Suy niệm

Tĩnh tâm tháng 8/2021: SỐNG Ý NGHĨA CON SỐ 2

Thông thường, các con số được rút ra từ Kinh Thánh, được viết ra thành số hay bằng hình vẽ biểu tượng, luôn được liên kết với các mầu nhiệm trong đức tin Kitô giáo.

 

 

SỐNG Ý NGHĨA CON SỐ 2

 

Lm. Quốc Vũ

 

Trích Tin Mừng Ga 20,1-10:

1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.

3Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. 5Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. 10Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.

 

* * *

 

Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thuật lại khung cảnh Phục Sinh của Chúa Kitô, tuy nhiên ở đây chúng ta không chia sẻ về đề tài Phục sinh, nhưng xin được bàn về hai nhân vật trọng tâm của câu truyện đó là Phêrô và Gioan.

Tại sao chỉ có hai ông chạy ra mộ? Các môn đệ kia đâu? Ở đây, chắc hẳn có một ngụ ý theo tác giả sách Tin Mừng thứ IV. Vâng, Phêrô và Gioan, hai nhân vật, một già-một trẻ, tiêu biểu cho Giáo hội vừa mới được khai sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu trên thánh giá. Cũng như Môsê và Aaron đại diện cho dân Israel trong thời Cựu Ước, Phêrô va Gioan tiêu biểu cho Giáo hội thời Tân ước; Cả hai cùng bổ sung và giúp nhau hoàn thành sứ mạng được Thiên Chúa trao.

Từ những nhân vật này, chúng ta suy tư và chia sẻ với nhau về ý nghĩa của con số 2.

Tại sao là số 2?

Trong Kinh Thánh, các con số thường được hiểu theo nghĩa đen, nhưng đôi khi được dùng theo nghĩa tượng trưng. Tùy vào văn cảnh của từng đoạn trích mà ta biết được một con số nào đó có được dùng theo nghĩa tượng trưng hay không. Thông thường, các con số được rút ra từ Kinh Thánh, được viết ra thành số hay bằng hình vẽ biểu tượng, luôn được liên kết với các mầu nhiệm trong đức tin Kitô giáo. Có rất nhiều nhà chú giải Kinh Thánh, nhiều học giả nghiên cứu về ý nghĩa của những con số trong Kinh Thánh như số 12, số 7, số 3 hoặc 144,... Các con số này đã đi vào truyền thống của Giáo hội và có thể tìm thấy khắp nơi trong phụng vụ, nghệ thuật thánh và văn chương của Giáo hội. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ xin nói về con số 2.

Số 2 mang nhiều ý nghĩa:

+ Trước tiên, đó là Hai bản tính nơi Đức Kitô: nhân tính và thiên tính;

+ Hai giao ước của Thiên Chúa với nhân loại: Cựu Ước và Tân Ước;

+ Hai loại thực tại tối hậu, còn gọi là trời và đất, xác và hồn, tinh thần và vật chất;

+ Hai giới răn căn bản là mến Chúa và yêu người;

+ Hai nhóm người được tách ra khỏi nhau trong ngày chung thẩm: chiên và dê, lúa và cỏ lùng, trinh nữ khôn ngoan và trinh nữ khờ dại, nhóm được cứu và nhóm bị trầm luân…

Ngoài ra, số 2 còn mang nhiều ý nghĩa khác, cụ thể ta sẽ thấy trong những bản văn Kinh Thánh liên quan đến số 2 sau đây:

+ St 1,27: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”: Adam và Eva – đôi vợ chồng đầu tiên sinh ra sự sống.

+ St 4,2: “Con người ăn ở với Eva, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain và Aben. Aben làm nghề chăn chiên, còn Cain làm nghề cày cấy”. Cain vì ghen ăn tức ở nên đã giết em mình (x. St 4,8). Cain biểu tượng của sự ác, còn Aben là biểu tượng cho sự thiện.

+ St 7,1-5: Thiên Chúa ra lệnh cho ông Nôê đưa các loài vật lên tàu phải có đôi, có cặp để duy trì nòi giống. “Đức Chúa phán bảo ông Nôê: “Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này. Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái, trong các loài chim trời cũng lấy bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất. Vì bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra”. Ông Nôê làm đúng như đức Chúa đã truyền”.

+ Lc 2,22-24: Lễ phẩm dâng lên Thiên Chúa cũng phải theo cặp, theo đôi để biểu trưng cho sự thành kính dâng trọn sự sống. “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”.

+ Mc 1,16-20: Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, từng hai người một.  “Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người”.

+ Mc 6,7: “Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trừ quỷ”. 

+ Lc 24,13-25: Đức Kitô Phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Người mở trí cho họ để hiểu những lời Kinh Thánh, và mở mắt họ khi Người thực hiện cử chỉ “Bẻ Bánh”; họ đã nhận ra Người và quay trở lại báo tin với các Tông đồ.

Khi suy tư về ý nghĩa của con số 2 trong cuộc sống nhân sinh và đời sống đạo, chúng ta tạm thời dừng lại ở một vài ý nghĩa tiêu biểu sau:

1. Số 2 – Khởi đầu của sự sống, sự phong nhiêu

2. Số 2 – Dấu chỉ của sự cân bằng

3. số 2 – Nguyên lý của sự hiệp thông

 

* * *

 

1. Số 2 – Khởi đầu của sự sống, sự phong nhiêu

 

Khoa học chứng minh rằng trong mỗi tế bào, các nhiễm sắc thể luôn tự tách biệt và nhân đôi, là dấu hiệu của sự sống dồi dào.

Triết học đông phương công nhận nguyên lý tồn tại và phát triển của sự vật dựa trên luật âm-dương hòa quyện và tương tác lẫn nhau: trong âm có dương và trong dương luôn có âm.

Theo số học và ngôn ngữ học, số 2 là biểu trưng cho số nhiều, là khởi đầu cho sự phong nhiêu.

Về mặt xã hội, con người luôn có tính xã hội, cần phải tương tác với tha nhân để sống và tồn tại, nhất là để duy trì nòi giống, vì “Con người ở một mình không tốt” (St 2,18). Đây là lời của Thiên Chúa chứ không phải là cảm nhận của Adam, nên Ngài đã tạo ra Eva để ban cho Adam làm bạn đời, và ông bà đã trở thành “cha mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Và Kinh Thánh dạy rằng nhân loại bắt đầu từ con số 2 này: Adam và Eva.

Chính vì bản chất con người là xã hội tính, nên mỗi người phải sống theo chiều kích nhân sinh căn bản: có mình và có tha nhân, mà ở đó theo Thánh Phaolô mỗi người là một bộ phận, một chi thể hỗ trợ nhau duy trì và xây dựng cuộc sống, hay cho dù đôi khi theo quan điểm bi quan của Jean Paul Sartre rằng “tha nhân là địa ngục - L'enfre, cest les autres”, thì con người luôn luôn vẫn cần có nhau để xây dựng cuộc sống này. Bởi lẽ “chính tha nhân giúp ta đạt được sự viên mãn trong đời sống” (Fratelli Tutti, số 150). Tôi không phải là duy nhất, tôi không phải là cái rốn của vũ trụ; nhưng tôi là một sinh vật “đầu đội trời, chân đạp đất”; để ý thức rằng trên có Trời, dưới có nhân sinh; để luôn biết sống hòa hợp giữa đức tin và đức mến.

Đức tin, mở lối cho ta hướng về trời cao, tìm về với Thiên Chúa là nguồn cội sự sống, là nguồn Chân-Thiện-Mỹ, là nguồn ơn cứu độ duy nhất.

Đức mến, dẫn đường cho ta đến với tha nhân, để biết cộng sinh cộng tử trong một bản ngã rất người nhưng có “nhân” để sống thành người biết có thủy có chung, có trước có sau, có sự trung thành trong ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Thiên Chúa, ơn gọi tu trì.

Số 2 nói cho chúng ta biết về sự sống, sự phong phú và dồi dào. Bởi lẽ không có 2 sẽ không bao giờ có 4, 8, 16... Sinh vật đã hiện hữu từ sự nhân đôi của một nhiễm sắc thể nhỏ bé và nhân loại đã có từ một cặp đôi đầu tiên.

Số 2 còn là một nhắc nhớ ta về sự đa diện của thực tại, mà để hiểu được ngọn nguồn của thực tại thì luôn cần sự quan sát, sự phân định đa chiều, đa diện từ cách nhìn, cách lắng nghe và suy định theo cả chiều kích chủ quan và khách quan. Một sự việc dưới con mắt của nhiều người thì lại có những cách nhìn khác nhau. Vui hay buồn, tốt hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh là còn tùy vào thái độ tiếp cận và đón nhận của mỗi người. Vậy nên, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên dùng quan điểm tích cực để đánh giá sự việc và dùng ánh mắt lạc quan để ngắm nhìn vạn vật. Chỉ có như thế mới có thể giúp chúng ta tiến bộ từng ngày và trở nên yêu cuộc sống hơn.

 

2. Số 2 – Dấu chỉ của sự cân bằng

 

Từ thuở khai sinh lập địa, con người luôn đau đáu đi tìm cho được một lời giải đáp về sự cân bằng. Cân bằng giữa con người và vũ trụ, cân bằng giữa âm và dương, thiện và ác, xấu và tốt, đen và trắng; cân bằng giữa cá thể và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung, giữa tâm và vật, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa giàu và nghèo, giữa đói và no, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa sinh tồn và hủy diệt, giữa sự sống và cái chết,… Thực ra đó là luật cân bằng tự nhiên, thế nên để có được sự cân bằng tự tại, chúng ta hãy cứ để chúng tự nhiên đến và tự nhiên đi.

a. Sự cân bằng của con người là một sinh vật hoàn hảo về cấu trúc giữa các bộ phận của cơ thể. Người bình thường, khi chào đời, luôn có hai mắt, hai tai, hay tay, hai chân,… nếu thiếu thì là khiếm khuyết, nếu dư thừa thì là quái thai. Hai mắt để nhìn đa diện, hai tai để nghe đa chiều, hai tay để nâng để đỡ, hai chân để bước tới và trở về. Người cân đối là hạnh phúc, cần biết trân trọng để sống tốt đời mình; người khiếm khuyết là bất hạnh, luôn phải nỗ lực để vượt qua số phận mà sống vươn lên. Cả hai cùng hiện hữu trong vũ trụ, cả hai đều là con người đáng được tôn trọng và được yêu thương.

Chúng ta có thể cân bằng và hoàn hảo về thể lý, nhưng vẫn có thể khiếm khuyết và mất cân đối về nhân cách và phẩm hạnh. Cách thức tốt nhất để cân đối đời mình là tháp ghép đời mình vào Đức Kitô mà trở nên đồng hình đồng dạng với Người, nghĩa là ăn, nói, đi, đứng, hành xử như Người. Trở nên giống Đức Kitô, là biết sống tâm tình tạ ơn và vâng phục ý Cha; biết trân quý ơn gọi mình là do Thiên Chúa ban mà sống sao để đáp trả cho cân xứng.

b. Sự cân bằng của thời gian là có trước có sau, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Người Hy Lạp cổ nói đến hai loại thời gian là Chronos và Kairos.

+ Chronos: là thời gian của ngày tháng năm nối tiếp nhau làm nên lịch sử. Lịch sử đời người trăm năm rồi cũng qua, lịch sử vũ trụ triệu năm rồi cũng chấm dứt. Cha Tổ Phụ Henri Denis Benoit Thuận, Đấng Sáng lập Dòng Xitô Thánh Gia, đã dạy: “Ở đời này, mọi sự trong vòng năm mươi, sáu mươi năm là xong hết. Người ta từng lớp, từng lớp, lớp này nổi lên rồi lớp kia rạp xuống, đến lớp khác nổi lên rồi cũng thế. Người ta sống như biển nổi dậy, gần như thể là toan nuốt cả mặt đất, rồi cũng ngã xuống hết thảy. Nếu như có thiên đàng thì chúng ta là người khôn ngoan” (DN 113).

+ Kairos: là thời gian của ân sủng. Thiên Chúa luôn đi bước trước trong thời gian của đời người. Ngài cho con người hiện hữu trong thời gian và cũng thành toàn nó. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chẳng có vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng có tội nhân nào không có một tương lai. Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài, mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người” (Bài giảng lễ sáng ngày 19/1/2016 tại Nhà nguyện Thánh Marta), hay như Cha Tổ Phụ Henri Denis Benoit Thuận dạy thêm: “Chúng ta chớ có điên khùng dại dột, chăm lo đến việc làm quá mà bỏ quên Chúa đi. Vì mọi sự đều chóng qua thay thảy, trừ ra một sự kính mến Chúa mà thôi” (DN 113).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã có phần giải thích rất hay về ý nghĩa hai chữ này, khi ngài chú giải về đoạc sách Giảng viên: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng…” (Gv 3,1-3). Chúng ta có thể hiểu những lời sách Giảng viên nói tới là mọi vật, mọi sự trên trần gian đều có Chronos của nó: Mỗi sự vật và ngay cả con người đều có 2 thời, nhưng giữa hai thời ấy lại hiện hữu một Kairos, thời gian ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho họ là chính Đức Kitô, Người là Đầu và là Cuối, là Khởi nguyên và Cùng tận, là Alpha và Ômêga của vũ trụ và muôn loài muôn sự trong trời đất, vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 8).

c. Sự cân bằng của không gian là:

+ có phải có trái: “Trong ngày đó, Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (Mt 25,31-33).

+ có trước có sau: “Trong ngày đó, thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13,29-30).

+ có trong có ngoài, nghĩa là thuộc về hoặc không thuộc về: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,34-35).

Chúng ta sống chiều kích cân bằng của thời gian bằng cách làm cho đời sống nhân linh của mình cũng có sự hài hòa. Trong cộng đoàn phải sống sao cho có trước có sau, có Bề trên và bề dưới, có anh em. Tục ngữ Việt nam dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là rèn đúc cho ta một đời sống nhân bản, tạo nên một con người có nhân cách, biết cân nhắc mà hành xử sao cho đẹp với từng sự việc, từng tình huống; biết tôn trong mình và tôn trọng người khác trại nơi mình đang sống vàhay bất cứ nơi đâu mình hiện diện.

 

3. Số 2 – Nguyên lý của sự hiệp thông

 

Theo phép tính thông thường thì 1 + 1 = 2, và 1 – 1 = 0. Tuy nhiên, trong cuộc sống nhân sinh, nhiều khi phép tính lại đưa đến kết quả hoàn toàn trái ngược: 1 + 1 = 1, và 1 – 1 = 2.

a. Tại sao 1 + 1 = 1?

Thi sĩ Tản Đà có một câu thơ rất hay và ý nghĩa mà bấy lâu nay chúng ta cứ nghĩ là Ca dao Việt Nam: “Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai”. Đó là một sự kết hiệp tuyệt vời trong tình yêu hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, họ kết hợp với nhau thành một đôi vợ chồng gắn bó trong tình yêu thương bền chặt, như Giáo lý Giáo hội Công Giáo dạy về tính bất khả phân ly và tính vĩnh viễn của hôn nhân Kitô giáo: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6): 1 nam + 1 nữ tạo = 1 gia đình lưu truyền sự sống.

b. Thế nào là 1 – 1 = 2?

Đây là phép tính dựa trên sự hy sinh, sự hủy mình trong tình yêu. Trong đời sống hôn nhân, nếu đôi vợ chồng luôn biết cho đi chính mình, luôn biết hy sinh cho nhau thì phép tính sẽ có kết quả 1 – 1 = 2. Nghĩa là, khi biết sống hy sinh thì sẽ tìm lại được chính mình, khi hai người luôn biết vì lợi ích chung thì hạnh phúc sẽ tăng gấp đôi. Và chỉ trong tình yêu hy sinh quên mình ấy, họ mới thực sự được triển nở, được sung mãn trong đời sống hôn nhân vợ chồng.

Trong đời sống cộng đoàn, sự hy sinh quên mình luôn được đòi hỏi đối với mỗi người. Cộng đoàn sống là nhờ sự quên mình của mỗi người, đó là sự chết đi hằng ngày cho ý riêng, bởi: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng không ai trong chúng ta chết cho chính mình. Chúa ta có sống là sống cho Chúa, và có chết cũng là chết cho Chúa. Dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7). Một khi mỗi người sống chiều kích tự hủy, là chúng ta trở nên giống Chúa Kitô, Đấng hiến mình là giá chuộc nhân loại. trở nên giống Chúa Kitô, cách tốt nhất là như thánh Phaolô đã xác tín và đã sống: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

c. Trên bình diện tôn giáo, đức tin đưa chúng ta đến ý nghĩa của con số 2 đó là mầu nhiệm của sự thông hiệp: Thông hiệp giữa Cha và Con: “Thầy và Cha là Một” (Ga 10,30); thông hiệp giữa Con và các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5); và thông hiệp giữa các môn đệ với nhau: “Tất cả chúng ta, là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13).

Con số 2 mở ra chiều kích hiệp thông, phá hủy chiều kích cá nhân, và nếu có cá nhân thì cũng là để phục vụ tập thể, vì đặc sủng của người này là lợi ích cho người kia, đặc sủng của cá nhân là vì đoàn sủng của tất cả. Một cầu thủ giỏi cũng không quan trọng bằng đội bóng, một tổng thống là đại diện cho quốc gia nhưng không là tất cả. Vì “toàn thể thì lớn hơn thành phần, và cũng lớn hơn tổng số các thành phần” (Fratelli Tutti, số 78)

Gia đình, Cộng đoàn được hợp thành từ những cá nhân, và là môi trường cho cá nhân phát triển. Cá nhân và tập thể gắn kết trong sư hiệp thông. Cộng đoàn được tạo nên từ sự hy sinh của mỗi cá nhân, nhưng cũng từ cộng đoàn mà mỗi cá nhân tìm lại chính mình tự bản ngã, bởi con người luôn có tính xã hội vì con người không ai là một hòn đảo.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Hãy nhận thức rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, tất cả ở trên cùng một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của tất cả. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng không ai được cứu một mình; chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau” (Fratelli Tutti, số 32). Trên con tàu của ông Nôê, nhân loại được tái sáng tạo từ những cặp đôi theo loài, theo giống. Trên con thuyền Giáo hội, tất cả cùng liên kết với nhau trong ân sủng của sự hiệp thông, vì: “Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta gắn liền với sự hiện hữu của những người khác: cuộc sống không đơn giản chỉ là thời gian trôi qua, mà còn là thời gian để gặp gỡ và tương tác nữa” (Fratelli Tutti, số 67). Và nhất là: “Tôi chỉ thực sự tương giao với chính mình trong chừng mực biết tương giao với người khác” (Fratelli Tutti, số 87).

 

Kết

 

Trong kiếp nhân sinh, sự sống tồn tại với hai mặt. Đồng tiền có hai mặt trái phải, bàn tay có hai mặt đen trắng, luân thường đạo lý căn cứ trên hai mặt tốt xấu, đúng sai, nguyên lý vận hành của vũ trụ càn khôn dựa trên hai yêu tố âm dương,… Chúng ta không thể loại bỏ tha nhân ra khỏi cuộc đời mình để chỉ biết sống ích kỷ, bởi còn người luôn có tính xã hội, sự gắn kết và nâng đỡ nhau. Cộng đoàn tu trì cũng không thể đi ra ngoài nguyên lý này.

Ý nghĩa của số 2 nhắc nhở chúng ta về nguyên lý của sự sống, sự phong phú, sự cân bằng và sự hiệp thông. Để sống được những chiều kích này của con số 2, là do Thần Khí tác động nơi mỗi người mà thôi, bởi chính “Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” (Rm 8, 26).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á