Suy tư

Đức khiêm nhường theo thánh phụ Biển Đức (10)

Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tích cực của cuộc sống. Chúng ta chỉ thật sự sống vui khi chúng ta còn giữ được nụ cười. Tuy nhiên trong bậc khiêm nhường thứ mười, thánh Biển Đức lại muốn các “đan sĩ đừng vội cười, đừng dễ cười” (TL 7,59). Vậy đâu là ý nghĩa của nụ cười mà thánh nhân muốn nói đến trong bậc khiêm nhường này?

 

 

 

Bậc khiêm nhường thứ mười

 

 

ĐỨC ÁI TRONG NỤ CƯỜI

 

M. Daniele Comboni Đoàn Hòa

 

Có tác giả đã từng nói: “Nụ cười là sức mạnh lớn nhất của thế giới. Ở đâu không có nụ cười, ở đó sự sống kể như đã tắt. Ở đâu có nụ cười, ở đó cuộc sống trở nên phong phú”. Hay trong bài hát “Tiếc gì một nụ cười” của linh mục Phong Trần có câu rằng: “Tiếc gì một nụ cười tặng nhau mỗi lần gặp nhau. Tiếc gì một nụ cười tặng nhau mỗi khi xum vầy. Không ai giàu đến nỗi không cần một nụ cười duyên, không ai nghèo đến nỗi không thể cho một nụ cười”. Quả thế, nụ cười là một món quà vô giá mà Tạo Hóa tặng ban cho con người và không ai có thể phủ nhận mình không thể cười. Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tích cực của cuộc sống. Chúng ta chỉ thật sự sống vui khi chúng ta còn giữ được nụ cười. Tuy nhiên trong bậc khiêm nhường thứ mười, thánh Biển Đức lại muốn các “đan sĩ đừng vội cười, đừng dễ cười” (TL 7,59). Vậy đâu là ý nghĩa của nụ cười mà thánh nhân muốn nói đến trong bậc khiêm nhường này?

 

Nụ cười là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng cười có thể giúp chúng ta trở nên lạc quan yêu đời, sống lâu và khỏe mạnh hơn. Trong dân gian ông cha ta cũng ví von: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Một nụ cười trong cuộc sống của chúng ta có thể làm người xung quanh cảm thấy thân thiện và dễ chịu. Nó còn mang lại cho cuộc sống chúng ta trở nên phấn khởi, gia tăng nghị lực và thêm sức sáng tạo, khiến ta mở rộng trái tim để yêu thương, đón nhận và chia sẻ. Hay lúc ai đó lo lắng, e ngại khi muốn giao tiếp với ta, chỉ cần ta nở một nụ cười thật tươi, nỗi lo và sự ngại ngùng sẽ biến mất và họ sẽ dễ dàng bắt chuyện với ta hơn. Mẹ Teresa cũng khuyên chúng ta rằng: “Hãy luôn gặp mọi người với một nụ cười, vì nụ cười là khởi nguồn của tình yêu”. Vì thế, chúng ta khẳng định sức mạnh của nụ cười có thể xua tan đi những nỗi buồn đau, chữa lành những vết thương, làm dịu đi mọi phiền lo cuộc sống, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn.

 

Tuy nhiên, không phải lúc nào nụ cười cũng mang lại sự khích lệ, niềm vui, tình yêu thương, mà thay vào đó có thể là những nụ cười châm biếm, mỉa mai, vô duyên, vô tâm. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những cái cười đầy khiếm nhã bất cứ nơi đâu trong cuộc sống như: nhìn thấy ai đó trượt ngã, vô ý bị vấp u đầu, đánh rơi đồ vật giữa đường, quần áo lấm lem mực hoặc bùn đất, bộ dạng của những người bị khiếm khuyết. Thậm chí, họ có thể cười khi thấy trẻ con hay học sinh đánh nhau, nhà người khác bị cháy, người bị tai nạn xe ngã trên đường... Những sự cười cợt thiếu kiểm soát thể hiện sự ích kỉ, vô cảm, thiếu tình người, thiếu văn hoá, ứng xử thấp kém của con người trong cách đối nhân xử thế. Bởi những tiếng cười cợt như thế làm cho người trong cuộc cảm thấy thêm đau khổ, bẽ bàng, mất niềm tin vào cuộc sống và thậm chí tuyệt vọng. Cười trên nỗi đau cách vô tâm trước sự trớ trêu, khốn cùng của người khác, trong khi người ta cần sự giúp đỡ, cảm thông là mầm mống biểu hiện của cái ác.

 

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng thánh Biển Đức không hề có cái nhìn tiêu cực về sự vui cười, khi khuyên các môn sinh “đừng dễ cười, đừng vội cười” (TL 7,59) hay “đừng ham cười nhiều hoặc cười ầm ĩ” (TL 4,54). Bởi lẽ, thánh nhân hiểu rõ hai mặt phải - trái của nụ cười, có những nụ cười trầm lặng ấm áp và tràn đầy kính trọng, nhưng cũng có những nụ cười chua chát và gây tổn thương. Từ nụ cười chúng ta có thể nhận biết được cá tính của người khác. Sách Huấn Ca viết: “Người ngu cười hô hố, còn người sáng trí họa mới mỉm cười” (Hc 21,20). Như thế, thánh nhân muốn chúng ta phải xem xét sự vui tươi, hài hước một cách hết sức tế nhị trước những đau khổ, bất hạnh của anh em mình. Bởi không phải mọi thứ chúng ta cười đều mang lại niềm vui và ích lợi cho tha nhân. Nụ cười chỉ trở nên niềm vui thực sự khi mang trong mình đức ái như lời thánh Phaolô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

 

Như thế, đích điểm của nụ cười trong bậc khiêm nhường thứ mười mà thánh Biển Đức nhắm tới không phải là sự cảm nhận bản năng, nhưng là nụ cười luôn mang ý thức bản chất và tính nhân văn của niềm vui. Niềm vui bền vững chỉ phát xuất từ một tâm hồn tràn ngập yêu thương. Thánh Thomas Aquino cũng khẳng định rằng: “Không ai thực sự vui vẻ nếu không sống yêu thương”. Khi thấu hiểu được như thế, chúng ta mới thực sự sẻ chia tấm lòng chân thành, đồng cảm, yêu thương trong tiếng cười.

 

 

 

 

NỤ CƯỜI CHỨNG TÁ CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ

 

M. Thomas Dụ Đinh Văn Tuyên

 

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô nói rằng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Đây là lời động viên khích lệ đầy mạnh mẽ. Thật vậy, con người mọi thời ai ai cũng cần có niềm vui để có thể vượt qua những khó khăn, thách đố, những căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, vui vẻ giúp con người tăng thêm niềm tin hy vọng vào những chân trời tương lai tươi đẹp phía trước. Nhưng đối với người Kitô hữu, cách riêng người sống đời thánh hiến, niềm vui là một cách thế truyền giáo hữu hiệu. Đức Phanxicô từng nói: “Bạn không thể rao giảng Tin Mừng với bộ mặt đưa đám”. Niềm vui đó lại được thể hiện cách cụ thể nhất qua nụ cười. Thế nhưng, thánh phụ Biển Đức lại khuyên nhủ các môn sinh của mình: “Đan sĩ đừng dễ cười, đừng vội cười” (TL 7,59). Hai tư tưởng trên xem ra trái chiều. Vậy, người đan sĩ cả đời sống trong lũy cấm có cần thiết những niềm vui, nụ cười bên ngoài và nhãn giới của thánh phụ với công cuộc truyền giáo nên hiểu như thế nào?

 

Trước hết, nụ cười là một phản xạ có điều kiện của con người nhằm thể hiện cảm xúc khi thấy vui thích, hạnh phúc, đạt được những điều mong ước hay cuộc sống có nhiều điều thú vị. Nụ cười cũng là một kiểu ngôn ngữ giao tiếp, tạo nên tương quan thân mật gần gũi kết nối con người với nhau. Hẳn nhiên thánh phụ Biển Đức biết rõ lợi ích của những niềm vui, những tiếng cười thoải mái trong đời sống. Đúng thế, phải làm sao khi người đan sĩ cộng tu mà không tạo được mối tương quan tốt, không biết cách làm cho cuộc sống thêm an bình tươi vui khi có thể xảy ra những việc khiến anh em căng thẳng buồn lòng? Thiên Chúa đâu có muốn con người suốt ngày buồn thiu chán chường, vì “Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em” (Ds 6,25) và “Niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Chính niềm vui là nền tảng vững chắc cho sự thanh thản và bình an thuận hòa trong đời sống chung. Ở đây thánh phụ Biển Đức chắc chắn không cấm đoán việc đan sĩ cười và tạo niềm vui cho riêng bản thân hay cho người khác. Nhưng hơn thế, thánh nhân muốn nhấn mạnh mỗi đan sinh phải xem xét một cách rất nghiêm túc thái độ cũng như cảm xúc trước mọi vấn đề của đời sống. Cười ở đây, với thánh Biển Đức, đâu phải chỉ là nụ cười ngoài miệng mà còn là nụ cười thầm kín được thỏa mãn vui thích ước muốn nào đó ngược với căn tính đời thánh hiến. Cùng với đó là tiếng cười giả tạo, tị hiềm, cười cợt bông đùa thiếu trưởng thành trong đời sống tâm linh. Hai nụ cười này thánh Biển Đức đặc biệt lên án.

 

Như đã nói ở trên, con người sống trên đời là một cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc. Từ thời cổ đại đến thời hiện đại này, con người ai cũng có kinh nghiệm về niềm vui và hạnh phúc. Nhưng muốn trả lời cho câu hỏi hạnh phúc đích thực là gì, hay niềm vui viên mãn là gì, thì lại không đơn giản. Khoa nhân học đã đưa ra hai động lực giải thích nguyên nhân con người cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, một là tâm lý, thứ đến là sinh học. Về mặt tâm lý, con người cảm thấy vui khi được đáp ứng điều mong đợi. Về mặt sinh học, con người hạnh phúc khi loại bỏ được hết cảm giác khó chịu khổ đau phần xác. Nhưng thực tế cả hai yếu tố trên đều không thỏa mãn được lòng người. Bởi vì những mong đợi của con người cứ gia tăng mãi, không có điểm dừng, lòng tham không đáy. Tiến bộ khoa học kỹ thuật, văn minh hiện đại đã giúp cho cuộc sống con người trở nên dễ chịu hơn. Nhưng cùng với tiến bộ đó, những mong đợi của con người lại tăng nhanh không kém, khiến con người tiếp tục chờ mong chứ không cảm thấy hài lòng hơn. Thánh Biển Đức đặt thứ vị đức khiêm nhường ở bậc này lại là điều ý vị, để cho thấy mức độ quan trọng của nó. Người đan sĩ một khi bị thỏa mãn trần tục lôi kéo sẽ trở nên tệ hại biết bao. Họ tìm cách để có được mọi tiện nghi vật chất bên ngoài, mặc dù vẫn sống trong lũy cấm đan viện. Một khi đã có được mọi thứ mình ước vọng, người môn đệ lại nở một nụ cười thầm kín tai hại: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19).

 

Người môn đệ đừng vội cười, nhưng hãy tự nhận biết mình là thụ tạo hèn mọn hư vô mà nghe lời cảnh tỉnh quay về với con đường công chính của lòng khiêm nhường. Thánh Biển Đức muốn con cái mình khiêm nhường mà mỉm cười với cuộc sống mà mình đã được chọn gọi và đã tự do đáp trả (x. TL 58), là theo sát cùng trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (x. Rm 8,29), vì “Người vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Khiêm nhường là khi chết đi cho dục vọng đam mê và đã “trỗi dậy cùng với Đức Kitô nên hãy tìm kiếm và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Cl 3,1-2). Mặt khác, khiêm nhường là “cùng được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô mà cùng được vui mừng với Người” (x. 1Pr 4,13). Nếu người đan sinh thực hiện được cuộc hoán cải khó khăn này thì đã bước gần tới đích điểm viên mãn là chính Chúa Giêsu Kitô. Đến đây, vai trò ngôn sứ của đời đan tu siêu thoát được hiện lên cụ thể với nụ cười nghèo khó thánh thiện, không phải nụ cười thầm tự cao đắc ý vì có nhiều của cải. Với thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II, ngài còn nói: “Để đến được nơi mà bạn chưa hề tới, thì bạn phải đi qua nơi bạn chưa hề đặt chân tới. Để đến được nơi có tất cả mọi sự, thì bạn đừng thêm chiếm hữu bất cứ điều gì. Để đến được nơi là tất cả, thì bạn phải mong muốn mình ra không”. Thực ra đan sĩ thời chúng ta, nếu xét cho thấu đáo thì mức độ từ bỏ vật chất có lẽ còn quá ít ỏi không đáng vào đâu, nó chỉ tựa như hai đồng kẽm của bà góa nghèo mà thôi. Một lần nữa, lời thánh phụ Biển Đức đòi hỏi chúng ta phải canh tân mỗi ngày qua con đường khiêm nhường vâng phục, hy sinh.

 

Bên cạnh đó, đời sống đan viện như một xã hội thu nhỏ. Ở đó chất chứa đầy đủ các tương quan liên hệ giữa mọi thành viên. Đôi khi cũng có cả những tiếng cười chế diễu, bông đùa cười cợt đầy thành kiến làm xáo trộn cộng đoàn. Tiếng cười đó gợi lên hình ảnh một nhóm hai ba người tụ họp lại đàm tiếu cười cợt người anh em mình về những khuyết điểm, sai lỗi, giới hạn của họ. Qua đó gây tổn hại tình huynh đệ và đôi khi làm cho sự việc trở nên trầm trọng. Phản ứng thái quá này là điều không nên xảy ra trong đời sống thánh hiến. Cười cợt là hình thức tự coi mình là trung tâm, coi mình là mẫu gương mà người khác phải nhìn vào noi theo. Thánh Biển Đức qua đây đã lên án và khuyên bảo người môn đệ chớ tự cao mà cười châm chọc khinh thường anh em, vì một số điều cười nhạo trên thực tế là không đáng cười. Cười đùa để phân biệt người khác là không đáng cười. Những lời nhận xét ác ý châm biếm pha chút dỉ dỏm, hài hước bất kể sắc sảo thế nào, bất kể điệu bộ ra sao đều không nên làm. Người môn đệ đừng vội cười nhưng hãy khiêm nhường trau dồi một tâm hồn mà ở đó tất cả mọi người đều an toàn. Nơi đó có “tình thương mến với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). Người môn đệ khiêm nhường khi “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) và mọi người học cách chấp nhận những khuyết điểm của anh em mình (x. Rm 15,7), cùng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Mặt khác, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn lại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau,…” (x. Cl 3,12-13). Một khi tình bác ái hiệp thông huynh đệ được triển nở trong đời sống cộng đoàn thì mới có thể bày tỏ cho người đời thấy chứng tá niềm vui, sự bình an của Đức Kitô. Đặc biệt, người đan sĩ sau khi đã gạt bỏ hết mọi vướng bận, với một tâm hồn bình an thanh thoát, họ luôn hiện diện trước Thánh Nhan Ba Ngôi Thiên Chúa. Với xác tín được hưởng trước niềm vui hạnh phúc Nước Trời, đan sĩ đại diện Giáo hội hợp làm một cùng các thánh trên trời mà ca hát chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Vì “Ai vui vẻ, người ấy hãy hát thánh ca” (Gc 5,13).

 

Tóm lại, nụ cười rất cần thiết cho đời sống, mỗi người đều tìm kiếm và khát khao nó. Nhưng có mấy ai nắm bắt hay cảm nghiệm được thực tại ấy. Thứ con người có được chỉ là những nụ cười hời hợt chóng qua hay một hạnh phúc nửa vời mà thôi. Qua bậc khiêm nhường thứ mười, thánh phụ Biển Đức khẳng định có một nụ cười tuyệt vời nhất, cùng có một hạnh phúc viên mãn nhất là cười nói với Chúa và hạnh phúc khi có được “chính Chúa”. Người đan sĩ “không lấy gì hơn Chúa Kitô” đã dành cả cuộc đời để minh chứng xác quyết này với một niềm vui thánh hiến.

 

 

 

 

ĐAN SĨ ĐỪNG DỄ CƯỜI, ĐỪNG VỘI CƯỜI

 

M. Phaolô Lộc Nguyễn Minh Thông

 

ĐTC Phanxicô đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Nơi đâu có tu sĩ, nơi đó có niềm vui”. Niềm vui là điều ai cũng muốn có và nhắm đến nhất là trong đời sống thiêng liêng. Đồng thời, khi nói đến niềm vui, ta thường nghĩ đến nụ cười, nụ cười chính là biểu cảm bên ngoài diễn tả tâm trạng bên trong con người. Tuy nhiên, thánh phụ Biển Đức lại dạy các môn đệ trong bậc khiêm nhường thứ mười rằng: “Đan sĩ đừng dễ cười, đừng vội cười, vì có lời chép: “Người ngu cả tiếng cười cợt” (TL 7,59). Vậy ta phải hiểu bậc khiêm nhường này thế nào? Và vì sao người đan sĩ khiêm nhường lại đừng dễ cười, đừng vội cười?

 

Thiết nghĩ, để hiểu rõ hơn bậc khiêm nhường này và giải đáp thắc mắc trên, ta cần tìm hiểu đôi chút về “cười”. Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia: “Cười hoặc tiếng cười là một lời đồng ý ai đó, là hành động thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng, đồng thuận và là một loại ngôn ngữ cơ thể thường được dùng như một cách gián tiếp, xã giao thường ngày giữa con người với con người”. Thật thế, cười là một biểu cảm rất đặc biệt của con người mang nhiều sắc thái khác nhau. Theo các chuyên gia y tế, nụ cười tích cực không chỉ giúp ta giải tỏa, sảng khoái tinh thần mà còn rất có lợi cho sức khỏe thể xác. Nụ cười cũng là một trong những năng lượng tích cực dễ lan tỏa đến mọi người nhất. Nụ cười chính là món quà đặc biệt mà Thiên Chúa ban tặng cho con người để lan tỏa niềm vui và yêu thương, giúp cuộc sống và các mối tương quan trở nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Nụ cười không chỉ diễn tả niềm hạnh phúc và bình an mà còn phản ảnh sự hài hòa giữa muôn vật và con người.

 

Có những nụ cười giòn giã diễn tả niềm vui quá đỗi khi chứng kiến một tình huống hay câu chuyện hài hước nào đó; có những nụ cười mỉm chi để bày tỏ niềm hạnh phúc, thõa mãn với cuộc sống hay tình yêu lứa đôi; có những nụ cười tỏ vẻ khoái chí khi được khen ngợi hay đạt được mục tiêu của mình; có những nụ cười xã giao để thể hiện lòng tôn trọng và thân thiết với người khác... Nụ cười không mất vốn hay tốn kém gì, nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích gấp bội nếu được thực hiện đúng kiểu cách và đúng thời điểm. Trong đời sống cộng đoàn hay tập thể nào đó, nụ cười tích cực sẽ giúp cuộc sống chung dễ chịu hơn, góp phần tạo nên môi trường lành mạnh, giải tỏa những bất hòa chia rẽ, duy trì trật tự an bình trong đời sống. Thật vậy, mẹ Têrêxa từng nói rằng: “Mỗi khi bạn cười với ai đó, đó là một hành động của yêu thương, một món quà, một điều đẹp đẽ”.

 

Tuy nhiên, như mọi thứ đều có hai mặt, nụ cười cũng không ngoại lệ. Ngoài những mặt giá trị và tích cực được nói trên, nụ cười sẽ mang màu sắc tiêu cực khi nó được thực hành sai ý hướng, sai kiểu cách và sai hoàn cảnh. Những kiểu cười tiêu cực sẽ gây nên những hậu quả không hay cho bản thân người cười và người bị cười. Thật thế, nụ cười sẽ trở nên vô nghĩa nếu ta cười trên nỗi đau của chính mình, khiến ta càng cay đắng thêm; nụ cười sẽ trở xấu xa khi ta cố gắng thể hiện cảm xúc để đạt được mục đích cho mình, khiến ta trở nên con người sống giả tạo; nụ cười sẽ gây đau buồn cho người khác nếu ta cười trên đau khổ, khuyết điểm hay thất bại của họ; nụ cười sẽ lệch lạc nếu ta thích đem khuyết điểm người khác ra làm trò đùa khiến họ phải xấu hổ. Bên cạnh đó cũng có những nụ cười dù không có tâm ý xấu hoặc chỉ theo tính tự nhiên nhưng vẫn có thể làm cho người bị cười trở nên khó chịu là khi ta vô tình cười trước những tình huống hài hước mà họ không cố ý tạo ra. Đàng khác, dân gian có câu: “Nửa nói nửa cười là người vô duyên”, nên việc dễ dãi cười và cười trong mọi lúc cũng có thể làm giảm đi giá trị nhân cách và lòng tự trọng trong mắt mọi người.

 

Đối với đời sống thánh hiến đan tu, sự tĩnh lặng là căn tính thiết yếu và không ai có quyền xâm phạm. Nên việc cười sai thời điểm, hoàn cảnh như cười to tiếng, cười ầm ĩ hay pha trò hài hước mọi lúc mọi nơi cũng sẽ trở nên tiêu cực và không cần thiết. Với những kiểu cười này, thánh phụ Biển Đức đã khuyên dạy rằng: “Đan sĩ không cười cợt nhưng từ tốn trang nghiêm” (TL 7,60), và chỗ khác: “Đừng nói chuyện phù phiếm diễu cợt, đừng ham cười nhiều hoặc cười ầm ĩ” (TL 4,53-54). Xét theo mặt thiêng liêng, những nụ cười tiêu cực thường xuất phát từ những tâm ý xấu, nghĩa là những ai có lòng kiêu ngạo, coi thường và không quan tâm đến cảm nhận của người khác. Bởi vì người có lòng khiêm nhường thật thì không thể nào cố tình làm tổn thương và coi thường người khác được. Mặt khác, đan sĩ chân chính là người tìm kiếm Thiên Chúa và hướng đến sự trọn lành nên phải là người gieo vãi bình an chứ không phải là hận thù chia rẽ bất hòa. Đan sĩ là con người có đời sống nội tâm, con người của sự thinh lặng, nên việc cười đùa diễu cợt là không phù hợp vì điều này sẽ phá hoại không gian tĩnh lặng của đan viện và gây phiền hà cho người khác.

 

Tóm lại, nụ cười dù là biểu cảm thể hiện niềm vui, nhưng không phải niềm vui nào cũng mang tính tích cực, bởi vẫn có đó những nụ cười tiêu cực mà nếu ta không ý thức, nó sẽ trở nên rào cản, như bom nổ chậm phá hủy những mối tương quan và ngay chính bản thân ta. Chính vì thế, thánh phụ Biển Đức đã rất chí lý khi khuyên dạy các đan sĩ phải biết kiềm chế và làm chủ cảm xúc của mình. Đan sĩ phải là con người nội tâm hóa mọi hành động để tránh những sai lỗi bác ái không đáng xảy ra. Đan sĩ phải là con người có lòng khiêm nhường thật, luôn tôn trọng và không cố tình làm tổn thương ai; phải hết sức nhạy cảm với những gì có thể gây đau khổ và thương tích cho tha nhân dù là một tiếng cười vô ý. Cuối cùng, thánh phụ Biển Đức không phải là cấm các đan sĩ thể hiện niềm vui bằng nụ cười, nhưng điều cần nhắm đến là niềm vui nội tâm, không để niềm vui chóng qua và hư ảo bên ngoài chi phối, làm xáo trộn niềm vui an bình trong tâm hồn. Chính niềm vui nội tâm mới đáng quý và phải thủ đắc, vì tự nó sẽ bộc lộ ra bên ngoài những xúc cảm chân thật có sức lan tỏa tích cực đến mọi người.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á