Suy tư

Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7)

Người khiêm nhường đón nhận những điều thấp kém với lòng đơn sơ tất cả những gì xảy đến, và xem đó như là điều tốt lành mà Chúa gửi đến cho ta.

 

 

 

Bậc khiêm nhường thứ 7

 

 

ĐỨC KHIÊM HẠ ĐÍCH THỰC DƯỚI CÁI NHÌN CỦA THÁNH BIỂN ĐỨC

                                                                                   

 

M. Daniele Comboni Đoàn Hòa

 

Có câu danh ngôn nói rằng: “Kiêu ngạo khiến chúng ta trở nên giả tạo và khiêm tốn khiến chúng ta trở nên thực”. Câu nói này mang đến cho chúng ta bài học luân lý làm người về lòng khiêm nhường. Thật vậy, khiêm nhường không đơn thuần là bài học mà nó còn là một đức tính đáng quý cần phát xuất từ bên trong tâm hồn của mỗi con người, về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống thường ngày. Trong Tu luật thánh Biển Đức, thánh nhân dạy các môn sinh của ngài về đức tính khiêm nhường rằng: “Không những xưng ra ngoài miệng rằng là mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế” (TL7,51). Lời giáo huấn này của thánh Biển Đức quả là chí lý, khi ngài cho rằng đức khiêm nhường đích thực phải được “xác tín từ thâm tâm” chứ không chỉ dừng lại nơi môi miệng. Nhưng vấn đề đặt ra là tự xem mình “thấp kém hèn hạ” có phải là khiêm nhường thật không hay đó chỉ là sự nhút nhát, yếu hèn?

 

Ở bậc khiêm nhường thứ bảy này, gây cho chúng ta nhiều nghi vấn về sự nhầm lẫn giữa đức tính khiêm nhường với tính hèn nhát hay có khi là tính ích kỷ, trốn tránh trách nhiệm. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan hơn về sự khiêm hạ trong Tu luật thánh phụ Biển Đức. Ngay khởi đầu chương bảy nói về “đức khiêm nhường”, thánh phụ Biển Đức đã mượn lời Thánh Kinh để đặt nền tảng cho tính khiêm hạ rằng: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11; x. TL 7,1). Như thế, sự hạ mình xuống trước mặt người khác không phải là sự thấp kém giả tạo nhưng là sự nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, và cũng không phải để người ta tâng bốc theo kiểu người đời nhưng là để được Thiên Chúa nâng lên.

 

Ngoài ra, sự hạ mình “thấp kém hèn hạ” còn là hình ảnh của một Thiên Chúa khiêm hạ, đã cúi mình xuống sâu để tỏ mình ra với con người thấp hèn, bất xứng như lời thánh Phaolô đã diễn tả: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Như vậy, khiêm nhường là sẵn sàng hạ mình xuống, để nhường cho người khác có thể bước lên, như lời thánh Phaolô: “Đừng làm chi vì ghen tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3). Một trong những đặc điểm mà chúng ta thấy rõ nơi các thánh là các ngài mau mắn đặt mình ở rốt hết, tự cho mình bé nhỏ không bằng ai. Với con người lành thánh, đó là ơn Chúa mở mắt để họ nhận thức rõ sự yếu đuối hư vô nơi họ và tình mến thiết tha của Thiên Chúa tăng cường sự xác tín về tình trạng bất xứng nơi họ.

 

Bởi đó, sự hạ mình “thấp kém hèn hạ” theo thánh Biển Đức, không có nghĩa là hèn mạt hay nhu nhược nhát đảm. Nhưng trái lại, đó là đức khiêm nhường của người giàu lòng quảng đại và sẵn sàng hi sinh vì ích chung mà không bao giờ so sánh hơn thua. Đức khiêm nhường luôn đi đôi với tình yêu thương, hay nói một cách khác, không ai tự bảo mình yêu thương một người mà đồng thời lại nâng mình lên, kiêu ngạo, lấn lướt người đó được, như lời Phaolô rằng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-7). Còn trong Di Ngôn số 125, cha Biển Đức Thuận dạy rằng: “Không phô trương cậy mình, vì kẻ có nhiều có ít cũng bởi Chúa ban cho. Kẻ có nhiều, cũng không cậy mình mà khinh dể người khác; người có ít cũng không phân bì. Làm thế khác, thì thật là dại dột và điên cuồng”.

 

Người có lòng khiêm nhường đích thực là người nhận biết những ân huệ Chúa ban, mặc dầu bản thân họ không xứng đáng, và nhất là hân hoan thán phục về những điều ơn thánh được thực hiện nơi anh em. Như thế, bậc khiêm nhường thứ bảy không phải là một điều gì đó tiêu cực, nhưng là một quyền năng tích cực biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong tha nhân.

 

Như vậy, sự hạ mình trong bậc khiêm nhường thứ bảy, chúng ta thấy được ý hướng đúng đắn, ngay lành của thánh Biển Đức. Việc thi hành đức khiêm nhường không nên trở thành lý do để ta kiêu hãnh, nhìn mình trong những hành vi cách tự mãn. Đành rằng con người khiêm nhường có thời gian để lo cho mình, nhưng cũng sẵn sàng xả thân cho Chúa và tha nhân. Cũng vì đó, người khiêm nhường đón nhận những điều thấp kém với lòng đơn sơ tất cả những gì xảy đến, và xem đó như là điều tốt lành mà Chúa gửi đến cho ta. Như thế, những hy sinh bởi sự khiêm hạ sẽ thánh hóa ta thật sự. Như lời thánh Phêrô đã mời gọi: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5). Xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy mình thật sự nhỏ bé, khiêm tốn và nhờ đó dẫn chúng ta đến đức ái và hợp nhất với Chúa.

 

 

 

 

BẬC KHIÊM NHƯỜNG NỘI GIỚI

 

 

M. Ga. Kim Khẩu Nguyễn Thế Tiến

 

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học kỹ thuật. Con người dường như quá tự hào với những thành quả mà mình có được, nhiều người tỏ ra tự kiêu vì những công việc mà mình đã làm. Trong một thời đại mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng lan tràn khắp nơi, nhiều người lại thích được nổi danh, muốn được hơn người khác, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những người sống đời thánh hiến. Trong khi con người luôn miệt mài đi tìm những hư danh hào nhoáng bên ngoài, thánh Biển Đức lại khuyên dạy các đan sĩ hãy trở về với con người thật của mình bằng một sự khiêm nhường nội tâm thẳm sâu: “Không những xưng ra ngoài miệng rằng mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế” (TL 7,51).

 

Đối với thánh Biển Đức, mục đích duy nhất của cuộc đời người đan sĩ là tìm Chúa và “tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô” (TL 72,11). Để làm được như vậy, người đan sĩ phải xây dựng đời sống thiêng liêng trên nền tảng là nhân đức khiêm nhường, vì thế mà thánh Biển Đức dành cả một chương để nói về nhân đức nền tảng này. Vậy nhân đức khiêm nhường là gì? Để nói về nhân đức này không phải là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay. Một số triết gia theo chiều hướng “hoài nghi” đã có cái nhìn tiêu cực về nhân đức khiêm nhường. Theo Nietzsche, “khiêm nhường là một sự dối trá táo tợn của những kẻ nhu nhược biến hoá một cách khéo léo sự hèn nhát của họ thành một bộ dạng nhân đức”. Đối với Freud, “khiêm nhường là một thứ khoái cảm thích bị hành hạ vì mặc cảm tội lỗi”. Còn Alder lại cho rằng “khiêm nhường gần với cảm giác tự ti”[1].

 

Tuy nhiên, khiêm nhường dưới cái nhìn của những người Kitô hữu mang một chiều hướng thiêng liêng và đúng đắn hơn, họ cho rằng: “khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình. Mọi sự con người “là” và “có” đều do bởi Thiên Chúa và sự trợ giúp của đồng loại”[2]. Hay nói cách khác, khiêm nhường là nhìn nhận đúng những gì về bản thân từ đó dẫn đến thái độ không khoe khoang, không xét đoán, khinh chê người khác. Người khiêm nhường luôn ý thức vị trí, khả năng, giới hạn của mình. Họ sống đúng với thân phận thụ tạo và rồi nhận ra tất cả là hồng ân Thiên Chúa, từ đó có những suy nghĩ, lời nói, hành vi ứng xử phải đạo và luôn biết cảm tạ Thiên Chúa.

 

Thật ra, thánh Biển Đức không định nghĩa khiêm nhường là gì nhưng ngài đã trình bày các cấp bậc khác nhau của khiêm nhường, mười hai cấp bậc trong đó mỗi cấp bậc như là một nấc thang dẫn đưa linh hồn về trời cao (x. TL 7,8). Cuộc đời người đan sĩ là một hành trình trở về và “chính đức khiêm nhường có thể dẫn chúng ta trong hành trình trở về này”[3]. Người đan sĩ luôn ý thức sự xấu xa về con người tội lỗi và những yếu đuối của mình mà hết lòng trở về với Thiên Chúa, Đấng “con đã xa lìa vì ươn ái bất tuân” (TL, Lời mở, 1-2). Sự thống hối thể hiện một sự khiêm nhường nội tâm[4]. Hối cải nội tâm, đó là việc làm thường xuyên của mỗi đan sĩ để thăng tiến đời sống thiêng liêng, bởi vậy càng khiêm nhường chúng ta càng biết mình và biết người, vì “sự khiêm tốn đích thực luôn luôn đúng với thực tiễn”[5]. Một thái độ không khoe khoang, không phô trương dù có thành công và biết tôn trọng người khác đó là điều mà cha thánh Biển Đức muốn các môn sinh của mình phải có, nó thể hiện một sự khiêm nhường nội tâm thực sự như thánh tông đồ Phaolô khuyên dạy: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).

 

Con người là một tổng thể bao gồm phần xác và phần hồn, phần “nhân” và phần “linh”. Trong đó, phần “nhân” là phần thể hiện ra bên ngoài của phần “linh”. Nhân đức cũng vậy, nó hệ tại trong tâm hồn, vì vậy mà cha thánh Biển Đức luôn đề cao sự khiêm nhường nội giới. Bởi lẽ, khi chúng ta muốn tỏ hiện ra bên ngoài cho người khác thấy mình khiêm nhường mà không có sự khiêm nhường nội giới, thì đó chỉ là một sự giả tạo. Đây là điều mà cha thánh dạy các đan sĩ phải tránh vì nó mang dáng vẻ của men Pharisêu (x. Lc 12,1). Tuy nhiên, cha thánh cũng không phủ nhận những giá trị của các hành động bên ngoài mang lại, vì hồn và xác luôn liên kết chặt chẽ với nhau nên mọi cử chỉ bên ngoài lặp đi lặp lại như việc đấm ngực đền tội, mắt nhìn xuống đất hay đan tay đều có ảnh hưởng đến nội tâm bên trong.

 

Người ta thường nói: Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng, một cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, ranh giới giữa khiêm nhường và kiêu ngạo thật mong manh, khi ta nghĩ rằng mình đang khiêm nhường thì đó là dấu hiệu cho thấy sự kiêu ngạo đang bắt đầu trỗi dậy. Sự khiêm nhường không thể nào dễ dàng có được trong ngày một ngày hai nhưng cần phải rèn luyện liên tục và lâu dài, mẫu gương tuyệt hảo nhất về sự khiêm nhường mà mỗi chúng ta cần phải noi theo chính là Đức Giêsu. Thiên Chúa là nguồn cội phát sinh mọi ơn lành, chúng ta không thể nào có được sự khiêm nhường nội tâm nếu chúng ta không cầu xin Người ban cho. Xin ơn khiêm nhường là nhận mình không thể thành tựu việc gì mà không có sự trợ giúp của Chúa, chính Chúa Giêsu đã nói với mỗi người chúng ta rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

 

 

 

 

ĐAN SĨ HOÁN CẢI TỪ CON TIM

 

 

M. Alberico Nguyễn Văn Bình

 

Triết lý cuộc sống có câu: “Bộ rễ yếu ớt không thể nào giữ được cái thân to khỏe”. Quả thực, cuộc sống muốn có được thành công, bao giờ cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Còn chúng ta, nếu muốn vững bền và hạnh phúc trong ơn gọi đan tu, điều cần thiết là phải xây dựng chính mình trên nền móng vững chắc, cắm rễ sâu trong Đức Kitô, nếu không sẽ dễ dàng bị những con sóng của trần đời lôi cuốn.

 

Chúng ta cần chuẩn bị những gì cho hành trình này?

 

Thánh Biển Đức đã diễn đạt tinh thần này khi Ngài viết trong bậc khiêm nhường thứ bảy: “Không những xưng ra ngoài miệng rằng mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế”. Đây là bước khởi đầu cho cuộc hành trình thiêng liêng đang diễn ra, thực hành nhân đức này như một sự tìm kiếm trong đêm tối, sự kết hợp sâu lắng giữa người đan sĩ với Thiên Chúa. Thánh nhân đã sử dụng thuật ngữ của Chúa Giêsu ‘tâm hồn trong sạch’ (Mt 5,8), đó là sự trong sạch và khiêm hạ nội tâm cần thiết cho những ai khao khát được trở thành ‘lính chiến của Đức Kitô’. Đan sĩ để cho tâm hồn trống rỗng và lòng đầy đức khiêm nhường cả bề trong lẫn bề ngoài như chính Đức Giêsu: ‘Hãy đến cùng Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng’ (Mt 11, 29b).

 

Khiêm nhường bên ngoài ‘xưng ra ngoài miệng’ là điều cần thiết trước khi tiến sâu vào khiêm nhường nội tâm. Chúng ta đừng lừa dối chính mình rằng: chúng ta đang thực hành đức khiêm nhường tinh thần. Nếu bên ngoài chúng ta đang tích lũy những sự kiêu ngạo, vênh vang, cố gắng bảo vệ bản thân khỏi những khó khăn của cuộc sống bằng những lời nói và hành động thiếu trung thực. Đó không phải là tự do của tinh thần, nhưng chỉ là sự yếu nhược và chạy trốn cuộc đời. Vịnh gia diễn tả cách thức đó như sau: “Chúa hạ con xuống là phúc cho con, để con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 118,1). Nhiều lần thánh Biển Đức khuyên bảo: người đan sĩ khiêm nhường cần phải có ý định từ nội tâm. Bởi vì đời sống đan tu là một cuộc hoán cải cả bên trong lẫn bên ngoài, những khuynh hướng nội tâm này đóng vài trò quan trọng cho cuộc đời người đan sĩ.

 

Khiêm nhường bên trong ‘thâm tâm cũng xác định như thế’ khi đi kèm với khiêm nhường bên ngoài, đây là giai đoạn hoàn toàn tự hủy chính mình. Thực hành được điều này, chúng ta phải cậy nhờ vào ân sủng của Chúa Thánh Thần, nhờ người ban ơn để có thể đơn giản hóa triệt để từ bên ngoài đi vào sâu bên trong. Tinh thần khiêm hạ này sẽ là nguồn truyền động lực, lan tỏa đến với mọi người. Điều này là chết cho chính mình, một sự biến mất “cái tôi”. Chủ nghĩa cá nhân bị nhổ tận gốc. Người thực hiện nhân đức này không còn gắn bó với ham muốn, ý kiến cá nhân, tự mãn của chính mình và tất cả những gì làm cho “cái tôi” kiên vững và hiển nhiên. Người đan sĩ nên tích cực mong muốn đánh mất “cái tôi” của cá nhân, vì sự sống trong Đức Kitô. Đánh mất chính mình như thế là tìm được chính mình và chết theo cách này là được cứu sống. Thiếu đi những lý tưởng này, sự trung tín của chúng ta với ơn gọi đan tu không có nền tảng vững mạnh. Vì lý do đó chúng ta sẽ không thực sự hạnh phúc và bình an trong đan viện.

 

Nếu chúng ta thực sự yêu mến Đức Kitô khiêm nhường, khi chết đi cho con người cũ sẽ không còn là gánh nặng hay những vấn đề khó khăn nữa. Tình yêu của Đức Kitô sẽ đưa chúng ta đến những gì là đơn sơ và khiêm hạ nhất có thể, nhưng không phải là sự yếu nhược trong ơn gọi. Cùng quan điểm này, Hồng Y Thuận chia sẻ: “Người khiêm nhường như hạ mình sát đất không còn ngã xuống đâu được nữa” (ĐHV số 517). Thánh Augustino khẳng định: “Để đạt tới Thiên Chúa là Chân lý, không có con đường nào khác. Đó là con đường của đức khiêm nhường”. Đan sĩ mong đợi mọi sự từ Thiên Chúa, mà Viện phụ là người đại diện của Người. Một khi sống với tinh thần như vậy, chúng ta sẽ biết cách từ chối thế giới vật chất, những gì cản bước chúng ta trên đường nhân đức.

 

Đan sĩ tách mình ra khỏi thế gian không chỉ bằng tinh thần, nhưng bằng cả thân xác. Bước theo Chúa Kitô vào sa mạc để ôm trọn những luật lệ đan tu và đời sống cầu nguyện. Để hiến dâng một cách trọn vẹn cho Thiên Chúa, để yêu mến anh em và cầu nguyện cho những người chưa nhận biết danh Chúa, và làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Kitô hơn. Công đồng Vatican II đã nêu ra: “Các Hội dòng sống đời chiêm niệm góp phần rất lớn vào việc trở lại của các linh hồn nhờ những kinh nguyện, hy sinh và thử thách” (Sắc lệnh truyền giáo số 40). Yếu tố chủ đạo trong đời sống đan tu là sự hoán cải bằng con tim để không gì có thể ngăn bước chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Nhờ đó, người đan sĩ nam nữ ‘sẽ nhìn thấy Thiên Chúa’ (Mt 5,8), ngay tại đời này. Vì chưng, đây là cách thực hành tốt nhất cho hình ảnh Thiên Chúa được phục hồi cách trọn vẹn nơi họ vì bản chất ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4,8).

 

Triết gia Emmanuel Kant cho rằng: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người có tự do và trí năng của con người có thể đạt đến một sự hiểu biết nhất định, và chính khi cá nhân sống hết mình cho niềm say mê của mình, họ xứng đáng có quyền đón nhận phần thưởng mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ[6]”.

 

Thật vậy, bằng lý trí và con tim, cùng ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, thánh Biển Đức đã vẽ nên con đường để các môn sinh cùng tiến bước hướng về Nước Trời. Trong bậc khiêm nhường thứ bảy, Cha Thánh nhắn nhủ mỗi chúng ta “không những xưng ra ngoài miệng rằng mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế”. Đây là một việc tuy dễ nhưng lại khó thực hiện, đòi hỏi một sự hy sinh lớn lao. Đây cũng là điều kiện cần thiết cho việc đập bể lớp vỏ bảo vệ của cái tôi, để đi vào mảnh đất màu mỡ sâu thẳm nhất của chúng ta, trong sự cởi mở của nó cho Thiên Chúa. Đó là lúc chúng ta lớn lên trong đời sống nội tâm để muốn hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của cộng đoàn. Ước muốn của thánh Biển Đức trong sự trưởng thành này phát xuất từ sâu thẳm của con tim. Không chỉ khiêm hạ bề ngoài mà thôi, nhưng còn bằng sự từ bỏ nội tâm của những ‘căn tính’ sai lầm, đó là những ảo giác về bản thân, tham vọng vị kỷ, và lạm dụng sự tự do.

 

Hãy nhớ lời cha Biển Đức Thuận dạy: “Trong một ngày chúng ta kiêu ngạo nhiều lần, song người khiêm nhường vẫn ở bình an luôn. Như khi nghe tin rằng, ngày mai sẽ bị bắt giam, hoặc Bề trên loại ra, thì kẻ khiêm nhường cũng cứ ngủ bình an; hay là nghe tin rằng, ngày mai sẽ được lên làm lớn, thì cũng thế thôi, cứ ngủ bình an. Cho nên, kẻ khiêm nhường được bình an luôn” (DN 124). Đây thật là mẫu gương đặc biệt cần thiết cho những đan sĩ noi gương, chúng ta hãy sống như chính Cha đã từng sống.

 

 

_________________________

 

[1]  DOM ANDRÉ LOUF du Mont-des-Cats, Ocist, nguyên tác L’humilité, chuyển ngữ JEAN NGUYỄN VĂN ĐÀNG, Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thuỷ 2015, tr. 9.

[2]  Từ Điển Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 188.

[3]  AUGUSTINE ROBERTS, OCSO, Đặt Nền Tảng Trền Đức Kitô, chuyển ngữ: GIOAN TÂN PHAN VĂN TOÀN, O.Cist, tr. 457.

[4]  Sđd, tr. 457

[5]  M. SCOTTFEEK, M.D, Bước Tiếp Trên Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi, Nxb: Simon và Schuster, New York, tr. 120

[6] Trần Thái Đỉnh, Triết học Kant, Nxb Văn hóa & Thông tin 2005, tr. 255.

 

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á