Suy tư
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (8)
Bậc khiêm nhường thứ tám
GIÁ TRỊ CỦA GƯƠNG LÀNH VÀ LUẬT DÒNG
TRONG ĐỜI SỐNG ĐAN TU THEO THÁNH PHỤ BIỂN ĐỨC
M. Phaolô Lộc Nguyễn Minh Thông
Có thể nói, phần lớn trong chúng ta thường nghĩ rằng sự thánh thiện hệ tại ở việc phải sống khác thường, sống thánh thiện là phải dành nhiều thời gian hơn để đọc kinh cầu nguyện, hy sinh hãm mình hay thực hành chay tịnh bề ngoài, mức độ thánh thiện tỉ lệ thuận với số lượng thực hành các việc đạo đức trên. Đồng ý là những việc đó rất tốt và cần thiết, nhưng nếu không điều độ hay làm theo ý riêng với ý hướng muốn mình được nổi trội và được người đời ca tụng thì sẽ gây nên hậu quả đáng tiếc; họ sẽ tự cho mình là thánh nhân và có quyền trên cả luật chung của cộng đoàn, thích làm theo ý riêng mình, tự cho mình là tốt rồi nên chẳng cần noi gương lành những người đi trước. Đây chính là căn bệnh ảo tưởng thiêng liêng rất đáng quan ngại, nếu không để ý và phát hiện kịp thời thì dần dần ta sẽ lạc lối và trở nên gánh nặng cho tha nhân. Cách riêng đời sống cộng đoàn thánh hiến, căn bệnh này rất phổ biến và hầu như cộng đoàn dòng tu của thời đại nào cũng có. Với sự tinh tế và đầy kinh nghiệm hơn 40 năm làm viện phụ của mình, thánh phụ Biển Đức, hơn ai hết đã nắm rõ căn bệnh thiêng liêng này, chính vì vậy để phòng ngừa cho các môn sinh, ngài đã khuyên dạy trong bậc thứ tám của mười hai bậc khiêm nhường rằng: “Bậc khiêm nhường thứ tám là đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng” (TL 7,55). Tuy nhiên, nếu xét thực hành theo mặt chữ là “không làm gì” như vậy liệu chúng ta có trở nên thụ động và cứng nhắc hay không? Bởi tình yêu thì không có giới hạn, con đường nên thánh thì không ai giống ai và chính Chúa đã dạy chúng ta phải đi trên con đường hẹp nếu muốn vào nước trời, nghĩa là muốn nên thánh thì phải sống khác với số đông. Vậy ta phải hiểu thế nào cho đúng như thánh phụ dạy về bậc khiêm nhường này?
Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng đã đọc hạnh của các thánh, tuy con đường nên thánh của các ngài không ai giống ai, nhưng các vị đều có điểm chung là có ít nhiều nhân đức anh hùng như: hy sinh hãm mình, thực hành chay tịnh và cầu nguyện liên lỉ... Điểm khác của các vị thánh là ý muốn ban đầu của việc thực hành các nhân đức. Các ngài khi thực hành những việc như vậy là vì ý ngay lành và lòng yêu mến Chúa; còn điểm khác biệt của căn bệnh ảo tưởng thiêng liêng này chính là thực hành các nhân đức đó với ý hướng vì mình nhiều hơn là vì Chúa hay các linh hồn. Thật thế, phần lớn những người mới đáp lại ơn gọi hay người mới bắt đầu đi vào con đường thánh thiện rất dễ mắc phải ảo tưởng này vì thiếu hiểu biết hay không có người hướng dẫn thiêng liêng. Thông thường những người mới này rất sốt sắng và hăng say nên họ có thể thực hành những việc đạo đức xem ra ít người có thể làm được. Khi đã làm được những việc như các vị thánh họ từng biết, họ sẽ tự cho rằng mình đã thánh thiện. Mặc khác, đã là con người thì phần lớn chúng ta ai cũng thích được thể hiện mình, thích mình hơn người khác những gì mình làm được, thích được cho người khác biết những việc tốt mình làm nên những người này rất dễ tìm lối đi riêng. Họ cố tìm làm những việc xem ra đạo đức ngoài những gì luật quy định và ngoài những sinh hoạt chung của cộng đoàn nhằm gây chú ý nơi người khác. Họ thích nghĩ ra những kiểu sống đạo đức khác người đến mức lập dị như thể mình trở thành tu luật cho mình. Với lối sống trọng hình thức, họ quên rằng điều quan trọng và cần chú ý hơn chính là đời sống nội tâm. Họ thích tỏ ra cung kính và đạo mạo những gì là thiêng liêng cách thái quá. Trong hành trình tâm linh, đôi lúc họ cũng nhận được ơn an ủi và niềm vui cách nào đó. Thế nhưng họ tưởng mình đạo đức rồi nên không cần ai hướng dẫn nữa, như đã nói, luật chung và gương lành không còn cần thiết nữa. Có ai đến với họ, họ sẵn sàng giúp đỡ và khuyên dạy người khác như thể mình là bậc thầy lão luyện trong đời sống tâm linh. Họ tự tạo cho mình một hào quang với sự an toàn giả tạo, tự cho mình là mẫu gương thánh thiện để người khác noi theo.
Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa và ảnh hưởng lớn nhất làm cho họ trở nên ảo tưởng như vậy? Thưa, đó chính là kiêu ngạo. Chính lòng kiêu ngạo đã làm cho họ trở nên mù quáng, làm mất hết giá trị của những việc làm mà ngay từ đầu họ tưởng đẹp lòng Chúa. Lòng kiêu ngạo sinh ra yêu thích ý riêng, để nói lên sự nguy hại của ý riêng, thánh phụ đã dạy rằng (TL 7,19-21): “Còn về ý riêng, Chúa cấm chúng ta chiều theo. Vì Thánh Kinh dạy rằng: “Ý riêng con, con hãy từ bỏ” (Hc 18,30). Vả lại trong kinh Lạy Cha ta vẫn xin Chúa cho ý Ngài thực hiện nơi ta. Vì thế, Thánh Kinh dạy ta đừng theo ý riêng là rất có lý, nếu ta lưu tâm đến lời Thánh Kinh: “Có những con đường người ta coi là ngay thẳng, mà cuối đường lại đưa xuống đáy hỏa ngục” (Cn 16,25). Vì vậy để phòng và chữa căn bệnh này cần phải có liều thuốc đặc trị là lòng khiêm nhường và từ bỏ ý riêng. Như thánh phụ Biển Đức dạy, ta cần phải từ bỏ ý riêng để tuân theo luật chung và phải hạ mình để biết noi theo những gương lành bậc tiền nhân. Tuy nhiên xét theo mặt tiêu cực, nếu chỉ dừng lại và tự mãn ở việc giữ luật thôi thì sẽ làm cho ta có nguy cơ trở nên con người thụ động, cứng nhắc, khô khan. Bởi vì nếu ta cứ nệ vào lề luật thì sẽ sinh ra hai chiều hướng: một là ta trở nên con người tự mãn, cho việc giữ luật thôi là đủ rồi không cần phải cố gắng hơn nữa; hai là vì quá chú trọng lề luật sẽ làm ta trở nên sống hướng ngoại, chỉ thích bề ngoài hơn là đời sống nội tâm rồi từ đó sinh ra ảo tưởng và xét đoán soi mói người khác. Cũng vậy, nếu ta chỉ chú trọng đến việc noi gương bắt chước người khác sẽ làm ta trở nên tự ti và mặc cảm vì lúc nào cũng cho người khác tốt hơn mình, ta sẽ mất hết lập trường và mất niềm tin vào cuộc sống, dần dần ta sẽ mắc thêm một căn bệnh thiêng liêng hiểm nghèo nữa là bối rối. Vậy ta phải thực hành bậc khiêm nhường thứ tám này như thế nào? Phải chăng “không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng” theo thánh phụ được thực hành theo nghĩa đen, nghĩa là không cần phải làm thêm việc lành hay đạo đức nào khác mà chỉ cần noi gương bắt chước gương lành các vị trưởng thượng và làm những điều luật dòng dạy là đủ?
Thiết nghĩ, “không làm gì” không hẳn là không làm gì cả nhưng là ta phải biết phân định đâu là điều quan trọng hơn, đâu là phạm vi bất khả xâm phạm khi ta muốn làm việc gì dù là việc đạo đức chính đáng. Thánh phụ muốn ta dành cho luật dòng một vị trí không thể thay thế được. Bởi vì luật dòng dù là giới luật do con người viết ra nhưng đã được Chúa Thánh Thần soi sáng và chuẩn nhận qua sự phê duyệt của Giáo hội. Chính vì thế ta có thể khẳng định rằng thánh ý Chúa muốn ta làm qua luật dòng là rõ ràng và chắc chắn hơn hết. Những việc đạo đức cá nhân dù rất tốt và cần thiết, nhưng nếu là nguyên cớ làm cho ta lỗi luật dòng, thì chính là cạm bẫy tinh vi của ma quỷ đánh vào lòng nhiệt thành và thiếu hiểu biết của ta. Nếu ta có một chút lòng kiêu ngạo thôi, ta sẽ rất khó nhận ra những cạm bẫy này và sẽ bị nó chi phối cho đến khi lạc lối không đi trên con đường thánh ý Chúa. Bên cạnh đó, “không làm gì” ngoài gương lành các bậc trưởng thượng chính là cơ hội để ta ý thức hơn bản chất con người yếu đuối bất toàn của mình. Bởi vì, khi ta đã tự cho rằng bản thân tốt rồi thì ta chẳng thể nào tiến xa hơn được nữa trên con đường tâm linh. Thông thường Thiên Chúa hoàn thiện chúng ta qua tha nhân bằng gương lành và sự khuyên dạy của họ. Ngài không hiện ra để chỉ dạy con người cách trực tiếp như một số rất hiếm những vị thánh đặc biệt, thế nên để được Chúa chỉ dạy, ta cần phải thật sự có lòng khiêm nhường để nhận ra Chúa nơi tha nhân.
Như vậy, ta có thể nói được rằng, qua bậc khiêm nhường thứ tám này thánh phụ Biển Đức đã rất có lý và khôn ngoan tinh tế khi khuyên dạy các môn sinh của mình. “Không làm gì” không hẵn là không làm gì mà là phải biết làm gì để không vượt ra khỏi thánh ý Chúa được thể hiện cách rõ ràng qua luật dòng và gương lành của các vị trưởng thượng. “Không làm gì” là để ta biết từ bỏ ý riêng, lòng kiêu ngạo và cái tôi thích thể hiện của mình. “Không làm gì” là để ta ý thức thân phận bất hảo của mình mà khiêm nhường và hoàn thiện hơn mỗi ngày. Cuối cùng, khi đã phân định được ranh giới và giá trị của những việc cần làm rồi thì ta sẽ chủ động hơn và không sợ lạc lối khi thực hành những việc được coi là đạo đức và việc lành do lòng mến thúc đẩy. Đồng thời ta ý thức, yêu mến gương lành các bậc trưởng thượng và luật dòng hơn, vì gương lành là bài học và phản ảnh sự thánh thiện của Chúa nơi tha nhân; còn luật dòng chính là con đường rõ ràng nhất cho ta tiến đến sự thánh thiện trên trần gian này, như cha tổ phụ Biển Đức Thuận đã nói rằng: “Muốn nên thánh hãy giữ luật dòng” (DN, số 150).
HIỆP HÀNH VÀ BẬC KHIÊM NHƯỜNG THỨ TÁM
M. Hieronymo Nguyễn Đức Hạnh
Chúng ta đang sống trong bầu không khí sôi động của tiến trình “hiệp hành”, đã được thúc đẩy bởi Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ 16. Theo đó, Giáo hội kêu gọi mọi thành phần dân Chúa sống triệt để tinh thần hiệp hành nhằm “hướng tới một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông - tham gia - sứ vụ”. Đây cũng là điều mà cha thánh Biển Đức nhắm tới khi khuyên dạy các môn sinh của mình trong bậc khiêm nhường thứ tám: “Trong đan viện, đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng” (TL 7,55).
Để có thể sống tinh thần hiệp hành, điều đầu tiên cần đến là chúng ta phải bước đi cùng nhau trên cùng một con đường. Trong bản Di Ngôn của Cha Biển Đức Thuận - Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia - đã khuyên dạy các con cái mình rằng: “Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo thánh ý Cha” (DN 150). Có thể thấy được tinh thần hiệp hành đã thấm sâu vào con người của ngài; đồng thời cha cũng muốn thông truyền tinh thần ấy lại cho con cái mình. Thật vậy, từ khắp nơi, chúng ta cùng được Thiên Chúa quy tụ về lại trong một mái nhà: nhà dòng, hội dòng của chúng ta, cùng với những dị biệt về giọng nói, phong tục địa phương, hay tính cách khác nhau..., chúng ta làm nên sự phong phú cho gia đình mới này. Thế nhưng, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta không còn sự khác biệt nữa: tất cả cùng trở nên anh chị em của nhau, cùng đi trên cùng một con đường, cùng hướng tới một lý tưởng: làm rạng danh Chúa Kitô qua đời sống chiêm niệm đan tu. Đây cũng là điều mà thánh phụ Biển Đức mong muốn con cái mình thực hiện khi nói: “Đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng”. Tại đây, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra được một bức tranh hùng tráng với một đoàn người đông đảo đang tiến bước, người sau tiếp bước người trước; tất cả đều tiến bước nhịp nhàng và nghiêm trang.
Thế nhưng, khi yêu cầu các đan sĩ “không được làm gì” ngoài luật chung, phải chăng thánh phụ Biển Đức muốn đồng hóa mọi người và như thế làm mất đi tính chất phong phú do tính dị biệt của mỗi người đem lại? Chắc chắn là không phải như thế! Ở đây chúng ta thấy cha thánh không chỉ yêu cầu các đan sĩ phải tuân theo luật chung, nhưng ngài còn yêu cầu họ dõi theo gương lành của các bậc trưởng thượng. Điều này cho thấy ngài tôn trọng tính chất dị biệt cũng như ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần nơi mỗi người; bởi vì, theo như cha thánh, bản Tu luật của ngài chỉ là bản khai tâm nhỏ bé dành cho những ai mới chập chững bước vào đời tu mà thôi (TL 73,1.9). Như thế, khi yêu cầu các đan sĩ phải hoàn toàn tuân theo luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng, thánh Biển Đức muốn ngăn ngừa con cái mình vì chủ quan mà sai đường, lạc lối mà rơi vào cạm bẫy ma quỷ, vì theo thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta vẫn là những đứa trẻ và cần phải được uống sữa thay vì ăn cơm (x. Dt 5,12.13).
Hiệp hành là cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường. Nhưng làm sao chúng ta có thể tiến bước với nhau nếu thiếu đi tình “hiệp thông”? Thật vậy, hiệp thông chính là chất keo gắn kết mọi người lại với nhau. Nếu không có hiệp thông, chúng ta chỉ là những đơn vị riêng lẻ trong một tổ chức, hơn là trở nên những phần tử của một cộng đoàn. Trong sự hiệp thông, mọi người liên đới với nhau và với những người khác trong mối tương quan hỗ tương, nghĩa là mọi người cùng chia sẻ với nhau, nâng đỡ nhau và cùng bổ khuyết cho nhau. Đó chính là giá trị của tình hiệp thông: nó là tố chất tạo nên sức mạnh của cộng đoàn.
Trong đoạn Tu luật trên, chúng ta có thể thấy được ba nhân tố chính được thánh Biển Đức nói đến: thứ nhất là “các đan sĩ” - những người đại diện cho thế hệ hiện tại; tiếp đến là “các bậc trưởng thượng” - đại diện cho những bậc tiền bối, cha anh; và cuối cùng là “luật chung” - tượng trưng cho ý hướng của đấng sáng lập, được cụ thể hóa nơi bản Tu luật. Ba nhân tố này đại diện cho ba lớp thế hệ khác nhau, tuy khác nhau về không gian và thời gian, nhưng lại hòa quyện với nhau, tạo nên một bầu không khí thánh thiêng “trong đan viện”. Như vậy, có thể thấy tính chất hiệp thông đã được thấm nhuần một cách sâu xa trong tâm hồn thánh nhân và tiếp tục được thông truyền cho con cái ngài.
Chiều kích “tham gia” và “sứ vụ” đặt mỗi người vào đúng vị trí của mình trong Giáo hội; đồng thời mời gọi họ tích cực tham gia xây dựng Hội thánh bằng khả năng riêng của mỗi người hay mỗi cộng đoàn, nhằm góp phần vào mục đích chung là xây dựng gia đình và cộng đoàn thành tổ ấm yêu thương, thánh thiện, hiệp nhất; xã hội phát triển và lành mạnh hơn[1].
Trong số 59 của Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata), Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã khẳng định: “Đời sống đan tu nữ giới và nội vi của các đan viện đáng được quan tâm đặc biệt, vì cộng đoàn Kitô giáo vẫn rất trân trọng lối sống ấy, là dấu chỉ về sự hiệp nhất của Giáo hội - Hiền Thê với Chúa của mình, Đấng được yêu mến trên hết mọi sự”. Như thế, trong Giáo hội, sự hiện diện của các đan sĩ mang một yếu tố rất quan trọng và không thể thiếu vắng được. Các đan sĩ tham gia vào sứ vụ của Giáo hội bằng một cách thế riêng biệt và tạo nên một màu sắc riêng của lối sống này, đó là con đường cầu nguyện và chiêm niệm trong âm thầm và lặng lẽ. Chỉ khi nào các đan sĩ sống triệt để tinh thần đan tu này, lúc đó họ mới thực sự tham gia một cách trọn vẹn vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
Đến đây chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của lời khẳng định của cha thánh Biển Đức: đan sĩ “không được làm gì” ngoài luật chung. Câu khẳng định này cho thấy ngài không có bất kỳ một nhân nhượng hay ngoại lệ nào, nhưng tất cả phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Bởi vì chỉ khi đó, các đan sĩ mới thực sự sống đúng với căn tính của mình. Đó chính là cách mà người đan sĩ tham gia vào tiến trình hiệp hành của Giáo hội thông qua sứ vụ riêng của mình.
Như thế, qua bậc khiêm nhường thứ tám, thánh Biển Đức muốn các môn sinh sống trọn căn tính của mình trong đan viện, để trở nên những phần tử hữu ích, nhằm tham gia vào tiến trình hiệp hành của Giáo hội ngang qua một lối sống nhỏ bé, đơn sơ của đời sống chiêm niệm. Chỉ khi nào chúng ta biết bỏ đi ý riêng để tiến bước trên con đường vâng phục, lúc đó chúng ta mới thực sự hiệp thông một cách trọn vẹn với mẹ Giáo hội và hiệp hành cùng các anh chị em mình.
NGƯỜI ĐAN SĨ GIỮ LUẬT DÒNG THEO GƯƠNG LÀNH CÁC VỊ CAO NIÊN
M. Thomas Dụ Đinh Văn Tuyên
Chương kết thúc bản tu luật thánh phụ Biển Đức có viết: “Cha viết bản tu luật này, để khi chúng ta tuân giữ trong đan viện mới chứng tỏ mình có một đời sống lương thiện phần nào hoặc mới bắt đầu vào tu” (TL 73,1). Dường như đây là câu đúc kết tất cả ý muốn của thánh phụ, là hãy tuân giữ mọi luật lệ đời cộng tu. Từ người mới bắt đầu đến các vị cao niên nhất cùng nhau giữ trọn luật dòng thì đã lên hoàn thiện rồi. Ý muốn đó đã được khai triển cách rõ ràng trong bậc khiêm nhường thứ tám: “Trong đan viện, đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành các bậc trưởng thượng” (TL 7,55). Vậy đan sĩ phải giữ luật dòng như thế nào mới đem lại công trạng, trở lên thầy dòng thật, thầy dòng thánh, cũng như mối tương quan với các bậc trưởng thượng?
Trong thời đại ngày nay, pháp luật dân sự giữ một vai trò rất quan trọng trong việc an ninh xã hội. Pháp luật được đặt ra nhằm điều tiết và định hướng sự phát triển xã hội. Có thể nói, nếu coi cuộc sống là một dòng chảy thì pháp luật được xem như hai bờ của dòng chảy đó, bờ có vai trò định hướng dòng. Như vậy, pháp luật nếu đi đúng hướng thì sẽ đưa xã hội ngày càng phát triển thịnh vượng, nhưng cũng có thể xảy ra điều ngược lại. Tuy nhiên, nơi cộng đoàn đan viện, người đan sĩ sống chung với nhau chẳng phải nhằm mục đích phát triển vật chất, không phải vì lợi ích, cũng không phải một sở thích hay một hoạt động cụ thể nào, nhưng bởi có một lý tưởng thánh thiện là bước chung nhịp với anh em đến đích điểm viên mãn là chính Chúa Kitô, trở lên đồng hình đồng dạng với người (x. Rm 8,29). Người đan sĩ sống nếp sống theo đoàn sủng của dòng với những quy luật lặp đi lặp lại trong mọi ngày. Tất cả có tính chất chung cho cả cộng đoàn, từ bề trên cho đến bề dưới, từ vị cao niên cho đến người nhỏ nhất. Những giờ chung được đan xen hài hòa đều đặn, từ những giờ cầu nguyện đến thánh lễ cộng đoàn, giờ ăn, giờ lao động, giờ đọc sách thiêng liêng, giờ thể thao, giờ hội chung, …chính những hoạt động đó đã tạo nên một đời sống hết sức đặc biệt trong Giáo hội. Đức cố giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhận định chính lối sống đan viện biểu lộ cách sống triết lý, nghĩa là diễn tả thái độ đi tìm một ý nghĩa khác đằng sau những công việc hằng ngày, tổ chức toàn bộ đời sống như một hy lễ thánh thiện, ướm cuộc sống đều đặn hằng ngày vào những thực tại sau hết. Nhờ luật chung, đan sĩ sẽ từng bước thăng tiến trong đời sống tâm linh, thông hiệp với Chúa trong những khắc giờ cụ thể; cũng như góp phần xây dựng tính hiệp thông cộng đoàn và tình bác ái huynh đệ. Thánh phụ Biển Đức lại đặt việc đan sĩ giữ luật dòng trên nền tảng đức khiêm nhường như điều kiện tiên quyết. Vì khi các đan sĩ khiêm nhường mới nhận ra sự yếu đuối của mình mà gắng sức lo sao cho có thể chu toàn tốt bổn phận bậc mình. Thực chất thì việc giữ luật dòng, giữ mọi quy luật của nếp sống đan viện quả thực rất khó. Bởi căn tính con người ta thính nổi, muốn tách biệt với mọi người, muốn làm gì đó khác hẳn không để hòa tan hay bị quên lãng giữa mọi người. Mặt khác, người ta dễ rơi vào ảo tưởng nghĩ rằng quy luật sống trong đan viện đã quá cổ hủ, cần thiết một đường lối khác để đạt tới sự thánh thiện. Qua đây, thánh phụ Biển Đức hướng con cái ngài tránh xa con đường kiêu ngạo đó mà tự khám phá ra cái “tôi đích thực”, bản ngã của mình mà khiêm nhường bỏ mình cùng đi chung nhịp với cộng đoàn.
Không những thế, thánh phụ Biển Đức cũng muốn các đan sĩ hãy nhìn vào gương thánh thiện của các vị trưởng thượng, qua đó nhận ra cách nhìn đúng đắn trong việc giữ luật dòng. Parker Palmer đã từng nói: “Các đan sĩ đã tạo nên một lối sống cộng đoàn không có mục đích giúp họ sống chung với nhau, nhưng có mục đích nâng đỡ nhau thực hiện cuộc hành trình nội tâm đầy gian khổ” (x. Parker Palmer, ‘The monastic way to Church renewal’, Desert Call, tr. 8-9). Các vị cao niên, những đan sĩ đã trung thành giữ luật dòng có thể nâng đỡ thế hệ tiếp theo để cùng nhau tiến bước trên đàng nhân đức. Qua luật dòng, các ngài đã tập luyện biến đổi bản thân từng ngày; với kinh nghiệm có thể gặp sỏi đá và cạm bẫy, khi đau khổ lúc chán nản, nhưng hơn hết có niềm vui bình an và tình thương yêu huynh đệ. Có thể ngỡ ngàng vì giây phút tràn đầy ân sủng, nhưng cũng phải chịu đựng sự buồn tủi. Và giờ đây, khi sắp hoàn thành cuộc hành trình nhìn lại các ngài thấy cả một khối vinh quang vô tận. Các đan sĩ trẻ học được gì nơi các ngài? Phải chăng điều quan trọng là sự khôn ngoan, lòng trung tín và vâng phục luật dòng. Khi đan sĩ đón nhận gương lành từ thế hệ đi trước thì sẽ có được những khung tham chiếu để xây dựng đời sống tu trì cách vững chắc hơn. Đức giáo hoàng Phanxicô viết: “Khi người trẻ có hiểu biết và người già có sức mạnh, thì không có gì mà họ không thể đạt được” (x. Christus vivit, số 191). Và nữa lời ngôn sứ Giô-en cũng diễn tả: “Ta sẽ đổ Thần Khí của Ta trên mọi xác phàn, con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, thanh niên của các ngươi sẽ thấy thị kiến, và người nhà sẽ mơ những giấc mơ” (Ge 3,1; x. Cv 2,17). Chắc hẳn, các vị cao niên đã mơ về một đời sống đan tu hưng thịnh được dệt lên từ những kí ức, những hình ảnh mang dấu ấn kinh nghiệm và nỗi khát khao niềm hy vọng tương lai. Các ngài đã kì vọng nơi đan sĩ sau này, hãy tiếp nối và tìm kiếm gốc rễ nơi các giấc mơ đang dang dở ấy. Vậy thì đan sĩ “hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan hãy hết lòng gắn bó…Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ” (Hc 6,34.36).
Nếp sống đan tu với những luật chung đều đặn được tuân giữ rất dễ trở nên nhàm chán, máy móc. Do đó, chắc chắn các vị cao niên hiểu được sự lừa dối của việc bình thường hóa đời sống. Một sự bình thường bị ám ảnh bởi hưởng thụ và trống rỗng của nội tâm. Đan sĩ sống mà không muốn tuân giữ luật lệ nữa, không suy nghĩ, không hy sinh, không cái đẹp, không chân lý, không lý tưởng, không công bằng, thậm chí mất cảm thức thiêng liêng, không còn yêu mến đời sống thánh hiến chiêm niệm nữa thì có còn là thầy dòng nữa không. Một khi đan sĩ giới hạn bản thân mình chỉ hưởng thụ mà coi thường quy luật dòng, sống theo ý riêng, tha hóa một cách vô tư thì còn thua một người ngoài đời. Với cuộc đời từng trải, đã vượt qua mọi thử thách của đời sống, với những kinh nghiệm quý giá, các vị cao niên sẽ chuyển trao giá trị đích thực và bề vững của đời tu cho những thế hệ sau. Qua đó vực dậy và cứu vãn sự băng hoại này. Không phải các ngài lấy những công khó cuộc đời mình làm bệ đứng mà phê phán, nguy cơ Pharisêu, nhưng là việc giúp giữ đúng lộ trình và bên cạnh đồng hành, cho các đan sĩ trẻ vững tin và hy vọng vững bước trên đường trọn lành.
Tóm lại, qua lời dạy của thánh phụ Biển Đức trong bậc khiêm nhường thứ tám, các đan sĩ hãy gắng sức lo sao cho mình có một tinh thần bền chí giữ luật dòng cho trọn. Tinh thần ấy hiện rõ trong đời sống các vị cao niên. Trong một xã hội đề cao người trẻ ngày hôm nay, thật dễ dàng người trẻ lãng quên giá trị cao cả của người già. Các đan sĩ thì không được có tư tưởng lệch lạc như vậy, nhưng hãy tỏ lòng hiếu kính với các vị cao niên. Bởi vì Chúa đã cất giữ “một kho tàng vĩ đại” nơi các ngài.
_____________________________
[1] Giáo phận Xuân Lộc, Tài liệu học hỏi THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ 16, Nxb Đồng Nai, số 27-29.
-
Vâng phục trong đức tin (24/04)
-
Lắng nghe và đóng góp ý kiến trong cộng đoàn (07/03)
-
Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa (12/01)
-
"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở) (07/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (12) (03/11)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (11) (18/10)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10) (12/06)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9) (09/05)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7) (16/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (6) (17/12)