TẬP VIỆN
Gợi ý tĩnh tâm tháng 09/2024: Hai giai đoạn một cuộc đời
HAI GIAI ĐOẠN MỘT CUỘC ĐỜI
M. Phaolô Thánh Giá
Trong khoảng thời gian 6 năm vừa qua, cộng đoàn chúng ta đã tiễn đưa 7 người anh em về với Chúa, nếu kể cả em thỉnh sinh Trương Quốc Hoài Ân nữa là 8. Tám cuộc đời ra đi với nhiều kiểu cách khác nhau.
Người ra đi ở tuổi già viên mãn, người ra đi ở tuổi đời còn rất trẻ, người ra đi trong bệnh tật đớn đau, người ra đi do tai nạn bất chợt, người ra đi trong đột tử bất ngờ.
Sự ra đi mỗi người mỗi cách và con đường tiến về Quê Trời là một hành trình đơn độc bất khả thay thế. Khi hồi chuông đã điểm, giây phút cuộc đời trần thế chấm dứt, đứng trước Thiên Chúa, lúc đó mới biết ai thành công, ai thất bại. Còn đối với đan sĩ Xitô Thánh Gia, được chết trong ơn gọi đã là một thành công rồi, vì thế sau khi an táng, các đan sĩ Xitô Thánh Gia hát Te Deum – Tạ ơn Chúa. Mọi thất bại trên đường đời đều có thể khắc phục, nhưng thất bại ở giây phút cuối đời là thất bại không thể vãn hồi. Bởi thế Chúa Giêsu phán: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích chi”. Sự bấp bênh và mỏng giòn của cuộc đời như thế gợi cho chúng ta những suy nghĩ khác nhau.
Nhìn vào cuộc đời của mười hai Tông Đồ, chúng ta thấy hiện lên với đủ gam màu sáng, tối, mờ nhạt, sặc sỡ. Đủ mọi sắc thái như tham lam, vụ lợi, trung thành, phản bội, thành công, thất bại, mừng vui, chán chường, hoan hỷ. Tất cả những yếu tố đó phản chiếu trọn vẹn con đường theo Chúa Kitô, con đường kiếm tìm và sống hạnh phúc, con đường trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Con đường ấy không phải là dễ dàng nhưng cũng chẳng phải là quá khó khăn, phức tạp.
Từ những ý tưởng đó, gợi lên cho con một cái nhìn về cuộc sống. Vì thế, con muốn chia sẻ với cộng đoàn về đề tài: HAI GIAI ĐOẠN MỘT CUỘC ĐỜI
Theo cha Felicisimo Diez Martinez, OP. hai giai đoạn đó chính là: Giai đoạn làm môn đệ tiền phục sinh và Giai đoạn làm môn đệ phục sinh.
Giai đoạn làm môn đệ tiền phục sinh:
Đó là thời gian từ khi Chúa Giêsu đi công khai rao giảng cho đến lúc Ngài bị giết treo trên thập giá. Nhìn dưới nhãn quan trần thế, đây là giai đoạn các tông đồ được hưởng biết bao nhiêu niềm vui:
Nào là được chọn riêng làm môn đệ của bậc thầy đang nổi tiếng, nào là được ăn uống thoả thuê mà không phải làm lụng vất vả, nào là được chứng kiến bao phép lạ Chúa làm.
Nhưng động lực để bước theo Thầy Giêsu của các ông khác lắm và đôi khi rất phức tạp.
- Người theo Chúa vì mong phục quốc, chẳng hạn như Simon nhiệt thành.
- Người theo Chúa vì nhận thấy sự cao siêu và thâm hậu như Batholomeo.
- Kẻ theo Chúa vì đi tìm lợi lộc như Phêrô, ông đặt câu hỏi thẳng thừng với Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Câu hỏi của Phêrô cho thấy ông theo Chúa Giêsu không phải để rao giảng Tin mừng, không phải để hy sinh vì ơn cứu độ, cũng chẳng phải vì nghĩa cử gì cao đẹp mà chỉ vì lợi ích cá nhân rất trần thế: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
- Trên đường lên Giêrusalem chiu chết, trong khi Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn sắp tới Ngài phải chịu, thì hai người con ông Debede luồn lách tìm cách giành chỗ bên tả bên hữu.
- Và 10 Tông đồ còn lại cũng không lành thánh gì, các ông cũng tức tối và ghen tị vì hành vi phỗng tay trên của anh em nhà Debede (x. Mt 20,20-28).
- Trong bữa Tiệc ly đầy tình huynh đệ, Giuda thì phản bội (x. Mt 26,49).
- Trong giây phút đau khổ nhất ở vườn Giesimani, khi quân dữ đến bắt Chúa Giêsu thì các Tông đồ bỏ chạy toán loạn, mặc kệ sự sống chết của Thầy (x. Mt 26,59). Có kẻ còn chạy bán sống bán chết, kể cả không còn mảy vải che thân như Marco cũng cứ chạy.
- Phêrô, người mang danh mạnh mẽ trung thành nhất đã có những nỗ lực sau cùng bằng cách “theo Người xa xa”, nhưng kết thúc ông cũng ngục ngã trước một đứa đầy tớ gái chẳng quyền lực gì. Ông chối bỏ thầy: Tôi không biết cô nói gì… tôi không biết ông ấy là ai (x. Mt 26,69-75). Thất bại.
- Hai môn đệ trên đường Emmaus thì thất vọng, chán chường và bỏ về quê (x. Lc 24,21-24).
- Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Thomas đại diện cho thế lực nghi ngờ và không tin.
- Trên đường về núi Chúa thăng thiên, các môn đệ vẫn khăng khăng với những khát vọng trần thế: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6).
Từng đó dẫn chứng thôi cũng đủ cho chúng ta thấy rằng, việc làm môn đệ thời tiền Phục sinh về cơ bản là hoàn toàn thất bại và thất bại tràn trề. Bởi vì:
Không có Tông đồ nào trung thành được với Chúa Giêsu đến cùng.
Không có Tông đồ nào có thể chia sẻ được với ước vọng của Chúa Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49).
Không có Tông đồ nào hiểu được chương trình cứu độ của Chúa Giêsu phải đi ngang qua cái chết, mặc dù ba lần Chúa Giêsu đã tiên báo.
Giai đoạn này các Tông Đồ gần như: chỉ tận hưởng sự ngọt ngào của việc làm môn đệ của một bậc thầy nổi tiếng, chỉ có tranh dành địa vị, chỉ còn kiếm chác cho đầy túi tham, chỉ có thoả mãn những ước vọng trần thế, mà chưa thẩm thấu được ơn gọi và sứ vụ đích thật của người làm môn đệ: là rao giảng, là làm chứng, là hiến dâng, là trao truyền yêu thương, là loan truyền ơn cứu độ, là sẵn sàng chết cho điều mình rao giảng:
Cha Felicisimo Diez Martinez cho rằng, đời sống của các tu sĩ ngày nay, ít nhiều cũng đang rơi vào tình trạng của các Tông đồ thời tiền phục sinh.
Chạy theo vật chất, tìm kiềm danh lợi, chạy theo niềm vui thế trần hời hợt, chán nản, bi quan, mất hết động lực dâng hiến.
Đối với cha Felicisimo, lý do căn bản dẫn đến tình trạng trên là do đánh mất cảm nghiệm Thiên Chúa. Ngài viết: “Thiếu sót lớn nhất của thời đại tự do ngày nay là đánh mất cảm nghiệm Thiên Chúa”[1]. Bởi cảm nghiệm về Thiên Chúa trong đời tu rất quan trọng, nó đóng vai trò quyết định cho hành trình dâng hiến. Nó được hiểu như là cái hồn, chất xúc tác và hội nhập mọi khía cạnh của đời tu đi vào đúng vòng tuần hoàn của nó và làm động lực cho tu sĩ sống đời dâng hiến không mệt mỏi. Chính sự cảm nghiệm Thiên Chúa này đã nuôi dưỡng và làm tăng trưởng những khía cạnh của cuộc đời dâng hiến. Không có cảm nghiệm Thiên Chúa, người tu sĩ sống mà như đã chết, có thân xác mà thiếu vắng linh hồn.
Cảm nghiệm Thiên Chúa ở đây không mang yếu tố cảm tính thích hay không thích, ưa hay không ưa, mà là một kinh nghiêm tâm linh, một cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, về sự trải nghiệm thật sự trong tâm hồn với Đấng Siêu Việt, cảm nghiệm về sự hiện diện hữu hình của một Thiên Chúa tối cao trong thế giới ta bà này. Cảm nghiệm ấy thúc đẩy con người phải làm gì đó để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.
Chẳng hạn như trong Kinh Thánh, con người cảm nghiệm Thiên Chúa trong dòng lịch sử, trong những thời khắc ân sủng và giải thoát, tội lỗi và áp chế, nô lệ và ngục tù, bất công và áp bức. Trải qua những thời điểm ấy, con người thấy được sự mặc khải của Thiên Chúa và cảm nghiệm Thiên Chúa đang hiện diện, đang đồng hành với con người trên mọi nẻo đường[2].
Một Augustino sau một thời trai trẻ sống buông thả trác tác, thác loạn của trần đời, khi cảm nghiệm Thiên Chúa, Ngài đã từ bỏ con đường tội lỗi, xin nhập đạo Công giáo và phải thốt lên lời tiếc nuối: “Con yêu Chúa quá muộn màng”.
Một Phanxico Assisi đã cảm nghiệm Thiên Chúa ở trong tất cả các tạo vật, nên thánh nhân đã vui với thiên nhiên, nhìn đâu cũng thấy dấu vết của Thiên Chúa. Do đó Ngài không ngần ngại gọi mặt trời là anh và mặt trăng là chị.
Một Mẹ Theresa Calculta đã cảm nghiệm Thiên Chúa trong những người khốn khổ, nghèo đói và bệnh tật. Từ cảm nghiệm ấy, Mẹ đã lao mình ra phục vụ và yêu thương. Từ đó cuộc đời của Mẹ đã hiển hiện lên một hình ảnh bàn tay của Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót.
Không có cảm nghiệm Thiên Chúa, người ta không thế sống trọn vẹn đời dâng hiến.
Nói như thế, không phải là phủ nhận tất cả những hy sinh cao cả của biết bao nhiêu tu sĩ đang sống và làm rạng ngời vinh quang Thiên Chúa ở khắp nơi trên thế giới. Nên cha Felicisimo trân nhận: “Sẽ không tốt khi nghi ngờ những ý hướng tốt lành, những lý tưởng cao vời và lòng quảng đại của ngàn vạn con người cảm thấy mình được Đức Giêsu gọi làm môn đệ, và với nhiệt tình chân thành lúc đầu, muốn chọn kiểu sống đó. Và cũng không đúng nếu ta phủ nhận lòng quảng đại của rất nhiều hội dòng đã cố gắng đi theo Đức Giêsu và làm việc vì Nước Trời. Nhưng thiện ý và quảng đại chưa bao giờ đủ để kiện cường nhiều tu sĩ trong đức tin, ơn gọi và sứ vụ của họ. Con số các tu sĩ hồi tục sau Công đồng Vatican II rất cao. Đây chính là thời kì tháo chạy và phân tán. Nhiều người trở về nếp sống cũ, giống như các môn đệ về làng Emmaus. Nhưng điều này không phải là khía cạnh quan trọng nhất của vấn đề. Tang thương hơn chính là hoàn cảnh của những người vẫn còn ở lại trong đời tu mà không tin tưởng vào dự phóng cuộc đời của họ, không nhiệt tình cho sứ vụ, không hy vọng lấy một chút cải thiện, như trường hợp các môn đệ về làng Emmaus. Buồn phiền, bi quan và vỡ mộng của những con người đó chạm đến bờ vực nản lòng. Hoàn cảnh này còn tệ hơn một đường hầm hay một đêm đen. Nó giống như một bức tường không gì xuyên thủng được”[3].
Trong Bản phúc trình của Viện phụ Hội trưởng trình bày trong Tổng hội diễn ra vào tháng năm vừa qua tại Châu sơn Nho quan, Viện phụ Hội trưởng cho biết: “Tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi về những ân huệ mà Ngài đã thương ban cho Hội dòng chúng ta, đặc biệt về nhân sự. Tính đến năm 2024, tổng số thành viên của Hội dòng là 1330, trong đó gồm có 295 linh mục, 69 phó tế, 221 đan sĩ khấn tạm, 67 tập sinh và 60 thỉnh sinh. Số thành viên của toàn dòng theo thông kê mới nhất là 2300 thành viên. Như vậy số thành viên của Hội dòng chúng ta chiếm tỉ lệ hơn một nửa số thành viên của toàn Dòng Xitô”. Những con số này thật đáng vui mừng và trân trọng, nhưng bên cạnh đó, Viện phụ Hội trưởng cũng cho biết: “… số thành viên khấn trọng rời bỏ đan viện của Hội dòng, theo thống kê của cha Tổng quản lý, từ năm 2015-2022 là 34 trường hợp… như vậy tính trung bình mỗi năm là 4-5 thành viên khấn trọng rời bỏ Hội dòng. Độ tuổi khấn dòng thường rất trẻ, từ 3 đến 10 năm khấn trọng”. Về đời sống phụng vụ và thiêng liêng, Ngài nêu lên điểm sáng và điểm tối. Điểm sáng là “đa số các thành viên yêu thích, tích cực và nhiệt thành tham dự các giờ Thần Vụ, và các Bề trên cũng luôn coi đây là việc ưu tiên… Điểm tối: một số ít thành viên… có dấu hiệu “chán kinh”. Chán kinh ở đây có nghĩa là lười biếng tham gia phụng vụ trong ca toà, lười biếng cầu nguyện, bỏ bê đời sống tâm linh và luôn khép mình trong cô phòng và chỉ mở cửa phòng khi đi vệ sinh và cần nhu cầu ăn uống.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng “chán kinh” như Viện phụ Hội trưởng nói, hay tình trạng của các tu sĩ sống như các Tông đồ tiền phục sinh.
Từ năm 1994, khi họp bàn về Đời sống Thánh hiến, các nghị phụ đã không ngừng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng sống của các tu sĩ ngày nay sống như các Tông đồ thời tiền phục sinh. Và đến năm 1996, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa lời cảnh tỉnh này vào trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Ngài viết: “Đời sống thánh hiến hiện nay phải đối diện với những thách thức từ sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, sự lan tràn của chủ nghĩa thế tục, và sự khủng hoảng về các giá trị đạo đức. Những yếu tố này đôi khi làm cho các tu sĩ cảm thấy khó khăn trong việc duy trì đời sống thiêng liêng và sứ mạng của mình” (VC 13).
Năm 2018, trong tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Đời sống Thánh hiến cũng nhận định rằng: “Đời sống thánh hiến đang trải qua một cuộc khủng hoảng về căn tính và sứ mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ nghĩa cá nhân và sự giảm sút về số lượng ơn gọi. Những yếu tố này đang thách thức các tu sĩ phải tái định nghĩa sứ mạng của mình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng” (Instrumentum Laboris, số 26).
Trong Tông thư “Gaudete et Exsultate” (2018), Đức Giáo hoàng Phanxicô cảnh báo: “Một trong những thách thức lớn đối với đời sống tu trì là sự cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân và sự xa rời cộng đoàn. Điều này có thể dẫn đến việc mất đi ý nghĩa của sự dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và đồng thời làm giảm khả năng sống chung hòa hợp trong cộng đoàn” (GE 140).
Năm 2020 trong Tông huấn Fratelli Tutti, Đức Phanxico lại lên tiếng: “Chủ nghĩa cá nhân và sự cám dỗ của việc sống một cuộc đời 'an toàn' thay vì dấn thân trong sứ mạng là những thách thức nghiêm trọng mà đời sống thánh hiến cần đối diện ngày nay” (FT 157).
Từ 1996 – 2020, 24 năm trời, Mẹ Giáo Hội đã điểm mặt chỉ tên ba kẻ thù đang vây hãm và xâm hại đời sống con người nói chung và đời sống tu trì nói riêng là:
Chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân.
Ba con quái vật của thời đại này đang hoành hành và tàn phá đời sống tu sĩ trong xã hội ngày nay không ngưng nghỉ.
Chủ nghĩa thế tục, một thứ chủ nghĩa mang đầy mãnh lực đang tàn phá đời sống thánh hiến cách âm thầm nhưng mãnh liệt, chẳng khác nào những tế bào ung thư đang âm thầm kết liễu sự sống của con người. Chủ nghĩa thế tục tiềm ẩn ở trong mọi khía cạch, mọi ngóc ngách của đời sống tu trì: từ lời nói đến việc làm, từ cách suy nghĩ đến cách ăn mặc, từ thái độ cư xử đến cung cách thờ phượng, từ cảm thức thiêng liêng đến cách sống linh đạo, từ các truyền thống dòng tu đến xu hướng thời đại.
Tất cả đều bị chủ nghĩa thế tục xâm hại!
Chỉ riêng về lời nói, Cha Tổ Phụ Herry Denis Benoit Biển Đức Thuận đã để lại kinh nghiệm rất sâu sắc: Nhà dòng xuống cấp khi đan sĩ nói như người đời. Biết bao những ngôn từ chúng ta sử dụng không còn thuần chất của một tu sĩ nữa, mà mang nhiều yếu tố phàm tục. Thay vì người ta đang trông chờ những lời lành thánh từ môi miêng tu sĩ, thì người ta lại phải nghe những lời phàm tục thường diễn ra ở những nơi là cặn bã của xã hội, thay vì những lời thanh cao, thì lại là những lời không đẹp được phát ra từ môi miệng của những người thánh hiến.
Về cách suy nghĩ, có những tu sĩ bạo biện cho lối sống thoả mãn của mình bắng lập luận đầy tính ma mãnh: Sống thoáng đi cho dễ thở, bỏ vài giờ kinh có ăn nhằm gì đâu, tu tại tâm chứ đâu phải do tuân giữ lề luật … Mà cha Tổ Phụ thi lại viết trong Lời Trối trước khi lìa đời: Các con muốn nên thánh hãy giữ Luật dòng. Họ nhìn các câu chuyện về các thánh chỉ là sự bịa đặt mà không đọc ra dụng ý của tác giả là luồn trong đó một bài học về đạo đức, về nhân cách về sự hy sinh hay về tình yêu vô điều kiện.
Về cung cách thờ phượng, người ta chỉ nhấn mạnh đến tình yêu song đối giữa con người và Thiên Chúa mà quên đi Thiên Chúa là vô biên, con người là tạo vật hữu hạn. Người ta cào bằng Thiên Chúa và con người, cuối cùng đặt con người lên làm Thiên Chúa và Thiên Chúa chỉ là sản phẩm, là dự án phóng chiếu tham vọng của con người mà thôi chứ không phải là một Thiên Chúa toàn năng, Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật. Từ đó dẫn đến tình trạng giải thiêng, giảm thiểu niềm tin vào Thiên Chúa, từ đó dẫn đến các nghi lễ, giờ cầu nguyện, cử chỉ phụng vụ, các giờ đạo đức không có giá trị gì, có chăng chỉ là những nghi thức mà tính truyền thống duy trì trật tự một nếp sống, hay chỉ là việc làm của những người ấu trĩ, dốt nát, thiếu hiểu biết, chậm tiến, bảo thủ và dài dòng. Họ tự khoác cho mình tấm áo niềm tin trưởng thành và hợp thời. Về lãnh vực thờ phượng này, năm 2021 Thượng Hội Đồng Về Tính Đồng Nghị nêu rõ: “Chủ nghĩa thế tục đang làm mờ đi cảm giác về sự thiêng liêng, khiến nhiều tín hữu, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy xa rời với các thực hành tôn giáo và giá trị đạo đức của Giáo hội.”
Về cung cách sống linh đạo: Có những tu sĩ cho rằng linh đạo của các vị sáng lập đã quá xưa cũ, lỗi thời rồi, không con phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng họ cố tình quên rằng, linh đạo không phải là sản phẩm trí não của con người mà là tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Mà cái gì thuộc Thiên Chúa thì trường tồn bất biến, trừ khi Thiên Chúa cho nó qua đi.
Nguy hiểm hơn nữa là, một số khác không cần biết linh đạo là gì, khấn xong là chắc cú trong nhà dòng rồi và cuộc đời cứ thế êm trôi, như kiểu nói “an toàn” của Đức Giáo Hoàng Phanxico. Từ đó họ không ra công làm việc để mang lại hoa trái thiêng liêng. Họ như người lãnh được một nén vàng và đem chôn giấu.
Để chống lại những thứ chủ nghĩa hay những con quái vật của thời đại này, có lẽ đề nghị của nhà thần học nổi tiếng người Thuỵ sỹ, Hans Urs von Balthasaar là hợp lý. Ông đã đề ra nền thần học quỳ (Kniendetheologie) mà Việt nam chúng ta thường gọi là nền thần học đầu gối. Theo Hans Urs von Balthasaar, những nhà thần học và người tín hữu muốn cảm thấu được Thiên Chúa, muốn hiểu đúng về thần học, trước tiên phải biết quỳ xuống cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng và biết lắng nghe lời của người xưa dạy: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Thiên Chúa vượt xa con người bấy nhiêu”. Thật ra không phải ai quỳ ngối xuống cũng đều có thể cảm nghiệm Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu người quỳ ngối nhưng vẫn là kẻ vô thần. Quỳ xuống là điều kiện cần, tin mới là điều kiện đủ. Quỳ xuống là cứ chỉ bên ngoài, đức tin mới là cố lõi bên trong để dẫn đến trải nghiệm về Thiên Chúa.
Thật thế, nhìn vào những gì đã làm 11 Tông Đồ thay đổi sau biến cố Phục Sinh, Người ta đặt câu hỏi: Yếu tố nào đã làm thức tỉnh các Ngài? Đó chính là đức tin. Chỉ có đức tin mới mở đường cho việc làm môn đệ phục sinh. Chỉ có đức tin mới đưa đến cảm nghiệm Thiên Chúa.
Chúng ta bước sang: Gian đoạn làm môn đệ phục sinh
Giây phút bẻ bánh trong câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus chính là cột mốc đánh dấu khởi đầu cho giai đoạn này. Thật thế, hai môn đệ trên đường Emmaus đang trong tình trạng thất vọng, chán nản, bỗng bừng tỉnh khi nhận ra Thầy của mình đã sống lại qua cử chỉ bẻ bánh quen thuộc. Họ hoàn toàn thay đổi.
Từ chán chường sang hân hoan, từ thất bại sang chiến thắng, từ yếu đuối sang mạnh mẽ, từ phản bội sang trung tín, từ lợi ích cá nhân thành xả thân vì nghĩa lớn.
Khi hai môn đệ trên đường Emmaus tin và xác tín Thầy của mình đã sống lại, hai ông đứng phắt dạy, lao vào đêm tối, chạy thẳng về Giêrusalem và hô hoán lên với các tông đồ khác rằng: Chúa đã trối dậy thật rồi (x. Lc 24, 13-35).
Các môn đệ ở Giêrusalem cũng đang hồ hởi phấn khởi vì đã thấy Chúa hiện ra với ông Phêrô và các môn đệ khác.
Như thế, tất cả các Tông đồ hân hoan vui mừng vì đã chứng thực, đã cảm nghiệm được Chúa đã Phục Sinh. Sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các Ngài không còn ở trong phòng đóng kín nữa, trái lại, các Ngài ra đi và sống đúng vai trò làm môn đệ của Đức Giêsu. Các Ngài tung bay đi khắp mọi nơi để sống an vui, rao giảng và làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh, dù có bị bắt bớ, cấm cách hay tù đày. Nhiều khi các Ngài còn cảm thấy vui mừng khi phải chịu đau khổ vì danh Đức Kitô như sách Cv 5,41 nghi lại: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.
Lịch sứ Kitô giáo bắt đầu từ đây, lịch sử của việc làm môn đệ đích thực của Chúa Giêsu phục sinh.
Hình ảnh các Tông đồ thời Phục sinh chính là khuôn mẫu cho đời sống của người tu sĩ trong mọi thời đại. Mỗi người chúng ta được thúc đẩy đến với ơn gọi một cách khác nhau, nhưng khi sống ơn gọi, tất cả đều có chung một mục đích là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Cuộc sống đồng hình đồng dạng với Đức Kitô này mang lại cho người tu sĩ hạnh phúc đích thực và niềm vui dâng hiến. Không có linh đạo Kitô giáo nào phục vụ cho sự đau khổ, mà chỉ có linh đạo mang lại niềm vui và hạnh phúc trong Thiên Chúa. Thổi hồn cho linh đạo ấy chính là niềm tin Chúa Phục Sinh.
Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, mới tồn tại 12 Tông đồ. Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, mới có Giáo hội ngày nay. Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta mới đi tu. Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta mới mạnh dạn dâng hiến cả cuộc đời để làm chứng cho lý tưởng tình yêu Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta mới có được hạnh phúc tràn đầy. Sự phục sinh quan trọng đến mức thánh Phaolô không ngần ngại tuyên bố rằng: Nếu Đức Kitô đã không phục sinh thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em trở nên hão huyền (x. 1Cr 15,14).
Hai giai đoạn một cuộc đời làm môn đệ của các Tông đồ cho chúng ta cái nhìn về cuộc sống của chính mình, cuộc sống của những người làm tu sĩ. Có thể hôm nay tôi đang sống trong tình trạng làm môn đệ tiền phục sinh với những nhem nhuốc của cuộc đời, nhưng ngày mai tôi làm môn đệ phục sinh tràn đầy hân hoan. Và ngược lại hôm nay tôi đang trơn tru trên con đường của môn đệ phục sinh yêu dấu, nhưng biết đâu một ngày nào đó tôi đắm mình vào giai đoạn làm môn đệ tiền phục sinh đầy đen tối. Điều kì diệu và cũng là hữu hạn nơi con người là sự thay đổi. Thay đổi nên tốt là kì diệu, đi vào con đường gian tà là hữu hạn. Quyết định tuỳ thuộc vào ý thức và tỉnh ngộ mỗi cá nhân.
[1] Felicisimo Diez Martinez, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP, (chuyển ngữ), Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 18.
[2] X. Felicisimo Diez Martinez, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP, (chuyển ngữ), Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 20.
[3] Felicisimo Diez Martinez, OP, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo OP, (chuyển ngữ), Nxb. Tôn Giáo, 2013, tr. 78.