TẬP VIỆN

Đan Viện Phước Lý (2-8/11/2023): Viếng Nghĩa Trang, nghĩ suy về cuộc đời và phận người

Tưởng nhớ và cầu nguyện cho các bậc tiền nhân đã hoàn tất cuộc lữ hành nơi dương thế này là một truyền thống tốt đẹp và lành thánh. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta đối diện với bản thân và đánh giá lại cuộc sống của mình. Việc cầu cho các tín hữu đã qua đời nhắc nhở chúng ta về sự tạm bợ ở đời này, và khuyến khích chúng ta tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu bằng việc sống đạo đức, yêu thương và phục vụ.

 

 

 

 

 

Ngày 2/11/2023

 

CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

 

M. Josaphat Nguyễn Văn Tuấn

 

Từ thuở xa xưa, các bậc tiền nhân đã có truyền thống cao đẹp là cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, như thời Cựu Ước, “ông Giuđa Macabê đã quyên góp được khoảng hai ngàn quan tiền, gửi về Jerusalem để xin dâng lễ cho những người đã khuất vì ông tin rằng việc người chết sẽ được sống lại” (2Mcb 12,43-45). Truyền thống tốt đẹp này đã không ngừng lớn lên trong Giáo hội. Hằng năm, Giáo hội dành riêng tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong Tông Huấn “Ân Xá”, ĐTC Phaolô VI đưa ra quy định trong tám ngày đầu của tháng 11, những ai khi viếng nhà thờ, nhà nguyện, đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính với các điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý ĐGH) thì sẽ nhận được một ơn đại xá nhưng nhường lại cho các linh hồn.

 

Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời là một việc làm thật đẹp, nó diễn tả niềm tin của chúng ta vào sự sống lại và tuyên xưng niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta trực tiếp bày tỏ lòng hiếu thảo, lòng biết ơn và bác ái đối với những người đã khuất. Việc cầu nguyện này cũng giúp chúng ta ý thức hơn về thân phận con người mỏng giòn và chóng qua. Bởi vì, đã mang thân phận làm người, thì dù chúng ta ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, làm việc gì, thời đại nào thì đối với mỗi người chúng ta cũng phải trải qua cái chết. Vì cái chết không trừ một ai giống, như Vịnh gia trong thánh vịnh 89 đã thốt lên: “Sống làm người, ai không phải chết? ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?” (Tv 89,49).

 

Dù phải trải qua cái chết, nhưng trong ánh sáng của Đức Kitô, thánh Phaolô đã dẫn giải cho chúng ta về sự sống muôn đời khi vượt qua cái chết: “Như mọi người nhờ liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,21). Do đó, “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8). Như thế, với sự Phục sinh của Đức Kitô, cái chết từ nay sẽ không còn là dấu chấm hết cho chúng ta nữa, nhưng nó sẽ là cửa ngõ để dẫn đưa chúng ta tiến vào đời sống trường sinh cùng với Người.

 

Qua trải nghiệm đó làm dấy lên trong chúng ta phải biết sống thế nào cho ra sống, sống đúng là một người có ích cho Giáo hội, cho mọi người và đặc biệt là sống sao cho đẹp lòng Chúa.

 

Lạy Chúa, xin vì giá máu cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh Giuse và các thánh, xin Chúa mở lượng hải hà tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót của các cha anh, quý vị đang yên nghỉ nơi đây cùng ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân nhân, ân nhân và hết thảy mọi tín hữu đã qua đời được an nghỉ bên Chúa muôn đời. Đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng con luôn biết sống tín thác vào Chúa như lời thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20) trong tinh thần luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng, để một ngày kia khi từ giã cuộc đời này, chúng con cũng sẽ được về bên Chúa là nguồn và hạnh phúc vĩnh cửu của chúng con. Amen.

 

 

 

Ngày 3/11/2023

 

SỐNG LÀM NGƯỜI AI KHÔNG PHẢI CHẾT?

 

M. Oscar Romero Vũ Ngọc Anh Tú 

   

Hằng năm Giáo hội dành trọn tháng 11 để cầu cho các tín hữu đã qua đời. Cách riêng hôm nay, Cộng đoàn Đan viện cũng dành thời gian để cầu nguyện cách đặc biệt cho quý cha, quý thầy, là những người đã sống đời đan tu cách trọn vẹn nơi đây. Đứng trước phần mộ của các ngài là dịp để mỗi người chúng ta suy ngắm về mầu nhiệm sự chết, trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh. 

 

Mỗi người chúng ta đều được sinh ra từ trong lòng mẹ, lớn lên, tưởng thành, rồi tiến dần về cái chết. Qua dòng lịch sử cứu độ, chúng ta thấy các tổ phụ, các ngôn sứ, người khôn ngoan, kẻ khờ dại, người phú quý, kẻ nghèo hèn đều phải trải qua cái chết. Kinh thánh không tránh né sự chết bằng những mộng tưởng hão huyền, nhưng luôn nhìn thẳng vào nó. Cụ thể hơn, chúng ta đã từng chứng kiến cái chết của những người thân yêu và cái chết của quý cha, quý thầy trong Cộng đoàn. Đối diện với cái chết, Vịnh gia đã từng thốt lên: “Sống làm người ai không phải chết? Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty” (Tv 89,49). Nhưng không vì thế mà con người trở nên bi quan trước cái chết. Lời Chúa Giêsu trong Tin mừng Gioan là bảo chứng cho những ai sống cuộc đời công chính: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51).

 

Có thể, cái chết của người bất lương là sự cay đắng, vì cả đời họ chỉ vui hưởng của cải trần gian, nhưng lại là viễn tượng đáng khát vọng cho người công chính. Sự chết gợi lên trong con người những âm hưởng bi thảm, nên chúng ta không thể giảm khinh nó thành một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Con người không thể tự cứu mình khỏi chết, nhưng cần phải có ơn Chúa. Khi đối diện với cái chết, Vịnh gia đã tin tưởng cầu xin: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ (Tv 16,10).

 

Chúa Kitô đã mặc lấy thân phận yếu hèn, tội lỗi của con người, Ngài không chỉ nhận lấy cái chết của con người mà còn liên đới với số phận tội lỗi của họ. Chúa Kitô, bằng cái chết của Người trên thập giá, đã chiến thắng tử thần. Vì thế, ai đã cùng chết với Đức Kitô, sẽ cùng sống vĩnh cửu với Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng được liên kết với Chúa Kitô trên thập giá, được dìm vào trong cái chết của Chúa Kitô và được mai táng với Người: “Thật vậy, chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8).

 

Nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo chính là niềm tin của chúng ta vào tình yêu của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Kitô. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và bởi vì Đức Kitô đã sống lại, chúng ta biết rằng không có gì là vô ích, rằng sự sống vĩnh cữu đã bắt đầu, rằng tình yêu mạnh hơn sự chết. Con người luôn khao khát một cuộc sống vĩnh cửu. Vì Thiên Chúa tạo dựng nhân loại không phải để chết mà để sống. Chết chỉ là trạm dừng chân trên con đường tiến về cuộc sống mai hậu. Thiên Chúa Chúa hiện diện mọi giây phút trong cuộc đời của chúng ta. Lúc cuối cuộc đời, Ngài chờ đợi chúng ta và dẫn đưa chúng ta vào sự sống vĩnh cửu với Ngài.

 

Lạy Chúa, xin Chúa cho quý cha, quý thầy, quý ông bà cha mẹ, quý thân nhân, ân nhân của chúng con đã qua đời được nghỉ ngơi muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.   

 

 

 

Ngày 4/11/2023

 

SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC KITÔ

LÀ NỀN TẢNG CỦA NIỀM TIN KITÔ GIÁO

                                  

 

 M. Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Thuận

 

Nơi Đức Kitô, cái chết và sự phục sinh của Ngài là nền tảng của niềm tin Kitô giáo và làm thăng tiến cuộc đời dương thế của mỗi người chúng ta. Có tin vào Chúa Kitô phục sinh thì chúng ta mới biết suy nghĩ về cách sống, về ý nghĩa của cuộc đời. Bởi chưng, khi con người biết suy tư về cái chết, chính là lúc con người biết sống! Biết sống để rồi dấn thân và “làm chứng về sự sống của Người” (Cv 1,22). Dám sống với Chúa Kitô và chết với Chúa Kitô, như niềm xác tín của thánh Phaolô: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người” (2Tm 2,11).

 

Như vậy, mỗi người Kitô hữu được diễm phúc tham dự vào sự chết của Đức Kitô qua bí tích rửa tội cách bí nhiệm, và nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, thì sự chết thể lý này sẽ hoàn thành “cái chết của chúng ta trong Chúa Kitô”, để được kết hiệp thân thể chúng ta vào thân thể của Ngài. Để rồi, mỗi Kitô hữu cũng biết ước ao được cái chết như thánh Phaolô xưa:“Tôi ước ao ra đi để được chết với Chúa Kitô” (Pl 1,23).

 

Dẫu biết rằng, cái chết vẫn còn là một bí nhiệm, mọi người ai cũng lo âu, hoảng sợ, nhưng trong niềm tin vào Chúa Kitô, mỗi tín hữu nên lạc quan và xác tín rằng, sự chết là chỗ tận cùng của cuộc lữ hành trần thế, điểm tận cùng của thời gian ân sủng và từ bi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người.

 

Khi đứng trước mộ của các vị tiền bối, các cha anh là dịp để mỗi người suy gẫm lại về cuộc đời con người, thật mỏng manh, yếu đuối trước cái chết. Đây là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hầu thanh lọc tâm hồn mình, để luôn chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc ra đi của mình. Nếu cuộc sống trần gian chúng ta đã thực sự quảng đại yêu thương anh em thì chúng ta mới có thể tiến lại gần Thiên Chúa, Đấng có một trái tim cảm thông với đau khổ, sẵn sàng để tha thứ và ân thưởng những người thiện chí. Khi tâm hồn chúng ta đã giao hoà cùng Thiên Chúa, thì bấy giờ cái chết không còn nhuốm màu vẻ tang tóc bi ai nữa. Chúng ta không còn nói “điều đau buồn nhất trong cuộc sống là cái chết”. Trái lại, chúng ta xác tín rằng “đối với người tín hữu thì an ủi và khích lệ nhất trong cuộc sống là cái chết, bởi vì cái chết sẽ chấm dứt những đau khổ phần xác, để rồi dẫn đưa chúng ta vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu nhờ Đức Kitô”.

 

Lạy Chúa Kitô phục sinh, chính niềm tin vào Chúa sẽ giúp chúng con không còn sợ hãi trước cái chết bi ai của phận người, nhưng giúp mỗi người chúng con xác tín vào tình thương của Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin Chúa thương cho các linh hồn cha anh, ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã ly trần được chung hưởng vinh quang thiên quốc với Người. Amen.                                                 

 

 

 

 

 

Ngày 5/11/2023

 

SỐNG NHƯ KHÔNG BAO GIỜ CHẾT

 

M.Vincent Điểm Nguyễn Văn Song

 

Khi cảm nghiệm về sự chóng qua của cuộc đời này, Vịnh gia đã thốt lên:

 

“Đời sống con người chóng qua như cỏ. 
Như bông hoa nở trong cánh đồng. 
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích”
(Tv 102,3).

 

Vâng, chết là một thực tế trước mắt, một sự thật trần trụi về thân phận và số kiếp con người mà đôi khi có nhiều người không quan tâm, suy nghĩ. Nó chỉ đụng chạm đến họ khi họ có người thân quen qua đời. Nhưng dù muốn hay không, từ trong sâu thẳm của tâm hồn, hình ảnh cái chết khiến chúng ta phải dừng lại suy nghĩ.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Người ta ai cũng phải chết, nhưng ai cũng sống như mình không bao giờ chết!” Sống và chết là hai phạm trù đối nghịch nhưng lại bổ túc cho nhau khi nói về thân phận và cuộc đời con người trên dương thế. Có sinh ắt có tử. Có sống ắt có chết. Và ai ai cũng phải chết. Tuy nhiên, sống làm sao và chết như thế nào mới là điều khiến mỗi người chúng ta phải suy nghĩ. Có những người lúc còn sống cũng như sau khi chết không ai muốn nhắc đến họ. Bởi cái chết của họ được xem như một điều may mắn và niềm vui mừng cho nhiều người. Thánh Kinh đã nói đến cái chết kiểu này mà lời nguyền rủa xem như áp dụng rất đúng cho những người đã bán rẻ lương tâm, bán rẻ anh em, bán rẻ dân tộc, bán rẻ đồng bào vì những lợi lộc cá nhân: “Con Người sẽ ra đi như lời đã viết về Ngài, nhưng khốn cho kẻ đã phản bội Ngài, thà hắn đừng có sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).

 

Thế nên, để sống cuộc đời có ý nghĩa và để người đời còn nhớ tới mình sau khi đã chết, lời Vịnh gia đã khuyên dạy chúng ta: Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (TV 90,12).

 

Như vậy, đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết mà là bước vào một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu trong Đức Kitô Phục sinh - Đấng đã chết và sống lại và ban cho nhân loại sự sống vĩnh hằng, và nơi Người, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa. Khi cầu nguyện cho người quá cố, chúng ta tin rằng: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi”. Và Giáo Lý Công Giáo dạy: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của Ngài”.Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chịu tử nạn và phục sinh, chính niềm tin vào Chúa sẽ giúp chúng con không còn bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, nhưng giúp mỗi người chúng con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Nguyện xin Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, xin thương cho các linh hồn các cha anh, ông bà, cha mẹ, anh chị em và các tín hữu đã ly trần được chung hưởng vinh quang thiên quốc với Ngài. Amen.

 

 

 

Ngày 6/11/2023

 

SỐNG CHẾT TRONG NIỀM TIN VÀ HY VỌNG

 

M. William Thân Nguyễn Trọng Tình

 

Khác những ngày trước, chúng ta viếng nghĩa trang, đứng trước những ngôi mộ ngay ngắn của các cha, các thầy đang nằm nghỉ yên trong phần mộ, các ngài đang ngủ một giấc dài để chờ ngày quang lâm. Hôm nay, chúng ta viếng Nhà Chờ Phục Sinh (Nhà Hy Vọng) trước những hũ cốt nhỏ bé, nói lên thân phận bụi tro của kiếp người, các ngài cùng chung niềm hy vọng trông chờ ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang.

 

Các ngài đã từng sống, từng học tập, từng làm việc, từng phấn đấu…, nhưng giờ đây chỉ còn là những hộp nhỏ ghi tên để mọi người tưởng nhớ. Ngày sinh và ngày tử chỉ cách nhau bằng một gạch nối thật ngắn ngủi. Sinh ra ngày hôm trước, ngày hôm sau đã ly trần cũng biểu thị bằng một gạch nối. Sống trăm tuổi đầu bạc răng long, chết đi cũng đánh dấu sinh tử bằng một gạch nối. Đó chính là bài học cho mỗi người chúng ta: sinh đó, tử đó, mọi sự chỉ còn là gạch nối mong manh, nhưng cái vững bền mãi mãi là tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa. Ôi kiếp người thật quá mong manh! Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, rồi một mai tôi trở về cát bụi! Sự chết không dẫn chúng ta về hư vô, nhưng là khởi điểm của một cuộc sống mới, vì chúng ta đã và đang cùng sống, cùng chết với Đấng đã sống, đã chết, và đã sống lại.

 

Đứng trước những hũ tro cốt này, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những con người đang an nghỉ trầm mặc nơi đây, mà chúng ta còn tưởng nhớ đến tất cả những người đã nằm xuống trong lòng đất mẹ, các ngài đã trải qua một kiếp người mỏng giòn và yếu đuối, giờ đây chỉ còn là cái tên gợi nhớ trong niềm ký ức. Một phút để nhớ và ngàn đời hiệp thông, trong tín điều các Thánh thông công. Chúng ta dâng kinh nguyện, những việc đạo đức, Thánh lễ để cầu nguyện cho tất cả mọi người đã ly trần. Như vậy, trần đời “mọi sự là hư vô”.  Nhưng mọi sự trong Đức Giêsu Kitô trở nên phần rỗi cho chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta một cuộc sống đời đời trong Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa, xin Chúa thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm cho các ngài, xin Chúa đón nhận các ngài vào vui hưởng tôn nhan Chúa. Amen.

 

 

                                                                              

 

 

 

Ngày 7/11/2023

 

NHÂN SINH VÔ THƯỜNG

 

M. Lazaro Nguyễn Hưng Quyền

 

Người đời thường nói đến hai chữ vô thường, quen nghe, quen nói nên cũng dễ dửng dưng. Cho đến khi một hình ảnh thân quý, một tình cảm mến thương đột ngột vĩnh viễn rời xa mình, lúc bấy giờ chúng ta mới thật sự bàng hoàng và thấm thía nỗi đau của hai chữ vô thường.

 

Cuộc sống con người nơi trần gian này quả là vô thường, “ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 143,4). Hiểu được sự vô thường đó nên người đời thường hướng vọng về sự sống trường cửu, tìm kiếm những phương thuốc trường sinh, để kéo dài sự sống ở đời này nhưng đều thất bại. Sự chết là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống của chúng ta.

 

“Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết, đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Chúa Cha cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu, đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành. Nhờ Đức Kitô, sự chết theo Kitô giáo mang một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21); “Nếu ta cùng chết vời Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11) (GLHTCG, 1009-1010).

 

Theo Giáo lý Công giáo, sự chết không phải là điểm dừng cuối cùng, mà là cánh cửa mở ra đời sống vĩnh cửu. Đó là một phần tự nhiên của cuộc sống và là một bước tiến trong hành trình đến với Thiên Chúa. Cái chết là điểm đến của cuộc hành trình hữu hạn, nhưng lại là điểm khởi đầu của cuộc hành trình vô hạn. Đức tin giúp chúng ta nhìn nhận sự chết cách khôn ngoan và hy vọng, vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó với Thầy” (Ga 14, 2-3).

 

Tưởng nhớ và cầu nguyện cho các bậc tiền nhân đã hoàn tất cuộc lữ hành nơi dương thế này là một truyền thống tốt đẹp và lành thánh. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta đối diện với bản thân và đánh giá lại cuộc sống của mình. Việc cầu cho các tín hữu đã qua đời nhắc nhở chúng ta về sự tạm bợ ở đời này, và khuyến khích chúng ta tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu bằng việc sống đạo đức, yêu thương và phục vụ. Nhắc đến việc phải chết giúp mỗi người nhớ rằng chúng ta chỉ có một thời gian giới hạn để sống cuộc đời trần thế này. Vì thế, chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng, như những trinh nữ khôn ngoan, luôn cầm đèn cháy sáng trong tay. Để bất cứ giờ nào “Chàng rể” đến, chúng ta cũng sẵn sàng vào dự tiệc vui muôn đời.

 

Lạy Chúa, xin cứu thoát các linh hồn khỏi hình khổ luyện ngục, và xin cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn. Amen.

                                                                                                                                                                       

 

 

Ngày 8/11/2023

 

SUY NIỆM VỀ SỰ CHẾT

 

M. Bonaventura Trần Nguyễn Đăng Khoa

 

Hằng năm, Giáo hội dành tháng 11 để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, đặc biệt quý cha, quý thầy cùng tổ tiên ông bà, cha mẹ, thân nhân và ân nhân của chúng ta. Đây cũng là dịp để chúng ta chiêm nghiệm về sự chết, về hành trình cuộc đời của chúng ta nơi trần thế này.

 

Mỗi cuộc đời là một cuộc hành trình và cuộc hành trình nào cũng đến hồi kết thúc. Trên những chặng hành trình của cuộc đời: dù hạnh phúc hay bất hạnh, thành công hay thất bại, giàu có hay nghèo khó...thì điểm cuối cùng trong cuộc hành trình của chúng ta vẫn là cái chết.

 

Sống, chết luôn song hành và tồn tại trong cuộc đời này. Sự sống con người trong thân xác là một sự sống hướng đến cái chết. Do đó, cách thức chúng ta đối diện với cái chết mở ra cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về sự sống, về sức khoẻ, về bệnh tật và đau khổ. Triết gia Heidegger đã có một cái nhìn trực quan về sự chết như sau: “Việc đối diện với cái chết cụ thể của bản thân mỗi người đem lại cho cuộc sống một mục đích và một sự khẩn thiết, nếu không cuộc sống ấy sẽ thiếu mục đích”.

 

Tuy nhiên, nhờ Đức Kitô, nhờ cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài, đã mang đến cho thực tại của cuộc sống và sự chết một ý nghĩa: chết không phải là kết thúc, chết chính là cánh cửa mở ra một thực tại cuộc sống khác, là thiên đàng, là hạnh phúc Nước Trời. Chính điều đó tự vấn chúng ta. Chúng ta có chấp nhận cái chết để được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô hay không? Chính niềm tin Kitô giáo dạy chúng ta rằng qua cái chết ta được bước vào sự sống đích thật. Đó cũng là cách giúp chúng ta vượt qua sự sợ hãi trước bí ẩn của cái chết. Chính sự chết là bài học quý giá nhất như thần học gia Karl Rahner đã nói: “Ta không chỉ chết vào lúc kết thúc cuộc đời nhưng cả cuộc đời lúc nào ta cũng phải học cách chết”.

 

Khi nhìn lên Chúa Giêsu phục sinh trong niềm hy vọng, cũng chính là lúc chúng ta sống một cách trọn hảo và dấn thân hơn cho thực tại cuộc sống này. Cha Anthony de Mello từng nói: “Hãy lo thức tỉnh bây giờ đây. Hãy sống giây phút hiện tại cách tròn đầy rồi bạn sẽ không e sợ tương lai”.

 

Vì vậy, chúng ta hãy sống trọn vẹn ý nghĩa giây phút hiện tại và hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Chúa, như Vịnh gia đã tin tưởng: “Hãy kí thác đường đời cho Chúa tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5). Và thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9). Amen.

 

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á