TẬP VIỆN
Tháng 11.2024: Viếng Nghĩa trang, nghĩ về sự chết và niềm hy vọng phục sinh
SỰ CHẾT VÀ NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH
M. Ignatio Loyola Đồng
Khi đứng giữa nghĩa trang, chúng ta không chỉ nhớ về người đã khuất mà còn suy tư về sự sống và cái chết. Nghĩa trang, tưởng như là nơi kết thúc, lại gợi lên những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời và phận người. Theo đức tin Kitô giáo, cái chết không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho sự sống mới, một sự chuyển giao đầy hy vọng vào cõi vĩnh hằng.
Dù cái chết thường mang đến nỗi sợ vì sự mất mát và vô định, nhưng người Kitô hữu tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô, nên nhìn cái chết như cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời trong Thiên Chúa.
Trong cuộc sống trần gian, chúng ta thường bận rộn với công việc và ước mơ, mà quên rằng cuộc đời này chỉ là tạm bợ. Con người dễ dàng quên đi sự thật không thể tránh khỏi rằng cái chết là một phần tự nhiên của cuộc sống. Đứng trước sự im lặng của các phần mộ, chúng ta được nhắc nhở rằng mọi thứ vật chất, danh vọng hay ham muốn đều sẽ qua đi, chỉ Thiên Chúa mới trường cửu và chỉ nơi Ngài, con người mới có được sự sống đời đời.
Suy ngẫm về cái chết không phải để gây hoang mang hay tuyệt vọng, mà để ta hiểu rõ giá trị thực của cuộc sống. Triết gia Heidegger đã nói: “Con người là hữu thể đối diện với cái chết.” Điều này giúp ta thức tỉnh, để mỗi ngày là một cơ hội yêu thương, tha thứ và chuẩn bị cho hành trình về với Thiên Chúa. Trong sự mong manh của kiếp người, niềm tin vào sự sống đời sau mang lại cho chúng ta sự bình an, giúp ta không hoảng loạn trước cái chết. Chính niềm tin này là động lực để ta sống tốt đẹp hơn, biết trân trọng từng khoảnh khắc, và hướng đến một cuộc sống trọn vẹn trong tình yêu thương và hy vọng vào đời sau.
Thánh Phaolô dạy rằng sự sống đã chiến thắng cái chết: “Tử thần đã bị chôi vùi, đây giờ chiến thắng” (1Cr 15,54). Nhờ Đức Kitô, cái chết không còn là kết thúc, mà là khởi đầu của một cuộc sống mới bên Chúa. Người Kitô hữu không chỉ nhìn vào nỗi đau của sự chết, mà còn thấy niềm hy vọng từ mầu nhiệm Phục Sinh. Sự sống không dừng lại ở thế giới vật chất, mà kéo dài mãi mãi trong Thiên Chúa.
Suy tư về sự chết, chúng ta nhớ lời thánh Augustinô: “Chúa dựng nên chúng ta cho Ngài, và tâm hồn chúng ta sẽ không an nghỉ cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.” Sự chết tuy gây đau đớn, nhưng cũng là cơ hội để ta được kết hợp trọn vẹn với Chúa muôn đời.
Đồng thời, cái chết nhắc nhở về trách nhiệm sống của mỗi người. Nhận thức được thời gian ở trần gian là hữu hạn, ta được mời gọi sống khôn ngoan và thánh thiện. Quan trọng không phải là cái chết, mà là cách ta sống cho ngay lành và chu toàn trách nhiệm. Khi sống như vậy, ta có thể thanh thản đối diện với giây phút cuối cùng, với lòng tín thác vào Chúa. Mọi hành động, lời nói, và suy nghĩ hiện tại đều ảnh hưởng đến sự sống đời sau, và ta được dạy phải sống sẵn sàng.
Nghĩa trang, với những hàng mộ yên bình, là nơi gặp gỡ trong suy tư giữa người sống và người đã khuất. Mỗi Thánh lễ, chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn được an nghỉ và mong ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên họ. Những lời cầu nguyện này không chỉ thể hiện lòng thương xót mà còn là niềm hy vọng vào sự sống lại và ngày đoàn tụ bên Thiên Chúa, nơi không còn đau khổ hay chia lìa.
Ý thức được điều đó, mỗi người chúng ta hãy đào sâu đức tin, sống yêu thương, và cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa mỗi ngày. Để rồi, cái chết dù đến bất ngờ, cũng không làm ta sợ hãi, mà là cơ hội trở về với Đấng đã tạo dựng nên ta, trong bình an và niềm vui trọn vẹn.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Chúa đã chịu chết và hứa ban sự Phục Sinh cho chúng con. Xin ban cho chúng con biết ý thức những mình sống, ngõ hầu, khi giờ chết đến chúng con được bình an ra trước Chúa và đáng được Chúa thưởng phúc đời đời. Xin Chúa đón nhận linh hồn quý Cha, quý Thầy, cùng ông bà, cha mẹ, ân nhân, thân nhân, và các tín hữu đã qua đời, để họ được hưởng hạnh phúc bên Chúa muôn đời. Amen.
SỰ CHẾT – CÁNH CỬA MỞ RA SỰ SỐNG VĨNH CỬU
M. José Sanchez del Rio Phước
Khi được sinh ra, con người là một hữu thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người hữu hạn nhưng linh hồn bất diệt. Qua cái chết, con người được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô “ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,15).
Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là một Kitô hữu, chúng ta sống cho Chúa và chết cho Ngài. Nhờ cái chết, chúng ta được hưởng triều thiên sự sống nơi Thiên Chúa: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14,13), vì nhờ đó Thiên Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ trong miền ánh sáng muôn đời. Đó là lý do tại sao chết là một mối lợi, vì Chúa Kitô chính là sự sống của chúng ta, trong niềm vui lớn lao đó, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu xác quyết: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống.” Qua cái chết, Đức Giêsu đã trả lại cho những ai tin vào Ngài sự vô tội của vườn địa đàng, đó là cánh cửa đưa con cái của Thiên Chúa tới hạnh phúc ngàn thu.
Chúa Giêsu cho ta biết ý nghĩa của sự chết, Ngài nói: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà nó không chết đi thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi sẽ sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúng ta tin rằng, “sự sống thay đổi chứ không mất đi”, bởi vì chết không phải là hết, không phải là dấu chấm tận cùng, vì Thánh Giá của Chúa là nhịp cầu nối kết hố sâu của sự chết để dẫn chúng ta vào sự sống mới đời đời.
Như thế, đời sống của mỗi người là một chuyến đi, mục đích của cuộc hành trình này là tìm kiếm hạnh phúc và chuẩn bị cho một đời sống bất tận. Cuộc đời này giống như chiếc cầu bắc về đời sau, chúng ta có thể dừng chân trên chiếc cầu 50, 70, 90 hay hơn 100 năm nhưng không ai xây nhà trên chiếc cầu vĩnh viễn, chúng ta phải đi qua chiếc cầu để về nhà Cha của chúng ta.
Đời người không chấm dứt ở nấm mồ của sự chết, Chúa Phục Sinh đang chờ chúng ta ở bên kia cửa mồ, chúng ta sống là để mong chờ ngày trở về nhà Chúa. Sống với niềm tin đó, chúng ta không sợ chết mà tích cực chuẩn bị ngày sum họp tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc đó không chỉ diễn ra sau cái chết, nhưng đã được khai mở từ ngày chào đời của mỗi người. Để giúp chúng ta chuẩn bị cuộc sống vĩnh cửu, Chúa đã ban cho chúng ta những người đồng hành trên con đường về quê trời, trên con đường đó chúng ta luôn ở cùng Chúa và ở cùng nhau.
Sự sống là món quà quý giá mà Chúa ban tặng cho mỗi người. Cuộc đời con người tựa như tập hồi ký được viết nên bởi những dòng hồng ân mà Thiên Chúa là người chấp bút. Cuộc đời của quý viện phụ, quý cha và quý thầy cũng vậy, chính Thiên Chúa thực hiện công trình của Người trên các ngài để giờ đây khi hoàn tất cuốn hồi ký trần gian, các ngài đã trở về với Đấng mà các ngài đã trọn đời yêu mến và phụng sự.
Cùng với các ngài, chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về những điều bình dị và cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời dương thế của các ngài. Xin Chúa tha thứ những lỗi lầm và ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho các ngài. Amen.
NIỀM HY VỌNG PHỤC SINH
M. Rubio Thắng
Chúng ta đang hiện diện giữa nghĩa trang, một nơi thiêng liêng, nơi những người thân yêu của chúng ta đang an nghỉ. Trong khoảnh khắc tĩnh lặng này, chúng ta được mời gọi suy ngẫm về cuộc đời, về sự mong manh của kiếp người và niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Mỗi ngôi mộ ở đây là một câu chuyện, một cuộc hành trình của một con người đã đến rồi lại ra đi. Những người đã từng yêu thương, từng hy sinh, từng phục vụ, và rồi, khi thời khắc đến, cũng đã nhẹ nhàng buông bỏ cuộc sống trần gian. Chúng ta, những người còn sống, đang tiếp tục cuộc hành trình của mình, liệu đã bao giờ tự hỏi về ý nghĩa sâu xa của từng khoảnh khắc, từng ngày sống?
Như lời của tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên: “Sống làm người ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (Tv 89,49). Trước cái chết, mọi con người, bất kể giàu nghèo, học thức hay địa vị, đều bình đẳng. Trong đức tin Kitô giáo, cái chết không phải là dấu chấm hết, mà là một bước chuyển tiếp vào cuộc sống vĩnh cửu trong Đức Kitô.
Trong niềm tin Công giáo, cái chết là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Có người từng nói: “Chết là một cuộc hẹn giữa những người bạn.” Niềm vui của chúng ta là trong cái chết, chúng ta được gặp Đức Kitô, Đấng hằng đợi chờ mỗi người. Thánh Phaolô cũng khẳng định: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Cái chết, như vậy, chỉ là cánh cửa dẫn vào sự sống mới, nơi chúng ta sẽ gặp lại những người thân yêu đã ra đi trước.
Trước những người thân yêu đã an nghỉ, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm của sự sống và cái chết. Đức tin dạy rằng, những gì chúng ta thấy trước mắt – thân xác nằm sâu trong lòng đất – chỉ là phần hữu hình của con người. Linh hồn bất tử của họ đã trở về với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống. Vì thế, nỗi buồn chia ly của chúng ta được an ủi bởi niềm hy vọng vào sự phục sinh và sự sống đời đời.
Nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta, những kẻ đã an giấc trong Đức Kitô cũng là dịp để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống rằng: Hễ ai tin vào Đức Kitô, những ai trung thành với Ngài thì Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi. Đối với chúng ta, những người đang sống, những người mang trong mình niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh, hãy sống trung thành với Chúa trọn tình yêu mến để khi giờ chết đến, dù không biết thế giới bên kia ra sao, chúng ta vẫn có thể nhắm mắt xuôi tay, phó thác mọi sự cho Chúa, và yên hàn ra đi trong Ngài.
Như lời Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Đối với những người thân yêu đã ra đi, chúng ta tiếp tục cầu nguyện, xin Chúa thương xót và ban cho họ vinh phúc đời đời. Những lời kinh nguyện, thánh lễ và các việc bác ái chúng ta thực hiện không chỉ là biểu hiện của tình yêu, mà còn là cầu nối gắn kết chúng ta với họ trong niềm hy vọng vào sự phục sinh.
Lạy Chúa Giêsu, vì lòng thương xót của Chúa, xin tha thứ lỗi lầm cho các cha anh của chúng con, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã lìa cõi thế. Xin cho các ngài sớm được hưởng vinh quang bên Chúa muôn đời.
PHÙ VÂN VÀ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
M. Thomas More Công
Khi đứng trước những phần mộ của người thân, lòng chúng ta không khỏi rung động bởi sự ngắn ngủi của kiếp người. Giữa bầu không khí tĩnh lặng nơi nghĩa trang, hình ảnh những nấm mộ hiện lên như một lời nhắc nhở về thân phận mong manh của mỗi chúng ta, như thi sĩ Nguyễn Du từng viết:
“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”
Trước sự im lặng của cỏ cây, của khối xi măng lạnh lẽo, ta suy ngẫm về sự cao quý của kiếp người. Có phải cuộc sống này chỉ là những phút giây chóng qua, hay còn một điều gì đó bất diệt vượt trên sự lặng thinh của những nấm mồ? Thoáng nghĩ về sự rộng lớn của vũ trụ, chúng ta khát khao điều gì đó vĩnh hằng, một ý nghĩa lớn lao mà con người được mời gọi.
Thánh Kinh, trong Sách Giảng Viên, đã phản ánh sự phù du của các tham vọng thế gian: “Tôi đã thực hiện những công trình lớn… xây dựng, trồng trọt, tích trữ vàng bạc... Nhưng sau tất cả, chỉ là phù vân, là công dã tràng xe cát.” Thật vậy, trải qua bao thế hệ, dù là người giàu sang hay nghèo hèn, kẻ khôn ngoan hay ngu muội, ai rồi cũng chịu chung số phận: thân xác sẽ trở về cát bụi, và mọi vinh hoa đều tan biến như làn sương.
Dẫu vậy, trong ánh sáng đức tin Kitô giáo, cái chết không phải là dấu chấm hết. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô rằng, cuộc sống của chúng ta là một hành trình thiêng liêng, được thánh hóa bởi tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là những lữ khách cô độc, nhưng được mời gọi trở nên hoàn thiện trong đời sống này để hướng đến sự sống đời đời. Chúng ta hy vọng rằng, dù có bao nhiêu chông gai và thử thách, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành, dẫn dắt và đón nhận ta vào cõi vĩnh hằng.
Hôm nay, đứng trước phần mộ của các bậc tiền nhân, chúng ta không chỉ tưởng nhớ họ mà còn suy ngẫm về chính cuộc đời mình. Những phần mộ này nhắc nhở chúng ta về sự giới hạn của con người, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy chúng ta sống mỗi ngày xứng đáng hơn, để chuẩn bị cho một cuộc sống bất diệt. Trong niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta dâng lên Người lời cảm tạ sâu sắc và phó thác các linh hồn quý cha, quý thầy, các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng ta cho lòng thương xót của Người.
Nguyện xin Thiên Chúa là nguồn ơn cứu độ, là sự bình an chân thật, đón nhận các linh hồn đã qua đời vào hưởng phúc thiên đàng. Xin Người ban cho chúng con biết học hỏi từ cái chết, để từ đó sống đời sống trần gian này một cách có ý nghĩa và hướng về sự sống vĩnh cửu. Amen.
-
Đan Viện Phước Lý (2-8/11/2023): Viếng Nghĩa Trang, nghĩ suy về cuộc đời và phận người (09/11)
-
THÁNG MƯỜI MỘT: VIẾNG NGHĨA TRANG, NGHĨ SUY VỀ SỰ CHẾT (05/11)
-
NHẬT KÝ LINH MỤC: NGÀY GIÃN CÁCH THỨ 3 (04/06)
-
Hồi ký: VỊ HIẾN SINH CUỐI CÙNG (19/01)
-
„VÔ DUYÊN“ HAY „HỮU DUYÊN“? (28/05)
-
ĐƯỜNG NÀO CHÚNG TA ĐI? (18/05)
-
TÌNH YÊU & TÌNH NGƯỜI (16/05)
-
Tản mạn: TÌM TƯƠNG LAI CHO QUÁ KHỨ (06/05)
-
Năm mới, đồ cũ: Thế hệ trẻ Laudato Sì (21/01)
-
NỘI SAN KHÁT VỌNG 17: "NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI" (18/12)