Suy tư
Lắng nghe và đóng góp ý kiến trong cộng đoàn
"Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục,
chớ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình"
(Tu Luật thánh Biển Đức, chương 3, câu 4)
GÓP Ý VỚI LÒNG KHIÊM TỐN
M. Josaphat Nguyễn Văn Tuấn
Chúng ta đang sống trong một thế giới đề cao ý riêng và tự do cá nhân. Nên việc hội ý hay cuộc họp là rất cần thiết phải có, vì trong cuộc họp sẽ có nhiều ý kiến được đưa ra, để từ đó cùng nhau tìm được ý chung cho tất cả mọi người. Nhưng chúng ta phải tổ chức cuộc họp như thế nào để mang lại kết quả tốt nhất? Và khi nêu ý kiến phải nêu với tâm tình nào? Để tìm hiểu những thắc mắc đó ta thấy trong Tu Luật nói về việc hội ý anh em, thánh Biển Đức dạy rằng: “Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chớ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình” (TL 3,4). Vậy cuộc họp là gì?
Cuộc họp, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “là tập hợp của hai hoặc nhiều người đã được triệu tập với mục đích đạt được mục tiêu chung thông qua tương tác bằng lời nói, chẳng hạn như chia sẽ thông tin hoặc đạt được thỏa thuân. Các cuộc họp có thể xảy ra trực tiếp hoặc hầu như, qua trung gian là công nghệ truyền thông”[1]. Đây được xem như quy chuẩn cần có khi ai đó muốn tổ chức một cuộc họp, dù là lớn hay nhỏ. Qua cuộc họp cũng sẽ mang lại cho ta sự gặp gỡ một cách thân tình hơn, cùng chia sẻ những khó khăn, niềm vui của nhau, giải quyết những vấn đề mà một cá nhân không thể làm được hay làm một cách sơ sài, nên cần có sự cộng tác của mọi người chung sức thì dễ đạt được kết quả tốt hơn. Vì thế, thánh Biển Đức dạy:“Khi có những điều quan trọng cần giải quyết, Viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn“ (TL 3,1). Nhưng ta phải làm thế nào để cuộc họp mang lại tính xây dựng và kết quả tốt? Thiết nghĩ rằng, yếu tố đầu tiên phải có là sự tác động thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Vì nếu không có sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan của người tổ chức, thì cuộc họp có thể sẽ bị rơi vào thất bại và người tham gia ở thế bị động. Giống như người ta thường nói mình chỉ vào ngồi cho đủ chỗ còn ai muốn làm gì thì làm. Nên thánh Biển Đức muốn Viện phụ khi tổ chức cuộc họp, ngài hãy hướng dẫn anh em dám nói ra ý kiến của mình để cuộc họp đạt được kết quả tốt: “Hội ý tất cả mọi người, để xem ý kiến của anh em” (TL 3,3) muốn trình bày. Nhưng ý kiến trình bày phải thế nào? Và góp ý với thái độ ra sao?
Trước tiên, “ý kiến là một cách nhìn, cách nghĩ, cách đánh giá riêng của mỗi người về sự vật, sự việc, về một vấn đề nào đó. Mỗi người một ý kiến, trao đổi ý kiến”[2]. Dù đó là ý kiến riêng của mỗi người được quyền nêu lên nhưng không phải mình thích nói sao thì nói. Trước hết về nội dung, các thành viên phải nói với ý hướng đóng góp và xây dựng theo mục đích cuộc họp được triệu tập và chú tâm vào chủ đề chính đang bàn mà thôi. Dẫu biết rằng trong cuộc họp có rất nhiều ý kiến được nêu lên, thì có ý kiến sẽ vừa ý mình và cũng có ý kiến trái chiều. Đó là điều đương nhiên không thể tránh được trong cuộc họp của mỗi hội đoàn, cộng đoàn. Khi đó cũng sẽ có ý kiến của những người lớn, của những người trẻ được nêu ra. Vì thế, trong khi nêu ý kiến chúng ta hãy cố gắng làm cho “chân lý luôn gắn liền với bác ái, kiến thức được liên kết với tình yêu, cần phải lưu ý đến sự trong sáng của ngôn từ, thái độ khiêm tốn và tấm lòng nhân hậu, cũng như sự khôn ngoan cần thiết đi đôi với sự tín nhiệm để đưa các tâm hồn đến nối kết với nhau”[3].
Thánh Biển Đức cũng đã nói cho chúng ta biết khi nêu ý kiến thì phải thế nào, đó là: “Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chớ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình” (TL 3,4). Khi đóng góp ý kiến, người nói phải biết suy tư cặn kẽ ý kiến của mình một cách chắc chắn và nắm được nội dung mình muốn trình bày. Để khi trình bày, nội dung sẽ ngắn gọn và làm cho người nghe dễ dàng hiểu được ý mình muốn góp ý, nếu không sẽ thiếu logic và người nghe không hiểu người góp ý muốn nói gì. Và nếu nêu ý kiến là để đóng góp, xây dựng thì ta hãy vui vẻ chấp nhận chứ đừng cố chấp với quan điểm của riêng mình mà loại bỏ hay khinh chê ý kiến của người khác, nhưng hãy tôn trọng ý kiến của anh em và đón nhận với lòng khiêm tốn.
Như vậy, cuộc họp và đóng góp ý kiến là một điều rất cần thiết trong cuộc sống con người. Cho nên, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn khôn ngoan của vị điều hành cuộc họp, sẽ giúp người tham gia dễ dàng biết lắng nghe nhau, biết đón nhận nhau, biết đóng góp ý kiến giúp đỡ nhau; cùng nhau tìm ra phương án tốt nhất để phục vụ và mưu ích cho cộng đoàn và cho nhau. Từ đó, làm cho cuộc họp sôi nổi hơn và mỗi người hăng say đóng góp ý kiến, nhưng vẫn giữ được sự tôn trọng ý kiến của mỗi người. Và cùng nhau mưu cầu lợi ích chung là mong muốn xây dựng một cộng đoàn ngày càng hiệp nhất, phát triển về mọi mặt và luôn được bình an.
LẮNG NGHE VÀ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN TRONG CỘNG ĐOÀN
M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền
Ngày 09/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16, để cả Giáo Hội cùng nhau suy tư với đề tài: “Hướng tới một Hội Thánh Hiệp Hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ”. Hiệp hành là lối sống và bản chất của Giáo Hội. Và cách đây 15 thế kỷ, thánh Biển Đức cũng đã xây dựng đời sống cộng tu, mà ở đó các đan sĩ sống tinh thần hiệp hành, hiệp thông theo đúng nghĩa nhất. Hiệp hành không chỉ là đôi chân cùng đi, mà là cả con người và cuộc sống của mình. Người đan sĩ tháp nhập đời sống của mình vào đời sống chung của cộng đoàn, để cùng nhau đạt tới hạnh phúc viên mãn trong Đức Kitô. Vì thế, việc lắng nghe và đóng góp ý kiến để xây dựng cộng đoàn là điều rất cần thiết. Đó không chỉ là quyền lợi mà còn là bổn phận và trách nhiệm của mỗi đan sĩ đối với cộng đoàn của mình.
Thánh Biển Đức đã thiết lập nếp sống của các đan sĩ cộng tu không theo kiểu quân chủ chuyên chế hay trung ương tập quyền, nhưng theo mô hình của cộng đoàn Jerusalem tiên khởi. Ở đó, bởi mối dây đức ái, các đan sĩ liên kết lại với nhau thành một gia đình hiệp nhất trong đối thoại. Viện phụ là người đại diện Chúa Kitô và các đan sĩ có bổn phận vâng phục Viện phụ: “Lệnh trên vừa ban ra, họ coi như từ Thiên Chúa, và thi hành tức khắc không chút do dự” (TL 5,4). Tuy nhiên, Viện phụ không phải là người độc tài, độc đoán trong mọi quyết định. Nhưng ngài phải là một người cha với tấm lòng phụ tử, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của cộng đoàn trước khi đưa ra những quyết định: “Trong Đan Viện, mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết, Viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn, phải hội ý mọi người, để lắng nghe ý kiến anh em” (TL 3,1-3).
Một lần nữa, thánh Biển Đức nhấn mạnh đến đức khiêm nhường. Trước tiên, Cha thánh muốn Viện phụ phải nêu gương khiêm nhường trong việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến của anh em, dù là người nhỏ nhất trong cộng đoàn. Ngài khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình để không áp đặt ý kiến của cá nhân lên trên ý kiến của cộng đoàn. Nhưng nhờ khiêm tốn lắng nghe góp ý, ngài sẽ cân nhắc, phân định và sắp đặt mọi việc sao cho tốt nhất. Trong Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi Đời sống Tu trì, Công đồng Vatican II đã nói rằng: “Các bề trên hãy hướng dẫn tu sĩ biết cộng tác với thái độ vâng lời tích cực và có trách nhiệm, khi chu toàn bổn phận cũng như khi góp ý kiến. Vì thế, các bề trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác vì lợi ích của Hội dòng và của Giáo Hội” (Perfectae Caritatis, 14).
Và đối với anh em là những người đóng góp ý kiến, cũng phải góp ý trong sự khiêm nhường: “Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chớ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình” (TL 3,4). Trong bất kỳ việc gì, mỗi người đều có một quan điểm hay cách đánh giá sự việc khác nhau, nên thường xảy ra tình trạng “chín người mười ý”. Nên để có thể “một lòng một ý” với nhau, đòi hỏi mỗi người phải dẹp bỏ cái tôi kiêu ngạo, sẵn sàng mở lòng mình ra để lắng nghe nhau. Trong bất kỳ vấn đề nào của cộng đoàn được đưa ra bàn luận, thì đó là một tiến trình phân định của cả cộng đoàn để nghe được ý Chúa. Đối tượng mà chúng ta tìm kiếm trong cuộc họp là chân lý chứ không phải sự hơn thua nhau trong lời nói. Vì thế, rất cần mỗi người phải góp ý trong sự khiêm tốn, tế nhị và trong tinh thần xây dựng vì lợi ích chung. Nếu không, chúng ta rất dễ biến việc góp ý thành nơi để chỉ trích và phê phán quá mức.
Góp ý là một nghệ thuật không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự nhạy bén và tôn trọng. Không những “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” mà còn phải “lựa cách mà nói” nữa. Khiêm tốn trong khi góp ý yêu cầu chúng ta biết cách đặt mình vào vị trí của người khác. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải thấu hiểu và tôn trọng quan điểm, suy nghĩ và cảm xúc của nhau. Trong cuộc sống, việc có quan điểm riêng và đứng ra bênh vực cho quan điểm của mình là điều tự nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, không nên cố chấp bênh vực cho quan điểm riêng của mình mà không lắng nghe ý kiến của người khác. Không có ý kiến nào hoàn toàn đúng hoặc sai, vì nó có thể đúng trong hoàn cảnh và thời điểm này nhưng chưa chắc đã đúng trong hoàn cảnh và thời điểm khác. Vì vậy, điều cần thiết là phải cùng lắng nghe nhau và cùng phân định đâu là điều phù hợp và tốt nhất cho cộng đoàn.
Khiêm tốn không có nghĩa là luôn phải thinh lặng, ai quyết định thế nào cũng được. Trái lại, mỗi người cần đóng góp ý kiến với sự chủ động và tích cực, nên ý thức rằng đó chính là bổn phận mà mỗi người không được né tránh. Khiêm tốn còn đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng đón nhận lời góp ý của người khác. Nhất là chấp nhận những quyết định của Viện phụ và cộng đoàn, cho dù quyết định đó trái ngược với ý kiến của cá nhân mình. Tinh thần của đức vâng phục đòi hỏi mỗi người phải biết đặt ý kiến của Viện phụ và cộng đoàn lên trên ý riêng của mình.
Trong bất kỳ một tập thể cùng chung sống hay làm việc nào, thì việc đóng góp ý kiến để cùng nhau xây dựng đời sống chung là điều rất cần thiết. Đan viện là một gia đình được Chúa quy tụ để cùng hiệp hành với nhau, vừa mang tính thiêng liêng vừa mang tính trần thế, nên mỗi cuộc hội họp là nơi để các đan sĩ góp phần xây dựng cộng đoàn của mình. Đó là lúc khiêm tốn trở thành một phẩm chất quan trọng. Đan sĩ không chỉ khiêm tốn lắng nghe để xây dựng bản thân mà còn cần khiêm tốn khi góp ý để xây dựng cộng đoàn.
[1] Meeting and Convention Planners. (2009, December 17). U.S. Bureau of Labor Statistics.
[2] Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức 2021, tr. 1479.
[3] Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, ngày 6 tháng 8 năm 1964. ASS 56 (1964), tr. 644-645.
-
Vâng phục trong đức tin (24/04)
-
Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa (12/01)
-
"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở) (07/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (12) (03/11)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (11) (18/10)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10) (12/06)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9) (09/05)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (8) (13/03)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7) (16/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (6) (17/12)