Suy tư

"Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy..." (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở)

Để vâng phục, trước tiên người đan sĩ cần biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe viện phụ, lắng nghe anh em và lắng nghe tiếng nói của cõi lòng mình. Lắng nghe là bước đầu tiên giúp người đan sĩ nhận ra ý Chúa. Lắng nghe không phải bằng đôi tai thể lý, mà phải “ghé tai lòng” để lắng nghe với cả con tim và tấm lòng.

 

 

“Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân” (Tu Luật thánh Biển Đức, Lời mở, 1-2).

 

 

 

VÂNG PHỤC ĐỂ TRỞ VỀ

 

M. Lazarô Nguyễn Hưng Quyền

 

Thánh Biển Đức đã mở đầu cuốn Tu luật của ngài như sau: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được”. Tuy ngắn gọn nhưng lời mời gọi ấy hàm chứa cả một tiến trình của đức vâng phục, nhằm giúp người đan sĩ “trở về với Đấng con đã xa lìa”. “Lắng nghe, đón nhận và thi hành. Bằng ba động từ này, Thánh Biển Đức đã tóm gọn cuộc sống của người xin gia nhập đan viện. Đó là ba động từ gồm tóm thái độ nội tâm giúp người đan sĩ đi vào mối tương quan phụ tử với Thiên Chúa” (x. Dom Guillaume, Trên đường tự do, tr. 19). Với ba động từ trên, thánh Biển Đức đã vạch ra một lộ trình thiêng liêng, là kim chỉ nam dẫn đường cho những ai “muốn mau chóng đạt tới đỉnh trọn lành của đời tu” (TL 73,2).

 

Mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng để thực hiện kế hoạch của Người. Cách riêng, mỗi người đan sĩ được mời gọi vào đan viện cũng là để thực hiện kế hoạch của Chúa, trong vai trò và vị trí riêng của mình. Nếu như các đan sĩ là những chiến sĩ chiến đấu dưới ngọn cờ của Đức Kitô, thì vâng phục phải là khí giới luôn cầm chắc trong tay. Triết gia Montaigne đã nhận xét: “Luật đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho con người là luật vâng phục”. Vì thế, ngay từ những thế kỷ đầu, vâng phục luôn được coi là lời khấn căn bản nhất và quan trọng nhất. Thậm chí nó còn được coi là lời khấn bao hàm các lời khấn khác. Người đan sĩ muốn trở lại với Thiên Chúa, thì phải theo gương Chúa Giêsu, sống vâng phục trong mọi sự. Bởi đó, trong Tu luật, thánh Biển Đức đã nhiều lần nói đến sự vâng phục như một phần không thể tách rời khỏi đời sống của những ai dấn thân vào đan viện. Cha thánh gọi vâng phục là sự trở lại đầu tiên, là khởi điểm của đời đan tu. Đó là lý do tại sao ở ngay câu đầu tiên Cha thánh đã nói đến đức vâng phục.

 

Vậy để vâng phục, trước tiên người đan sĩ cần biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe viện phụ, lắng nghe anh em và lắng nghe tiếng nói của cõi lòng mình. Lắng nghe là bước đầu tiên giúp người đan sĩ nhận ra ý Chúa. Lắng nghe không phải bằng đôi tai thể lý, mà phải “ghé tai lòng” để lắng nghe với cả con tim và tấm lòng. Thế nhưng lắng nghe không phải là một việc dễ dàng. Lời Chúa không phải lúc nào cũng tường minh, rõ ràng để dễ dàng nhận ra. Vì vậy, để có thể nghe trước đó cần phải lắng, sự lắng đọng của nội tâm để rời xa những ồn ào từ bên trong cũng như bên ngoài. Lắng nghe là một năng lực quan trọng mà chúng ta cần phát triển trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, chúng ta dường như đã quên đi giá trị của việc lắng nghe và đánh mất khả năng tập trung vào những gì quan trọng. Lời mời gọi của thánh Biển Đức về việc lắng nghe càng trở nên một yếu tố quan trọng trong đời sống của các đan sĩ hôm nay.

 

Bước tiếp theo là thuận tình đón nhận. Thánh Biển Đức muốn các đan sĩ đón nhận lệnh truyền với thái độ mau mắn, khiêm tốn, không càm ràm, mặc cả. Như lời Cha thánh giải thích: “Môn đệ phải vâng lời với tất cả hảo tâm, còn nếu vâng lời miễn cưỡng, phàn nàn, không những ngoài miệng mà cả trong lòng, thì dù có làm đúng lệnh truyền vẫn không thể đẹp lòng Chúa; vâng lời như thế chẳng được ơn ích gì, lại còn chuốc lấy án phạt dành cho hạn người kêu trách” (TL 5,16-19). Đón nhận cũng có nghĩa là chấp nhận và quyết tâm thực thi điều đã được truyền dạy trong sự tin tưởng, phó thác. Việc đón nhận xem ra cũng là một thách đố đối với các đan sĩ hôm nay, nhiều người chỉ muốn an phận thủ thường, tìm kiếm sự an toàn trong vỏ kén cá nhân của mình nên thật khó để chấp nhận những điều trái ý nghịch lòng, những điều ngược với dự tính, ước muốn, sở thích của mình.

 

Bước quan trọng cuối cùng là thi hành: “Vậy ai nghe lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7,24). Giá trị của đức vâng phục nằm ở việc làm cho điều mình đã lắng nghe và đón nhận trở thành hành động cụ thể. Điều đó được chứng minh qua câu chuyện hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Người con thứ nhất tuy đã không lắng nghe và không muốn đón nhận, nhưng sau đó đã hối hận và thi hành. Còn người con thứ hai đã lắng nghe và đón nhận, nhưng lại không hành động. Đức Giêsu kết luận người con thứ nhất là người thi hành ý muốn của cha (x. Mt 21,28-31). Thánh Biển Đức còn nhấn mạnh: “Phải thi hành tức khắc, không do dự; đến nỗi lệnh thầy truyền và việc môn đệ thi hành đều hoàn tất mau lẹ như cả hai cùng xong một trật; thi hành một cách điềm tĩnh, không chầm trễ, không lãnh đạm hoặc cằn nhằn, phản đối” (TL 5). Đan sĩ không thi hành lệnh truyền theo kiểu cho xong, nhưng “thi hành cho bằng được” nói lên sự quyết tâm, kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm.

 

Chính Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta về đức vâng phục: “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Sự vâng phục của Chúa Giêsu cũng trải qua một tiến trình: cầu nguyện để lắng nghe, đón nhận với tâm tình tin yêu và thi hành thánh ý Chúa Cha với trọn tình phó thác: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Con người đã xa lìa Thiên Chúa vì sự bất tuân, thì nay chỉ có con đường duy nhất để trở về với Người, đó là con đường vâng phục.

 

 

 

GIÁ TRỊ LẮNG NGHE NƠI NGƯỜI ĐAN SĨ

 

M. William Thân Nguyễn Trọng Tình

 

Trong đời sống dâng hiến, chắc hẳn mỗi người chúng ta ít nhiều đã có những trải nghiệm về việc lắng nghe và thi hành những lệnh truyền hay những yêu cầu của bề trên giao phó. Có những công việc không nhắm đến mục đích của đời tu, những công việc tưởng chừng như đi xa với khả năng của chính mình, những công việc mang tính chất không vừa ý mà chúng ta vẫn thường gặp, nó vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống. Để tiếp nhận được những lệnh truyền đó ta cần có một đôi tai nhạy bén để nghe người khác truyền đạt hoặc âm thanh của sự vật chung quanh ta. Phải chăng việc “lắng nghe” là điều quan trọng đối với các đan sĩ trong đời thánh hiến?

 

Với Lời mở đầu trong Tu Luật, thánh phụ Biển Đức đã dùng những cụm từ rất đơn sơ, nhưng chứa đầy tình phụ-tử: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được”. Lời mời gọi thật ngọt ngào, dịu êm, tha thiết của người cha thân yêu dành cho con cái mình, lời mời gọi này gợi lên ba điểm thiết yếu cho người đan sĩ là: biết lắng nghe, thái độ đón nhận và thực hành. Vì đối với người đan sĩ, việc lắng nghe luôn chiếm một chỗ nhất định, vì nó là nơi khơi nguồn để nhận ra Thánh ý Chúa và cũng chính nơi đó tiếp nhận những điều dạy dỗ qua những bậc cha anh và như là cửa ngõ để thực thi tình bác ái huynh đệ. Việc lắng nghe và thi hành lệnh truyền trong sự vâng phục không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi người thi hành nhiều hy sinh và từ bỏ ý riêng một cách triệt để. Chính Người tôi trung khi trung thành với Thiên Chúa cũng đã than rằng: “Ấy cũng vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh” (Tv 44,23), và thánh phụ Biển Đức đã mượn câu Kinh Thánh để dạy các môn sinh: “Hôm nay nếu các con nghe tiếng Người các con đừng cứng lòng nữa”, và cũng là lời mời gọi: “Hỡi các con hãy đến nghe Ta, Ta dạy các con biết kính sợ Chúa”. Trong lời mời gọi này, thánh phụ chỉ ra một chi tiết đặc trưng của Kitô giáo là từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, mỗi người cần phải trở nên sẵn sàng và chăm chú lắng nghe tiếng Chúa là Đấng yêu thương và khuyên dạy. Nhưng làm sao để lắng nghe được, để có thể làm được điều ấy, người đan sĩ cần có thái độ cởi mở lòng mình, từ bỏ ý riêng… và khiêm nhường vâng phục với tâm tình biết ơn, có như thế ta mới dễ dàng đón nhận và thực thi lắng nghe một cách trọn hảo.

 

Lắng nghe là điều kiện căn bản để tiếp thu những điều mới lạ đối với những ai muốn học hỏi, đặc biệt những người sống đời thánh hiến, cách riêng là đan sĩ khi biết lắng nghe, ta mới có khả năng chấp nhận sự yếu kém của mình để tâm trí có thể tiếp thu và lãnh nhận những điều dạy bảo. Qua sự lắng nghe, người đan sĩ có thể nghe được tiếng nói từ tâm hồn của mình, giúp ta thanh lọc loại trừ thoát khỏi những u mê, tội lỗi ảo ảnh của cuộc sống bên ngoài, để từ đó nhận ra sự thôi thúc tìm kiếm một hạnh phúc đích thực, một cuộc sống mà trong đó Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành, con đường của người đan sĩ là bước theo tiếng mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế, lắng nghe tiếng Chúa không gì khác hơn là để Chúa hoạt động trong ta bằng cách tạo nên một mối tương giao giữa Ngài với mình. Thánh phụ luôn nhắc các môn sinh của mình lắng nghe lời Thiên Chúa và còn nhấn mạnh rằng: “Một khi mở mắt nhìn ánh quang thần hoá, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa ngày ngày văng vẳng bên tai”. Thánh phụ đã đặt tiếng nói của Thiên Chúa ngay khi ngày mới khởi đầu và điều ấy như kim chỉ nam cho cuộc sống mỗi người. Chúa Giêsu cũng chúc phúc cho những ai khi thực hành điều Ngài nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Chúa” (Lc 11,28).

 

Lắng nghe cũng là tạo nên một con đường với tha nhân, tạo nên một sự bác ái và sự thấu hiểu, để có sự hiệp thông đúng nghĩa thì mối đối tượng luôn cần lắng nghe lẫn nhau, vì khi lắng nghe chúng ta cho phép sự tham dự của người khác vào thế giới riêng tư của mình, và đồng thời ta cũng bước vào thế giới của họ. Khi ta vâng phục trong việc lắng nghe chính là hành động của sự bác ái, sự bác ái này dựa trên sự hiểu biết như Đức Hồng Y Basil Hume từng nói với các đan sĩ thuộc quyền mình: “Anh em phải hiểu biết về nhau và anh em phải học cách sống chung với nhau, học các nghệ thuật sống đời sống cộng đoàn, với sự kiên nhẫn, bao dung, quảng đại và kính trọng nhau”. Như thế, qua sự lắng nghe những nhịp điệu cuộc sống trong cộng đoàn, người đan sĩ đạt đến sự nhanh nhạy của tình bác ái, đạt đến sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các anh em, và tạo nên một bức tranh được xây dựng trên nền tảng của tình yêu qua những nối kết của sự hiệp thông. Khi ta lắng nghe, đồng thời cũng đòi hỏi ta phải có trách nhiệm với những gì mình đã nghe thấy, vì điều này sẽ giữ niềm tin cho cả hai.

 

Lắng nghe qua thinh lặng cũng đến từ sự yêu mến, đan sĩ Thomas Merton cảm nghiệm được điều này khi ngài thốt lên với Thiên Chúa: “Cuộc sống của con là lắng nghe, cuộc sống của Ngài là dạy bảo. Lắng nghe và đáp trả ơn cứu độ của con, chính vì điều này con phải lặng thinh”. Lắng nghe chính mình không phải để chìm đắm vào cái tôi ẩn khuất trong những lớp vỏ của mình mà là khám phá tiếng nói của Thiên Chúa ở trong tâm hồn. Lắng nghe là một thách đố rất lớn trong cuộc sống ngày hôm nay đối với tất cả mọi người và điều này cũng không ngoại lệ cho những người sống đời thánh hiến. Thách đố này đến không chỉ bởi do sự đánh mất thinh lặng trong môi trường đan tu mà còn do những ảnh hưởng bên ngoài.

 

Vậy, qua Tu luật này, thánh phụ Biển Đức không chỉ muốn người môn sinh chú ý lắng nghe, mà còn phải thực hành những điều mình đã nghe để áp dụng vào cuộc sống. Khi ta lắng nghe với một con tim chân thành, một lý trí sáng suốt thì ta sẽ tìm gặp được những điều mang ý nghĩa tốt đẹp và đây cũng chính là mục đích mà cha thánh Biển Đức mong muốn con cái mình đón nhận những bài học quý báu từ nơi ngài.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á