TẬP VIỆN

Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống tinh thần hiệp hành “một đi chung cùng nhau” (DN 150) trong đời sống cộng đoàn, theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận

Trước khi rời bỏ thế gian trở về bên Chúa, cha Biển Đức Thuận đã trối lại cho con cái một câu rất thời sự: “Một đi chung cùng nhau”. Không chỉ trong lời trăn trối cuối cùng, nhưng trong suốt cuộc đời của cha, tinh thần hiệp hành, tình bác ái huynh đệ trong cộng đoàn đã được cha ôm ấp và truyền lại cho hậu thế. Để sống đúng căn tính “Xitô Thánh Gia”, nghĩa là sống tinh thần gia đình, tinh thần hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn, chúng ta cùng tìm hiểu và noi theo gương Đấng sáng lập Hội Dòng.

 

 

 

Đan sĩ Xitô Thánh Gia sống tinh thần hiệp hành “một đi chung cùng nhau” (DN 150)

trong đời sống cộng đoàn, theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận

 

 

M. Michael Hồ Quốc Hội

 

Lời mở

 

Ngày 09.10.2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.” Các Giáo Hội địa phương, các hội dòng, đoàn thể và mỗi tín hữu đều hưởng ứng lời kêu mời của Đức Thánh Cha, tích cực tham gia vào Thượng Hội Đồng bằng cách tìm hiểu và đào sâu tính hiệp hành của Giáo Hội. 

 

Hiệp hành là đặc tính của các cộng đoàn Kitô Giáo, đặc biệt là các cộng đoàn thánh hiến. Đan viện là một cộng đoàn dân Chúa thu nhỏ, là nơi liên kết những Kitô hữu cùng một ơn gọi, một lý tưởng, cùng nhau tiến bước trên một con đường, bước theo Đức Kitô. Do đó, tính hiệp hành càng phải được học hỏi và thi hành trong các cộng đoàn đan tu này.

 

Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia, cha Henri Denis Benoit Thuận, người đã sống vào những năm đầu của thế kỷ XX, cũng để lại một câu rất thời sự: “Một đi chung cùng nhau”, hợp với chủ đề hiệp hành của Thượng Hội Đồng. Suốt cuộc đời, cha đã sống nêu gương và dạy con cái mình tinh thần hiệp nhất huynh đệ “đi chung cùng nhau” này. Để sống tinh thần hiệp hành theo căn tính của Hội Dòng, chúng ta cùng tìm hiểu giáo huấn và gương lành của Cha tổ phụ trong đời sống cộng đoàn.

 

1. Minh định một vài khái niệm

1.1. Tinh thần hiệp hành

 

Trước hết, hiệp hành được dịch từ tiếng La tinh Synodus, theo nguyên ngữ tiếng Hy lạp là σύνοδος, được tạo thành bởi tiếp đầu ngữ συν (với) và danh từ όδός (con đường). Theo đó, Synodos hiểu đơn giản là “con đường chung” hoặc “chung một con đường”.[1]

 

Theo nghĩa thần học, hiệp hành là con đường chung đi tìm thánh ý Thiên Chúa và dẫn tới nước của Người. Trong Cựu ước, tính hiệp hành được thể hiện qua những cuộc xuất hành theo lệnh Thiên Chúa, như của Abraham hay của toàn dân Israel vào miền Đất hứa (x. St 10-17; Xh). Đến thời Tân ước, con đường này được chính Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Đó là một con đường cụ thể, được mạc khải tỏ tường nơi con người Đức Giêsu Kitô, Đấng đã khẳng định rằng: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua thầy” (Ga 14,6).

 

Theo ý nghĩa Giáo Hội Học, hiệp hành là một đặc tính của Hội Thánh, nó diễn tả tính lữ hành và hiệp nhất của cộng đoàn Dân Chúa, cùng nhau tiến bước về quê trời. Trong đó, qua Bí tích Rửa Tội, mỗi thành viên trong cộng đoàn được Chúa Cha kêu gọi, được quy tụ trong Chúa Con, được hướng dẫn và thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần. Do đó, từ synodus hay synod cũng được dùng để nói về các công nghị, các Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhằm diễn tả tính hiệp hành, cùng nhau tiến bước hành trình của toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

 

1.2. “Một đi chung cùng nhau

 

Khi đọc câu này chắc nhiều người trẻ sẽ thắc mắc: một đi chung cùng nhau, vậy hai hay ba đâu? Để hiểu rõ câu này chúng ta nên tìm hiểu về nguồn gốc và bối cảnh nó ra đời.

 

Một đi chung cùng nhau” được trích từ lời trăn trối cuối cùng của Cha tổ phụ Biển Đức Thuận, vào ngày 18 tháng 07 năm 1933, tức một tuần trước khi ngài ra đi trở về với Chúa.[2] Theo đó, khi gần tới ngày được Chúa gọi về, biết con cái mình sẽ lo buồn nên cha an ủi và khuyên nhủ họ: “Vậy trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có ai áy náy lo sợ, một đi chung cùng nhau vui vẻ theo thánh ý Cha chúng ta[3].

 

Đây là một loại câu cầu khiến có hai vế. Vế đầu, cha dùng phó từ “chớ” để động viên các môn đệ bằng mệnh lệnh phủ định: chớ buồn, chớ áy náy, chớ lo sợ. Trong vế sau, để khuyến khích họ, cha đã dùng phó từ “một” ở dạng mệnh lệnh khẳng định. Chúng ta có thể thay thế từ một bằng phó từ “hãy”. Kiểu nói này được người xưa dùng nhiều trong văn chương cũng như giao tiếp hằng ngày. Cấu trúc này được bắt gặp trong một số bản dịch Việt ngữ câu nói của Chúa Giêsu: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Ngày nay, phó từ “một” hiếm khi được dùng trong câu cầu khiến, nhưng trong trường hợp này nó lại diễn tả rất tốt lời khuyên của Cha tổ phụ. Từ “một” không làm cho người nghe bị gò bó, ép buộc như từ “hãy”, nhưng lại diễn tả sự cấp thiết, chỉ một điều cần thiết duy nhất và khuyến khích người khác làm theo.

 

Như vậy, “một đi chung cùng nhau” là mệnh lệnh của Cha tổ phụ truyền cho con cái mình: trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc lâm chung, đừng lo lắng sợ hãi, nhưng hãy kề vai sát cánh, giúp nhau, cùng nhau tiến về nhà Cha.

 

2. Đời sống cộng đoàn

2.1. Cộng đoàn Giáo Hội

 

Con người sống một mình không tốt, đó là lời khẳng định của Thiên Chúa sau khi Ngài tạo dựng Adam, con người đầu tiên (x. St 2,18). Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên Eva để hợp cùng Adam tạo nên cộng đoàn nhân loại đầu tiên. Cộng đoàn này mặc khải hình ảnh của Thiên Chúa, diễn tả yếu tính hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. St 1,27). Tính cộng đoàn là một trong những đặc tính của con người được thừa hưởng từ Thiên Chúa. Do đó, để trở nên giống Thiên Chúa và thuộc về Ngài, con người phải sống kết hợp với nhau.

 

Tuy nhiên, do bản tính yếu hèn và do tội lỗi cản trở, con người không thể tự mình tìm được Thiên Chúa và cũng không dễ kết hợp được với nhau. Không để cho con người đơn độc lần mò trong sự vô minh, Chúa Cha đã ban chính Người Con Một để dẫn đưa nhân loại về với Ngài và hợp nhất với nhau. Khi sống giữa nhân loại, Người đã kêu gọi, quy tụ những người tin vào Người và thiết lập một cộng đoàn của giao ước mới. Nhờ máu của giao ước mới mà Người đã đổ ra trên Thập giá, cộng đoàn các tín hữu được thanh tẩy, kết hiệp với Thiên Chúa và hợp nhất với nhau trong cùng một Thần Khí.[4] Đây chính là tiền thân của Hội Thánh Công Giáo ngày nay.

 

Khi trình bày về Hội Thánh (Ekklesia), người ta thường nhắc tới bốn đặc tính, hay là bốn dấu chỉ để nhận biết tổ chức này, đó là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Những thuộc tính này được Thiên Chúa ban cho Giáo hội, nhờ Đức Giêsu Kitô, qua sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, sự duy nhất của Hội Thánh được xây dựng trên động lực và mẫu gương hợp nhất của Thiên Chúa Tam Vị. Ba Ngôi nhưng chỉ một Thiên Chúa. Mặt khác, các Kitô hữu cũng được Đức Kitô quy tụ quanh Người để hiệp thông với Người và kết hợp với nhau, tạo thành một thân thể nhiệm mầu. Vì Đức Giêsu Kitô là Đấng Thánh, chí thánh, nên Giáo Hội, trong tư cách là thân thể và là hiền thê của Người, cũng được thông truyền sự thánh thiện của Người. Hội Thánh có tính “công giáo và tông truyền” vì được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các tông đồ, như một bí tích cho muôn dân. Qua Giáo Hội, Người tập hợp tất cả mọi người thuộc mọi thời đại, chủng tộc, văn hóa và cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để được ơn cứu độ.

 

Tuy nhiên, vì Giáo Hội đang trên đường lữ hành, còn nhiều khiếm khuyết, và bất toàn, nên mọi Kitô hữu được mời gọi tích cực cộng tác với ơn Chúa để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô. Nhiệm vụ của cộng đoàn Giáo Hội trước hết là sống căn tính của mình, đó chính là thể hiện và thực thi các thuộc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.[5] Những đặc tính này đan quyện vào nhau tạo nên một Hội Thánh hiệp hành, giúp các chi thể cùng nhau tiến về Thiên Quốc, về với Chúa Cha, trên con đường Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, dưới sự hướng dẫn và thúc đẩy của Thánh Thần.

 

2.2. Cộng đoàn tu trì

 

Công đồng Vaticano II xem đời sống thánh hiến, đặc biệt dưới hình thức cộng tu, là phản ánh sự hiệp thông và thánh thiện của Giáo Hội hoàn vũ. Do đó, “cộng đoàn tu trì không đơn thuần là một tập hợp các Kitô hữu nhằm tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân”, nhưng là “một cơ thể sống động của tình hiệp thông huynh đệ,” “là sự thông phần và là chứng tá đặc biệt của Giáo Hội”.[6] Hơn nữa, sự hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn thánh hiến là biểu hiện cách cụ thể, hữu hình và sống động sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa Tam Vị vừa là mẫu gương tuyệt hảo, vừa là động lực thúc đẩy các phần tử trong cộng đoàn thánh hiến liên kết với nhau.[7]

 

Cộng đoàn tu trì không phải là tập hợp của những con người cùng chung huyết thống, cùng một dòng tộc, một ngành nghề, một sở thích hay một đam mê, nhưng bao gồm những người hoàn toàn khác nhau được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ lại thành một cộng đoàn hiệp nhất huynh đệ nhằm thánh hóa bản thân và phục vụ nước Chúa. Quả thật, “các phần tử của một cộng đoàn tu trì được liên kết với nhau do một ơn gọi chung của Thiên Chúa”[8]. Cũng vậy, họ cùng nhau đáp trả tiếng gọi đó bằng cách tự nguyện dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, trong cùng một đoàn sủng của đấng sáng lập và cùng một linh đạo đặc biệt của hội dòng.[9]

 

Huấn thị về Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn của Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ đã phân biệt hai yếu tố liên kết và hiệp nhất các phần tử trong cộng đoàn tu trì. Thứ nhất là tình huynh đệ hay là sự hiệp thông huynh đệ, yếu tố này có tính cách thiêng liêng hơn, nó xuất phát từ tâm hồn, do đức ái thúc đẩy, nhấn mạnh đến sự hiệp thông và những mối tương quan cá vị. Thứ hai là đời sống chung, yếu tố này có tính cách hữu hình hơn, nó hệ tại ở việc cùng nhau sống trong một nhà dòng hợp pháp, cùng trung thành với các nguyên tắc, luật lệ và các hoạt động chung. Yếu tố thứ nhất, tình huynh đệ, hiển nhiên lý tưởng và trội vượt hơn, nhưng để đạt được nó cần sự hỗ trợ của đời sống chung bằng việc tuân giữ các nguyên tắc chi phối đời sống chung.[10]

 

Cộng đoàn tu trì là một đời sống huynh đệ theo gương cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi, luôn lấy Chúa Kitô Phục Sinh làm trung tâm điểm, cùng họp nhau cầu nguyện, tham dự lễ bẽ bánh, lắng nghe giáo huấn của các Tông Đồ, chia sẻ mọi của cải vật chất cũng như tinh thần (x. Cv 2,42-47). Khi sống trọn tình hiệp thông huynh đệ như thế, cộng đoàn thánh hiến là một dấu chỉ sáng ngời của thành Giêrusalem mới, là “nhà của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại” (Kh 21,3).[11]

 

Như thế, cộng đoàn thánh hiến lý tưởng là nơi người tu cùng nhau, giúp nhau lắng nghe, nhận ra và đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa. Trong môi sinh cộng đoàn, tu sĩ được đào luyện để thánh hóa bản thân, hoàn thành đời dâng hiến của mình. Nơi đây tu sĩ tâm giao với Thiên Chúa, hiệp thông với anh chị em mình và tất cả mọi người. Nhờ đó tu sĩ cũng có khả năng loan báo và phục vụ Nước Chúa một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì “cộng đoàn là loan báo, là phục vụ và là chứng tá ngôn sứ”[12].

 

Việc tông đồ hữu hiệu hơn hết mà Giáo Hội mong chờ nơi các cộng đoàn thánh hiến, đặc biệt là cộng đoàn đan tu, là đời sống chứng tá hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn. Với một đời sống huynh đệ khăn khít trong đan viện, chứng tá do các đan sĩ chiêm niệm đem lại có ý nghĩa rất đặc biệt, đó là dấu chỉ sống động của mầu nhiệm Giáo Hội. Bắt nguồn từ căn tính của ơn gọi chiêm niệm, là tìm kiếm một mình Thiên Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, đời sống huynh đệ trong các cộng đoàn đan tu có những chiều kích sâu rộng hơn.[13] Thật thế, việc các đan sĩ kết hiệp với Thiên Chúa thường xuyên “làm cho họ gắn bó với những phần tử khác trong cộng đoàn cách tế nhị và tôn trọng hơn, và sự chiêm niệm đem lại một sức mạnh giải phóng họ khỏi mọi hình thức ích kỷ”[14].

 

2.3. Đời sống cộng tu trong Lu luật thánh phụ Biển Đức

 

Khi đặt nền móng cho phong trào đan tu tây phương, thánh phụ Biển Đức đã rất đề cao lối sống cộng tu của các đan sĩ, “những người sống trong đan viện, chiến đấu theo một Tu Luật và dưới quyền viện phụ”[15]. Để xây dựng đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, thánh Biển Đức đã thiết lập cơ cấu tổ chức đan viện như một gia đình. Trong đó viện phụ như người cha, đại diện Chúa Kitô quy tụ, coi sóc và chịu trách nhiệm về đoàn chiên đã được Chúa ủy thác. Ngược lại, các đan sĩ cũng phải vâng phục và cộng tác với viện phụ để xây dựng đan viện.[16]. Mặt khác, để có sự trật tự và hài hòa trong cộng đoàn, mỗi thành viên hãy giữ vị trí của mình theo ngày vào dòng hay theo sự sắp xếp của viện phụ, “đàn em phải luôn tôn kính đàn anh, đàn anh hãy yêu thương đàn em”.[17]

 

Ở trong cộng đoàn không ai bị bỏ rơi, kể cả những người mắc lỗi và bị tuyệt thông. Cha thánh dạy rằng: viện phụ và cộng đoàn phải quan tâm nhiều hơn tới những người này. Cụ thể, nếu ai lỗi luật sẽ bị đàn anh nhắc nhở một hai lần, nếu không sửa mình sẽ bị khiển trách trước mặt mọi người và sẽ bị tuyệt thông nếu không tu chỉnh.[18] Tuy nhiên, tuyệt thông không phải là một hình thức trừng phạt những người mắc lỗi, nhưng là phương thế để sửa lỗi họ. Do đó, viện phụ phải hết sức lo lắng săn sóc cho người bị tuyệt thông và sai những vị lão thành kín đáo an ủi, nâng đỡ người anh em đó.[19] Nếu ngay cả hình phạt tuyệt thông mà người đó không tu chỉnh thì hãy dùng linh dược cuối cùng để cứu chữa là lời cầu nguyện của ngài và của toàn thể cộng đoàn.[20]

 

Tu luật là bản đúc kết kinh nghiệm hơn 40 năm làm viện phụ của Cha thánh. “Người của Chúa” rất tinh tế và cẩn trọng trong cách tổ chức cộng đoàn. Ngài sắp xếp các sinh hoạt cộng đoàn rất quân bình với ba phần vụ chính: Thần vụ, lao tác và học tập. Trọn bộ Tu luật là kim chỉ nam hướng dẫn đan sĩ trên con đường theo Đức Kitô trong đời sống cộng tu. Sau khi trình bày về bản chất (lời mở), các yếu tố nền tảng của đời tu (1-7), cũng như phần vụ ưu tiên ca ngợi Thiên Chúa của đan sĩ (8-20), Cha thánh dùng hai phần ba bản Tu luật (chương 21-72) để nói về những quy chế quản trị cộng đoàn. Các quy chế đó bao gồm một số hình luật trong đan viện (23-30); các công tác và sinh hoạt hằng ngày (31-57); thứ tự và chức vụ trong đan viện (63-65); mối tương quan trong cộng đoàn (68-72). Tất cả những điều đó nhằm xây dựng tính hiệp hành, tình yêu thương, hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn của thánh Biển Đức.

 

3. Sống tinh thần hiệp hành trong cộng đoàn theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận

3.1. Một vài dấu mốc lịch sử trong ơn gọi của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

 

Henri Denis sinh ngày 17 tháng 8 năm 1880, là con trai độc nhất của ông bà Cyrille và Anne Denis, tại Boulogne-sur-Mer, thuộc tỉnh Pas de Calais, Nước Pháp. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, năm 1892, lúc tròn mười hai tuổi, chú Henri Denis đã gia nhập tiểu chủng viện Marquera, ở Boulogne. Sau đó thầy được đào tạo để trở nên thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo của Chúa, tại đại chủng viện của Hội Truyền Giáo Paris. Vào năm 1903, sau khi thụ phong linh mục, cha được sai đến giáo phận truyền giáo Huế, thuộc Đại Diện Tông Tòa Bắc Đàng Trong, Việt Nam.[21]

 

Trên vùng đất mới, sau một thời gian ngắn học tiếng Việt, cha được đặt làm giáo sư tiểu chủng viện An-Ninh. Sau năm năm, tức vào năm 1908, Đức Cha Allys, vị Đại diện Tông Tòa Huế, đặt ngài coi sóc họ đạo Nước Mặn. Ở đây, trong cương vị là mục tử ngài đã hết lòng hy sinh, phục vụ những con chiên được Chúa ủy thác và nhiệt thành dẫn đưa nhiều người ngoại trở về với Chúa. Đến năm 1913, ngài được gọi trở lại làm giáo sư tiểu chủng viện An-Ninh.[22]

 

Ngày 15.08.1918 đánh dấu một bước ngoặt trong đời dâng hiến của cha: được phép của đấng bản quyền, cha Henri Denis Thuận đã rời cương vị giáo sư chủng viện để sống đời đan tu chiêm niệm. Trên miền đồi núi Phước Sơn, Quảng Trị, ngài đã khởi đầu đời đan tu với một người bạn và đặt tên đan viện mới là “Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam”. Tiếng lành đồn xa, các ứng sinh tấp nập kéo đến tân đan viện và từ đây mở ra một trang sử mới cho phong trào đan tu chiêm niệm trên đất nước Việt Nam. Ngày 25.07.1933, cha đã trở về với Chúa, kết thúc 53 năm hành trình dương thế.[23]

 

3.2. Đi chung cùng nhau theo gương Cha tổ phụ Biển Đức Thuận

 

Trước khi rời bỏ thế gian trở về bên Chúa, cha Biển Đức Thuận đã trối lại cho con cái một câu rất thời sự: “Một đi chung cùng nhau”. Không chỉ trong lời trăn trối cuối cùng, nhưng trong suốt cuộc đời của cha, tinh thần hiệp hành, tình bác ái huynh đệ trong cộng đoàn đã được cha ôm ấp và truyền lại cho hậu thế. Để sống đúng căn tính “Xitô Thánh Gia”, nghĩa là sống tinh thần gia đình, tinh thần hiệp nhất huynh đệ trong cộng đoàn, chúng ta cùng tìm hiểu và noi theo gương Đấng sáng lập Hội Dòng.

 

3.2.1. Đi chung cùng nhau là “cùng nhau kính mến Chúa”

 

Cha khuyên nhủ con cái mình trước hết và quan trọng hơn hết đó là sự kính mến Chúa, “vì chính Chúa đã kêu gọi chúng ta vào dòng”, để cùng nhau lo cho công việc cao trọng ấy.[24] Để có được sự bình an và sự hiệp nhất trong cộng đoàn, chúng ta phải lo sống kết hợp với Chúa.[25] Một khi được “nhuộm màu Đức Chúa Trời”, nghĩa là được “ơn nghĩa cùng Chúa”, chúng ta cũng được thông phần vào mầu nhiệm hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, được “thông phần bản tính của Chúa” (2 Pr 1,4).[26]

 

Để kết hiệp với Chúa, cha Tổ Phụ đã đưa ra các phương thế như tham dự thánh lễ và rước lễ,[27] đọc kinh, cầu nguyện[28] và nguyện gẫm[29]. Cha nhấn mạnh rằng: “Nhà này không cầu nguyện, thì hóa ra nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng ta. Thầy dòng phải là con người cầu nguyện. Cầu nguyện là thực sự gặp Chúa cách thân tình, như giữa cha với con.”[30]

 

Sự kính mến Chúa được tỏ ra trong các việc làm hằng ngày. “Như một người làm việc bổn phận mình tử tế, giữ luật chín chắn, đó cũng là kính mến Chúa […] Vì trong lòng đã có kính mến, thì các việc chúng ta làm bề ngoài mới nên hẳn hoi”.[31] Hơn nữa, khi làm mọi việc một cách tử tế, trọn hảo là chúng ta đang noi gương Chúa Giêsu trong công việc hằng ngày. Theo sát Đức Kitô là kim chỉ nam của cha: “Trong mọi việc chúng ta làm hằng ngày, hãy chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào, thì ra sức noi gương. Chúa Giêsu đọc kinh thế nào? Người đứng ngồi cách nào? Người nguyện gẫm ra sao? Người ăn cơm và làm việc cách nào? […] Nếu cả nhà dòng chúng ta ai nấy cứ chăm lo làm việc như vậy, thật là tốt lành biết mấy! Người ta trông vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy”.[32]

 

Tuy nhiên khi làm những điều ấy, chúng ta hãy làm vì Chúa, vì sự kính mến Chúa chứ không phải cho bản thân, cho mình được vinh quang. Cha dạy rằng: “Chớ tưởng các việc chúng ta đang làm bề ngoài là trọng, như việc xây nhà, làm vườn, nấu ăn và các việc khác như vậy, ai cũng làm được. Chúng ta chớ lấy các việc đó làm trọng làm chính. Đó chỉ là việc tùy mà thôi. Chính việc của chúng ta là lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa, nói chuyện vãn với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho người khác cùng kính mến Chúa nữa.”[33]

 

3.2.2. Đi chung cùng nhau là yêu thương, chấp nhận nhau

 

Đặc biệt, lòng mến Chúa được thể hiện rõ nét trong việc yêu thương người thân cận (x. 1 Ga 4,20-21). Là một người say mê suy gẫm Lời Chúa, cha Biển Đức Thuận luôn tâm niệm điều luật yêu thương, một điều luật kép “mến Chúa và yêu người”. Để cộng đoàn thấm nhuần giới luật này, cha đã khéo léo dạy bảo con cái mình: “Muốn biết chúng ta có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng ta có yêu thương anh em không […] vì sự yêu thương anh em là dấu chắc chúng ta có lòng mến Chúa.”[34]

 

Quả thực, yêu thương là điều kiện không thể thiếu, là yếu tố tiên quyết của cộng đoàn mà Cha tổ phụ muốn xây dựng. Trong Di Ngôn, yêu thương là nhân đức đứng hàng đầu, luôn được cha nhiều lần nhắc tới. Trước hết, yêu thương nhau là sống tình anh em một nhà, là chia sẻ niềm vui nỗi buồn với anh em mình. “Nhân đức yêu thương, là khi thấy kẻ khác buồn thì mình cũng buồn, như thể chính sự buồn của mình. Khi thấy kẻ khác vui thì mình cũng vui, như thể chính sự vui của mình.”[35]

 

Mặt khác, yêu thương nhau thì không xét đoán, không suy bụng ta ra bụng người, nhưng hãy xét ý ngay lành cho anh em, vì điều đó thì có ích luôn (x. Mt 7,1-2). Theo kinh nghiệm của cha: “Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần đúng; mà có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích. Chúng ta xét về ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu, mình xấu nên cũng ngờ người khác xấu như mình.”[36]

 

Hơn nữa, đừng xét nét anh em nhưng hãy bao dung, tha thứ cho nhau và giúp nhau cùng tiến tới trên đường nhân đức. Để cộng đoàn luôn vui tươi “chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức yêu thương mà che đậy nết xấu nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình, vì việc ấy đã có bề trên và các người coi sóc.”[37]

 

Tuy nhiên, ở đây Cha tổ phụ cũng không quên nhắc nhở bề trên và các vị hữu trách: “Chớ có dựa vào việc bổn phận mà làm cực lòng anh em. Hãy nhớ, sự gì mình muốn kẻ khác làm cho mình, thì mình hãy làm sự ấy trước cho người ta […] Nhất là những kẻ có việc bổn phận gì, phải lo ý tứ cho lắm, đừng lợi dụng việc bổn phận, để lo cho cái tôi của mình, không màng chi đến kẻ khác, dễ lỗi sự yêu người lắm.”[38]

 

3.2.3. Đi chung cùng nhau là không than van kêu trách

 

Trong đời sống cộng đoàn, Cha tổ phụ cật lực lên án thói than van kêu trách. Noi gương thánh phụ Biển Đức, ngài truyền cho các thành viên trong cộng đoàn không được kêu ca trách móc, nhưng phải luôn tạ ơn Chúa vì những sự khó chúng ta thường gặp. “Chúng ta nghĩ xem, sự ấy là một điều rất nghịch. Một người ở trong nhà dòng này, mà than van kêu trách, buồn bực, tỏ mặt quạu quọ, không bằng lòng với bề trên, với anh em, chúng ta nghĩ xem, thật là một điều rất nghịch, không biết nói làm sao được […] Chúng ta hãy nhớ, chúng ta đã tự ý xin vào đây”.[39] Trong Di Ngôn số 134, ngài còn nhấn mạnh: “Một thầy dòng không bằng lòng với bề trên, thì có tội tỏ tường; mà không bằng lòng với anh em cũng vậy.”

 

Do đó, theo Cha tổ phụ, để nên thầy dòng thật thì phải vâng theo ý Chúa qua việc bỏ mình và tuân giữ luật dòng. “Kết hiệp với Chúa là năng nhớ đến Chúa, hiệp một lòng một ý với Chúa. Chúa cho chúng tôi vui, chúng tôi cũng vâng. Chúa để chúng tôi buồn, cũng dạ. Chúa cho gặp những gì trái ý nghịch lòng cũng vâng”.[40] Tuy nhiên, với thân phận yếu đuối, không ai không có tính hư nết xấu nên phải lo sửa mình. Ý thức được điều đó, cha truyền dạy anh em phải giúp nhau, làm gương cho nhau và cùng nhau tiến lên trên đường nhân nhân đức.[41] 

 

3.2.4. Đi chung cùng nhau là phải khiêm nhường, bỏ mình

 

Theo Cha tổ phụ, ở trong nhà dòng, muốn được bình an thì phải khiêm nhường. “Đức khiêm nhường là nền tảng của đời sống Kitô hữu […] Sự khiêm nhường là bằng lòng chịu lấy hết mọi nỗi vui buồn Chúa gửi đến cho chúng ta.”[42] Bởi vì dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mọi việc xẩy ra không ngoài thánh ý Ngài. “Tuy Chúa không làm phép lạ, nhưng Chúa dùng người ta đem chúng ta đến cùng Chúa, như khi anh em ở khó chịu với ta, cư xử với ta một cách bạc tình lạt lẽo, thì đó là bởi tay Chúa. Chúa để cho người ta đi trước, mà có Chúa đi sau, nhưng chúng ta kiêu ngạo không bằng lòng.”[43]

 

Mặt khác, khiêm nhường là nhìn nhận rằng mọi sự mình có, như trí thông minh, tài năng hay sức khỏe là do bởi Thiên Chúa. Vì thế không nên tự cao tự đại về những điều đó, nhưng biết dùng chúng để phụng sự Chúa và phục vụ nhau. Cha dạy: “Vậy, anh có trí khôn hơn vì Chúa ban cho anh hơn, còn em có trí khôn thua vì Chúa ban cho em ít; anh có trí sáng học mau, em thì tối trí học lâu, vì Chúa muốn vậy; anh có sức mạnh vì Chúa ban cho anh, em yếu sức vì Chúa ban cho em như vậy. Cho nên không phô trương cậy mình, vì có nhiều có ít cũng bởi Chúa ban cho. Kẻ có nhiều, cũng không cậy mình mà khinh dễ người khác; người có ít, cũng không phân bì. Làm thế khác thì thật dại dột và điên cuồng. Thật, thế gian không thiếu chi kẻ điên cuồng như vậy. Họ tưởng làm quan, làm bề trên thì xem như là ở trên mây trên khí, mà khinh dể người ta.”[44]

 

Để thực hành đức khiêm nhường thật không đơn giản, vì bất cứ ai cũng muốn mình được người khác công nhận. “Điều khó hơn hết là bỏ ý riêng chúng ta mà kết hiệp cùng Chúa, chịu khó hãm mình đền tội, cho được cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi linh hồn người ta”.[45] Vâng lời Chúa dạy, cha đã thực hành đức khiêm nhường bằng cách bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa (x. Mt 16,24). Cha luôn tâm niệm: “Nếu chúng ta biết ấp yêu Thánh giá vào lòng, thì mọi sự gian nan tân khổ đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh giá thật thì ở trong nhà dòng này rất đỗi vui mừng.”[46]

 

3.2.5. Đi chung cùng nhau là làm mọi việc vì nhau

 

Nhà dòng không phải là công ty, xí nghiệp hay các hội nhóm cùng chung sở thích, nhưng là một cộng đoàn trong đó các thành viên đều có chung một lý tưởng, một mục đích, là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Để thực thi phần vụ số một của đời sống đan tu, phụng sự Thiên Chúa, đan sĩ tham gia tích cực vào mọi hoạt động của cộng đoàn, như cầu nguyện, lao động, học tập hay thể thao, giải trí … Qua những sinh hoạt hằng ngày, đan sĩ sống kết hiệp với Chúa và với nhau trong niềm hân hoan, nhờ đó cộng đoàn đan tu trở thành dấu chỉ và là lời chứng cho nước trời mai hậu.

 

Vượt lên trên sự hợp tác cùng có lợi như trong các công ty hay xí nghiệp, cộng đoàn đan tu không những phải có tinh thần làm việc cùng nhau, nhưng còn phải vì nhau. Theo tinh thần gia đình, các đan sĩ có những công tác riêng, nhưng mỗi người đều làm việc cho Chúa và cho cộng đoàn. Là bề trên nhưng không đứng trên cộng đoàn, Cha tổ phụ cũng tích cực tham gia vào các công việc hằng ngày của cộng đoàn như các thành viên khác. Tác giả sách Hạnh Tích kể lại: “Cha Benoit rất ái mộ công việc chân tay. Đừng kể công việc làm nhà như gánh đá, gánh vôi, cưa gỗ, còn việc thường nhật quanh năm, bất luận việc chi hễ anh em làm là cha không hề bỏ, hoặc việc chung như xay lúa giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rú, hoặc việc theo phiên tuần: rửa chén bát, giúp bàn, giúp bếp, gánh nước.”[47] Cha còn chọn cho mình một công việc cực khổ và hèn hạ nhất, đó là việc quét dọn nhà vệ sinh.[48] Ngài dạy mỗi người hãy làm việc theo sức, “mạnh khỏe thì làm việc nặng, yếu thì làm việc nhẹ. Xét trong một gia thất thì thấy rõ việc ấy, không cần cha phải nói dài lời. Nhà dòng này cũng là một gia thất, cha con anh em thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.”[49]

 

Tuy nhiên, ngài cũng không quên nhắc nhở, phần vụ của đan sĩ là phụng thờ Chúa, nên chớ có mê làm việc quá. “Chúng ta đã bỏ mọi sự thế gian mà vào đây, cho được tìm kiếm Chúa, chớ có điên cuồng dại dột, chớ có mê làm việc quá lắm. Đến giờ phải làm thì làm, làm cho siêng, làm cho tử tế, rồi thì thôi.”[50] Trong những số Hiến Pháp đầu tiên, cha cũng cảnh tỉnh bề trên và các vị hữu trách: “Đừng quá bận tâm về của cải vật chất chóng qua tạm bợ, nhưng luôn tâm niệm rằng mình đã nhận lãnh hướng dẫn các linh hồn và phải trả lẽ về trách nhiệm đó.”[51]

 

Lời Kết

 

Sống trong một xã hội hưởng thụ, đề cao tự do cá nhân, làm cho tu sĩ có thể đi trệch đường. Chủ nghĩa tiêu thụ cũng như chủ nghĩa dửng dưng vẫn không ngừng len lỏi vào đời tu, có thể phá đổ bất cứ cộng đoàn tu trì nào. Hơn bao giờ hết, mỗi người và mỗi cộng đoàn thánh hiến phải làm chứng cho tính hiệp hành của Giáo Hội, đó chính là tình hiệp thông huynh đệ trong Đức Kitô.

 

Để sống tình hiệp thông huynh đệ, trước hết người thánh hiến phải sống kết hiệp với Thiên Chúa, đặt Đức Kitô làm trung tâm cộng đoàn và luôn mở ra theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Và để nhận biết đâu là hoa quả của Thần Khí, cộng đoàn tu trì phải trở về với đặc sủng nguyên khởi của mình, tiếp tục tìm hiểu, mở rộng và đào sâu ý hướng của Đấng sáng lập.

 

Theo sự thúc đẩy của Thần Khí, cha Biển Đức Thuận đã sáng lập dòng đan tu chiêm niệm để cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Cha đã ban tặng cho nhiều người trên đất nước Việt Nam một linh đạo phù hợp, đó là con đường thánh hóa bản thân và mở rộng Nước Chúa bằng cầu nguyện và lao động trong đời sống cộng đoàn. Nhờ đời sống hiệp hành, hiệp thông huynh đệ, “một đi chung cùng nhau” theo gương Cha tổ phụ, các cộng đoàn Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã và đang thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa giữa môi trường mình đang sống.

 

 

 


[2] X. Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, Phước Sơn 2018, 216.

[3] Lê Văn Đoàn, Tiểu Sử Cha Biển Đức Thuận, Phần I - Cha Biển Đức Thuận Trực Diện Với Thiên Chúa, Phước Sơn 2018, 269.

[4] X. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 781.

[5] X. Sđd, số 811.

[6] Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, Bản dịch Việt ngữ, số 2.

[7] X. Sđd, số 2.

[8] Sđd, số 2c

[9] X. Sđd, số 2.

[10] X. Sđd, số 3.

[11] X. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Vita Consecrata, Chuyển ngữ Phan Tấn Thành, Nhà xuất bản Tôn Giáo 2014, số 45.

[12] X. Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, Bản dịch Việt ngữ, số 58.

[13] X. Sđd, số 10.

[14] Sđd, số 10.

[15] Tu Luật Cha Thánh Biển Đức, Chương 1,2.

[16] X. Sđd, Chương 2; 27.

[17] Sđd. Chương 63.

[18] X. Sđd, Chương 23.

[19] X. Sđd, Chương 27.

[20] X. Sđd, Chương 28.

[21] X. Lê Văn Đoàn, Tiểu Sử Cha Biển Đức Thuận - Phần I Cha Biển Đức Thuận Trực Diện Với Thiên Chúa, Phước Sơn 2018, tr. 19.

[22] X. Sđd, tr 20.

[23] X. Sđd, tr. 20-21.

   [24] X. Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, Phước Sơn 2018, số 133.

[25] X. Sđd, số 107; 113.

[26] X. Sđd, Số 133.

[27] X. Sđd, số 117.

[28] X. Sđd, số 118.

[29] X. Sđd, số 119; 120.

[30] Sđd, số 118.

[31] Sđd, số 114.

[32] Sđd, số 136.

[33] Sđd, số 140.

[34] Sđd, số 112.

[35] Sđd, số 112.

[36] Sđd, số 123.

[37] Sđd, số 122.

[38] Sđd, số 122.

[39] Sđd, số 128.

[40] Sđd, số 134.

[41] X. Sđd, số 138.

[42] Sđd, số 124.

[43] Sđd, số 124.

[44] Sđd, số 125.

[45] Sđd, số 135.

[46] Sđd, số 126.

[47] Hạnh Tích Cha Benoit, Lưu hành nội bộ, tr. 201.

[48] X. Sđd, tr. 203.

[49] Sđd, số 139.

[50] Sđd, số 129.

[51] Sđd, số 104.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á