Suy niệm theo chủ đề
Suy niệm Tin Mừng CN 9 TN, B: NGÀY SABBAT
NGÀY SABBAT
(Mc 2,23-3,6)
Tùng Linh
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ bứt lúa ăn và làm phép lạ chữa khỏi bệnh cho một người bị bại tay trong ngày Sabbat. Những người chứng kiến, bệnh nhân và cả gia tộc của anh đều bộc lộ niềm vui và biết ơn Chúa Giêsu. Trong khi những người Pharisêu lại phản ứng và ganh tỵ vì Chúa làm việc và chữa bệnh ngày Sabbat. Vậy ngày Sabat là ngày gì khiến những người Pharisêu lại phản ứng Chúa Giêsu như vậy?
Sabbat có tiếng gốc Do Thái là ngày nghỉ lễ của người Do Thái vào thứ bảy hằng tuần. Đó là ngày được thánh hiến cho Thiên Chúa, được cử hành để tưởng nhớ việc Ngài hoàn tất công trình tạo dựng trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Cụ thể ngày sabbat được quy định trong sách Đệ Nhị Luật như sau: “Ngươi sẽ làm việc và hoàn tất các công việc của ngươi trong sáu ngày. Ngày thứ bảy là ngày Sabbat, ngày dành cho Chúa là Thiên Chúa ngươi. Trong ngày ấy, ngươi, cả con trai, con gái, tớ trai, tớ gái, bò lừa, các súc vật và cả khách trọ nhà ngươi, không được làm việc gì, để tớ trai, tớ gái cũng được nghỉ ngơi như ngươi. Ngươi hãy nhớ rằng ngươi đã làm nô lệ bên Ai-cập, và Chúa là Thiên Chúa ngươi đã dùng bàn tay mạnh cánh tay hùng dẫn dắt ngươi ra khỏi đó. Vì thế, Người đã truyền dạy ngươi phải giữ ngày Sabbat!” (Đnl 5,12-15).
Tin mừng hôm nay thánh sử Marco thuật lại: “Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: “Ông coi, ngày sabat mà họ làm gì kìa? Điều ấy đau được phép!” (Mc 2,24). Những người Pharisêu đã lên án các tông đồ khi các ngài bứt lúa ăn trong ngày sabbat. Tuy nhiên Chúa Giêsu đã bênh vực cho các môn đệ của mình, cũng như cho các Biệt phái thấy được một cái nhìn mới về ngày sabbat. Đức Giêsu đã trả lời người Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít. Trong truyền thống Do Thái, vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực. Đavít đã làm điều không được phép làm, đó là ăn bánh tiến. Người trả lời rằng: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavit đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?” (Mc 2,25) Người đã vào đền thờ Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào? Và Người bảo họ rằng: “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat” (Mc 2,27-28).
Thánh Marco lại tường thuật tiếp. Đức Giesu lại vào hội đường, và ở đó có người khô bại một tay. Và họ rình xem Người có chữa người đó trong ngày Sabbat không, để có thể tố cáo Người. Người bảo kẻ có tay khô bại rằng: “Hãy đứng lên trước mặt mọi người”. Rồi Người hỏi họ: “Ngày Sabbat, có được phép làm sự lành hơn là làm sự dữ không? Có được phép cứu sống hơn là giết đi không? Nhưng ai nấy đều thinh lặng. Đối với người Pharisêu chắc là khó trả lời lắm, vì việc lành thì bất cứ lúc nào cũng nên làm chứ không lệ thuộc thời gian hay lý do nào cả. Thành ra Chúa đặt câu hỏi đó để đánh thức lương tâm và cho biết việc bắt bẻ của họ là phi lý. Trước câu hỏi đó, các người Pharisêu im lặng, không trả lời có thể hiểu là đồng ý, là phải làm việc lành ngày sabbat. Nhưng im lặng ở đây cũng là một thái độ cố chấp cứng cỏi và tự kiêu nữa. Bấy giờ Chúa Giêsu thịnh nộ và buồn sầu đưa mắt nhìn họ hết một lượt, vì lòng họ chai đá, Người bảo người kia rằng: “Anh hãy giơ thẳng tay ra”. Người đó liền giơ thẳng tay và tay được lành. Đối với Chúa Giêsu, ngày sabbat là ngày cảm tạ lòng thương xót của Thiên Chúa và tôn vinh Ngài. Vì thế trong ngày này, người ta có thể phục vụ Thiên Chúa hay phục vụ tha nhân mà không vi phạm luật nghỉ ngơi (x. Lc 13,15-16; 14,3-4)[1].
Đối với Kitô giáo, ngày sabbat nhắc nhớ công trình tạo dựng thứ nhất, và ngày Chúa Phục Sinh (Chúa nhật), khởi đầu một công trình tạo dựng mới nơi Chúa Kitô, hoàn thành ý nghĩa thiêng liêng của ngày sabbat Do Thái, và loan báo sự nghỉ ngơi muôn đời của con người trong Thiên Chúa (x. GLHTCG, 2174-2175). Chúa Nhật là ngày của Chúa nhưng cũng là ngày của chúng ta. Với việc ngưng nghỉ mọi công ăn việc làm trong ngày đó, chúng ta có thể bồi bổ lại sức khoẻ tinh thần, khẳng định sự tự do của mình đối với những ràng buộc của kinh tế, củng cố mối tương quan gia đình và bạn bè, cho những việc bác ái, dành thời giờ cho chiêm niệm, và đó đã là nếm hưởng một chút niềm vui của sự phục sinh.
______________________-
[1] Tiểu ban Từ vựng UBGLÐT/HÐGMVN
-
Mồng Một Tết, Mt 6,25-34: Bình an (27/01)
-
Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Kỳ diệu thay Đấng là Mẹ Thiên Chúa (31/12)
-
Làm thế nào để có bài giảng thú vị? (17/10)
-
Bánh và Rượu trong Do-thái giáo và Ki-tô giáo (31/05)
-
Ý NGHĨA CỦA LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU (23/06)
-
ĐÔI NÉT VỀ VIỆC CỬ HÀNH LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ (18/06)
-
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN (28/05)
-
BỮA TIỆC LY CỦA CHÚA GIÊSU LÀ NGUỒN MẠCH SỰ SỐNG (14/04)
-
VIỆC GIỮ CHAY CÒN THÍCH HỢP KHÔNG? (26/02)
-
SỨ VỤ MỤC TỬ (09/01)