Suy tư
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (6)
Bậc Khiêm Nhường thứ Sáu
ĐAN SĨ HÓA MÌNH RA KHÔNG
M. Alberico Nguyễn Văn Bình
Chúng ta đang sống trong sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật. Sau cơn đại dịch Covid trên toàn cầu, mọi việc được bắt đầu trở lại. Mối tương quan giữa mọi người cũng được xích lại gần nhau. Thời đại 4.0 liên quan đến hệ thống không gian mạng. Công nghệ đã len lỏi vào trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, thậm chí đi vào trong cõi thẳm sâu của từng người. Đó là việc sử dụng Internet, Facebook, Instagram, Tiktok…những tiếng nhạc phát ra từ những chiếc loa công suất lớn. Cuộc sống đầy ắp các phương tiện công nghệ thông tin của ngoại cảnh cũng như cuốn vào nội tâm, khiến con người ‘nghiện’ dán mắt vào Smartphone mà quên đi giá trị cuộc sống từ bỏ. Điều này làm cho con người mất dần khả năng sống thiếu thốn vì không thoát ra khỏi thế giới vật chất. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hạn chế việc sử dụng đa phương tiện để tìm lại chính mình. Cách riêng với Kitô hữu và nhất là đan sĩ, để có thể lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe tiếng nói của lòng mình, đồng cảm với tha nhân cũng như tiếng nói của thiên nhiên vạn vật. Chúng ta hãy ra khỏi thế giới ảo mà trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô sống khó nghèo vì Nước Trời.
Liệu chúng ta có dám từ bỏ mọi sự để bước theo Đức Kitô không?
Thật khó để trả lời hỏi này. Ngay cả trong đời sống hiện sinh, khoa học phát triển đã thay thế cho lối sống truyền thống của những người thôn quê. Từ những tiếng hát ru à ơi của người mẹ, được thay thế bằng âm thanh phát ra từ chiếc Ipad hiện đại; từ những cuộc gặp gỡ trò chuyện thân tình với nhau, nay được thay thế bằng những phương thức: ngồi gần nhau để bấm điện thoại, tuy gần nhau đó nhưng lòng cách xa, ngay cả những phương pháp đọc sách, suy tư, tìm kiếm và học hỏi nơi thầy cô, thì nay chỉ cần ‘good search’ là đã có sẵn những nội dung cần tìm kiếm.
Nói lên vấn nạn này để nhận thấy rằng: khoa học và công nghệ chỉ là phương tiện giúp con người mở rộng tầm nhận thức, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và đồng thời giúp con người có một lối sống văn minh và phát triển hơn. Tuy nhiên, ở mặt trái của sự phát triển công nghệ là đẩy con người vào những mối nguy hại, những ngõ cụt của cuộc sống. Điều này tất cả chúng ta không thể tránh khỏi.
Vì thế, trong bước chuyển đến bậc khiêm nhường thứ sáu, thánh Biển Đức đòi hỏi các môn sinh: “Người đan sĩ bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất”. Theo góc nhìn cá nhân, có thể thấy kết quả kinh nghiệm tâm linh của thánh Biển Đức được sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần và sự nỗ lực không ngừng của thánh nhân. Có thể ví ngài như một nhà thám hiểm vĩ đại, đã có công khám phá, khai hoang miền đất tâm linh của con người đang còn hoang sơ. Khởi từ hành trình dò dẫm thiêng liêng của bản thân, thánh nhân đã vẽ nên ‘những bản đồ tâm linh’ chỉ đường cho những ai đang muốn phiêu lưu, khao khát vào trong vùng đất tâm linh của chính mình để đến với Thiên Chúa. Nếu người đan sĩ chấp nhận và bằng lòng với những gì thấp hèn, chính là lúc họ đã “Ngộ” ra con đường phải chọn và hoài bão họ đang đi là tìm kiếm một mình Chúa Giêsu, Đấng là sự thật. Có như thế trên hành trình tiến lên đàng nhân đức, ta không bị lầm lạc, không sợ phải đi trong đêm tối. Thông điệp thánh nhân muốn truyền tải đến chúng ta: khi chấp nhận sự hèn kém và tồi tệ đồng nghĩa với việc ta bỏ lại sau lưng thế giới phù hoa, chỉ giữ trong mình ‘đai thắt lưng’ là người lính chiến của Đức Kitô, sống trong sự khó nghèo và luôn bình an nội tâm. Vì chúng ta đã từ bỏ và hy sinh mọi sự chỉ với mục đích duy nhất ‘không lấy gì làm hơn Chúa Kitô’.
Một nơi khác thánh nhân nói rõ: hình ảnh người đan sĩ chấp nhận sự hèn kém và tồi tệ nhất với dáng vẻ ‘lúc nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất, bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm nhân đầy tội lỗi, dường như bị điệu ra trước tòa án kinh khủng’. Đây là tư tưởng thánh Biển Đức thẩm thấu được trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế. Người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
“Bằng lòng với sự hèn kém và tồi tệ”, liệu có mất đi phong thái đĩnh đạc và vẻ uy nghi của người đan sĩ ngày nay không?
Thưa không. Bằng lòng không đồng nghĩa với việc chúng ta phải dừng lại mọi cố gắng, mọi nổ lực. Đây chỉ là giai đoạn thử thách buộc chúng ta phải hiểu rõ hơn về chính mình để đạt được mục đích to lớn là thuộc trọn về Chúa Kitô, trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Người. Đức Giêsu Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên thấp hèn vì anh em, để lấy cái thấp hèn của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có (2Cr 8,9). Trong Đường Hy Vọng, số 409, Hồng Y Thuận nói: “Người ít đòi hỏi là người sung sướng, vì thấy mình đầy đủ; người nhiều đòi hỏi là người khổ cực, vì cứ thấy mình thiếu thốn mãi”. Nghĩ tới đây chúng ta hãy liên tưởng đến đời sống cha tổ phụ Henri Denis Benoit. Là một người Âu Châu, thế nhưng ngài hy sinh cả cuộc đời cam chịu đời sống thiếu thốn tại Việt Nam. Ngài chấp nhận hóa mình ra không để đạt đến đỉnh vinh quang Nước Trời.
Thiên Chúa Đấng Nhân Lành đã dựng nên mỗi người là một tác phẩm duy nhất. Dẫu cho khoa học phát triển công nghệ hiện đại, thì người đan sĩ vẫn trung thành với nếp sống đan tu khó nghèo, ‘không quý gì làm hơn Chúa Kitô’. Người đan sĩ tự nguyện hóa mình ra không để trở nên ‘đồng hình đồng dạng với Đức Kitô’. Tuy sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Hòa nhập với thế gian nhưng không bị hòa tan trong vùng biển mênh mông của trần đời, tuy có đối lập nhưng không loại trừ. Trong đời sống đan tu không phải lúc nào người đan sĩ cũng cảm thấy bình an nội tâm. Nhưng để có được sự bình an nội tâm người đan sĩ cố gắng từ bỏ những gì không thuộc về mình, những gì làm cản bước chúng ta tiến lên đàng nhân đức. Dân gian có câu: “Cái gì giữ không được thì nên buông, mình buông nó không mất thì mới thật là của mình. Còn mình cố giữ nó vẫn mất, thì cái này không phải của mình. Cho nên có mất mình cũng không buồn”. Tuy nhiên, là con người hiện sinh, sự thành công về vật chất không phải là tất cả, mà là giá trị của đời sống tâm linh. Vậy, chúng ta hãy tập sống như thánh Tông đồ: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12).
MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
M. Hieronymo Nguyễn Đức Hạnh
Trong cuộc sống có nhiều con đường khác nhau, và mỗi con đường đó sẽ dẫn người ta đến một nơi nào đó. Những ai đi trên những con đường đó phải xác định rõ ràng mình đang đi đâu và đi bằng phương tiện gì. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, có nhiều con đường và cũng có nhiều lựa chọn khác nhau; mỗi lựa chọn là một bước ngoặt và mỗi con đường là một lối sống riêng biệt. Tuy nhiên, chỉ có một con đường mang tên là Sự Thật và dẫn người ta đến Sự Sống, con đường đó mang tên Giêsu. Người Kitô hữu nói chúng và những ai sống đời thánh hiến nói riêng được mời gọi bước đi trên con đường đó; nghĩa là lựa chọn Chúa Giêsu như là mục đích cho cuộc đời mình. Chính vì thế, thánh Biển Đức đã khuyên dạy các môn sinh của mình rằng: “Đan sĩ bằng lòng với những gì hèn kém và tồi tệ nhất. Trong mọi sự, họ luôn coi mình là những đầy tớ vụng về và vô dụng” (TL 7,49).
Thật vậy, trong lời chỉ dạy dành cho các đan sĩ trong bậc khiêm nhường thứ sáu này, cha thánh không khuyên họ hãy chọn những gì hèn kém và tồi tệ nhất, nhưng là phải có một thái độ “bằng lòng” với những điều đó. Những điều hèn kém và tồi tệ nhất mà cha thánh nói đến không chỉ là những thứ vật chất bên ngoài, nhưng còn là những danh lợi và vinh quang trần thế này nữa; và thái độ bằng lòng thể hiện một sự thanh thản, bình an trong nội tâm đối với những thực tại đó. Nói cách khác, thánh Biển Đức khuyên dạy những ai bước theo ngài đừng lấy những cái vinh – nhục thế gian này làm đối tượng cho tâm trí mình, khiến mình phải bận tâm. Cũng thế, đối với những vinh quang phù phiếm có thể có được do những tài năng của mình đem lại, người đan sĩ cũng phải coi khinh nó bằng cách luôn coi mình là một đầy tớ vô dụng và bất tài. Nhưng tại sao cha thánh lại muốn các môn sinh của ngài chối từ những vinh quang trần thế, ngay cả những tự hào chính đáng do những tài năng của bản thân như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của những thực tại đó. Đức Phật dạy rằng: nguồn gốc của mọi đau khổ của con người là do vô minh; vì vô minh cho nên người ta mê lầm, tưởng những cái phù phiếm, chóng qua là những thực tại bền vững, vĩnh cửu, để rồi tham sân si. Và khi đã dính bén với những thực tại chóng qua đó mà không được như ý thì thất vọng và gây ra đau khổ. Thật vậy, những vinh quang, danh dự trần thế này chỉ là những thực tại chóng qua, nay còn mai mất mà thôi. Hay nói như tác giả sách Giảng Viên, đó chỉ là phù vân mà thôi. Nếu một tu sĩ đi tu nhưng lại đeo đuổi những vinh quang trần thế cho bản thân, người ấy chẳng khác gì con tàu lênh đênh giữa biển cả mà không có hoa tiêu; họ mải mê chạy theo những cồn sóng lớn và tưởng rằng có thể chạm tới trời cao, nhưng rốt cuộc họ sẽ nhanh chóng lao xuống vực thẳm của sự thất vọng. Thánh Phaolô dạy rằng: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”(1Cr 15,19). Do đó, chúng ta, những người theo Chúa Kitô, được mời gọi hướng tầm nhìn lên cao, nơi những thực tại bền vững trên trời, chứ đừng hướng ánh nhìn đến những thực tại phù phiếm nơi trần thề này. Khi ánh nhìn của chúng ta đã đặt nơi những thực tại vĩnh cửu, lúc đó chúng ta sẽ cảm thấu được lời dạy của cha thánh Biển Đức: hãy bằng lòng với những gì hèn kém và tồi tệ nhất.
Tuy nhiên, để có thể lựa chọn những thực tại Nước Trời thay vì những vinh quang, danh dự trần thế này, thiết nghĩ chúng ta cần phải làm một cuộc phân định nghiêm túc. Chúa Giêsu dạy rằng: có ai ra trận mà trước đó không ngồi lại tính toán xem mình có thể thắng được hay không. Cũng vậy, những ai muốn sống đời thánh hiến cũng cần phải ngồi lại để tính toán xem: tôi sẽ phải bỏ gì và được gì khi theo Chúa. Nếu không chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng lầm tưởng, để rồi chạy theo những mục tiêu thuần nhân loại như lợi lộc thấp hèn hay những vinh dự hão huyền mà người khác ban tặng. Sau khi đã phân định và nhận định rõ ràng những giá trị siêu nhiên mà đời sống thánh hiến đem lại, chúng ta sẽ thấy thật nhẹ nhàng khi vứt bỏ đi những cái phù phiếm kia để có thể thanh thản mà theo đuổi những giá trị cao cả của đời sống này mang lại và chắc chắn tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.
Ngày nay, đời tu đang đứng trước rất nhiều thử thách cam go. Một trong những thách đố lớn nhất đối với các tu sĩ đó là tình trạng tinh thần thế tục đang len lỏi và xâm chiếm vào trong đời tu, làm cho bầu không khí tu trì bị ô nhiễm và mất đi sự linh thánh của mình. Rất nhiều tu sĩ nam nữ ngày nay đi tu chỉ theo phong trào, hay tệ hơn nữa chỉ là do chút lợi lộc thấp hèn hay danh vọng phù phiếm, để rồi họ lao vào đời tu như một con thiêu thân: đi tu mà chẳng biết mình đi tu để làm gì. Kết quả là họ chẳng tìm được niềm vui hay ý nghĩa trong đời sống dâng hiến, và đời tu của họ trở nên một nhà tù được ngụy trang một cách khéo léo bởi những nhân đức giả tạo.
Đứng trước thực tại đáng buồn như thế, lời khuyên dạy của cha thánh Biển Đức như một ngọn hải đăng giữa đêm tối nhắc nhở mỗi người chúng ta, đặc biệt nhà những đan sĩ đang theo bước chân ngài, phải ý thức lại xem mình đang đi tìm kiếm điều gì? Đức Kitô có là phương tiện và là cứu cánh mà cuộc đời mình hướng tới hay không? Đó chính là tâm tình của thánh Phaolô khi ngài xác tín: “Tôi coi mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi” (Pl 3,6).
ĐAN SĨ SỐNG ĐÚNG CĂN TÍNH CỦA MÌNH
M. Matthia Nguyễn Văn Khoa
„Con người là một hữu thể có nhu cầu“ là câu khẳng định của triết gia hiện sinh Levinas. Câu nói này cho thấy ai cũng muốn đi tìm những gì tốt và dễ dãi để sống thoải mái, sung túc và không phải lo lắng gì. Với những điều kiện đầy đủ họ trở nên chính mình, ít lệ thuộc nơi người khác. Nhưng thánh phụ Biển Đức lại đi ngược với tư tưởng đó và mời gọi các môn sinh: “Bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất. Trong mọi công việc được giao cho, họ tự coi mình là một nhân công vụng về và bất xứng” (TL 7,49). Với lý tưởng sống như vậy liệu còn có ai chấp nhận hay không? Hay các đan sĩ chân nhận được giá trị gì, nó còn mang một giá trị nào khác nữa? Cha Thánh không đặt vấn đề nơi công việc, nhưng qua những công việc đó có giúp ích gì cho đời sống mai hậu không.
Trước tiên: “Bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất” (TL 7,49). Ngài mời gọi các môn sinh khi đảm trách công việc nào đó, đừng quá chú tâm tới năng xuất mà quên đi giá trị nội tại của nó. Mỗi người hãy nhìn nhận giá trị thực nơi công việc mang lại không cốt ở kinh tế vật chất tầm thường, nhưng phải chân nhận cái gì cần thiết. Qua đó bằng lòng để hướng đến đời sống vĩnh cửu, đó là giá trị của đời sống tu trì. Sự bằng lòng là cần thiết cho đời sống chung, nó đòi hỏi mỗi người phải từ bỏ những ước muốn nơi bản thân để phóng tới người khác. Phóng đến như thế nào? Họ không được mời gọi sống theo chủ nghĩa tự do cá nhân, nhưng được gọi mời sống kết hiệp với anh em trong mọi sự. Mỗi một người là chi thể của Đức Kitô, trở nên một với Ngài là đầu Hội Thánh. Được thể hiện qua sự bằng lòng với những gì hèn kém và tồi tệ nhất nghĩa là gì? Đó là chấp nhận mọi hoàn cảnh sống. Nếu trong mọi công việc được giao cho mà thiếu thốn các dụng cụ, cũng đừng đặt nặng vấn đề và đừng lẩm bẩm kêu ca. Nhưng hãy vui thú với những gì hiện có, quan trọng là nhận thấy sự thiếu thốn đó là một phần của cuộc sống. “Vậy, dù ăn dù uống, hay làm bất cứ chuyện gì hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31).
Sự bằng lòng làm cho giá trị của công việc có ý nghĩa hơn, tâm hồn sẽ bình an và đưa công việc tới chỗ hoàn mĩ hơn. Đời sống nội tâm sẽ được tăng triển nhanh chóng và giúp mỗi người đi đúng con đường mình đã và đang được Chúa mời gọi. Lời Cha Thánh dạy, đừng bao giờ đòi hỏi một cái gì mà không mưu ích cho phần rỗi, nó sẽ giết chết tâm hồn bản thân và cho cả đan sĩ khác: “Người ta phục vụ mình là vì tôn kính Chúa, nên đừng quá yêu sách mà làm phiền lòng những kẻ giúp mình” (TL 36,4). Khi chúng ta đòi hỏi, nghĩa là chưa dứt bỏ được tính ích kỷ để chấp nhận sự thiếu thốn nơi cộng đoàn. Hãy đặt mình trong vị thế cộng đoàn, chứ đừng đặt cộng đoàn trong vị trí của mình. Vì căn tính của nếp sống đan tu, là sự chấp nhận những gì hiện có. Hãy bằng lòng, và đừng đòi hỏi thái quá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lời khấn khó nghèo. Lời khấn này được đặt ở vị trí quan trọng trong nếp sống đan tu, là mối dây liên kết để tới gặp gỡ Thiên Chúa dễ dàng hơn. Sự hèn kém và tồi tệ không mang nghĩa tiêu cực, nhưng là bước đầu để đạt đến sự khó nghèo. Là môi trường thuận lợi để các đan sĩ học cách biết đủ trong mọi sự, không vì lợi ích trước mắt mà quên đi giá trị thiêng liêng: “Cái nghèo không chỉ được nhìn trong tương quan với vật chất nhưng trong tương quan với Thiên Chúa”[1]. Ngài mời gọi các môn sinh không nhắm đến hình thức bên ngoài nơi công việc, nhưng qua công việc đó luôn thấy Thánh ý Chúa gọi mời.
Thứ đến, “Trong mọi công việc được giao cho, họ tự cho mình là một nhân công vụng về và bất xứng” (Tl 7,49). Tuy là khi đảm trách một công việc nào đó, bề trên đã xem khả năng của mỗi người mà giao công việc phù hợp. Chúng ta không vì thế mà lấy thói kiêu ngạo cho mình là thạo nghề mà trở nên kiêu căng, nếu như thế sẽ làm chệch đi ý nghĩa đời sống tu trì. Mỗi người không thể tự mình làm được mọi việc nhưng chính Thiên Chúa ban cho những khả năng đó, giống như dụ ngôn các nén bạc vậy (Mt 25,14-30). Người ban cho mỗi người những khả năng khác nhau. Những người tài giỏi cũng đừng ỷ vậy mà cho mình là quan trọng, như thể không có mình cộng đoàn không làm gì được, cũng đừng tỏ thái độ bất tùng phục mà đi ngược lại lời giáo huấn. Thái độ kiêu ngạo sẽ làm cho người đó xa rời cộng đoàn xa rời Thiên Chúa, nơi khác “nếu ai trong họ kiêu căng cậy mình biết nghề, tưởng mình làm lợi cho đan viện, người ấy sẽ bị ngưng việc, không được làm nữa, trừ khi đã khiêm tốn và viện phụ truyền làm lại” (TL 7,2-3).
Mỗi người hãy khiêm tốn trong mọi sự, không chỉ khiêm tốn với người trần thế nhưng khiêm tốn trước nhan Thiên Chúa. Chính người là ông chủ tốt lành ban cho chúng ta mọi sự. Qua bậc khiêm nhường này mỗi đan sĩ được mời gọi tiến thên một bước nữa là đạt đến tình yêu đích thật. Nghĩa là nhìn tất cả mọi công việc cho đến đời sống tâm linh, từ phần tử nhỏ bé cho đến cộng đoàn với một lòng yêu mến và một tình yêu đại đồng. Khi đạt đến mức độ tình yêu này, sự bằng lòng hay những cái tôi không còn là một gánh nặng cho mỗi đan sĩ nữa: “Đừng ai tìm ích lợi cho mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác” (1Cr 10,23). Thay vào đó là một niềm hứng khởi vui tươi, để mỗi người chân nhận được tình yêu dạt dào mà chính Thiên Chúa thông ban cho ta qua cộng đoàn.
Với bậc khiêm nhường thứ sáu này, ngài mời gọi những người đồng tu hãy bỏ qua những cái tôi ích kỷ, cái tôi hay đòi hỏi. Nhưng hãy cho mình là nhân công vụng về bất xứng, để hiệp hành trong sứ vụ cùng với tất cả anh em để tiến tới Thiên Chúa. Cha Thánh đã áp dụng Kinh Thánh khi đề cập đến vấn đề này: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,9). Ngài không lấy tư tưởng của mình nhưng dùng chính Kinh Thánh để hướng dẫn đời sống cộng đoàn. Trong môi trường đan tu sự đòi hỏi là một vấn nạn, nó gây khó khăn cho đời sống chung. Mỗi người đừng vì ý riêng, đừng vì những lợi ích bé nhỏ của trần thế mà làm cho linh hồn ra hư mất. Muốn được như vậy, mỗi người hãy tự mình trưởng thành trong mọi sự. Không đề cao bản thân, nhưng hãy lấy lòng khiêm tốn mà hành xử với nhau. Mỗi đan sĩ phải biết mình là chi thể, là thân và nhành nho để kết hợp với gốc rễ là Thiên Chúa. Kín múc nơi Ngài nhựa sống để nuôi dưỡng đời sống tu trì, sống đúng căn tính của mình là một đan sĩ thật thầy dòng thật.
__________________________
[1] PHAN TRẤN THÀNH, Đời Sống Tâm Linh VI, Những Hình Thức Tu Trì Kitô Giáo, Nxb Đông Phương, tr. 271.
-
Vâng phục trong đức tin (24/04)
-
Lắng nghe và đóng góp ý kiến trong cộng đoàn (07/03)
-
Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa (12/01)
-
"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở) (07/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (12) (03/11)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (11) (18/10)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10) (12/06)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9) (09/05)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (8) (13/03)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7) (16/01)