Thường huấn
Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: BÁC ÁI – TRÁI TIM THIÊNG LIÊNG CỦA CHÍNH TRỊ
BÁC ÁI – TRÁI TIM THIÊNG LIÊNG CỦA CHÍNH TRỊ
Hữu Quỳnh
Dẫn nhập
Con tim được coi là linh hồn của sự sống, bởi đây là nguồn phát xuất tình yêu trao ban. Trao ban những gì tinh tuý, cao quý nhất của sự sống; đó là máu, oxy và các dưỡng chất. Trong bối cảnh toàn cầu đang chịu cảnh đau thương, tang tóc do nạn đại dịch virus Corona. Virus này không những gây tử vong con người mà còn len lỏi vào các lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo làm cho tất cả tê liệt. Điểm tinh quái virus là cô lập tình người và đánh trực tiếp vào đời sống tinh thần làm cho chúng ta hoang mang, hoảng sợ… tinh thần suy sụp, dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch…
Chứng kiến những cảnh bi ai do virus Corona hoành hành, vào thứ 7 ngày 3 -10 - 2020 tại Assisi, Đức thánh cha Phanxicô ban hành thông điệp “Fratelli Tutti - Tất cả anh em”, ngài gọi là thông điệp xã hội mơ về tình huynh đệ, bằng hữu duy nhất (số 8). Đặc biệt là tình yêu và lòng bác ái, bác ái là trái tim thiêng liêng của chính trị (số187), là cốt lõi của mọi xã hội lành mạnh (số 184).
Chương năm được coi như là trung tâm của thông điệp, vì được xây dựng trên nền tảng bác ái. Bác ái là tâm điểm trong giáo huấn của Giáo hội về xã hội. Mọi trách nhiệm và dấn thân mà giáo huấn kêu gọi đều xuất phát từ tình yêu, mà theo lời dạy của Đức Giêsu, tình yêu này là bản tóm kết toàn bộ Lề Luật (Mt 22,36-40)[1]. Chính vì lẽ đó Đức thánh cha Phanxicô mong ước “Một nền chính trị tốt đẹp hơn” (154). Chủ đề này được coi là hình thức quý giá nhất của bác ái, bởi nó cống hiến để phục vụ lợi ích chung (180) và nhận biết tầm quan trọng của dân tộc, mang tính cởi mở, sẵn sàng đối diện và đối thoại (160).
Trong chương này bác ái được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt cho những người nghèo đói, vật chất lẫn tinh thần (187), bác ái nâng đỡ, giúp họ đứng vững bước đi trong cuộc lữ hành trần thế.
I. Khái niệm bác ái trong chính trị
1. Khái niệm bác ái
Bác ái: Tiếng La-tinh là “caritas”, “caritas” có gốc bởi “carus” nghĩa là “quý hiếm, đắt giá” với ngụ ý là sự trân trọng, quý mến.
Theo thần học Kitô giáo, caritas được hiểu là “tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa”.
Quan điểm thánh Thomas Aquino: Bác ái không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn để tình cảm dành cho những người xung quanh chúng ta[2].
Theo từ điển tiếng Việt: Bác ái là có lòng yêu thương rộng rãi hết mọi người, mọi loài.
2. Khái niệm chính trị
Chính trị là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực của nhà nước; là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước và xã hội, là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích[3].
Triết gia Aristote quan điểm chính trị như sau: Chính trị là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên, là hình thức giao tiếp cao nhất của con người.
Đối với Khổng Tử, ông cho rằng chính trị là công việc của người quân tử làm cho chính đạo chính danh.
Từ những khái niệm trên, xin đúc kết “Bác ái trong chính trị” là lòng yêu thương phổ quát của các nhà lãnh đạo đứng đầu trong bộ máy nhà nước, hầu đem lại công bình, hạnh phúc, và lợi ích cho nhân dân, là làm cho Quốc thái dân an.
II. Chính trị làm giảm sự chênh lệch giàu nghèo (số 162, 165, 169)
1. Chia sẻ việc làm
Chia sẻ việc làm là vấn đề quan trọng và hữu ích cho xã hội. Đức thánh cha Phanxicô lý giải như sau: cung cấp việc làm và nâng cao lợi ích cho nhân dân là vấn đề khẩn thiết vì đó là cơ hội nuôi dưỡng các hạt giống Thiên Chúa trong mỗi chúng ta (162). Hạt giống Thiên Chúa ban cho chúng ta bao gồm:
* Tài năng
* Sáng kiến
* Tài nguyên bẩm sinh
Bởi vậy, Đức thánh cha Phanxicô nói rằng: Giúp đỡ người nghèo về tài chính bao giờ cũng phải là một giải pháp nhất thời.
Mục tiêu rộng hơn là cho họ một cuộc sống có nhân phẩm nhờ việc làm.
Hệ thống chính trị luôn làm việc để cơ chế hoá xã hội nhờ đó mọi người đều có cơ hội đóng góp tài năng và nổ lực của mình.
Không có cái nghèo nào lệ thuộc hơn cái nghèo thất nghiệp và phẩm giá của công việc.
Việc làm đem lại cho ta cảm thức về trách nhiệm chung đối với sự phát triển thế giới và đối với cuộc sống ta với tư cách là dân tộc (162).
Qua đó chúng ta có thể nhận giá trị, và ý nghĩa của việc làm như sau.
* Tạo lương thực nuôi sống bản thân
* Bảo tồn và khai sáng công trình tạo dựng
* Hiệp thông và chia sẻ
* Nhận biết và yêu mến công trình sáng tạo
* Thánh hoá và cứu độ
2. Phục vụ công ích
Bác ái bao giờ cũng phải hợp nhất hai phạm trù; trừu tượng và có tổ chức (164).
Các tổ chức bao gồm: Pháp luật, kỷ thuật, kinh nghiệm; chuyên môn và quản trị.
Bác ái thật có khả năng đưa mọi yếu tố ấy vào trong mối bận tâm về tha nhân của mình (165).
Chính vì lẽ đó Đức thánh cha Phanxicô nói về phục vụ công ích như sau: Tình yêu thương người thân cận phải thực tế và không lãng phí những gì cần thiết để mang lại lợi ích cho người nghèo và người thiệt thòi (165).
Cần có một tình huynh đệ lớn hơn, một tổ chức toàn cầu hiệu quả hơn để giúp giải quyết những vấn đề gây tai hoạ cho những người bị bỏ rơi đang đau khổ và chết tại các nước nghèo (165).
Nếu không, sự tuyên truyền chính trị, các phương tiện truyền thông và những kẻ hình thành công luận tiếp tục đề cao văn hoá cá nhân chủ nghĩa, các tổ chức xã hội phục vụ cho những người đã có quá nhiều thế lực (166).
Đây là mối nguy mà truyền thống Kitô giáo ám chỉ đến “nhục dục”. Nhục dục là khuynh hướng chỉ quan tâm đến cái tôi của mình, nhóm của mình, những quyền lợi nhỏ nhen của riêng mình (166).
III. Phẩm giá con người là sự ưu tiên của chính trị (số 171, 175, 187, 191, 195)
1. Phẩm giá và quyền lợi của con người
Theo định nghĩa cổ điển, công lý là trả cho mỗi người phần của họ, nghĩa là không một cá nhân hay nhóm người nào được coi mình là tuyệt đối, có quyền phớt lờ phẩm giá và quyền lợi của các cá nhân khác hoặc các nhóm xã hội khác (171).
Tuy nhiên, thế giới ngày nay cho chúng ta thấy có nhiều quyền lợi giả tạo và đồng thời có nhiều khu vực rộng lớn dễ bị tổn thương, nạn nhân của việc thực thi quyền lực cách tồi tệ (171).
Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý được thành lập trên chủ quyền của mỗi nước thành viên, không có các ràng buộc về sự phụ thuộc phủ nhận hoặc hạn chế tính độc lập của nước đó (173).
Cần áp dụng cụ thể nguyên tắc bổ trợ trong việc thi hành công ích (175).
Chỉ có cái nhìn bác ái mới biến đổi tâm hồn, giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó họ được thực sự hòa nhập vào xã hội (187).
2. Sự hy sinh phát xuất từ bác ái
Mọi người đều là các anh chị em của ta và được kết nối bởi sợi dây bác ái. Bác ái thúc đẩy chúng ta hướng tới tính phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới (183).
Cốt lõi tinh thần hoạt động chính trị là lòng bác ái, là tình yêu thương dành ưu tiên cho những người thiếu thốn nhất, bác ái nâng đỡ mọi điều ta làm cho họ (187).
Điều quan trọng không phải là luôn thành công mỹ mãn, nhưng trong sinh hoạt chính trị phải nhớ rằng “dù dáng vẻ bên ngoài thế nào, mỗi người đều vô cùng thánh thiện và đáng được chúng ta yêu thương và tận tâm phục vụ”. Được thuộc về dân tộc tin vào Thiên Chúa là điều tuyệt vời (195).
Những mục tiêu to lớn mà chúng ta mong ước và lập kế hoạch chỉ đạt phần nào mà thôi. Nhưng vượt lên trên tất cả yếu tố tìm kiếm quyền lực; chắc chắn không một hành động yêu thương nào mà lại trở nên vô ích, không một mối quan tâm chân thành nào đối với tha nhân mà lại tan biến, không một hành vi yêu thương nào dành cho Thiên Chúa mà lại bị lãng quên, không nỗi mệt mỏi quảng đại và kiên nhẫn đau thương nào đã cho đi mà lại là vô nghĩa (195).
IV. Xây dựng một nền chính trị nhân bản và huynh đệ (số 178-186;190-196).
Ngày nay đối với nhiều người, chính trị là một từ mang nghĩa xấu, thường do các việc sai trái, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Lại còn có những toan tính làm suy yếu chính trị, thay thế chính trị bằng kinh tế hay biến chính trị thành một ý thức hệ nào đó. Tuy nhiên, liệu thế giới chúng ta có thể vận hành mà chẳng cần đến chính trị hay không (176)?
1. Nền chính trị chúng ta cần
Chính trị không được lệ thuộc vào kinh tế, cũng như kinh tế không được lệ thuộc vào các mệnh lệnh và các mô thức kỹ trị chạy theo hiệu quả. Việc lạm quyền tham nhũng, coi thường luật pháp và kém hiệu năng phải bị loại bỏ (177).
Cần một nền chính trị có tầm nhìn bao quát, đưa ra được cách tiếp cận mới mẻ, toàn diện cùng với cuộc đối thoại liên ngành về các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng (177).
Một nền chính trị lành mạnh có khả năng cải cách, điều phối và mang lại cho các thể chế những cách thực hiện tốt nhất giúp vượt thắng các áp lực tiêu cực và thói quan liêu trì trệ (177).
Chỉ có nền chính trị lành mạnh, bao gồm các lĩnh vực và các kỹ năng đa dạng nhất, nhắm đến việc xây dựng công ích sẽ có thể “mở ra con đường cho những cơ hội khác, không ngăn chặn sự sáng tạo và những ước mơ tiến bộ của con người, nhưng định hướng nguồn sáng tạo và ước mơ ấy theo những nẻo đường mới” (179).
2. Bác ái trong chính trị
Mọi người là anh chị em và tìm kiếm một tình bằng hữu xã hội phải dứt khoát dấn thân để tìm ra các phương thế hữu hiệu thực thi bác ái cao cả (180).
Một cá nhân có thể giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, nhưng khi cùng với những người khác xây dựng các chương trình xã hội về tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, là họ đã bước vào “lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, đó là bác ái chính trị (180).
Lòng yêu thương, thực hiện bằng những cử chỉ nhỏ bé của việc quan tâm đến nhau, vừa mang tính chất dân sự lẫn chính trị, bác ái không chỉ thể hiện trong các mối tương quan gần gũi và thân thiết mà cả trong “các mối tương quan vĩ mô mang tính xã hội, kinh tế và chính trị” nữa (182).
Bác ái xã hội sẽ khiến chúng ta yêu quý công ích, thúc đẩy chúng ta nỗ lực tìm kiếm điều có ích cho hết mọi người (183).
Chúng ta đang sống đang sống trong cơn đại dịch virus Corona nên rất cần đến tấm lòng bác ái của các chính trị gia để cảm thấu và chia sẻ những nỗi đau mất mát bởi virus Corona gieo vào lòng mọi người. Không chỉ nỗi đau của những người kém may mắn thoi thóp hoặc trợ thở trên giường bệnh, mà còn những người may mắn hơn chưa bị nhiễm nhưng bị virus Corona cô lập. Do đó, họ đói khát vật chất lẫn tinh thần. May mắn thay Việt Nam thân yêu của chúng ta có nhiều nhà hảo tâm mở rộng con tim chia sẻ nhu yếu phẩm, những tình nguyện viên cũng như các hội đoàn của các tôn giáo lên đường cộng tác với các nhân viên y tế chống dịch. Bên cạnh những tấm lòng vàng trong nước phải kể đến cộng đồng quốc tế như anh; Mỹ, Nhật, Hàn, Úc…Họ cảm thấu nỗi đau của người dân Việt và mở rộng vòng tay ôm ấp bằng những gói cứu trợ như trang thiết bị y tế, vaccine phòng ngừa, phần nào xoa dịu nỗi đau của người dân.
3. Bác ái hữu hiệu
Bác ái không phải là tình cảm đơn thuần, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu cho mọi người (183).
Bác ái là điều cốt lõi của mọi xã hội lành mạnh, vì thế khi đi cùng với thái độ dấn thân cho chân lý, thì vượt xa cảm xúc cá nhân, nhờ đó không dễ dàng “trở thành tế vật cho những cảm xúc và ý kiến chủ quan tuỳ tiện” (184). Nhiệm vụ của bác ái là phục vụ cho công ích, là xây dựng Nước Chúa[4].
Bác ái cần ánh sáng của chân lý, là điều chúng ta không ngừng tìm kiếm. Bởi bác ái trong chân lý là gương mặt của Đức Kitô, và là ơn gọi làm người trong trời đất[5], là quà tặng, là Lời Hứa, là niềm hy vọng cho con người cùng nhân loại[6].
Chẳng hạn, giúp đỡ ai đó đang đau khổ là một hành vi bác ái, và tìm cách thay đổi hoàn cảnh xã hội đã gây ra đau khổ cho người ấy cũng là một hành vi bác ái. Khi người khác giúp người bằng cách cho họ ăn, thì chính trị gia tạo công ăn việc làm cho họ, và đó là một hình thức thực hành bác ái cao vời, làm vẻ vang cho hoạt động chính trị (186).
4. Tình yêu dung hợp và liên kết
Bác ái trong chính trị được thể hiện qua tinh thần mở ra với mọi người. Họ phải sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và lo sao cho mọi người đều có phần, cần trao đổi các tài lộc để phục vụ công ích (190).
Trong xã hội ngày nay, đang khi các hình thức cuồng tín, não trạng hẹp hòi cùng sự phân hóa xã hội và văn hóa ngày càng gia tăng, thì chính trị gia có trách nhiệm phải đi bước trước để các tiếng nói khác nhau được lắng nghe (191).
Con người ngày càng ít được gọi bằng chính tên riêng của mình, ngày càng ít được đối xử như một nhân vị, người ta chỉ cần biết đến bệnh tật của họ để chăm sóc (193).
Trong hoạt động chính trị, “những người bé mọn nhất, yếu đuối nhất, nghèo khổ nhất phải gợi lên trong ta tâm tình dịu dàng. Họ là những người có quyền chiếm hữu tâm hồn chúng ta, con tim chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta (194).
Nền chính trị tốt sẽ kết hợp tình yêu với niềm hy vọng và lòng tin tưởng; đời sống chính trị đích thật, đặt nền tảng trên sự tôn trọng luật pháp và việc đối thoại chân thành giữa con người với nhau, được đổi mới nhờ xác tín rằng mỗi người mang trong mình một triển vọng có khả năng phóng thích những năng lượng mới mẻ trong tương giao, tri thức, văn hóa và tinh thần (196).
V. Bác ái trong đời sống cộng đoàn
1. Tự hiến phục vụ
Cốt lõi đời sống thánh hiến là bước theo Đức Kitô (Sequela Christi, PC, số 2). Điều kiện cần để theo Chúa là từ bỏ. Đỉnh cao là con đường tự hiến phục vụ.
Trong tông huấn “Đời sống thánh hiến”, Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II gọi là cuộc “biến hình” (số 14), trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (số 16).
Chúng ta cùng nhìn lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Đây là một biến cố đặc biệt trong mầu nhiệm tình yêu nhập thể. Bởi trong biến cố này Chúa Giêsu biến đổi hình dạng hay nói đúng hơn là tỏ vinh quang thiên tính cho nhân loại, đại diện là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Sau khi được chiêm ngưỡng vinh quang thần tinh của Chúa Giêsu, Ngài bảo các ông hãy xuống núi: “Anh em đừng sợ, hãy chỗi dậy mà đi” (Mt 17,7). Trong biến cố này chúng ta gặp hai động từ “biến đổi” và “chỗi dậy”. Hai động từ này mang hai hình thể khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau. Nếu như động từ chỗi dậy ở thể chủ động thì động từ biến đổi mang hình thể bị động. Bị động ở hình thể ngoại tại do tác động của hoàn cảnh, môi trường và con người làm cho ta biến đổi. Nội tại vì chính Thiên Chúa tác động và thâm sâu cõi lòng làm cho ta được biến đổi. Sự biến đổi này đã chứng thực trong dụ ngôn người con hoàng đàng ở tin mừng Luca chương 15.
Biến đổi: Từ bỏ sự dữ, phù hoa trần thế, mặc lấy vinh quang của Đức Giêsu để làm chứng. Phục vụ bằng cả trí và tâm, ngôn ngữ và hành động.
Chổi dậy: Tinh thần hăng say, nhiệt huyết, lên đường phục vụ, xin vâng theo con đường thập giá.
Tự hiến phục vụ không chỉ được hiểu trong cuộc Thương Khó và Cái Chết của Đức Kitô, mà còn được hiểu qua chính biến cố Nhập Thể. Vì tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Ngài đã tự hạ mình để nâng con người lên, tức “thần hóa con người” (x. Pl 2,6-11).
Tự hiến phục vụ vừa sử dụng nguồn vốn của Thiên Chúa (số 162), vừa thực thi bác ái, con tim thiêng liêng của chính trị (187).
Thứ đến, Ngài thông ban ân sủng: Đức mến nhẫn nhục, hiền hậu.. không tìm tư lợi, không nuôi hận thù… (x. 1Cr 4-7).
Thực thi giới luật mới: “Khi sống thân phận làm môn theo Tin Mừng, tất cả dấn thân thực thi điều răn mới, bằng cách yêu thương phục vụ” (THĐSTH, số 42) .
Đối với đời sống đan tu tinh thần phục vụ được thánh phụ Biển Đức cụ thể hoá qua việc tiếp đón khách “viện phụ và cộng đoàn cùng rửa chân cho khách” (TL 53,13).
Thế nhưng trong cuộc sống, chúng ta thường thích chiêm ngưỡng ánh hào quang, thích được hưởng thụ hơn là đụng chạm đến vết thương của anh em.
Điển hình anh em nhà Giacôbê xúi giục mẹ xin Thầy cho một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy (x. Mt 20,21).
Mong rằng trong chúng ta không ai có tư tưởng bên hữu cha đây, con lên ngự trị, nhưng xin được thông phần chia sẻ những khó khăn với viện phụ.
Cộng đoàn tu sĩ là nơi diễn ra cuộc vượt qua hằng ngày và kiên trì từ cái “tôi” đến cái “chúng ta”… từ việc tìm kiếm “những điều thuộc về tôi” đến việc tìm kiếm “những điều thuộc về Đức Kitô” (VKĐSHĐCĐ của Bộ tu sĩ, số 39).
Tự hiến phục vụ là xin vâng trên con đường thập giá, cùng thông phần khổ đau với Chúa Giêsu: Ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng (THNVTM số 20), mang lấy “mùi của chiên” (số 24).
Dám xác tín như thánh Phaolô: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi….” (Pl 3,7-12).
Tự hiến phục vụ là nội tâm hoá, là canh tân, chết đi phần “con”, để phần “nhân” trổi dậy.
Một xã hội gồm toàn những cá nhân giàu sang sẽ không tôn vinh Thiên Chúa cho bằng một xã hội gồm những trái tim biết yêu thương chia sẻ… (Đức cha Bùi Tuần, CGVDT, số 1099, 23/3/1997).
2. Kiến tạo sự hiệp nhất, bình an
Cơ thể con người khoẻ mạnh, cường tráng đó chính là quá trình tổng hợp các chất. Đời sống cộng đoàn tồn tại và phát triển là nhờ sự kết tinh các chất dinh dưỡng bác ái (Tình yêu, lòng bao dung, hiệp nhất, tha thứ, phục vụ, cảm thông chia sẻ, lời nói xây dựng, khích lệ động viên…).
Sự kết tinh của các chất này tạo nên một sức mạnh phi thường trong đời sống cộng đoàn đức tin, không một thế lực nào có thể đập tan, dù bắt bớ, đánh đập, trảm huyết máu chảy, đầu rơi…
Cụ thể Giáo hội tiên khởi sống trong hang toại đạo bởi chính quyền Rôma truy lùng bắt bớ, giết hại nhưng không thể phá vỡ sự hiệp nhất và bình an bởi đức tin của họ.
Họ chuyên cần lắng nghe các tông đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42). Một lòng, một ý, tất cả làm của chung (Cv 4,32).
Vấn đề đặt ra là bằng phương pháp nào để đúc kết các đơn chất thành hợp chất?
Để trả lời vấn đề trên, xin đem ra phương pháp bào chế: loại bỏ phụ thể để lấy căn tính.
Phụ thể: Sự dữ, kiêu căng, hận thù, tính ích kỷ, tranh chấp, tham sân si...
Căn tính: Điều thiện, khiêm nhường, tình mến, vị tha, đức công bình, tinh thần quảng đại.
Sau dùng phương pháp loại bỏ chúng ta đem tất cả sao trên ngọn lửa Thánh Thần. Với tinh thần “Kiên nhẫn, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tự chủ” (Gl 5,22). Chất dinh dưỡng bác ái được kết tinh.
Cách sử dụng: dùng hằng ngày cùng với nguồn nước đức tin.
Tác dụng: Tạo kháng thể chống virus “ích kỷ”. Đặc biệt bổ mắt và tim. Hai cơ quan này giúp chúng ta dễ dàng nhận thấy Chúa Giêsu đang cô đơn nơi người già yếu, đang đau khổ nơi người bệnh tật, đang buồn phiền bên người cô đơn, đang gánh nặng nơi người có trọng trách…
Sản phẩm này được Đức thánh cha Phanxicô sử dụng và ngài nói trong bài giảng chủ nhật ngày 27/6/2021 vừa qua như sau: “Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Ung thư? Lao phổi? Đại dịch? Không. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu, là không thể yêu”.
Dưỡng chất bác ái kiến tạo sự hiệp nhất bình an, thì cầu nguyện sẽ là Vitamin C kiến tạo sức mạnh tình yêu. Ví như cơ thể chúng ta không tổng hợp Vitamin C, phải lấy từ ngoài vào qua các loại rau, quả. Cũng vậy, Vitamin C lời cầu nguyện cũng được tổng hợp qua các giờ thần vụ, lao động, sinh hoạt chung. Vitamin C bổ túc kháng thể giúp cơ thể phòng chống vi sinh vật gây bệnh, thì Vitamin C cầu nguyện phòng chống ba thù.
Giá trị của đời sống cầu nguỵện được Công đồng Vatican II xác tín rằng: “Các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong chuyên chăm cầu nguyện và vui sống đời khổ hạnh. Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, trang điểm cho Dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn dù rất âm thầm, nhưng lại thật phong phú trong sứ vụ tông đồ” (PC, số 7).
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói về sức mạnh của sự hiệp nhất bình an như sau: “Sự hiệp thông huynh đệ không chỉ là một phương tiện giúp thi hành một sứ mạng nào đó, mà còn là nơi Thiên Chúa ngự (THĐSTH số 42), không chỉ trong đời sống chung mà còn trong đời sống cầu nguyện” (số 45).
3. Dấu chỉ đời sống Nước Trời
Khi nói đến Nước trời chúng ta thường nghĩ đến một thực tại cao siêu, linh thiêng, nhưng Nước trời nói ở đây là nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến thiết lập trên trần gian.
Nước Thiên Chúa: Tình yêu, hoan lạc, bình an, tha thứ, bao dung.
Đời sống đan tu chúng ta đang thêu dệt bức tranh đó dưới sự hướng dẫn của hoạ sĩ thánh phụ Biển Đức qua thánh luật.
Khởi đầu bức hoạ cha thánh dùng màu xanh tô điểm bầu trời, trái đất và biển cả bằng những lời ngọt ngào phát xuất từ trái tim người cha: “Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ” (Lm, 1). Vâng, chỉ có tai lòng giúp chúng ta lắng nghe được tiếng nói lương tâm… Tiếng nói lương tâm lên tiếng thúc đẩy chúng ta thực thi bác ái trong chân lý. Yêu thương một cách vô vị lợi, phục vụ một cách nhưng không, cho đi mà không toan tính.
Bởi vậy, Cha thánh thúc giục chúng ta: “Hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết chộp lấy các con” (Lm, 11).
Màu xanh không chỉ nói lên khoảng không của đất trời mà còn khơi lên niềm hy vọng vào thời gian: “Thắt lưng bằng đức tin và sự thực thi các việc lành, dưới sự hướng dẫn của Phúc Âm, ta hãy tiến bước theo đường của Chúa, để đáng được xem thấy Đấng đã gọi ta vào vương quốc của Ngài” (Lm, 22).
Để bức tranh được khởi sắc thánh nhân sử dụng màu đỏ qua đức vâng phục (Chương V).
Màu đỏ mang biểu tượng của lửa và máu.
Lửa mang ý nghĩa thần học: Ánh sáng, Chân lý, lòng mến, sự Phục sinh của Đức Kitô.
Máu: Đức Giêsu dùng Máu Mình trên thập giá để tẩy rửa tội lỗi chúng ta.
Màu đỏ còn mang ý ngĩa của sức mạnh, sự can trường, sự hy sinh, là khí giới của “đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật” (Lm, số 3).
Đức vâng phục mời gọi chúng ta phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua bề trên, đó là điều cao đẹp nhất trong tình yêu yêu dâng hiến: “Vâng lời bề trên là vâng lời Thiên Chúa” (số 15).
Xen kẻ giữa màu xanh và màu đỏ thánh phụ Biển Đức điểm tô màu hồng qua đức khiêm nhường ở chương VII.
Màu hồng nói lên tình yêu và lòng trắc ẩn, tượng trưng cho sự dịu dàng chân thành và là dấu hiệu của niềm hy vọng.
Nếu muốn đạt tới đỉnh trong đời sống trọn lành thánh Biển Đức mượn hình ảnh cái thang 12 bậc nói về 12 đức khiêm nhường.
Những bậc thang gợi lên hình ảnh những ngọn núi giúp ta thanh luyện để bước chân thanh thoát trong hành trình tiến tới đỉnh núi. Đỉnh núi là nơi ông Môsê lên cầu nguyện, thiết lập Giao ước với Thiên Chúa, nhận lãnh Thập Điều (x. Xh 19-20). Đỉnh núi cũng là nơi Chúa Giêsu biểu lộ thần tính của Ngài cho Phêrô, Gioan, Giacôbê chiêm ngưỡng trong cuộc biến hình (x. Mc 9,2-10; Mt 17,1-9; Lc 9,28-36).
Bức tranh thêm sinh động và hoàn thiện cha thánh Biển Đức tô điểm các màu sắc bằng hình ảnh các phần tử trong cộng đoàn từ bề trên đến người mới vào, từ người già cho đến trẻ em… mỗi người mang một sứ vụ.
Những sứ vụ đó được phác hoạ theo các đường nét: Khí cụ làm việc lành (Ch.4). Thinh lặng (Ch.6). Giờ thần vụ (Ch. 8-20). Lao động (Ch.48). Ăn chay (Ch.49). Cầu nguyện (Ch.21), …. “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (Ch 72,11).
Khi nhìn vào bức hoạ đó cha tổ phụ Henri Denis Benoit không khỏi ngạc nhiên nên đã thốt lên rằng Giêsu, Giêsu thay thảy.
Hình ảnh Giêsu thể hiện cách cụ thể trong các giờ thần vụ, nhìn Chúa Giêsu cúi vinh danh như thế nào? Người nguyện gẫm, Người ăn cơm, làm việc (LGH số 136).
Kết luận
Cách đây hơn 2000 năm một vĩ nhân xuất hiện, mang danh hiệu là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (x. Is 7,14; Mt 1,23). Người không sinh ra bởi huyết nhục, nhưng được phát sinh bởi tình yêu Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Người là ánh sáng (Ga 8,12), là chân lý, là con đường dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa (Ga 14,6).
Ví như virus Corona xuất hiện để gây đau thương, chết chóc, chia rẽ nhân loại, Chúa Giêsu đến để đem sự bình an, chữa lành, thông ban tình yêu và hiệp thông.
Virus Corona làm tê liệt kinh tế, chính trị, văn hoá, tôn giáo, Chúa Giêsu xây dựng nền văn minh tình thương không phân biệt nô lệ, chủng tộc màu gia, giai cấp, ngôn ngữ, Do thái hay Hy lạp (x. Gl 3,28).
Giả như virrus Corona xuất hiện làm cho các chuyên viên y khoa đau đầu để nghiên cứu vaccine phòng ngừa, Chúa Giêsu mang đến liều “doping”, tạo nguồn hứng khởi cho các thần học gia ca ngợi vẻ đẹp thần bí về mầu nhiệm Tình Yêu Nhập Thể.
Ví như con người không may bị nhiễm Covid-19 thì có những triệu chứng bất an như: sốt, đau đầu, đau nhức cơ, ho, đau họng, khó thở. Ngược lại con người có Chúa thì tâm hồn hoan lạc, bình an, từ tâm, nhẫn nại.
Phòng ngừa virus Corona Bộ y tế sử dụng thông điệp 5K thể lý: Khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khoảng cách, khai báo y tế.
Phòng ngừa tội lỗi bằng thông điệp 5K thiêng liêng: Kính sợ Chúa, kinh nguyện, khổ chế, khiêm nhường, khôn ngoan.
Cảm thức sâu xa về nền văn hoá thiếu tình thương, Đức thánh cha Phanxicô viết thông điệp này gói gém tất cả con tim và và lý trí mơ về tình anh em duy nhất, bác ái là con tim linh thiêng (187), là linh hồn của chính trị (180). Nhằm mời gọi chúng ta cảm thấu nỗi đau nơi người anh em để chia sẻ bằng tất cả nghị lực, ý chí và con tim. Ngài ước mong rằng trong thời đại hiện nay, bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần làm sống lại khát vọng phổ quát về tình huynh đệ (8).
“Bác ái cần ánh sáng của sự thật mà ta không ngừng tìm kiếm, Ánh sáng đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin” (185). Bởi Đức tin và Lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý (Thông điệp Fides et Ratio số 1).
______________________________
[1] Thông Điệp Caritas in Veritate, số 2.
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1c_%C3%A1i.
[3] Bùi Trọng Tài, Lê Văn Cảnh, Chính trị học Đại cương, Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên 2011.
[4] Thông Điệp Caritas in Veritate, số 7.
[5] Thông Điệp Caritas in Veritate, số 1.
[6] Thông Điệp Caritas in Veritate, số 2.
-
Đào tạo người môn đệ trưởng thành sống tình huynh đệ và liên đới (02/12)
-
Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống tinh thần hiệp hành “một đi chung cùng nhau” (DN 150) trong đời sống cộng đoàn, theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận (29/10)
-
Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống tinh thần "Ad majorem Dei gloriam" theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận (16/09)
-
Lao động trong đời sống đan tu (08/01)
-
Vấn đề truyền thụ ngày nay (01/02)
-
NHỮNG THÀNH KIẾN TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC (17/10)
-
TÌNH HUYNH ĐỆ KITÔ GIÁO TRONG FRATELLI TUTTI VÀ ĐỨC “KIÊM ÁI” CỦA MẶC TỬ (30/09)
-
THIÊN CHÚA QUA CẢM NGHIỆM CỦA CÁC NHÀ THẦN BÍ TIÊU BIỂU (22/07)
-
Ý NGHĨA VÀ CÙNG ĐÍCH CỦA VIỆC HỌC (19/05)
-
Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: NHÂN PHẨM VÀ BÌNH ĐẲNG THEO THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI (19/11)