Suy tư
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (12)
Bậc khiêm nhường thứ mươi hai
KHIÊM NHƯỜNG – PHONG CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ
M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền
Đời đan tu là một cuộc hành trình bước theo sát Đức Kitô dưới sự tác động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để “dâng lên Thiên Chúa uy nghi việc phục vụ khiêm tốn nhưng cao quý trong phạm vi đan viện” (Perfectae caritatis, số 9). Trên cuộc hành trình ấy, mỗi người đan sĩ cũng là một nghệ sĩ, vì mỗi ngày người đan sĩ không ngừng họa lại hình ảnh của Đức Kitô trên đời sống của mình. Mỗi lời nói, cử chỉ và hành động của người đan sĩ phải là một nét vẽ làm tỏ hiện dung mạo của Đấng đã tuyên nhận là “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Khiêm nhường là một trong những giáo huấn nền tảng của Chúa Giêsu, một trong những phẩm chất chính trong lối sống của Người. Vì vậy, khiêm nhường là nét vẽ quan trọng nhất mà người đan sĩ sử dụng để hoàn thành tác phẩm của mình. Để người khác nhận ra hình ảnh của Đức Kitô, đời sống của người đan sĩ phải toát lên vẻ đẹp của đức khiêm nhường trong mọi khía cạnh: tư, ngôn, hành. Lối sống ấy phải nên như một thói quen hằng ngày, và ngày càng thuần thục như một nhân đức, một phẩm tính riêng của người đan sĩ. Điều này giải thích tại sao ở nấc thang cao nhất của bậc thang khiêm nhường, thánh Biển Đức đã khuyên dạy: “Không những trong lòng mà cả phong cách bên ngoài đan sĩ đều tỏ lòng khiêm tốn trước mặt mọi người” (TL 7,62). Vậy, đâu là điều mà thánh Biển Đức muốn các đan sĩ nhắm đến, và có những phương thế nào giúp các đan sĩ đứng vững trên nấc thang này?
Phong cách được hiểu là cung cách sinh hoạt, làm việc, những hành vi, cách xử sự tạo nên một nét riêng của một người hay một nhóm người. Theo đó, thánh Biển Đức mong muốn đặc điểm tạo nên nét riêng của người đan sĩ là luôn tỏ lòng khiêm tốn trước mặt mọi người. Vậy, có phải thánh Biển Đức quá chú trọng đến hình thức được biểu hiện ra bên ngoài không? Đã hẳn là không, vì Cha thánh hiểu rõ khiêm nhường bên ngoài chỉ có giá trị nếu nó là biểu hiện thực sự của khiêm nhường bên trong. Thánh Biển Đức không chủ trương thứ khiêm nhường chỉ chú trọng đến dáng vẻ bên ngoài, nhưng trước tiên phải thủ đắc sự khiêm nhường bên trong, vì “nhân đức hệ tại trong tâm hồn” (Thánh Tôma Aquinô). Muốn tỏ hiện ra bên ngoài cho người khác thấy mình khiêm nhường mà không có hoặc không cố gắng đạt được sự khiêm nhường bên trong, thì đó chỉ là sự giả tạo như lời Chúa Giêsu quở trách các kinh sư và những người Pharisêu: “Mồ mả tô vôi” (Mt 23,27). Có nhiều người cố tỏ ra khiêm nhường chỉ để cho người khác biết là mình khiêm nhường, đó là một thứ kiêu căng chính hiệu, là đạo đức giả, mà Khổng Tử gọi là “những tên giặc đạo đức”.
Thánh Biển Đức đã đưa ra hai phương thế giúp các đan sĩ sống bậc khiêm nhường này. Thứ nhất là luôn ý thức sự hiện diện của Chúa ở mọi nơi, mọi lúc. Bất kể là đang ở đâu: “nơi nhà nguyện, trong đan viện, ngoài vườn, trên đường đi...”. Lòng kính tôn Thiên Chúa thôi thúc người đan sĩ “lúc nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất”. Một tác giả đã nhận xét: “Chỉ cần thấy một đan sĩ thực sự khiêm nhường cũng đủ hiểu rằng họ luôn cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, khiến lòng họ kính tôn và hiểu được mức quan trọng của sự kết hợp mật thiết với Chúa”. Chính sự kính tôn này là nguồn mạch của khiêm nhường. Đầu cúi, mắt nhìn xuống đất không phải là dấu hiệu của sự khúm núm, sợ sệt nhưng là biểu hiện của lòng kính tôn trước một Thiên Chúa uy nghi, cao cả. Đó cũng là dấu chứng của một tâm hồn có chiều sâu nội tâm, tức là luôn quy hướng ánh nhìn vào bên trong để tận hiệp với Thiên Chúa, Đấng luôn ngự trị nơi sâu thẳm nhất của cõi lòng.
Phương thế thứ hai là tinh thần tự hạ. Tại sao khi đã lên đến bậc thang cao nhất và đạt được nhân đức này cách vững chắc, thánh Biển Đức lại muốn các đan sĩ “bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm nhân đầy tội lỗi”, và giữ thái độ của người thu thuế trong Phúc Âm với lời thú nhận: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Đó không phải là điều nghịch lý mà là một chân lý. Con đường tự hạ sẽ đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa, vì “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 18,14). Tự hạ là tạo ra những khoảng trống trong tâm hồn và ân sủng sẽ lấp đầy những khoảng trống đó. Chính Chúa Giêsu là gương mẫu tuyệt hảo về tinh thần tự hạ, mà thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa...Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,6-11). Cả cuộc đời Chúa Giêsu là một chuỗi những hành động hạ mình liên lỉ, mà đỉnh điểm là sự hạ mình đến tột cùng trên đồi Canvê. Và mỗi ngày, Ngài vẫn tiếp tục hạ mình trên đôi tay các Linh mục qua Bí tích Thánh Thể. Vậy mỗi người đan sĩ, theo gương Chúa Giêsu, “uốn thân hạ mình luôn mãi” trước mặt Chúa và trước mặt mọi người.
Người xưa có nói: “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại”, nghĩa là ở trong tâm thế nào thì hiện ra hình tướng bên ngoài thế ấy. Người có phong cách khiêm cung, nhã nhặn, từ tốn trong đối nhân xử thế thì cũng phần nào nói lên được tâm tính bên trong. Và ngược lại, người đã thực sự khiêm nhường trong lòng, thì vẻ đẹp của đức khiêm nhường ấy cũng dễ dàng tỏ lộ ra phong cách bên ngoài. Một người đan sĩ khi đã thực sự có Chúa trong lòng, thì cũng dễ dàng mặc lấy tâm tình và phong cách sống của Đức Kitô. Thiết nghĩ, đó cũng là một cách khả dĩ để đem Chúa đến với những người chưa nhận biết Chúa. Đức Phaolô VI đã nói: “Con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy” (Evangelii nuntiandi, 41), người ta dễ dàng nhận ra Chúa nơi phong cách sống và phục vụ của người môn đệ Chúa, hơn là nơi những bài giảng nảy lửa. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Vì vậy, người đan sĩ sống bậc khiêm nhường này không vì mục đích tìm kiếm vinh quang cho bản thân, nhưng “để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh” (TL 57,9).
“Người ta có thể nói vè khiêm nhường như thánh Gioan nói về bác ái (1Ga 4,20). Người ta không thể khiêm nhường trước Thiên Chúa, trong kinh nguyện, nếu người ta không khiêm nhường trước anh em. Bởi vì nếu bạn không khiêm nhường đối với anh em mà bạn nhìn thấy, làm sao bạn có thể nói rằng bạn khiêm nhường đối với Thiên Chúa mà bạn không thấy?” (Hồng y Cantalamessa). Thay vì vun trồng sự khiêm nhường, thế gian lại đề cao sự kiêu ngạo. Mỗi người đan sĩ hãy can đảm lội ngược dòng bằng cách sống khiêm nhường từ nội tâm bên trong cũng như nơi phong cách sống bên ngoài. Vì “ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì hãy đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga 2,6).
KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG VÀ TÁC PHONG BÊN NGOÀI
M. Oscar Vũ Ngọc Anh Tú
Trong xã hội ngày nay, hay trong đời sống đan tu, để hòa nhập và tiến đức bản thân, người đan sĩ cần không ngừng rèn luyện, hoàn thiện mình, đó là những nhân đức, những thói quen tốt là những phẩm chất đạo đức cần thiết. Một trong những đức tính tốt đẹp mà mỗi đan sĩ cần hướng đến đó là lòng khiêm nhường, khiêm nhường không những trong lòng mà ngay cả tác phong bên ngoài.
Khiêm nhường trước hết là sự khiêm tốn, không khoe khoang. Nền tảng của khiêm nhường đến từ Thiên Chúa, cách riêng nơi Đức Kitô, nơi Ngài hành động và hữu thể gắn liền với nhau: Thiên Chúa làm người là một hành vi khiêm nhường, qua đó cho thấy Ngài là đấng khiêm nhường. Chính Chúa Giêsu đã kêu mời: “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28). Người đan sĩ họa lại nếp sống của Đức Giêsu trong cầu nguyện với một thái độ khiêm nhường, nên dù trong nhà nguyện hay ngoài vườn, hay trên đường đi vẫn luôn thầm thĩ lòng nhủ thầm: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi” (Tv 131,1).
Khiêm nhường là nhìn nhận, đón nhận hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống. Khiêm nhường là không thu mình lại, hay lảng tránh trách nhiệm, không phải là nhu nhược, nhưng là hăng hái nhiệt thành; người khiêm nhường như cảm thấy mình đầy tội lỗi, biết rõ những bất lực của mình, để ý thức: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9). Thánh phụ Biển Đức dạy các môn sinh hằng đinh ninh mình là tội nhân đầy tội lỗi, cần đến lòng thương xót của Chúa (x. Lc 18,14). Lòng khiêm nhường là giảm trừ thứ men Pharisêu mỗi ngày (x. Lc 12,1); lòng khiêm nhường phải luôn phát xuất từ trái tim thông qua lời nói, hành động, lắng nghe người khác, không ai khiêm nhường mà không thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể: từ tác phong bên ngoài như quần áo đơn sơ, gọn gàng, phù hợp “y phục xứng kỳ đức”, cử chỉ lời nói hòa nhã lịch sự, không nói những lời hoa mỹ sáo rỗng…
Không thể là một người bên trong suy tư một đằng, bên ngoài hành động một nẻo được. Bên trong là con người nội tâm không thể nhìn thấy được, đó là: suy nghĩ, tư tưởng, khát vọng, khắc khoải. Còn bên ngoài là tất cả những gì có thể nhìn thấy được nơi con người như: hành động, cách hành xử, ứng xử. Người đan sĩ sau khi đã tiến xa trên lộ trình thiêng liêng là mười hai bậc khiêm nhường, phải làm sao trở nên một con người hoàn thiện, như lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, cốt cách người khiêm nhường phải thống nhất có sự hòa hợp giữa tâm hồn và phong cách bên ngoài, giữa ý chí và hành động. Sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo là sống không thực với con người mình: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26).
Người đan sĩ cũng mang thân phận con người thì cũng bị chi phối bởi những nhu cầu của bản năng thân xác như thư giãn, nghỉ ngơi, cũng thỏa mãn cho nhu cầu bản thân, như ham muốn của cải vật chất, nhằm hưởng thụ thỏa mãn cho nhu cầu bản thân. Như vậy, thánh phụ muốn đan sĩ phải sống khiêm nhường trong cách ăn nết ở, là sự hòa hợp giữa tinh thần và thể xác, giữa những ước muốn trong lòng và cả tác phong bên ngoài. Đan sĩ phải tỏ lòng khiêm tốn trước mặt mọi người. Phải sống chân thật với chính mình, tránh thói giả dối, ngôn hành bất nhất. Như vậy, sống khiêm nhường là phải sống hòa hợp giữa tư tưởng và hành động.
Các thánh là những người đã sống đầy lòng đạo đức, thể hiện ra phong cách từ bên trong đến bên ngoài có sức lan tỏa đến người khác theo đặc tính “hữu xạ tự nhiên hương”. Chẳng hạn như thánh Augustino, bậc thầy tri thức qua mọi thời đại viết: “Niềm kiêu hãnh đã biến đổi thiên thần thành ma quỷ; chính sự khiêm nhường, khiến con người trở thành những thiên thần”. Nơi Mẹ Têrêsa Calcutta, người gặp Chúa nơi người nghèo và người đau khổ, ngài nói: “Nếu bạn khiêm tốn, không có gì có thể chạm vào bạn, ngay cả sự khen ngợi hay ô nhục, bởi vì bạn biết bạn là gì. Nếu bạn bị đổ lỗi, bạn sẽ không nản lòng. Nếu người ta gọi bạn là thánh, bạn sẽ không đặt mình lên cao”. Còn nơi cha thánh Bernado: “Hỡi bụi tro, ngươi hãy xấu hổ vì sự kiêu ngạo của ngươi. Thiên Chúa hạ mình xuống, còn ngươi, ngươi lại đưa mình lên”. Qủa thật, còn biết bao nhiêu vị thánh mà chúng ta không thể kể hết được, nhưng tựu trung các ngài là những người thể hiện được lòng khiêm nhường của Chúa Giêsu, cả cuộc đời đầy lòng yêu mến Chúa và tha nhân, được thể hiện qua tư tưởng và đi đến những hành động qua phong cách bên ngoài là đời sống khiêm nhường phục vụ. Trái lại, người chỉ nói mà không hành động, phong cách bên ngoài không thể hiện được suy nghĩ trong lòng thì chỉ là nói suông.
Sau khi đã đi hết mười hai bậc khiêm nhường theo Tu luật, chẳng mấy chốc, đan sĩ đạt tới lòng mến Chúa… (TL 7,67), gắng trở nên một người hoàn thiện, một người có suy nghĩ trong lòng và phong cách bên ngoài đồng nhất. Người khiêm nhường là người sống thật với bản thân mình, tránh lối sống hai mặt. Hãy sống thật với chính mình, đừng sống kiểu “chia đôi” mình ra, để rồi suy nghĩ trong lòng và hành động, phong cách bên ngoài không khớp nhau, ngôn hành bất nhất. Người đan sĩ cần tập cho mình có một đời sống khiêm nhường phục vụ thấm đượm Tin Mừng, theo mẫu gương Đức Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
-
Vâng phục trong đức tin (24/04)
-
Lắng nghe và đóng góp ý kiến trong cộng đoàn (07/03)
-
Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa (12/01)
-
"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở) (07/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (11) (18/10)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10) (12/06)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9) (09/05)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (8) (13/03)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7) (16/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (6) (17/12)