Suy tư
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (11)
Bậc khiêm nhường thứ mười một
KHIÊM TỐN TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI
M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền
Khiêm nhường là nhân đức trụ cột của đời sống nội tâm, được Chúa Giêsu yêu thích, được các Thánh và các nhà thần học tu đức coi là điều kiện không thể thiếu trong tất cả tiến trình nên trọn lành. Trong tu luật, thánh Biển Đức cũng đã vạch ra một lộ trình nhằm giúp các đan sĩ đạt tới đỉnh cao của đức khiêm nhường trọn hảo. Lộ trình ấy như những bậc thang thánh đưa các đan sĩ đến với cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Dường như càng tiến lên những nấc thang cuối, thánh Biển Đức càng đi vào chi tiết của đời sống con người. Cha thánh muốn các đan sĩ không chỉ khiêm nhường trong những chiều kích thiêng liêng bên trong, mà ngay cả tướng diện bên ngoài cũng phải toát lên sự khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thứ mười, thánh Biển Đức nói về tiếng cười, và ở bậc thứ mười một, Cha thánh nói đến cung cách và thái độ mà các đan sĩ cần có trong lời ăn tiếng nói: “Khi nói thì đan sĩ nói nhỏ nhẹ và không cười cợt nhưng từ tốn trang nghiêm, ít lời mà hữu lý, không ầm ĩ to tiếng. Như đã chép: ít lời là dấu người khôn” (Tl 7,60-61).
Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ là một đặc ân Thiên Chúa ban tặng cho con người. Không ai có thể phủ nhận vai trò của lời nói trong cuộc sống hằng ngày. Lời nói là phương tiện giúp con người giao tiếp, truyền đạt kiến thức, trao đổi thông tin... Trong mối tương quan nhân vị, lời nói giúp con người thông cảm và thấu hiểu nhau hơn, nhờ đó phát huy được xã hội tính của mình. Thế nhưng sử dụng lời nói như thế nào cho đúng người, đúng lúc, đúng chuyện, và khi nói thì giọng điệu và cung cách ra sao để gây được thiện cảm với người khác là cả một nghệ thuật giao tế cần được trui luyện lâu dài. Một lời thốt ra có thể làm người khác kính trọng cũng có thể làm người khác khinh dể, vì “vinh hay nhục đều ở lời nói cả” (Hc 5,13).
Các bậc hiền nhân minh triết Đông Phương dạy rằng: “Ngôn vi tâm thanh, ngữ vi nhân kính”, lời nói là biểu hiện tâm hồn của một con người. Vì thế, không lạ gì mà các vị thánh hiền, những bậc đại căn thượng trí lại chú trọng đến lời ăn tiếng nói trong giao tế hằng ngày. Họ là những bậc chí cực điềm đạm, phong thái khoan thai, tướng mạo trầm tĩnh, và khi phải dùng đến “ba tấc lưỡi” thì rất mực từ tốn, khiêm cung. “Ngôn phong là thước đo giá trị của con người” nên người ta có thể căn cứ vào lời nói, cách cười, cử chỉ, điệu bộ trong lúc nói chuyện để đánh giá con người ấy. Những gì biểu lộ ra bên ngoài, nhất là qua cách nói năng sẽ phần nào thể hiện con người bên trong, vì “lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Từ ngàn xưa, cha ông ta đã rất quý trọng và đề cao lối nói năng lễ phép, điềm tĩnh, cư xử ôn hòa, khôn ngoan. Điều đó đã được đúc kết qua câu tục ngữ: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Sách Châm ngôn cũng dạy rằng: “Người nói năng dè dặt là người hiểu biết, người giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan” (Cn 17,27). Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ các tín hữu Côlôxê: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà, dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cl 4,6).
Có vô số những ví dụ cho thấy tầm quan trọng của lời nói cũng như thái độ trong khi nói, trong Kinh Thánh cũng có biết bao tấm gương cho chúng ta học hỏi. Người phụ nữ băng huyết tự nhủ: “Ước chi tôi được chạm đến vạt áo của Người” (Mt 9,20); viên đại đội trưởng thú nhận: “Thưa Ngài, tôi không xứng đáng đón Ngài vào nhà tôi” (Lc 7,6); người phụ nữ Canaan nài xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi” (Mt 15,25); người trộm lành bày tỏ: “Khi vào nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42); hay hình ảnh người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện (Lc 8, 9-14)... Tất cả những lời cầu xin đó đã đụng chạm đến trái tim nhân lành của Chúa Giêsu chỉ vì đã được thốt ra từ môi miệng của những người bé nhỏ, đơn sơ với thái độ khiêm cung và chân thành.
Trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến thực trạng “bạo lực ngôn ngữ, vứt bỏ mọi tiêu chuẩn đạo đức để bôi nhọ, vu khống và đả kích người khác, đó là những miệng lưỡi không được kiểm soát, bị ma quỷ châm ngòi” (số 115). Trong cộng đoàn tu trì, nhiều lần ngài cảnh báo và lên án tật nói xấu như tội khủng bố (Bài giảng tại nhà nguyện thánh Matta, 4/9/2015). Trong một xã hội tục hóa và đề cao tự do cá nhân đã làm cho những giá trị nhân bản trong lời ăn tiếng nói bị phớt lờ. Điều đó dễ dàng nhận thấy ở những phát ngôn, bình luận thô lỗ, khiếm nhã, kiêu căng, lăng mạ, xúc phạm danh dự người khác, những lời nói gây hiểu lầm, chia rẽ, oán thù...
Ở bậc khiêm nhường này, thánh Biển Đức không chỉ nhắm tới hình thức bên ngoài, nhưng là nhắm tới tâm trạng bên trong tạo nên thái độ ấy. Vì muốn có một ngoại thân trầm tĩnh, trước tiên phải có một nội tâm tĩnh lặng. Thế nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới bị ô nhiễm bởi tiếng ồn. Cùng với sự phát triển và phổ biến của internet và các phương tiện truyền thông làm cho con người lúc nào cũng bị bao quanh bởi sự ồn ào, náo động. Điều đó ít nhiều tác động đến đời sống của các đan sĩ, dù là sống trong nội vi đan viện kín cổng cao tường. Âm thanh ồn ào bên ngoài làm cho người đan sĩ khó giữ được sự tĩnh lặng của nội tâm, vì thế bậc khiêm nhường này càng trở nên thách đố đối với các đan sĩ hôm nay. Học thinh lặng “giữ miệng không nói, có hỏi mới thưa” đã là khó, nhưng học cách nói năng cho xứng với tư cách của một đan sĩ lại còn khó hơn gấp bội.
Để sống bậc khiêm nhường này, trước tiên người đan sĩ cần đào luyện cho mình một đời sống nội tâm sâu sắc, nghĩa là luôn sống trong sự kết hiệp thân tình với Chúa. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Nhờ sống trong mối tương quan mật thiết với Chúa, chúng ta cũng được Lời Chúa biến đổi, để theo gương Chúa, luôn nói những lời tốt đẹp và đem lại niềm vui cho mọi người. Thứ đến, người đan sĩ cần có một đôi tai và một con tim biết lắng nghe, vì nói ít đồng nghĩa với việc phải lắng nghe nhiều hơn. Ham nói nhiều vừa lỗi luật thinh lặng, vừa ảnh hưởng tới người khác và bầu khí thinh lặng của đan viện, vì “ai cho mình đạo đức mà không biết kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26). Khi phải nói thì nói đủ nghe, hạn chế sử dụng những từ ngữ tiêu cực, bông đùa không cần thiết. Tránh những lời nói gây chia rẽ, hiểu lầm, nghi kị lẫn nhau nhưng hãy nói những lời “xây dựng, khích lệ và an ủi” (1Cr 14,3). Kiềm chế cảm xúc trong lời nói, “mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1,19), “đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ” (Ep 4,31). Khép mình vào lối sống kỷ luật trước hết là ở lời nói. Dù nói với bất cứ ai và trong hoàn cảnh nào cũng luôn từ tốn, không vội vã hấp tấp, phải cẩn ngôn kiệm lời, chỉ nói sau khi đã suy nghĩ chín chắn “cân lời nói như cân vàng”. Ngay cả khi phê bình, góp ý cho ai thì cũng nói cách bình tĩnh, bác ái và tôn trọng.
Có những thứ nếu để mất đi thì đáng tiếc, nhưng đáng tiếc hơn cả là mất nhân cách khi nói những điều không cần nói hoặc nói không đúng chuyện, đúng nơi, đúng người. Vì thế, bậc khiêm nhường này là một nấc thang quan trọng và cần thiết, vì không chỉ giúp người đan sĩ tiến lên trên đường nhân đức mà còn là phương thế kiến tạo bình an trong cộng đoàn. Mỗi đan sĩ hãy “nói bằng trái tim”, sử dụng lời ăn tiếng nói sao cho phù hợp với ý muốn tốt lành của Chúa, để mọi người cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa nhân hậu và dịu dàng qua lời nói, cung cách và ngôn phong của mình.
ĐAN SĨ TRƯỞNG THÀNH TRONG LỜI NÓI
M. Josaphat Nguyễn Văn Tuấn
Con người đang sống trong một xã hội không ngừng phát triển về mọi mặt với đầy đủ tiện nghi. Từ đó mở ra cho con người nhiều con đường để có thể sống và làm thỏa mãn các sở thích của mình. Trong đó, ngôn ngữ hay lời nói cũng chiếm một vị trí rất quan trọng, vì nó là phương tiện hữu hiệu để con người trao đổi, chia sẻ và biểu lộ tình cảm với nhau. Nhưng vì con người đang sống trong xã hội phát triển về mọi mặt như vậy, nên đã làm cho con người nhiều khi dùng lời nói của mình giống như là một lưỡi dao hai lưỡi. Vì lời nói có thể mang tình thương đến cho nhau thì cũng có thể tạo thành án phạt, giống như sách Châm Ngôn đã nói: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm, miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành” (Cn 12,18). Khi nhận thức được sự cần thiết về lời ăn tiếng nói như vậy, thánh Biển Đức đã khuyên dạy các môn sinh của mình: “Khi nói thì đan sĩ nói nhỏ nhẹ và không cười cợt nhưng từ tốn trang nghiêm, ít lời mà hữu lý, không ầm ĩ to tiếng” (TL 7,60). Vậy, chúng ta là những người theo Đức Kitô, đặc biệt là các đan sĩ sống theo Tu Luật của Cha thánh Biển Đức thì phải sống như thế nào để trưởng thành trong lời ăn tiếng nói?
Trước hết, trưởng thành theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học là “sự phát triển tới mức tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ về mọi mặt, trở nên lớn mạnh, vững vàng, qua quá trình thử thách rèn luyện”. Vì thế, khi nói đến trưởng thành là phải nói đến mối tương quan cần có đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Chính trong các mối tương quan này mà người trưởng thành trong lời nói sẽ được định nghĩa là người biết mình là ai, biết mình muốn gì, làm chủ được chính mình, làm chủ được các cảm xúc, lời ăn tiếng nói và hành vi, với tất cả khả năng và giới hạn của mình. Như thế, sự trưởng thành này nó bao gồm cả thể lý lẫn tinh thần, tâm hồn và thân xác của ta. Vì sự trưởng thành bao gồm cả bên trong lẫn bên ngoài như vậy, nên khi thấy mình bên trong thì chứa chan một kho tàng khôn ngoan phong phú còn bên ngoài thì lại là một thân xác mỏng giòn, thánh Phaolô đã thốt lên rằng: “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành”(2Cr 4,7). Còn nơi ông Gióp thì chiếc bình sành ấy bên ngoài đã nứt vì ung nhọt, nhưng bên trong, là một kho tàng đầy niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa vẫn còn nguyên vẹn. Vậy, thánh Biển Đức khi nói đến sự trưởng thành trong lời ăn tiếng nói thì ngài muốn dạy ta điều gì?
Khi nói đến sự trưởng thành trong lời ăn tiếng nói của các đan sĩ, thánh Biển Đức muốn dạy các môn sinh của mình là phải trưởng thành từ bề trong chứ không phải chỉ có vẻ bề ngoài, nghĩa là ngài muốn ta sửa chữa tận căn trong tâm hồn của mình chứ không phải là thay đổi những thái độ bên ngoài. Vì, nếu chúng ta chỉ thay đổi những thái độ bên ngoài như lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động... còn bên trong thì không thay đổi nhưng chỉ muốn làm theo sở thích riêng của mình, thì điều thay đổi đó khác nào những thứ giả tạo? Trong thư Gia-cô-bê, thánh nhân đã nói về việc ta không kiềm chế miệng lưỡi rằng: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, thì tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1,26). Nên thánh Biển Đức muốn các đan sinh của mình khi sửa chữa thì phải sửa chữa từ bên trong nội tâm của mình, nghĩa là không nói xấu mà hãy lo xét mình chứ không xét đoán người khác, thì mới trưởng thành trong lời ăn tiếng nói được. Vì thế, đan sĩ khi lên tiếng nói thì phải “dịu dàng, không cười cợt, không nói vang, nhưng phải khiêm tốn đoan trang, nói ít lời là đủ, không lên giọng to tiếng”. Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng Matthêu rằng: “Ngài không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (Mt 12,19).
Như thế, khi ta muốn nói một điều gì đó, thì phải suy xét cho kỹ càng từng lời ăn tiếng nói của mình trước rồi hãy nói, như thành ngữ Việt Nam có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Tại sao vậy? Vì một khi ta đã nói ra một điều gì đó thì không thể rút lại được nữa. Nên, trước khi nói mà ta không suy xét lời ăn tiếng nói của mình cho kỹ, thì sẽ nói theo sở thích và ý nghĩ của riêng mình mà không nghĩ đến cảm xúc, biểu cảm của người xung quanh, lúc đó sẽ làm cho tình cảm của mình với anh em bị rạn nứt. Bởi thế, lời nói, cử điệu của thân xác, nét mặt, cả đến sự thinh lặng của ta cũng chính là phương tiện ta cần có để giao tiếp với anh em. Cho nên, sự giao tiếp của ta phải có sự trưởng thành với một thái độ thích hợp để khi tiếp xúc với người anh em, ta không bắt ép người anh em phải lệ thuộc vào trạng thái tâm hồn và tính khí của ta. Nhưng khi giao tiếp ta cũng cần phải biết thinh lặng để có thể lắng nghe và tôn trọng sự âm thầm riêng tư của người anh em, lúc đó ta mới thực là người trưởng thành trong lời ăn, tiếng nói.
Nhưng để đạt được điều đó thì ta phải làm thế nào? Thiết nghĩ rằng muốn làm được điều đó thì ta phải “luôn luôn tỉnh táo và cầu nguyện luôn, để xin Chúa giúp sức cho ta chứ đừng để thời giờ qua đi một cách vô ích. Vì dù ta có được phép nói hay nói có lợi đi nữa, thì ta cũng chỉ nên nói những lời có ích để có thể giúp ta và người anh em tiến đức mà thôi. Và ta cũng nên nói ít với tạo vật để tâm hồn ta luôn hướng về Chúa và sống trong tình yêu của Chúa để trở nên trọn lành, để giữ được tâm hồn trong sạch mà nói với Chúa và nên thân tình với Ngài” (Gương Chúa Giêsu. Quyển I. Chương X. “Lời vô ích”. tr. 64-67). Thiết nghĩ, khi thánh Biển Đức viết bậc khiêm nhường thứ mười một này, ngài muốn nói về bậc khiêm nhường của một tâm hồn trưởng thành trong sự thinh lặng để biết quan tâm đến người khác với tất cả sự tôn trọng, đó là bậc khiêm nhường của đức khôn ngoan. Vì có sự khôn ngoan thì ta sẽ biết lắng nghe tiếng Chúa và đi đúng con đường với một tâm hồn khiêm nhu chứ không phải kiêu căng tự đại, nhưng biết noi theo vua Salomon khi xưa đã không xin Chúa cho được giàu có hay cuộc sống an nhàn, mà bên cạnh đó ngài đã xin Chúa cho biết sự khôn ngoan để cai quản dân của Chúa: “Xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái” (1V 3,9a). Đức khôn ngoan, một cách nào đó, chính là phương thuốc sẽ chưa trị cái tôi, và giúp ta trưởng thành hơn trong lời ăn, tiếng nói với một tâm hồn luôn an bình vì có Chúa luôn đồng hành và ở với ta.
Như thế, qua bậc khiêm nhường này, thánh Biển Đức không cấm các đan sinh của ngài phải im lặng tuyệt đối, nhưng ngài muốn các đan sĩ phải biết trưởng thành trong lời ăn, tiếng nói của mình để có thể phản chiếu được tình yêu của Chúa với mọi người. Vì im lặng không phải là ta đánh mất đi sự tự do của mình, nhưng im lặng là để ta có thời gian chuẩn bị tâm hồn, tâm trí, mà hướng về Chúa và nói chuyện với Chúa. Tuy nhiên, điều này ta không thể nào có được bằng sức của riêng ta, mà chúng ta phải xin Chúa ban cho. Qua việc cầu nguyện, vì không cầu nguyện thì ta sẽ không đủ sức làm được việc gì như Chúa đã nói trong Tin Mừng Gioan rằng: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c). Vậy, ta hãy siêng năng chạy đến với Chúa qua cầu nguyện và đặc biệt là qua bí tích Thánh Thể để xin Chúa ban ơn giúp sức cho ta sống đúng tinh thần thành Biển Đức chỉ dạy.
18.10.2023
-
Vâng phục trong đức tin (24/04)
-
Lắng nghe và đóng góp ý kiến trong cộng đoàn (07/03)
-
Từ bỏ ý riêng để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa (12/01)
-
"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở) (07/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (12) (03/11)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10) (12/06)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (9) (09/05)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (8) (13/03)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (7) (16/01)
-
Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (6) (17/12)