Suy tư

Vâng phục trong đức tin

Có nhiều thứ quyền bính khác nhau nên cũng có nhiều kiểu vâng phục khác nhau. Nhưng sự vâng phục của các tu sĩ luôn vượt lên trên những kiểu vâng phục khác. Đó không phải là thứ vâng phục cưỡng ép của nhà binh, hay vâng phục đường cùng của nô lệ, nhưng đó là sự vâng phục được thúc đẩy bởi lòng yêu mến với đầy đủ ý thức và tự do.

 

 

 

“Vâng lời bề trên là vâng lời Thiên Chúa.

Bởi chính Người đã nói: “Ai nghe các con là nghe Thầy”” (Tu Luật 5,15).

 

 

VÂNG PHỤC TRONG ĐỨC TIN

 

 

M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền

 

Trong thời đại văn minh kỹ thuật ngày nay, con người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng tự do dân chủ của xã hội. Nên khi nói đến đức vâng phục trong đời thánh hiến, người ta thường cho đó là một cái gì lạ đời, là khó có thể chấp nhận. Nhưng đối với những người bước theo đức Kitô trên đường trọn lành, thì vâng phục là một luật lệ căn bản, là một yêu sách không thể miễn chuẩn. Vâng phục được ví như ngọn hải đăng soi sáng trong đêm tối, là bảng chỉ đường trên lộ trình tiến về Nước Trời: Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Người cách kiên trì và chắc chắn hơn”[1]. Các tu sĩ ở mọi nơi và mọi thời vẫn không ngừng “lội ngược dòng”, vì đức vâng phục luôn là nguyên tắc và mẫu mực của đời sống tu trì.

 

Vì thế, trong suốt bản Tu Luật và nhất là ở chương năm, thánh Biển Đức cũng đã nhấn mạnh đến đức vâng phục như khí giới mà các đan sĩ luôn cầm trong tay: “Đó là nhân đức của những người không lấy gì làm quý hơn Chúa Kitô” (TL 5,2). Theo thánh Biển Đức, khi một Kitô hữu vào dòng và quyết định khấn vâng phục, người đó thực hiện bước đi đầu tiên trong lộ trình trở lại với Thiên Chúa, là khởi điểm của đời sống đan tu. Vâng phục là của lễ quý nhất mà người đan sĩ có thể dâng lên Thiên Chúa. Trong khi ý riêng của cá nhân là điều khó từ bỏ hơn cả, thì người đan sĩ chấp nhận khước từ ý riêng để thi hành lệnh truyền từ Bề trên và cộng đoàn.

 

Có nhiều thứ quyền bính khác nhau nên cũng có nhiều kiểu vâng phục khác nhau. Nhưng sự vâng phục của các tu sĩ luôn vượt lên trên những kiểu vâng phục khác. Đó không phải là thứ vâng phục cưỡng ép của nhà binh, hay vâng phục đường cùng của nô lệ, nhưng đó là sự vâng phục được thúc đẩy bởi lòng yêu mến với đầy đủ ý thức và tự do. Thánh Phaolô gọi đó là thứ vâng phục của môn đệ: “Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như môn đệ Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa” (Ep 6,6).

 

Thánh Biển Đức còn mong muốn các đan sĩ phải vâng phục trong đức tin, khi ngài nói: “Vâng lời Bề Trên là vâng lời Thiên Chúa, bởi chính Người đãn phán: Ai nghe anh em là nghe Thầy” (TL 5,15). Điều đó có nghĩa là khi lệnh truyền được ban ra, thì nó phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa chứ không phải là ý riêng của Bề trên, vì “người ta tin tưởng ngài thế vị Chúa Kitô trong đan viện” (TL 2,2). Chính đức tin làm cho người đan sĩ nhận ra Thiên Chúa đang nói với mình qua Bề trên là người đại diện Chúa. Khi Bề trên truyền dạy điều gì không trái với lề luật Chúa, đó là người làm trung gian chuyển đạt ý muốn của Thiên Chúa. Ý Chúa được thể hiện qua ý Bề trên. Chính sự xác tín đó làm nên giá trị của việc vâng phục, chứ không phải do kết quả mà việc vâng phục mang lại. Vì thế, vâng phục là một dấu chỉ đích thực của đức tin người đan sĩ đối với ý muốn đầy tình yêu thương của Thiên Chúa.

 

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không nói với con người cách trực tiếp, nhưng Ngài thường nói với con người cách gián tiếp qua trung gian của một ai đó. Trong đan viện, Thiên Chúa nói qua Viện phụ và những người có trách nhiệm hướng dẫn. Anh em vâng phục Viện phụ nhưng Viện phụ cũng phải vâng phục Thiên Chúa qua việc “không được dạy dỗ, thiết định hay truyền khiến điều gì ngoài huấn lệnh Chúa” (TL 2,4). Như vậy, Thiên Chúa mới là chủ thể mà đức vâng phục hướng đến.

 

Vâng phục đích thực thì không chỉ là vâng phục ở việc làm, mà còn phải vâng phục trong ý chí và lý trí. Nếu vâng phục Bề trên mà không tin rằng lệnh truyền đó đến từ Chúa, thì chỉ là vâng phục ở bề ngoài. Vâng phục trong việc làm là điều phải có nhưng chưa đủ. Nếu chỉ vâng phục ở việc làm thì việc vâng phục đó chẳng khác gì thứ vâng phục của nhà binh hay nô lệ. Vâng phục đích thực phải là hành động được dẫn dắt bởi đức tin: “Thế là tùy thuộc vào sức mạnh của lòng tin, lòng tin quảng đại với ơn Chúa giúp, ta có thể đạt tới điểm đồng hóa giữa Chúa và Bề trên đại diện Chúa. Ta sẽ nhìn thấy trong lệnh truyền của Bề trên, ý muốn của Chúa quan phòng và tình yêu của Chúa sẽ thúc đẩy thực hiện lệnh truyền bởi sự mau mắn vui tươi, hoàn toàn không hậu ý cũng như không ngần ngại. Do đó vâng lời không trì hoãn sẽ không gây vấn đề cho ta”[2].

 

Tuy là người thay mặt Chúa để truyền lệnh, nhưng Bề trên cũng là con người nên không thể tránh khỏi những sai lầm. Bề trên là người cùng sống với mình nên chúng ta dễ dàng nhận thấy những thiếu sót, bất toàn nơi Bề trên và nhất là khi Bề trên chỉ giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định. Những lý do đó làm cho sự vâng phục trở nên khó khăn. Chính đức tin sẽ cất đi những trở ngại ấy. Đức tin sẽ giúp chúng ta nhìn nhận Chúa Kitô nơi Bề trên, ngay cả khi về phương diện con người chúng ta thấy Bề trên cũng đầy những tật xấu. Luôn vâng phục Bề trên trong bất kì hoàn cảnh nào, điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một đức tin mãnh liệt. Đức tin sẽ siêu nhiên hóa những gì tự nhiên nơi bản tính con người.

 

Chúng ta được mời gọi để trở nên những đan sĩ vâng phục cách trưởng thành và có trách nhiệm. Trưởng thành bằng cách biết dùng trí khôn ngoan Chúa ban để phân định khi thi hành đức vâng phục, và có trách nhiệm bằng cách cộng tác với Bề trên để khám phá thánh ý Chúa. Không e ngại trình bày với Bề trên trong niềm đơn sơ, chân thành và thẳng thắn như một người con đứng trước cha của mình. Cùng đối thoại để nhận ra “cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”, chứ không vâng phục mù quáng và phó mặc cho Bề trên theo kiểu “bảo sao nghe vậy”. Công Đồng cũng nhắn nhủ các tu sĩ:“Khiêm tốn vâng lời Bề trên của mình theo tiêu chuẩn qui luật và Hiến pháp, trong tinh thần tin kính và yêu mến đối với thánh ý Chúa, dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn và mọi khả năng và ơn Chúa ban để thi hành các giới lệnh và chu toàn những bổn phận đã được ủy thác cho mình[3].

 

Đan viện là một cộng đoàn đức tin được Chúa mời gọi và gắn kết. Nơi đó, các đan sĩ sống dưới cái nhìn của đức tin và vâng phục cho chúng ta cơ hội để bày tỏ đức tin với Chúa. Chỉ có vâng phục trong đức tin mới giúp cho đời sống các đan sĩ thêm vững chắc, đó là lý do tại sao thánh Biển Đức muốn các đan sĩ phải vâng lời Bề trên của mình như vâng lời Chúa. Nếu niềm tin này sống động, sẽ làm cho việc vâng phục được dễ dàng, và là phương thế khả dĩ giúp chúng ta tìm thấy Chúa, đó là phần thưởng tối hảo mà đức tin ban cho chúng ta.

 

 

 

ĐAN SĨ SỐNG VÂNG PHỤC TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY

 

 

M. Bonaventura Trần Nguyễn Đăng Khoa

 

Chúng ta đang sống trong thế giới với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, khác xa với thời đại mà thánh phụ Biển Đức đã từng sống. Với các thành tựu khoa học ấy con người dễ có tự mãn, tự tin và ưa chuộng những giá trị vật chất trần thế hơn những giá trị tâm linh. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ phát triển với việc đề cao lý trí, tự do, cái tôi. Óc cầu tiến, cầu toàn, khiến chúng ta muốn tiến xa vượt hơn người khác, khó chấp nhận vâng phục để người khác dẫn đi. Sống trong một xã hội như vậy khiến chúng ta bị chi phối trên nhận thức, hành động, suy nghĩ. Và có người đã nói vâng phục là đánh mất tự do, cái tôi, vâng phục là hèn nhát, hèn hạ. Vì thế sống vâng phục trong thời đại hôm nay quả là một thách đố, khó khăn. Vậy đâu là con đường giúp cho người đan sĩ sống vâng phục một cách trọn hảo trong thế kỷ XXI này?

 

Xã hội hôm nay luôn đề cao sự tự do: tự do cá nhân, tự do ngôn luận... đủ thứ chủ nghĩa tự do. Từ điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa: “Tự do là không bị bó buộc, kiểm soát, tự do dân chủ”. Nếu hiểu theo định nghĩa trên chúng ta sẽ bị sai lầm khi cho rằng tự do là muốn làm gì thì làm. Là con người, ai cũng thích ra lệnh hơn là phục quyền, thích chỉ đạo hơn là nghe theo sự sắp xếp của người khác. Chúng ta luôn cho rằng những phán đoán của mình là đúng và cứ khăng khăng nhất quyết ở lại trong suy nghĩ đó, bắt người khác đồng thuận với mình chứ ít khi làm điều ngựơc lại.  Là con người, chúng ta mang trong mình bản tính tự nhiên với những yếu đuối và bất toàn. Chúng ta luôn mong muốn cái gì hợp với sở thích, ước muốn của mình, chính những suy nghĩ, nhận thức và ảo tưởng đó làm cho cái tôi của chúng ta trở nên lớn hơn, và khó lòng sống vâng phục. Để thực sự sống vâng phục một cách trọn hảo, chúng ta phải đào sâu, hiểu rõ những giá trị thiêng liêng mà sự vâng phục mang lại, chứ không phải nhìn sự vâng phục dưới một vài khía cạnh phiến diện mà người đời hay nhìn.

 

Theo định nghĩa của Từ điển Công giáo: “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động, làm việc này hoặc việc nọ; nhờ đó con người có thể thực hiện những hàng vi có ý thức và trách nhiệm”. Tự do là món quà quý giá mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là khả năng quyết định, hướng cuộc đời mình về hạnh phúc. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi con người quy hướng về Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1731). Như thế, với Kitô giáo, chúng ta chỉ có thể tìm thấy tự do trong sự lệ thuộc vào Thiên Chúa một sự “vâng phục đức tin”. Trong chiều kích đó, thánh phụ Biển Đức đã khuyên nhủ các môn sinh mình rằng: “Vâng lời Bề Trên là vâng lời Thiên Chúa. Bởi chính Người đã phán: Ai nghe anh em là nghe Thầy” (TL 5,15). Dưới nhãn quan đức tin và thần học, chúng ta thấy được rằng qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban quyền bính cho Người. Rồi từ Chúa Giêsu tới các Tông đồ và các đấng kế vị các ngài. Những vị đã được chỉ định ấy lại chuyển trao quyền bính cho các bề trên. Vì thế, “những quyền bính hiện hữu đều do Chúa thiết lập” (Rm 13,1). Công đồng Vatican II cũng khuyên nhủ, các tu sĩ hãy coi các bề trên của mình như những người hành động nhân danh Thiên Chúa (x. Perfectae Caritatis 14). Chính vì thế, khi vâng phục bề trên chính là lúc chúng ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa qua bề trên. Chúng ta tìm thấy con đường tự do, giúp giải thoát chúng ta khỏi mọi cạm bẫy, những khuynh hướng đề cao lý trí bản tính tự nhiên của con người chúng ta. Vì thế, tác giả Thánh vịnh đã thân thưa cùng Thiên Chúa: “Con thảnh thơi tiến bước, vì huấn lệnh của Ngài, con mải miết dõi theo” (Tv 119,45).

 

Với lời khấn vâng phục, người đan sĩ không đánh mất đi tự do của mình, nhưng nhờ vâng phục, người đan sĩ hướng tới một sự tự do đích thực, tự do trong sự lệ thuộc và gắn bó với Thiên Chúa. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Vita Consecrata đã nói răng: “Mầu nhiệm về sự tự do của con người là con đường vâng phục ý muốn Chúa Cha, và mầu nhiệm của vâng phục là con đường chinh phục từng bước sự tự do chân thật” (Tông huấn Vita Consecrata số 91). Ngoài ra, lời khấn vâng phục còn là cách thức thể hiện trọn vẹn con người đan sĩ. Trong Sắc lệnh Perfectae Caritatis, Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Đức vâng lời trong đời tu trì chẳng những đã không giảm bớt phẩm giá, nhưng còn giúp nhân vị trưởng thành nhờ phát triển tự do của con cái Thiên Chúa” (Sắc lệnh Perfectae Caritatis số 14). Chính nhờ đức vâng phục mà người đan sĩ thể hiện trọn vẹn chính mình và tự do dấn thân trong ơn gọi và sứ mạng.

 

Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay đang cần những “chứng nhân của niểm hy vọng” về tình yêu về một tự do đích thực và một sự dấn thân cho một thế giới công lý và hoà bình. Sống vâng phục là sử dụng tự do một cách tốt nhất và cao thượng nhất để đạt tới điều hoàn hảo nhất, đó là được liên kết trọn vẹn với thánh ý Thiên Chúa. Và chính khi người đan sĩ sống trọn vẹn và thực thi sự vâng phục một cách trọn hảo, họ trở nên những ngọn đuốc thắp sáng cho thế giới ngày hôm nay, đồng thời làm thành của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.

 

 

 

 

 

[1] Perfectae Caritatis, 14.

[2] Dom Sighard Kleiner, Phận vụ trên hết, chuyển ngữ An Phước, tr. 125.

[3] Perfectae Caritatis, 14.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á