỗ cho những người: khuyết tật, những người nghèo khó cùng cực, những người thiếu nền giáo dục văn hóa và những người què quặt đui mù. Một xã hội mà nhà cầm quyền theo quan điểm đó, thì tình huynh đệ sẽ chỉ là một lý tưởng mơ hồ mà thôi[26].

 

Những người theo chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân rỗng tuếch đang đẩy thế hệ trẻ tới chỗ dẹp bỏ lịch sử của mình, kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, chối bỏ sự phong phú về mặt thiêng liêng và nhân bản được thừa hưởng từ các thế hệ trước và phớt lờ mọi sự có trước họ; đang làm cho người trẻ có cái nhìn nông cạn về một thế giới mở, mất gốc và mất tin tưởng, để dễ dàng bắt người trẻ hành động theo các kế hoạch của mình. Đó là cách các ý thức hệ hoạt động: phá hủy mọi khác biệt để có thể cai trị mà không bị chống đối[27]. Thật vậy, họ khẳng định tự do kinh tế thị trường và đặt lợi nhuận cá nhân trên phẩm giá con người. Không để cho con người tiếp cận tự do, công việc ngày càng giảm bớt, mất khả năng tự chủ thì việc khẳng định ấy chỉ nói theo kiểu nước đôi mà thôi[28]. Như vậy, tự do, dân chủ và tình huynh đệ chẳng có nghĩa gì, vì sự thật là “chỉ khi hệ thống kinh tế và xã hội của ta không còn sản xuất ra những nạn nhân nào nữa, không còn người nào bị hất hủi đi nữa, thì khi ấy ta mới có thể có lễ mừng tình huynh đệ phổ quát”. Chính vì lý do đó mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn một xã hội văn minh và tình huynh đệ thật sẽ có thể bảo đảm cách hiểu quả và ổn định rằng một thành viên của xã hội ấy đều được đồng hành trong mọi giai đoạn của cuộc đời[29].

 

3. Nhân phẩm con người sẽ được thăng tiến nhờ sự mở ra cho tương quan và gặp gỡ

 

Chúng ta đang sống trong một thời đại kỹ thuật số, một thời đại đang làm cho mọi sự xích lại gần nhau nhưng lại làm cho con người xa cách nhau hơn khi nào hết: cuộc sống con người đang bị soi mói, nhòm ngó cách bỉ ổi, bị lột trần và bôi bác tùy tiện[30]. Chính vì thế, tương quan giữa người với người của truyền thông kỹ thuật số luôn có khuynh hướng ngụy trang và mở rộng chủ nghĩa cá  nhân qua việc bãi ngoại và khinh miệt những người yếu đuối, khích lệ sự thù ghét khinh khi, lạm dụng, phỉ báng và bạo động bằng lời nói có tính hủy diệt tha nhân nên không có khả năng hợp nhất nhân loại[31]. Nó dẫn dắt con người chúng ta thành những tù nhân của thực tại ảo tưởng, và con người đang đánh mất hương vị của sự thật, của tình huynh đệ. Thực trạng cuộc sống của con người lúc này đang nhồi nhét cho mình những gì ta thấy trên mạng, tìm kiếm những kết qủa mau qua và an toàn, để rồi chỉ thấy cho mình tràn ngập bồn chồn và lo lắng[32]. Để tìm kiếm sự an toàn, ta rút lui vào bên trong, phớt lờ người khác, dửng dưng với cảnh ngộ cùng cực của họ, khinh miệt người nghèo và văn hóa của họ, nhìn sang chỗ khác[33]. Như  thế, ta đang xây lên các bức tường trong lòng, trên đất, để bảo vệ thế giới của riêng ta, để phủ nhận phẩm giá không thể chuyển nhượng của người khác và để không phải gặp gỡ người khác và nên văn hóa của họ[34], ta trở thành nô lệ trong chính các bức tường ta đã xây lên. Vì thế, ta cô đơn hơn trong một thế giới đề cao quyền lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích cộng đoàn của cuộc sống[35]. Ta bị tù túng, không có chân trời vì thiếu sự trao đổi với tha nhân, nên ta không thăng tiến được cuộc sống mình trong sự tương quan và gặp gỡ tha nhân. Chính vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, bản vị của con người với các quyền khả nhượng, tự bản chất con người là mở ra tương quan của mình với người khác. Khắc sâu trong ta là lời kêu gọi vượt qua chính mình nhờ sự gặp gỡ và có tương quan với người khác[36].

 

III. THÁNH PHANXICÔ - ĐỘNG LỰC VÀ GƯƠNG MẪU XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ (1-5)

 

Gần gũi với những người nghèo nhất, bảo vệ Tạo dựng, và đối thoại liên tôn giáo,… Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô gần như hoàn toàn dựa trên đời sống và nguyên tắc của Thánh Phanxicô khó nghèo ở Assisi. “Đừng quên người nghèo” là câu nói của Đức Hồng y Claudio Hummes đã nói nhỏ vào tai Đức Phanxicô câu nói ngắn gọn này và đã làm cho tân Giáo Hoàng chọn tên Thánh là Phanxicô làm tước hiệu cho triều đại của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô lấy khẩu hiệu truyền giáo cho sứ vụ của ngài:“Thiên Chúa chọn vì Ngài thương xót”, được Thánh Bađa chú giải trong Tin Mừng khi Đức Giêsu tuyển chọn thánh Matthêu. Tình thương vô điều kiện của Đức Thánh Cha Phanxicô đốivới người nghèo và ước muốn sống nghèo đã thực sự tưới tẩm và sâu đậm trong triều đại Giáo Hoàng của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du tại Thái Lan ngày 20-23.11.2019 ngài nói: “Các môn đệ của Chúa Kitô là các môn đệ truyền giáo”. Bởi vậy, ngài luôn đi đến những nơi xa xôi nhất hành tinh là “những vùng ngoại biên”, các lời kêu gọi chấm dứt “văn hóa lãng phí” hay các chuyến thăm bất ngờ, ngài thường đến thăm các trung tâm của người vô gia cư ở Rôma. Biệt danh của ngài là “Giáo Hoàng của vùng ngoại biên” không ngừng nhắc tinh thần khó nghèo của thánh Phanxicô Assisi cho Giáo Hội, và ngài muốn “một Giáo Hội nghèo”. Đức Thánh Cha đến với người nghèo, đối thoại với họ và ngài luôn sống tinh thần nghèo khó của thánh Phanxicô Assisi[37].

 

1. Tình huynh đệ được đánh dấu bằng hương vị của Tin Mừng

 

“Tình huynh đệ”. Thánh Phanxicô đã nói với anh chị em mình bằng những lời ấy và đề nghị với họ một nếp sống được đánh dấu bằng hương vị Tin Mừng, mà Thánh Biển Đức mời gọi trong Tu Luật lời mở đầu: “Hãy lắng nghe hỡi con, lời dạy bảo của một người thầy”[38]. Và tiếp theo là một lời mệnh lệnh: “Hãy mang lấy khí giới rất mạnh mẽ cao quý là Đức Tuân Phục để chiến đấu[39]. Như vậy, những lời khuyên nhủ của thánh Phanxicô và thánh Biển Đức đưa ra là men là muối làm dậy lên khối bột trong lòng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài nói: Tôi chọn một lời của các ngài, trong đó các ngài kêu gọi về một tình yêu vượt quá các ranh giới địa dư, khoảng cách và tuyên bố những ai yêu thương anh em “khi người ấy ở xa cũng như đang ở với mình” là có phúc. Thật vậy, tình huynh đệ ấy cũng còn là một sự cởi mở cho phép ta nhận ra, trân trọng và yêu thương mỗi người, bất kể họ được sinh ra ở đâu và sống ở đâu[40]. Vậy, tình huynh đệ xuất phát từ một đòi hỏi đề cao tự do và bình đẳng[41].

 

Chúa Giêsu dự bữa ăn tối cuối cùng với nhóm Mười Hai, hôm trước ngày chịu chết. Trước khi vượt qua thế gian để về với Chúa Cha, Ngài muốn để lại cho các môn đệ một gương mẫu tuyệt vời về lòng khiêm nhường và phục vụ. Liền sau đó, Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và trao cho các môn đệ điều răn yêu thương: “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau”. Như thế, tình yêu tha nhân trở thành một điều răn yêu thương giống với tình yêu Thiên Chúa. Hơn nữa, tha nhân mà ta phải yêu mến không chỉ là những người đồng đạo như ta, mà là tất cả mọi người được coi như anh em, vì là con cùng một Cha trên trời. Vì “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34). Chúng ta là những người môn đệ của Chúa Giêsu, thì chúng ta không được quên lời Ngài dặn: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mình cho người mình yêu” (Ga 15,13). Vì thế, “yêu như Thầy đã yêu”, chính là thí mạng cho người mình yêu. Qua sự yêu thương đó, chúng ta làm cho những người chưa nhận biết Chúa Giêsu để họ tiếp nhận chính Chúa Giêsu.

 

2. Những người hèn mọn, bị bỏ rơi càng được xã hội quan tâm, săn sóc hơn

 

Trên thế giới hiện nay có nhiều hình thức bất công vẫn tồn tại vì nền kinh tế dựa trên lợi tức không ngần ngại bóc lột, sa thải và thậm chí còn giết người. Thế nhưng, cho dù kinh tế có thịnh vượng gia tăng thật nhưng sự thịnh vượng ấy là bất bình đẳng. Nó đưa đến cho thế giới một sự nghèo khổ do nạn thất nghiệp trực tiếp đến con người[42]. Trong số một phần của nhân loại đang hưởng thụ giàu sang, thì một phần khác đông hơn lại thấy mình bị khước từ, khinh miệt, quyền căn bản của con người bị vứt bỏ hay xúc phạm, chà đạp, bị bỏ rơi và thiếu sự quan tâm săn sóc của xã hội. Phụ nữ và trẻ em thường phải chịu những cảnh bị loại trừ, đối xử tàn tệ và bảo động hơn vì họ ít khả năng bảo vệ các quyền của mình[43]. Chính vì thế, với tinh thần của thánh Phanxicô mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh và mong muốn một thế giới không còn chiến tranh, áp bức và bất công: ngài mong muốn tất cả những người trên thế giới là anh em của nhau, giống như thánh Phanxicô thấy mình là anh em với thái dương, biển cả và gió mát. Với tinh thần đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đi đến đâu, ngài cũng gieo vãi hạt giống bình an và sánh bước với những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên vệ đường xã hội, những người hoạn nạn và bơ vơ, những người nhỏ nhất trong anh chị em ngài[44].

 

Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người ốm mới cần”. Người nói tiếp, “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. vì Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12). Đức Giêsu cho chúng ta thấy chủ đích về ơn Nhập Thể của Người: Người đến để cứu mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội. Kẻ tự nghĩ mình là công chính mà không cần đến Chúa Kitô, thì kẻ đó không được hưởng ơn cứu độ của Người. Và Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta khuôn mặt một Thiên Chúa nhân hậu, luôn hiện diện trong mọi người. Một Thiên Chúa đến trần gian để chia sẻ cuộc sống của con người, để kết hiệp tình yêu thâm sâu giữa Thiên Chúa và con người chúng ta. Đến với Chúa, chúng tìm được ý nghĩa đời mình; đến với Chúa, để tìm lại phẩm giá của người con; đến với Chúa, chúng ta được sống dồi dào, được sống trọn vẹn.

 

3. Xây dựng hòa bình bằng bất bạo động và không cần quyền lực

 

Đức Thánh Cha Phanxicô lấy khởi hứng từ thánh Phanxicô về tinh thần bất bạo động. Và quả thật, đây không phải chỉ là một mớ lý thuyết suông nhưng đã được áp dụng và đã thành công. Cha già đáng kính của dân tộc Ấn Độ là Mahatma Gandhi, người lãnh đạo công cuộc giành độc lập cho nước Ấn Độ tại Châu Á ngày nay. Ông đấu tranh cho sự bất bạo động và bất tuân dân sự và ông đấu tranh trong sự hòa hợp tất cả mọi người để đất nước Ấn Độ thống nhất: “Bạn có thể cắt tôi làm hai, nhưng xin đừng làm điều đó với Ấn Độ” và một câu nói thời danh của ông: “Có người dân nghèo nào bị thương không? Hãy lo cho họ”. Ở Châu Mỹ cũng có một nhân vật nổi tiếng khi nói đến tinh thần đấu tranh bất bạo động là Mục sư Martin Luther King đấu tranh cho quyền lợi của người dân da đen tại Mỹ. Ông là người đại diện cho di sản quý giá trong cuộc đấu tranh chống bất công trên toàn thế giới. Và ở Nam Phi cũng có một nhân vật đấu tranh bất bạo động - ông Nelson Mandela - là người đã loại bỏ nhà nước phân biệt chủng tộc của Nam Phi, đưa đất nước này trở thành một quốc gia đa chủng tộc dưới sự cai trị của pháp luật bằng tinh thần bình đẳng, tự do dân tộc và lòng vị tha.

 

Muốn xây dựng một nền hòa bình thì thế giới không còn chiến tranh, vì chiến tranh không phải là một bóng ma của quá khứ mà là một mối đe dọa không ngừng[45]. Hơn nữa, chiến tranh là việc phủ nhận mọi quyền và là cuộc tấn công bi thảm vào môi trường sống của con người[46]. Như thế, chiến tranh mang đến thất bại cho chính trị và nhân loại, là sự đầu hàng tủi nhục, một thất bại nhức nhối trước các thế lực của sự dữ. Mỗi cuộc chiến tranh đều làm cho thế giới tê liệt và tồi tàn hơn trước: các thường dân bị giết hại, sống vô gia cư, thành nạn nhân của phóng xạ nguyên tử hay các cuộc tấn công hóa học. Mẹ mất con, thiếu niên bị thương tật và bị mất đi tuổi thơ[47]. Chúng ta đang đứng trước tình trạng bi đát này của thế giới, chúng ta phải sống tình huynh đệ ra sao[48]?

 

Từ những lý do trên mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống theo tinh thần của thánh Phaxicô, không khẩu chiến nhằm áp đặt các đạo lý, sống đơn giản, và ngài chỉ trải rộng tình yêu của Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng: “Thiên Chúa là tình yêu và ai ở lại trong tình yêu đều ở lại trong Thiên Chúa” (1Ga 4,16). Ngài thúc đẩy chúng ta tránh mọi hình thức thù địch hay xung đột và phải chứng tỏ một “sự tùy thuộc” khiêm tốn về huynh đệ với những người không chia sẻ đức tin của ngài[49]. Theo cách này, thánh Phanxicô trở thành người cha đối với mọi người và ngài khơi lên một tầm nhìn về một xã hội đầy yêu thương thắm tình huynh đệ. Như thế, thánh Phanxicô xây dựng một nền hòa bình không cần quyền lực và bất bạo động. Ngài xây dựng và chào đón một nền hòa bình đích thật trong lòng là tình yêu để giải thoát mình khỏi ước muốn thi hành quyền lực trên những người khác. Ngài trở thành một trong những người nghèo và tìm cách sống hòa hợp với mọi người[50].

 

 IV. ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

1. Sự khổ chế có còn còn thích hợp giúp Cộng đoàn tu trì ngày nay chăng?

 

Mỗi một con người đều được Thiên Chúa tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ, như một công trình vĩnh cửu. Cho nên, mỗi một công việc dù vô danh hay nhỏ bé nhất, nếu được làm cho đúng cách đều có thể làm nên giá trị vĩnh hằng. Chính vì vậy, rất thường, tâm lý của con người thích đề cao công trạng của mình và hạ thấp những thành quả của tha nhân. Đều này có thể xảy ra trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, hoặc ngay cả trong đời sống đức tin, điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “tính thế tục thiêng liêng”. Sự khiêm tốn biết kiên trì chu toàn bổn phận của mình hằng ngày, giúp chúng ta vượt qua não trạng tiêu cực ấy. Vậy, làm thế nào để chúng ta sống và làm thăng tiến cộng đoàn cộng đoàn mình qua sự khổ chế của đời sống đan sĩ hôm nay?[51]

 

Ngày nay, khổ chế có còn thích hợp trong đời sống tu trì nữa không? Danh từ “khổ chế” do từ ngữ Hy Lạp askèsis và có nghĩa là tập luyện, cố gắng, thành tích và rèn luyện mình. Khổ chế không có nghĩa là “khổ công chế ra” hay “khổ vì chế độ” nhưng khổ chế là tuân thủ những quy định khắc khổ của luật dòng đưa ra mà chúng ta phải tuân theo. Theo Từ điển Công Giáo phổ thông, khổ chế là “một việc làm trong khoa tu đức Kitô Giáo nhằm thắng vượt tội lỗi và làm chủ các xu hướng tội lỗi, đồng thời nhờ sám hối và sống khổ hạnh, giúp tăng cường ý chí khi thực tập các nhân đức và giúp con người ngày càng trở nên giống Chúa Kitô”[52].

 

Ngày xưa, người ta thường dùng thuật ngữ hãm mình để nói lên việc gìn giữ ngũ quan, hãm dẹp những việc của xác thịt, từ bỏ những tiện nghi riêng, kiêng khem và đánh tội… Theo linh mục Stêphano Huỳnh Trụ: “Khổ chế là thuật ngữ riêng của Công giáo. Thuật từ này do đức ông Trần Văn Hiến Minh và các cha trong ban giáo sư trường thần học Bùi Chu tạo ra trong thập niên 1950”. Trong cuốn sách có tựa đề: “Danh từ thần học và triết học (xuất bản năm 1952) có dùng thuật ngữ “khổ chế” và nó đồng nghĩa với từ “khổ hạnh”[53]. Khổ chế không phải là để con người khổ mà khổ chế để khổ luyện và làm triển nở đời sống con người Đan sĩ. Khích lệ đời sống Đan sĩ trong “hoan hỉ hy sinh”, đi đúng đường khổ chế của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã thực hiện để nhập thể và nhập thế. Trên con đường này, người Đan sĩ phải thực hiện khổ chế đúng như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy phải bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Thầy” (Lc 9,23).

 

Trong thực tế con người ngày nay, thường không muốn nhắc tới hai từ khổ chế. Vì không ai muốn mình phải khổ chứ chưa nói là thích làm mình khổ như trong tu luật Cha Thánh Biển Đức kêu gọi là “ham chịu sỉ nhục”. Dĩ nhiên, người Đan sĩ không đồng nghĩa với những người thích “mi mê hưởng thụ” mà người Đan sĩ cần phải thanh luyện mình để trở nên tốt hơn. Cách nói này không phải là phê bình chế độ mà muốn nói lên một nền văn hóa đang phát triển và phổ biến: văn hóa hưởng thụ. Nền văn hóa này, nó len lỏi và chi phối đến tất cả cuộc sống của mỗi người, người ta gọi là chiều hướng duy thế tục và duy tự nhiên. Cha Hồng Giáo nhận định về nền văn hóa này: “Nó len lỏi vào tận bên trong những Đan viện kín cổng cao tường nhất”[54]. Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Chính vì vậy, ngày hôm nay người Đan sĩ cần phải đào tạo và huấn luyện mang tính cách toàn diện: học hành, phấn đấu, dấn thân một cách triệt để trong ơn gọi của mình, huấn luyện mình theo chương trình của ban huấn luyện đề ra. Điều này đòi hỏi người Đan sĩ phải từ bỏ những sở thích, tiện nghi, sự tự do và chết đi mỗi ngày cho cho sứ vụ.

 

Người Đan sĩ thời nay thường dị ứng với sự ràng buộc mang tính cơ chế, luật lệ như những khổ chế áp đặt; dị ứng với gian khổ trong việc huấn luyện, trong việc phát triển con người Đan sĩ toàn diện[55]. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt giống gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, thì nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,25). Đây là sự thật, là kim chỉ nam vượt thời gian trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội và các dòng tu. Vì vậy, muốn trở nên tốt, người Đan sĩ phải trải qua gian khổ và tốn nhiều công sức cho việc đào luyện đời mình trong sự khổ chế chứ không phải trong sự dễ dãi, luôn tin tưởng vào Chúa quan phòng để tiến bước. Như thế, khổ chế là mở ra một con đường thích hợp với thời đại. Do đó, Công Đồng Vaticano II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội số 44 đã hơn một lần tái khẳng định sự cần thiết của khổ chế trong đời sống Giáo Hội và các dòng tu. Khổ chế đòi hỏi sự khổ luyện để mở ra với chính mình, để vươn lên, để thông hiệp với Chúa và tha nhân. Từ đó, người Đan sĩ sống khổ chế không còn là một sự kiêng khem, từ bỏ tiện nghi, đánh tội để kiện toàn bản thân. Nhưng khổ chế mang một chiều kích quan trọng trong đời sống người Đan sĩ là chiều kích nhập thế và nhập thể để vươn lên với Chúa, thông hiệp với nhau trong tình yêu và trong sự sống, nghĩa là người Đan sĩ sống khổ chế của thập giá, khổ chế của môn đệ Chúa Giêsu. Con đường khổ chế mà không khổ cực; khổ chế mà không tự sát, nhưng là khổ luyện để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì vậy, người Đan sĩ biết sống liên đới, kết nối và xích lại với nhau để tương trở lẫn nhau như cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và mọi sự làm của chung. Họ đem ban đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu”(Cv 2,44-45), để cuộc sống dồi dào trong Chúa Ba Ngôi và để xây dựng một Giáo Hội hiệp nhất và yêu thương.

 

2Trong đời sống đan tu có cần sự tự do và bình đẳng không?

 

 Một trong những điều quan trọng nhất làm phát sinh bầu khí hiệp nhất trong cộng đoàn là sự tự do vâng phục trong sự bình đẳng và trao tặng nhau một cách thân thương. Vâng phục là chất xúc tác hữu ích để cổ võ sự hiệp nhất giữa bề trên và bề dưới; giữa anh em với nhau. Chịu dựng, thông cảm, yêu thương, tôn kính nhau bất kỳ sự tương đồng hay dị biệt và bộc lộ niềm vui của đời sống chung. Như vậy, trong đời sống đan tu, sự tự do và bình đẳng rất cần cho mỗi người sống đời dâng hiến. Nhưng sự tự do và bình đẳng đó mang một chiều kích cụ thể và khuôn khổ luôn làm theo lệnh Viện phụ trong sự vâng phục. Nếu không có vâng phục thì sẽ có sự chia rẽ trong cộng đoàn. Vì thế, vâng phục cổ võ hòa bình, niềm vui và tình bằng hữu với nhau. Hơn nữa, anh em sống có trách nhiệm với nhau để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn trong tình hiệp nhất và yêu thương. Chúng ta sống tự do trong đời sống đan tu nghĩa là chúng ta sống và thực hiện đúng như những gì Tin Mừng, hiến pháp và tu luật cha thánh Biển Đức khởi xướng. Một lần đi hội tối, con nghe Viện phụ Hiếu Liêm nói về sự tự do trong cộng đoàn: “Chúng ta sống tự do trong đời đan tu, là mỗi người hãy sống tinh thần tự giác và giữ đúng các giờ đã qui định trong cộng đoàn như tham dự các giờ thần vụ, các giờ lao tác, giờ cơm và các giờ đã ấn định một cách triệt để và yêu mến. Còn chúng ta chưa thực thi tinh thần tự giác, mà để bề trên cứ phải ưu tư, nhắc nhở và quản thúc thì chúng ta chưa thực sự sống tự do trong cộng đoàn. Mỗi người hãy sống tự giác và tham gia đầy đủ các giờ đã ấn định trong cộng đoàn thì khi đó chúng ta mới có sự tự do thực sự trong cộng đoàn mình”.

 

Sự linh hoạt thiêng liêng của đời sống đan tu đòi hỏi sự tham gia tích cực của mỗi thành phần trong cộng đoàn qua các giờ kinh thần vụ, qua lao tác và đòi hỏi mỗi người có một lương tâm trưởng thành, để đẩy mạnh làm gia tăng tinh thần đồng trách nhiệm với nhau trong đời sống đan tu. Sự linh hoạt được thực hiện qua sự gợi ý của bề trên, thúc đẩy và thuyết phục bề dưới đúng với tinh thần Tin Mừng. Phận vụ của bề trên là hoàn toàn hướng về Cộng đoàn với tinh thần phục vụ, làm cho Cộng đoàn ngày càng hiệp nhất yêu thương. Như vậy, bề trên cần xác tín về tính bình đẳng nơi các thành viên trong cộng đoàn vì tất cả anh em đều là con cái của Viện phụ là đoàn chiên mà Thiên Chúa trao cho ngài chăn dắt trên đường nhân đức. Đừng thương người này hơn người khác, đừng để anh em phải buồn phiên, nhưng tất cả tình cảm Viện phụ phải phân bố đồng đều giống nhau và vui mừng nhìn nhận tinh thần đồng trách nhiệm với nhau. Trong tinh thần đó, cần có sự tôn trọng những khác biệt của nhau về não trạng, sự chân thành trong đối thoại và sự cở mở trong tiếp xúc với nhau để cùng giúp nhau thăng tiến trong bầu khí thân ái và phục vụ để nuôi dưỡng tình huynh đệ chân thành trong công đoàn. Bằng sự cầu nguyện, học hỏi về giáo huấn của Giáo Hội, Hiến Pháp Hội Dòng, bề trên phải vun trồng sự biện phân các thần khí cho anh em trong cộng đoàn. Bề trên cần quan tâm đến tính ưu việt của đời sống cộng đoàn trong Chúa Thánh Thần và làm cho Chúa Kitô trở thành trung tâm của đời sống cộng đoàn[56]. Công Đồng Vaticano II đã xác định: “Trong Hội Dòng chiêm niệm, các tu sĩ nhất tâm phụng sự một mình Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình”[57]. Tự do trong vâng phục mới có giá trị cứu độ. Còn về bình đẳng thì muốn có bình an trong cộng đoàn nhất thiết phải có sự bình đẳng nhưng đôi khi Chúa lại dùng sự bất bình đẳng trong cộng đoàn để thanh luyện chúng ta. Ví dụ: Bề trên thiên vị người này hơn người khác mà ta không đọc được đằng sau những hành động đó Chúa dùng để thanh luyện mình.

 

3. Hãy xây dựng tình huynh đệ trong Cộng Đoàn từ chính mình

 

Đời sống huynh đệ cộng đoàn đòi phải có sự quân bình về tâm lý. Yếu tố nòng cốt của sự trưởng thành là sự tự do về mặt tình cảm. Qua đó, Đan sĩ thiết tha với ơn gọi của mình đang sống và theo đuổi. Vì yêu mến ơn gọi của mình là yêu mến Giáo Hội, cụ thể là yêu mến Hội Dòng mình, như gia đình của riêng mình[58]. Do đó, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân ơn gọi, sứ vụ chung và cổ võ sự tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó chúng ta chấp nhận nhau trong tất cả sự bất toàn và khác biệt của nhau. Vì thế, đời sống cộng đoàn được hiểu như là một đời sống chia sẻ tình yêu, một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông với Giáo Hội, hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ đó, Đan sĩ dâng hiến quảng đại và diễn tả một đời sống tương tác hai chiều giữa cá nhân với Thiên Chúa và giữa cá nhân với Cộng đoàn.

 

Đời sống cộng đoàn huynh đệ mời gọi mỗi người sống chiều kích sứ vụ bằng sự hiện diện giữa con người nhỏ bé và yếu kém nhất. “Nhân vô thập toàn”. Vì thế, chúng ta đừng vì cái tôi của mình mà làm cho người anh em của mình phải buồn phiên, có khi đưa đến những hệ lũy không mong muốn. Hãy trãi lòng ra đón nhận anh em mình và yêu thương anh em như chính mình. Đừng nói xấu, đừng ghen tị, đừng xét ý trái cho anh em và cũng đừng ghét bỏ anh em. Bao nhiều cái “đừng” đó mà không có trong cộng đoàn thì tình thương, và tình huynh đệ chân thành như Cha Thánh Biển Đức nói: “Vì Thiên Chúa muốn chúng ta cần đến nhau”[59]. Cha Biển Đức Thuận cũng nói: “Ai hay xét ý trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu, nên cũng ngờ người ta xấu như mình”[60]. Ngài nói tiếp, chúng ta hãy xét sự lành sự tốt cho anh em như lời Chúa dạy: “Các con không xét đoán anh em, thì Ta cũng không xét đoán các con”. Lại rằng: “Các con đong đấu nào cho anh em thì Ta cũng sẽ đong đấu ấy cho các con” (Mt 7,1-2). Hãy mở lòng đón nhận nhau, nâng đỡ và yêu thương. Vì thế, “đời sống cộng đoàn và sứ vụ cần phải hỗ trợ một cách hiệp nhất nơi một con người. Con người đó được kêu gọi để trở nên thành viên của cộng đoàn vì một sứ vụ”[61]. Như lời Thánh Tông Đồ dạy chúng ta hãy: “Có cùng một cảm nghĩ, cùng một tâm hồn, cùng một ước muốn, cùng một lòng mến như nhau” (Pl 2,2). Vẫn còn đó những khác biệt do vùng, miền, tính cách và tập quán nhưng mỗi người chúng ta hãy xây dựng tình huynh đệ chân thành trong cộng đoàn hiệp thông, yêu thương, yêu thương nhau bằng tình liên đời giữa Thiên Chúa và con người. Vì tất cả chúng ta đều là anh em của nhau trong Đức Kitô.

 

Có vô số những lầm lỗi và thất bại, thiếu sót và yếu đuối, khiếm khuyết, quên sót và vi phạm xảy ra hàng ngày trong cộng đoàn tu trì, là lu mờ vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ. Hầu như chúng ta không quan tâm đến những thói quen và sai lầm trong cách cư xử tai hại thường không được chú ý để sửa chữa lầm lỗi của mình. Những sai lầm thường được những người có trách nhiệm che đậy và cộng đoàn lờ đi nên xảy ra những hệ lũy đáng tiếc trong cộng đoàn. Kết quả là cộng đoàn Kitô đích thực và tình huynh đệ trong cộng đoàn bị tổn hại[62]. Như thế, chúng ta đừng nói tại sao cộng đoàn không thay đổi nhưng trước hết hãy đấm ngực mình để xem mình đã thay đổi chưa? Nghĩa là, muốn cộng đoàn tốt hơn trước hết hãy xem mình đã sống tốt hơn chưa? Lời mời gọi của Cha Thánh Biển Đức: “Viện phụ phải yêu thương anh em cách đồng điều và phải cứng rắn khiển trách kẻ bất tuân phá phách và đừng nhắm mắt làm ngơ trước lỗi của kẻ sai trái, nhưng phải nhổ ngay tận gốc…khi thấy chúng vừa manh nha”[63]. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa và yêu thương anh em như chính mình[64]. Vậy, muốn có một cộng đoàn bình an thì lòng ta phải bình an trước đã thì mới có một cộng đoàn đầy yêu thương, chia sẻ và đầy lòng vị tha. Điều đó đòi hỏi mọi người chúng ta phải vun trồng ơn gọi của mình và cho người khác. Thay đổi thái độ, cung cách sống để cầu xin ân sủng của Chúa, sức mạnh và thiện ý để làm những gì tốt nhất cho anh em mình và củng cố sự hiệp thông huynh đệ giữa các phần tử trong cộng đoàn. Vì Cha Thánh Biển Đức nói: “Hãy kính trọng hết mọi người”[65].

 

V. KẾT LUẬN

 

Ngày nay, con người thường dựa vào lợi danh, dựa vào quyền lực, dựa vào hệ thống chính trị, dựa vào dòng giống và ý thức hệ để trục lợi và quên đi người thân cận mình đang nghèo đói. Tuy nhiên, đi ngược với những tư tưởng trên thì nền tảng Kinh Thánh của Thông điệp Fratelli Tutti này cho thấy rõ tình yêu mang đậm hương vị Tin Mừng qua dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta ý thức rằng: chúng ta được tạo dựng để thực hiện một điều chỉ có thể tìm được trong tình yêu[66]. Hơn nữa, chúng ta không có thể sống và phát triển mà lại không có tha nhân[67], nên chúng ta phải bền đỗ trong tình yêu, trong việc gìn giữ phẩm giá của con người đau khổ và xây dựng một xã hội xứng danh[68]. Vì thế, chúng ta cần phải dẹp bỏ một xã hội loại trừ, chỉ biết nghĩ đến mình, để xây dựng mối liên kết xã hội mới. Để chúng ta hướng xã hội tới chỗ theo đuổi công ích và cũng cố trật tự xã hội và chính trị, để tái thiết thế giới bị thương tích, nâng dậy và đưa những người sa ngã vào cộng đoàn[69]. Như thế, chúng ta cần khơi dậy một đức tin và lòng thương xót của Thiên Chúa để kiến tạo một nền hòa bình đích thực trong lòng. Chúng ta tôn trọng phẩm giá và cuộc sống của con người, quan tâm đến nhau để có đời sống tốt lành cùng với tình yêu thương, công lý và tình liên đới[70]. Thực thi tình bác ái trong mối tương quan liên vị hằng ngày với mọi người, để dành chỗ cho một tình yêu dịu hiền đối với “những người nhỏ nhất, yếu nhất và nghèo nhất”.

 

Do đó, đời sống huynh đệ cần được thêu dệt qua những mối tương quan thân tình và chia sẻ sự hiệp thông huynh đệ với anh em mình trong cộng đoàn. Để một khi Đan sĩ chấp nhận mang gánh nặng cho nhau như thánh Phaolo nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”, thì chúng ta dễ dàng đón nhận “cái là” rất khác biệt của người anh em trong cộng đoàn. Như thế, Đan sĩ phải lấy hết lòng yêu mến nồng nàn mà luyện tập lòng nhiệt thành tốt để yêu mến, nghĩa là người này coi người khác trọng hơn mình; phải hết sức kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của nhau, đừng ai tìm kiếm điều mình xét thấy là lợi cho mình, nhưng nhắm lợi ích cho người khác thì hơn; phải thực thi tình huynh đệ trong sáng; phải đem lòng yêu mến mà kính sợ Chúa; phải đem lòng bác ái chân thành và khiêm tốn mà yêu mến Viện phụ của mình; phải tuyệt đối “không lấy gì hơn Chúa Kitô”, Đấng muốn dẫn đưa chúng ta đến hưởng sự sống đời đời[71].

 

Hy vọng rằng những gợi ý trên đây của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giúp cho cộng đoàn chúng ta có những phương thế cần thiết để xây dựng tình huynh đệ chân thành trong thế giới hôm nay.

 

 

____________________________________

 

 

[1] X. Thomas Merton, Không ai là một hòn đảo, Thanh Bằng chuyển ngữ (SG: Văn Hóa, 1969), P. 31.

[2] X. Hiệp Thông, số 123: Giới trẻ sống thông điệp Frateli Tutti của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông.

[3] X. Sách Thánh Công Đồng Chung Va-ti-can II, P. 935

[4] X. Thông Điệp Frateli Tutti, Tình huynh đệ và tinh bằng hữu xã hội. Đức Giáo Hoàng Phanxico, Nxb TG, 2020. P. 87

[5] X. Từ điển Tiếng Việt: Trung Tâm Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Quốc Gia, Nguyễn Kim Thảm, NxbVHSG, 2005. P.1732.

[6] X. Từ điện Công Giáo Phổ Thông, Nhóm Chánh Hưng, Nxb Phương Đông, 2008. P. 565

[7] X. Sách Thánh Công Đồng Chung Va-ti-can II trong lời mở đầu phần Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo số 1

[8] X. Sách Giáo Hội Thánh Lý Công Giáo, số 450.

[9] X. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 872, 1935

[10] X. Thông Điệp Fratelli Tutti, số 103. 2020. P. 87

[11] X. Fratelli Tutti, số 88

[12] X. Fratelli Tutti, số 87

[13] X. Fratelli Tutti, số 93 và 94

[14] X. Fratelli Tutti, số 104

[15] X. Fratelli Tutti, số 105

[16] X. Hiệp Thông, số 123: Giới trẻ sống thông điệp Fratelli Tutti của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông.

[17] X. Fratelli Tutti, số 85

[18] X. Fratelli Tutti, số 57

[19] X. Fratelli Tutti, số 277

[20] X. Thông điệp Gaudium et Spes, Hiến chế mục vụ của Công đồng Va-ti-can II, số 22,1

[21] X. Tông huấn Evangelii Gautium (24.11.2013), 190: AAS 105 (2013), 1100

[22] X. Đức Gioan Phaolo II. Lương Tâm Nhân Loại, Chuyển ngữ Lm. Nguyễ Hữu Thi. P. 180

[23] X. Lumen Gentium, số 18

[24] X. Fratelli Tutti, số 107

[25] X. Huấn thị về Sự Tự Do và sự Giải Phóng Kitô Giáo, số 68

[26] X. Fratelli Tutti, số 109

[27] X. Tông huấn hậu thượng hội đồng, Chritus Vivit (25/03/2019), số 181; Fratelli Tutti, số 13

[28] X. Thông điệp, Laudato Si’ (24/05/2015). 129: AAS 107 (2015). P. 899.

[29] X. Fratelli Tutti, số 110

[30] X. Fratelli Tutti, số 42

[31] X. Fratelli Tutti, số 43

[32] X. Fratelli Tutti, số 31

[33] X. Fratelli Tutti, số 73

[34] X. Fratelli Tutti, số 27

[35] X. Fratelli Tutti, số 12

[36] X. Fratelli Tutti, số 111

[37] X. Giuse Nguyễn Tùng Lâm (dịch).

[38] X. Tu Luật Thánh Biển Đức, Lời mở 1

[39] X. Tu Luật Thánh Biển Đức, lời mở 3

[40] X. Fratelli Tutti, số 1

[41] X. Fratelli Tutti, số 103

[42] X. Fratelli Tutti, số 21

[43] X. Fratelli Tutti, số 23

[44] X. Fratelli Tutti, số 2

[45] X. Fratelli Tutti, số 256

[46] X. Fratelli Tutti, số 257

[47] X. Fratelli Tutti, số 26

[48] X. Hiệp Thông, số 123: Giới trẻ sống thông điệp Frateli Tutti của Lm. Đaminh Nguyễn  Đức Thông.

[49] X. Fratelli Tutti, số 3

[50] X. Fratelli Tutti, số 4

[51] X. Tòa Giám Mục Xuân Lộc : Sống và loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, tập 1. P. 56

[52] X. Từ điển Công Giáo Phổ Thông. P. 324

[53] X. Hạt Giống Chiêm Niệm, CANH TÂN, số 14. P. 153

[54] X. Lm. Nguyễn Hồng Giáo, Chúa gọi tôi đi theo Người, học viện Phanxicô, năm 2006. P. 232

[55] X. Hạt Giống Chiêm Niệm, CANH TÂN, số 14. P. 156

[56] X. Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn, chuyển ngữ G. Nguyễn Văn Chữ, OP. P. 178

[57] X. Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo, số 7

[58] X. Hạt Giống Chiêm Niệm, số 20. P. 68

[59] X. Tu Luật, Cha Thánh Biển Đức, chương 73

[60] X. Di Ngôn, số 123

[61] X. Felicisimo Diez Martinez, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, bản dịch của Đỗ Ngọc Bảo, 2000. P. 338

[62] X. Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn, chuyển ngữ G. Nguyễn Văn Chữ, OP. P. 254

[63] X. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, chương 2, 22.25.26

[64] X. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, chương 4, 1-2

[65] X. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, chương 4, 8

[66] X. Fratelli Tutti, số 66

[67] X. Fratelli Tutti, số 68

[68] X. Fratelli Tutti, số 71

[69] X. Hiệp Thông, số 123: Giới trẻ sống Thông điệp Frateli Tutti của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông.

[70] X. Fratelli Tutti, số 11

[71] X. Sách Bài Đọc Kinh Sách, quyển 2. P. 946

 

 

Thiết kế Web : Châu Á