Thường huấn

Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống “cảm thức thuộc về” theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận trong nếp sống huynh đệ cộng đoàn

Cha tổ phụ Biển Đức Thuận, vị sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia, đã để lại một di sản thiêng liêng quý giá, trong đó tinh thần cộng đoàn và tình huynh đệ chiếm vị trí trung tâm. Ngài không chỉ giảng dạy về đời sống chung mà còn sống trọn vẹn tinh thần ấy qua sự dấn thân, hy sinh vì anh em, sự khiêm nhường và đời sống cầu nguyện chung. Đối với ngài, “cảm thức thuộc về” không chỉ là sự gắn bó về mặt hình thức, mà là một hành trình nội tâm sâu xa, trong đó tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đoàn trở thành lẽ sống.

 

 

Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống “cảm thức thuộc về”

theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận trong nếp sống huynh đệ cộng đoàn

 

 

M. Đaminh Nguyên Nguyễn Văn Bắc

Dẫn nhập

 

Trong đời sống đan tu, “cảm thức thuộc về” không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà là một thực tại sống động. Đó là sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, với cộng đoàn và với ơn gọi riêng của mỗi người. Đối với đan sĩ Xitô Thánh Gia, ý thức sâu xa về sự thuộc về này chính là nền tảng giúp họ trung thành với lý tưởng đan tu, vun đắp tình huynh đệ và xây dựng cộng đoàn trong hiệp nhất và yêu thương.

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, vị sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia, đã để lại một di sản thiêng liêng quý giá, trong đó tinh thần cộng đoàn và tình huynh đệ chiếm vị trí trung tâm. Ngài không chỉ giảng dạy về đời sống chung mà còn sống trọn vẹn tinh thần ấy qua sự dấn thân, hy sinh vì anh em, sự khiêm nhường và đời sống cầu nguyện chung. Đối với ngài, “cảm thức thuộc về” không chỉ là sự gắn bó về mặt hình thức, mà là một hành trình nội tâm sâu xa, trong đó tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đoàn trở thành lẽ sống.

 

Truyền thống đạo đức tốt đẹp này không chỉ được tiếp nối từ tinh thần của Thánh Biển Đức mà còn được thể hiện một cách cụ thể nơi chính Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận. Ngài đã sống, yêu mến và gắn bó với cộng đoàn mình một cách trọn vẹn. Trong một bức thư gửi cho bà kế mẫu, ngài đã bày tỏ rõ ràng cảm thức này: “Con tưởng con không thể sống ngoài thế gian được nữa. Mấy ngày con vừa phải ở ngoài thế gian đó, con lấy làm cực khổ hơn ăn chay trót mùa Chay – cả chay dòng lẫn chay Hội Thánh. Con gặp cha nào cũng tiếp đãi con tử tế và thương mến con lắm. Mặc dầu, mẹ tính sao, mẹ bỏ con cá vào bình nứt thì nó thích ở đó hay ở trong bình nước hơn! Phần con, con thích Nhà Dòng của con hơn, con tiếc vì phải bỏ Nhà Dòng mà ra ngoài...” [1].

 

Những lời này không chỉ là một sự diễn tả tình cảm cá nhân mà còn phản ánh sâu sắc tâm hồn của một người đan sĩ hoàn toàn thuộc về cộng đoàn, nơi mà ngài xem như mái nhà thiêng liêng của mình.

 

Xuất phát từ tinh thần đó, bài viết này sẽ triển khai chủ đề “Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống ‘Cảm thức thuộc về’ theo gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận trong nếp sống huynh đệ cộng đoàn”, với ba điểm chính:

 

1. Tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “Cảm thức thuộc về”

2. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã sống cảm thức thuộc về như thế nào?

3. Đan sĩ Xitô Thánh Gia noi gương Cha Tổ Phụ sống cảm thức thuộc về trong nếp sống huynh đệ cộng đoàn

 

Hy vọng qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đào sâu hơn về tinh thần mà Cha Tổ Phụ đã để lại, để mỗi đan sĩ có thể sống trọn vẹn hơn cảm thức thuộc về trong đời sống đan tu của mình.

 

1. Cùng tìm hiểu cụm từ “Cảm thức thuộc về

 

Theo nguyên ngữ Latinh, “Sensus Pertinendi” – Cảm thức thuộc về – mang ý nghĩa về sự gắn kết chặt chẽ giữa một cá nhân với một cộng đồng hay một thực tại lớn hơn, trong đó tồn tại mối tương quan sâu sắc, không chỉ về mặt hình thức mà còn về tâm hồn và trách nhiệm.

 

Theo Từ điển Tiếng Việt, “cảm thức” là sự nhận thức bằng cảm quan và cảm giác, còn “thuộc về” diễn tả mối tương quan hai chiều giữa các chủ thể, thể hiện sự gắn bó mật thiết với nhau. Như vậy, “cảm thức thuộc về” có thể được hiểu là sự ý thức sâu xa về mối liên hệ gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng, nơi họ tìm thấy ý nghĩa, sự đồng cảm và trách nhiệm chung.

 

Trong bối cảnh bài viết này, “cảm thức thuộc về” không đơn thuần là một khái niệm trừu tượng, mà chính là sự gắn bó mật thiết của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận với cộng đoàn Xitô Thánh Gia – nơi ngài đã sáng lập, dấn thân và hiến trọn cuộc đời mình để phục vụ.

 

1.1. Cảm thức thuộc về trong đời sống Kitô hữu

 

Trong bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta ngày 07/05/2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thức thuộc về trong đời sống đức tin khi ngài nói: “Đừng đánh mất cảm thức thuộc về dân Chúa”.

 

Ngài cảnh báo về xu hướng cá nhân hóa đức tin, biến Kitô giáo thành một tinh thần ưu tuyển, chỉ dành cho một nhóm người nhất định, thay vì nhận thức rằng đức tin Kitô giáo chính là thuộc về một dân tộc được Thiên Chúa tự do tuyển chọn. Ngài giải thích: “Kitô giáo không phải là một tập hợp những con người ưu tuyển, cũng không chỉ là việc thuộc về một tổ chức hay phong trào cụ thể nào đó. Nếu chúng ta không ý thức mình thuộc về một dân tộc, chúng ta dễ rơi vào một thứ Kitô giáo mang tính ý thức hệ, tách biệt khỏi thực tại của Giáo Hội. Một Kitô hữu đích thực là người cảm nhận mình thuộc về cộng đoàn, thuộc về dân Thiên Chúa”.[2]

 

Như vậy, “cảm thức thuộc về” không chỉ là một cảm giác cá nhân mà là một ý thức về sự gắn kết sâu xa với một cộng đồng, nơi mỗi người tìm thấy căn tính, sứ mạng và trách nhiệm của mình.

 

1.2. Cảm thức thuộc về trong đời sống đan tu

 

Trong đời sống đan tu, cảm thức thuộc về không chỉ là một yếu tố cần thiết mà còn là một phần cốt lõi làm nên căn tính của đời sống chiêm niệm. Điều này được thể hiện qua ba yếu tố quan trọng:

 

+ Đặc sủng: Sống hoàn toàn cho Thiên Chúa trong cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống  huynh đệ.

+ Sứ mạng: Làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống thinh lặng, chiêm niệm và phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện.

+ Tinh thần và ý định của Đấng Sáng Lập: Đối với Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận chính là người đã đặt nền tảng cho tinh thần thuộc về này bằng chính đời sống gương mẫu của ngài.

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã sống trọn vẹn cảm thức thuộc về Thiên Chúa, Giáo Hội và cộng đoàn của mình. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách mà ngài đã thực hành và thể hiện tinh thần này trong suốt cuộc đời dâng hiến của mình.

 

2. Cha tổ phụ Biển Đức Thuận sống cảm thức thuộc về như thế nào?

2.1. Thuộc về Thiên Chúa

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận sống trọn vẹn trong sự tín thác vào Thiên Chúa, xem mọi hành động của mình như một của lễ dâng lên Ngài. Đối với cha, cầu nguyện không chỉ là một thói quen mà là hơi thở của đời sống, là con đường giúp ngài kết hợp mật thiết với Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong từng khoảnh khắc. Chính từ sự kết hợp này mà ngài tìm được sức mạnh để thực hiện sứ vụ, bất chấp những khó khăn và thách đố của đời sống đan tu và truyền giáo.

 

2.1.1. Tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa

 

Cha Tổ Phụ luôn xác tín rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa, và con người chỉ có thể đạt tới sự trọn hảo khi hoàn toàn đặt mình trong tay Ngài. Ngay từ những ngày đầu lập dòng, khi đối diện với muôn vàn thử thách – từ sự thiếu thốn vật chất đến những khó khăn trong việc xây dựng cộng đoàn – cha vẫn một lòng kiên trì trong cầu nguyện, tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ luôn đồng hành và dẫn dắt.

 

2.1.2. Kết hợp sâu xa với Thiên Chúa qua cầu nguyện

 

Cảm thức thuộc về Thiên Chúa nơi Cha Tổ Phụ không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua chính đời sống cầu nguyện hằng ngày. Ngài coi cầu nguyện là trung tâm của đời sống, là hơi thở của tâm hồn, giúp ngài luôn sống trong sự hiện diện của Chúa: Cầu nguyện là chính việc của chúng ta. Thầy Dòng phải là con người cầu nguyện[3]. Ngài dành nhiều thời gian thinh lặng, chiêm niệm để lắng nghe và thực thi thánh ý Chúa, đồng thời làm gương cho các đan sĩ trong cộng đoàn về một đời sống gắn bó mật thiết với Ngài.

 

2.1.3. Từ bỏ bản ngã và ý riêng để thuộc về Thiên Chúa

 

Cha Tổ Phụ hiểu rằng để thực sự thuộc về Thiên Chúa, con người cần từ bỏ bản ngã, gạt đi những ước muốn riêng tư để hoàn toàn sống theo thánh ý Ngài. Chính vì vậy, cha luôn sẵn sàng đón nhận mọi hy sinh, mọi khó khăn với lòng khiêm nhường và vâng phục. Cuộc đời của ngài là một minh chứng cho sự phó thác trọn vẹn, ngay cả khi điều đó đòi hỏi nhiều từ bỏ và đau khổ, bởi vì ngài luôn xác tín: Một lần chịu khó vì Chúa, thì hơn tram lần làm lành cho thế gian[4].

 

2.1.4. Truyền cảm thức thuộc về Thiên Chúa cho cộng đoàn

 

Cha Tổ Phụ không chỉ sống cảm thức thuộc về Thiên Chúa một cách cá nhân, mà còn không ngừng lan tỏa tinh thần ấy đến cộng đoàn. Ngài mời gọi các đan sĩ sống như một thân thể duy nhất trong Đức Kitô, nơi mà mọi thành viên không chỉ gắn bó với nhau mà còn cùng nhau thuộc về Thiên Chúa. Ngài nhắc nhở họ rằng mục đích tối hậu của đời sống đan tu không nằm ở những thành công bên ngoài, mà chính là sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa.

 

Ngài khuyến khích các đan sĩ luôn ý thức về ơn gọi cao trọng này khi nhấn mạnh: “Chúng ta nên nhớ điều này, mọi sự thế gian đều vô lối, vô ích, chóng qua cả, trừ sự kính mến Chúa và làm tôi Người, đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi. Vậy cảm ơn Chúa đã kêu gọi chúng ta vào Dòng, để lo việc cao trọng ấy”.[5]

 

Nhờ sống tinh thần này, cộng đoàn Xitô Thánh Gia không chỉ là một nơi cư trú mà trở thành một không gian thiêng liêng, nơi các đan sĩ cùng nhau thuộc về Thiên Chúa, cùng nhau phụng sự Ngài trong đời sống cầu nguyện, chiêm niệm và tình huynh đệ.

 

2.2. Thuộc về cộng đoàn

 

Cha Biển Đức Thuận không chỉ sống cảm thức thuộc về cộng đoàn một cách sâu sắc, mà còn truyền đạt tinh thần này cho các môn sinh. Đối với ngài, cộng đoàn không chỉ là nơi quy tụ những người cùng lý tưởng, mà còn là một thân thể thiêng liêng, nơi mỗi thành viên tìm thấy ý nghĩa và sứ mạng đời tu.

 

2.2.1. Xây dựng cộng đoàn trên nền tảng tình huynh đệ

 

Cha Tổ Phụ nhấn mạnh đời sống đan tu gắn liền với tinh thần cộng đoàn. Ngài dạy rằng mỗi đan sĩ là một chi thể trong thân thể Đức Kitô, có trách nhiệm vun đắp đời sống chung và yêu thương anh em: Nếu trong nhà, mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong nhà đều được an ủi, vui vẻ biết mấy[6].

 

Tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn không chỉ là một bổn phận, mà còn là một ơn gọi, giúp mỗi người cảm nhận sự thuộc về trong tình yêu Thiên Chúa qua mối tương quan với anh em mình.

 

2.2.2. Khiêm nhường và phục vụ là cách diễn tả sự thuộc về

 

Cha Tổ Phụ không chỉ khuyên dạy đan sĩ sống khiêm nhường và phục vụ, mà còn trở thành mẫu gươn sẵn sàng đảm nhận những công việc nhỏ bé. Theo Ngài: Người khiêm nhường thì được Chúa thương và được ban muôn ơn lành[7].

 

Đối với cha, không có sự phân biệt giữa người lãnh đạo và người phục vụ – tất cả cùng nhau chia sẻ trách nhiệm: Kẻ khiêm nhường thì chi cũng được, việc chi cũng xong; bữa nay được nhắc lên thì cũng được, đến mai lại bị hạ xuống cũng vâng, chi cũng xin vâng hết[8].

 

2.2.3. Nâng đỡ và chấp nhận nhau trong tình huynh đệ

 

Cha Tổ Phụ ý thức rằng mỗi người đều có yếu đuối, nên luôn khuyến khích các đan sĩ thực hành sự bao dung và nâng đỡ nhau. Ngài nhắn nhủ: Vậy, chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu nhau. Đừng xét nét anh em khi không phải việc của mình, vì sự ấy đã có bề trên và người coi sóc. Thật, cha thấy sự ấy trong chúng ta còn thiếu nhiều lắm, chẳng những không thấy tấn tới, mà còn sút kém nữa[9].

 

Lời dạy của cha phản ánh một nguyên tắc quan trọng trong đời sống cộng đoàn là chỉ khi biết chấp nhận và nâng đỡ nhau, các đan sĩ mới có thể thực sự cảm nhận được sự thuộc về và lớn lên trong tình yêu của Chúa.

 

2.2.4. Hiệp nhất qua cầu nguyện và lao động chung

 

Đối với Cha Tổ Phụ, cầu nguyện và lao động không chỉ là bổn phận mà còn là phương tiện xây dựng sự hiệp nhất. Ngài nhấn mạnh rằng không ai thuộc về chính mình, mà thuộc về anh em và Thiên Chúa. Sự hiệp nhất này không phải là một khái niệm trừu tượng, mà được cụ thể hóa qua những sinh hoạt chung, nơi mỗi người đều ý thức trách nhiệm và sự gắn kết với cộng đoàn.

 

Như vậy, cảm thức thuộc về cộng đoàn không chỉ là một thái độ nội tâm, mà còn là một lối sống. Di sản thiêng liêng của Cha Tổ Phụ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ môn sinh trong đời sống đan tu, trong tinh thần yêu thương, hiệp nhất và phục vụ.

 

2.3. Phục vụ và dấn thân

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận không chỉ sống cảm thức thuộc về trong đời sống cầu nguyện và cộng đoàn, mà còn thể hiện tinh thần ấy qua sự phục vụ quảng đại. Ngài sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích chung, dấn thân không mệt mỏi cho sự phát triển của cộng đoàn. Lối sống này chính là minh chứng sống động cho tinh thần Phúc Âm, giúp mọi người nhận ra hình ảnh một nhà truyền giáo đích thực: khiêm nhường, kiên nhẫn và đầy yêu thương. Đối với cha, phục vụ không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là cách thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và cộng đoàn.

 

2.3.1. Dấn thân không ngại khó khăn vì cộng đoàn

 

Cha Tổ Phụ đã chọn con đường phục vụ trong những hoàn cảnh đầy thử thách. Khi đến Việt Nam, ngài không chỉ đối diện với sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, mà còn phải thích nghi với điều kiện sống khó khăn. Dẫu vậy, ngài không nản lòng, luôn sẵn sàng hy sinh để xây dựng cộng đoàn.

 

Ngài không chỉ giảng dạy bằng lời nói, mà còn bằng chính sự hiện diện và những hành động cụ thể. Đối với cha, việc đồng hành và chia sẻ trong đời sống thường nhật chính là một cách phục vụ thiết thực. Ngài không ngại đảm nhận những công việc nhỏ bé, nặng nhọc, hòa mình vào đời sống chung để tạo bầu khí huynh đệ bền vững trong cộng đoàn. Chính tinh thần này đã giúp các đan sĩ cảm nhận được sự gắn kết và thuộc về cộng đoàn một cách sâu sắc.

 

2.3.2. Phục vụ Giáo Hội và người nghèo

 

Mặc dù là một đan sĩ chiêm niệm, Cha Tổ Phụ vẫn dành tâm huyết cho công việc truyền giáo và bác ái. Ngài mở rộng trái tim mình để đón nhận những người nghèo khổ, những ai bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, cha còn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Giáo Hội địa phương, tích cực tham gia vào công tác truyền giáo và giảng dạy giáo lý.

 

Ngài dành một giờ mỗi ngày để dạy giáo lý cho bổn đạo, tận tâm thăm viếng các họ đạo và gia đình tín hữu. Không chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đoàn, Cha Tổ Phụ còn chữa bệnh cho những người đau yếu, bất phân lương giáo, và phân phát tiền bạc cho người nghèo đến xin trợ giúp. Chính sự hy sinh này đã để lại một di sản quý báu, trở thành tấm gương cho các thế hệ đan sĩ noi theo.[10]

 

2.3.3. Khiêm nhường và niềm tin kiên vững trong sự hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa

 

Cha Tổ Phụ không tìm kiếm vinh quang hay sự công nhận cho riêng mình. Ngài luôn phục vụ với tâm hồn khiêm nhường, coi mình chỉ là một khí cụ nhỏ bé trong tay Thiên Chúa. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngài vẫn kiên trì dấn thân, tin tưởng rằng mọi công việc mình làm đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

 

Sự phục vụ của cha không xuất phát từ danh lợi hay mong muốn công trạng cá nhân, mà từ ý thức sâu sắc rằng ngài thuộc trọn về Thiên Chúa. Cuộc đời ngài là một sự hiến dâng liên lỉ, trong đó từng hành động phục vụ đều trở thành một lời cầu nguyện và một lời chứng sống động cho tình yêu Thiên Chúa.

 

Tóm lại, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã sống trọn vẹn cảm thức thuộc về qua sự phục vụ quảng đại và dấn thân không ngừng nghỉ. Ngài để lại một mẫu gương sáng ngời, một gia sản thiêng liêng quý báu cho các đan sĩ noi theo. Đối với cha, phục vụ không chỉ là một hành động, mà là một con đường để mỗi người gắn kết mật thiết hơn với Thiên Chúa và cộng đoàn.

 

3. Đan sĩ Xitô Thánh Gia noi gương Cha Biển Đức Thuận sống cảm thức thuộc về trong nếp sống huynh đệ cộng đoàn

 

3.1. Sống tinh thần hiệp thông huynh đệ

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là tấm gương sáng về đời sống huynh đệ trong tinh thần hiệp thông. Ngài không chỉ giảng dạy bằng lời nói mà còn thể hiện qua đời sống yêu thương, phục vụ anh em trong đơn sơ và khiêm nhường. Noi gương ngài, các đan sĩ Xitô Thánh Gia được mời gọi sống hiệp thông huynh đệ cách trọn vẹn. Ngài đã nhắn nhủ các môn sinh của mình: “Chúng ta là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải yêu thương nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, lại phải thương yêu hết mọi người[11].

 

Trước hết, hiệp thông huynh đệ được thể hiện qua sự gắn kết trong phụng vụ. Cha Tổ Phụ luôn coi cầu nguyện chung là trung tâm đời sống đan tu: “Phước của đời chúng ta, là trở nên một loài chim, hót lên lời ca ngơi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là ‘con chim hót hay hơn cả’[12]. Khi tham dự phụng vụ với tâm hồn sốt sắng, mỗi đan sĩ không chỉ cầu nguyện cho bản thân mà còn nâng đỡ anh em trên hành trình thiêng liêng.

 

Bên cạnh đó, đời sống chung là môi trường thực hành hiệp thông. Đan tu không phải là hành trình cá nhân khép kín mà là sự chia sẻ liên lỉ trong mọi sinh hoạt: từ giờ kinh, bữa ăn đến lao động. Noi gương Cha Tổ Phụ, mỗi đan sĩ được mời gọi sống khiêm nhường, đón nhận khác biệt, tránh tranh chấp, xây dựng bầu khí yêu thương.

 

Cuối cùng, tinh thần hiệp thông còn thể hiện qua phục vụ và hy sinh. Cha Tổ Phụ luôn coi mình là khí cụ của Thiên Chúa, âm thầm phục vụ vì ích chung. Noi theo gương ngài, các đan sĩ được mời gọi từ bỏ ý riêng, sống tinh thần trách nhiệm, dẫn dắt nhau bằng chính đời sống gương mẫu, để cộng đoàn trở thành dấu chỉ sống động của Nước Trời: “Nếu cả Nhà Dòng chúng ta ai nấy cứ chăm lo sống như Chúa Giêsu thì thật tốt biết mấy! Người ta nhìn vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy[13].

 

3.2. Sống vâng phục và khiêm nhường

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, một con người tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, đã để lại một tấm gương sáng ngời về đời sống vâng phục và khiêm nhường. Ngài nói: “Trong một ngày, chúng ta kiêu ngạo nhiều lần, song người khiêm nhường vẫn ở bình an luôn. Như khi nghe tin rằng, ngày mai sẽ bị bắt giam, hoặc Bề trên loại ra, thì kẻ khiêm nhường cũng cứ ngủ bình an; hay là nghe tin rằng, ngày mai se được lên làm lớn, thì cũng thế thôi, cứ ngủ bình an. Cho nên kẻ khiêm nhường được bình an luôn[14]. Noi theo tinh thần của ngài, các đan sĩ Xitô Thánh Gia cũng được mời gọi sống cảm thức thuộc về, một sự gắn bó trọn vẹn với cộng đoàn và với Thiên Chúa trong đức tin.

 

Sự thuộc về này không chỉ đơn thuần là một danh phận, mà còn là một sự dấn thân sâu xa trong đời sống đan tu. Trong đan viện, đan sĩ không sống theo ý riêng, nhưng đón nhận ý Chúa qua sự hướng dẫn của Bề trên và luật dòng. Chính nhờ sự vâng phục này, họ học được bài học từ bỏ cái tôi để sống cho cộng đoàn và sứ mạng của Hội Dòng.

 

Hơn nữa, khiêm nhường là điều cốt yếu giúp đan sĩ gìn giữ sự thuộc về ấy. Noi gương Cha Tổ Phụ, người đã sống một đời giản dị, luôn đặt mình sau cùng và đón nhận mọi sự như một hồng ân Thiên Chúa, đan sĩ cũng được mời gọi nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình để hoàn toàn nương tựa vào Chúa. Chính nhờ khiêm nhường, họ có thể vượt qua những thử thách trong đời sống chung, biết đón nhận nhau trong yêu thương và hòa hợp.

 

Như thế, sống cảm thức thuộc về trong vâng phục và khiêm nhường không chỉ là một lý tưởng cao đẹp, mà còn là một con đường cụ thể giúp đan sĩ Xitô Thánh Gia triển nở trong ơn gọi và trung tín với lời khấn hứa của mình.

 

3.3. Thực hành cầu nguyện và lao động chung

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, vị linh hướng tận tụy của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, đã để lại tấm gương sáng về đời sống đan tu, đặc biệt trong cầu nguyện và lao động. Noi theo ngài, đan sĩ được mời gọi sống cảm thức thuộc về qua sự hiệp thông với Thiên Chúa và cộng đoàn qua đời sống cầu nguyện và lao động chung.

 

Cầu nguyện là linh hồn của đời sống đan tu, nơi đan sĩ kín múc sức mạnh thiêng liêng. Noi gương Cha Tổ Phụ, các đan sĩ ý thức rằng cầu nguyện không chỉ dành cho bản thân mà còn cho Giáo Hội và thế giới. Khi cùng nhau cử hành phụng vụ, đọc kinh Thần Vụ, hay chiêm niệm trước Thánh Thể, họ sống mầu nhiệm hiệp thông sâu xa với cộng đoàn và Hội Thánh. Ngài từng nhấn mạnh: “Bổn phận chúng ta là cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Đó là việc riêng của chúng ta. Cầu nguyện thì phải tin cậy Chúa, vì Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện, chúng ta phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Nhà này mà không cầu nguyện, thì hóa ra một nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng ta. Thầy dòng phải là con người cầu nguyện…[15].

 

Bên cạnh cầu nguyện, lao động chung là cách đan sĩ thể hiện sự hiệp thông qua phục vụ và chia sẻ. Noi theo Cha Tổ Phụ, người đã sống khiêm tốn và tận tụy trong công việc, các đan sĩ không chỉ lao động để mưu sinh mà còn để yêu mến Thiên Chúa và anh em. Dù làm việc trong ruộng đồng, xưởng thợ, nhà bếp hay thư viện, họ đều nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và tình huynh đệ.

 

Cha Tổ Phụ đã thường dạy: “Trong Nhà Dòng có ba việc phải làm: Thứ nhất, đọc kinh hát lễ thay cho cả Hội Thánh thờ phượng, ca ngợi Chúa, cũng như quân lính hàng canh thức luôn. Thế gian thường lo tìm bạc tiền, lo vui chơi ngủ nghỉ, chúng ta như lính phải canh thức luôn mà cầu nguyện thay mặt Hội Thánh. Thứ hai, chúng ta phải học hành, xem sách thiêng liêng, suy gẫm, kết hiệp với Chúa. Thứ ba là làm việc xác. Trong chúng ta, ai lấy việc xác làm nặng nề, buồn bực, chán ngán, thì ở Nhà Dòng này không được. Ở Nhà Dòng này phải làm việc xác, ai theo sức nấy. Việc xác là việc đền tội, và cũng là việc các thánh đã làm. Việc xác cũng là việc Chúa Giêsu đã lấy làm cần, chính Ngài đã tra tay làm việc nặng nề khó nhọc lâu năm ở Nazareth. Lại các thánh xưa nay cũng làm việc mà nuôi mình. Vậy chúng ta đã hiểu, việc xác là điều có ích, giúp chúng ta cả phần hồn lẫn phần xác[16].

 

Như vậy, sống cảm thức thuộc về trong cầu nguyện và lao động giúp đan sĩ Xitô gìn giữ sự hiệp nhất, trưởng thành trong tâm linh và góp phần xây dựng cộng đoàn. Noi gương Cha Tổ Phụ, mỗi đan sĩ được mời gọi biến từng giờ cầu nguyện và lao động thành lời ngợi khen Thiên Chúa, sống trung thành với ơn gọi của mình.

 

3.4. Sống khó nghèo và đơn sơ

 

Lịch sử ghi nhận, “Ngày 14.8.1918, cha Benoit cùng người môn đệ đầu tiên chuyên chở đồ đạc lên Phước Sơn để từ nay sống chết tại đó. Tất cả gia tài của hai cha con vỏn vẹn một gánh. Thế nhưng, khi ngồi trên mũi thuyền ngược dòng Bến Hải lên Phước Sơn, cha Benoit hân hoan nhìn thấy một viễn tượng huy hoàng trong tương lai”.[17]

 

Chứng từ này cho thấy Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là tấm gương sáng về đời sống khó nghèo và đơn sơ, thể hiện qua tinh thần phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa. Noi gương ngài, đan sĩ Xitô được mời gọi sống sự từ bỏ, giản dị và thanh thoát để hoàn toàn thuộc về Chúa và cộng đoàn.

 

Khó nghèo giúp đan sĩ thoát khỏi sự ràng buộc vật chất, đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Noi theo Cha Tổ Phụ, các đan sĩ chấp nhận từ bỏ tiện nghi cá nhân, bằng lòng với những gì đơn sơ và cần thiết. Trong đan viện, tài sản được sử dụng chung, không ai sở hữu riêng, thể hiện sự lệ thuộc vào Chúa và cộng đoàn. Chính trong sự nghèo khó, đan sĩ tìm thấy tự do nội tâm, không bị vướng bận bởi lo toan vật chất, nhờ đó có thể tập trung vào hành trình nên thánh, là ước ao duy nhất của đan sĩ: “Vậy, chúng ta phải ước ao nên thánh. Nhưng chớ có ai ước cho được phong thánh, chớ ước ao cho mình có truyện thánh đọc trong nhà cơm. Chớ ước ao như vậy. Vì đó là kiêu ngạo. Còn ước ao cho mình được nên thánh, thì được[18].

 

Đơn sơ là thái độ giúp đan sĩ sống chân thành, khiêm nhường và yêu thương. Noi gương Cha Tổ Phụ, người luôn giản dị và chan hòa, đan sĩ được mời gọi sống đơn sơ trong tư tưởng, lời nói và hành động. Đơn sơ không chỉ thể hiện qua nếp sống mà còn trong tâm hồn luôn rộng mở, chân thành, khiêm hạ, tránh xa sự giả tạo và phức tạp. Nhờ đó, đời sống huynh đệ trở nên nhẹ nhàng và bền vững hơn.

 

Khi sống khó nghèo và đơn sơ, đan sĩ nên giống Đức Kitô, Đấng đã chọn con đường khiêm hạ, và ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cộng đoàn. Noi gương Cha Tổ Phụ, họ khám phá rằng chính trong sự từ bỏ, họ tìm thấy sự viên mãn, và trong sự đơn sơ, họ cảm nhận niềm vui đích thực.

 

Sự khó nghèo và đơn sơ không chỉ là đức tính luân lý mà còn là con đường thiêng liêng, giải thoát tâm hồn, dẫn đan sĩ đến sự thuộc trọn về Thiên Chúa và Hội Dòng, sống trọn vẹn ơn gọi trong bình an và phó thác.

 

3.5. Sống trung tín và bền đỗ

 

Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã sống đời tận hiến với lòng trung tín và bền đỗ, trở thành gương mẫu cho đời sống đan tu. Noi gương ngài, đan sĩ Xitô Thánh Gia được mời gọi sống cảm thức thuộc về qua sự kiên trì gắn bó với Thiên Chúa, trung thành với lời khấn hứa và bền đỗ trong ơn gọi, bất chấp mọi thử thách.

 

Trung tín thể hiện qua sự gắn bó sâu xa với Thiên Chúa và cộng đoàn, không chỉ trong những lời khấn, mà trong việc cầu nguyện, vâng phục và hiệp thông. Sự trung tín không phải là lý tưởng xa vời, mà được nuôi dưỡng qua những việc nhỏ bé hàng ngày, từ cầu nguyện, lao động đến học hành.

 

Bền đỗ là hoa trái của trung tín, thể hiện sự kiên trì bước theo Chúa dù gặp thử thách. Noi theo Cha Tổ Phụ, đan sĩ Xitô Thánh Gia được mời gọi vượt qua những khô khan, khó khăn, và cám dỗ bỏ cuộc. Chính trong những lúc đó, họ cần nhớ lại lý do mình chọn đời tu và phó thác vào Chúa.

 

Bền đỗ không chỉ là ở lại về mặt thể lý, mà còn là sự kiên định trong tâm hồn và tình yêu dành cho Chúa. Sống trung tín và bền đỗ không chỉ giúp đan sĩ giữ gìn ơn gọi cá nhân mà còn góp phần làm cho cộng đoàn vững mạnh hơn.

 

Kết luận

 

Sống “cảm thức thuộc về” trong đời sống huynh đệ cộng đoàn là một yếu tố cốt lõi của đời sống đan tu, giúp đan sĩ không chỉ gắn kết với cộng đoàn mà còn củng cố mối tương quan với Thiên Chúa. Đối với đan sĩ Xitô Thánh Gia, sự thuộc về không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một ơn gọi, một hành trình liên lỉ tìm kiếm sự hiệp nhất trong yêu thương và phục vụ.

Noi gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, người đã hiến trọn đời mình để xây dựng cộng đoàn trên nền tảng huynh đệ và khiêm nhường, đan sĩ Xitô Thánh Gia được mời gọi thể hiện sự thuộc về cách cụ thể qua đời sống cầu nguyện, lao động chung, vâng phục, khiêm nhường và tình yêu thương anh em. Sự thuộc về này giúp họ vượt qua những thách đố cá nhân, từ bỏ ý riêng để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương, nơi mỗi người tìm thấy niềm vui và sự nâng đỡ thiêng liêng.

Tuy nhiên, để sống cảm thức thuộc về, đan sĩ cần có lòng kiên trì và sự mở lòng đón nhận anh em, vì đời sống chung không tránh khỏi những khác biệt và thử thách. Nhưng chính trong những khác biệt ấy, họ khám phá ra vẻ đẹp của đời tu: không sống riêng lẻ, mà thuộc trọn về một gia đình thiêng liêng, nơi mỗi người cùng nhau bước đi trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.

Cha Biển Đức Thuận đã để lại tấm gương sáng về lòng trung tín, sự bền đỗ và tình yêu huynh đệ. Noi theo ngài, đan sĩ Xitô Thánh Gia được mời gọi thể hiện sự thuộc về qua:

+ Trung thành với đời sống cầu nguyện, đặt Thiên Chúa làm trung tâm.

+ Khiêm tốn trong phục vụ, sẵn sàng dấn thân vì cộng đoàn.

+ Chân thành trong các mối tương quan, để tình yêu huynh đệ ngày càng triển nở.

Cảm thức thuộc về này không chỉ làm cho đời sống cộng đoàn trở nên phong phú, mà còn là một chứng tá mạnh mẽ cho thế giới hôm nay, một thế giới bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập.

Như vậy, sống cảm thức thuộc về trong đời sống huynh đệ cộng đoàn không chỉ là một bổn phận mà còn là một hồng ân, là con đường dẫn đến sự bình an nội tâm và niềm vui đích thực. Khi mỗi đan sĩ ý thức rằng mình thuộc về Thiên Chúa và anh em, họ sẽ tìm thấy sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, kiên trì trên hành trình ơn gọi và góp phần xây dựng một cộng đoàn ngày càng thánh thiện, hiệp nhất và tràn đầy yêu thương.

 

 

 

 

[1] Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 50.

[3] Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 118.

[4] Sđd, số 126.

[5] Sđd, số 107.

[6] Sđd, số 122.

[7] Sđd, số 124.

[8] Sđd, số 124.

[9] Sđd, số 122.

[10] x. Dom. Hiền, Sử Dòng Xitô, Tập viện Phước Lý, 2007, tr. 89.

[11] Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 122.

[12] Sđd, số 128.

[13] Sđd, số 136.

[14] Sđd, số 122.

[15] Sđd, số 118.

[16] Sđd, số 139.

[17] Dom. Hiền, Sử Dòng Xitô, Tập viện Phước Lý, 2007, tr. 96.

[18] Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 120.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á