Suy niệm

Thứ Năm, Tuần VII TN, Mc 9,41-50: Đừng làm cớ vấp phạm

Chúa Giêsu cho chúng ta biết, khi chúng ta làm cớ cho một người yếu đuối hoặc chính chúng ta vấp phạm và sa ngã, là chúng ta tự chuốc lấy hình phạt đời đời. Chúa Giêsu nói đến hình phạt rất nghiêm khắc rằng: „Thà buộc cối đá lớn vào cổ mà ném xuống biển còn hơn“.

 

 

 

ĐỪNG LÀM CỚ VẤP PHẠM

(Mc 9,41-50)

 

Lam Châu

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến phần thưởng của những người biết cảm thương, giúp đỡ người khác, mà những người đó thuộc về Đấng Kitô, thì được đền trả xứng đáng. Việc giúp đỡ người khác, nhiều khi không đòi hỏi chúng ta làm những việc lớn lao, quá sức hay vượt khả năng của chúng ta, nhưng là những việc nằm trong tầm tay của mỗi người như cho người khác một ly nước uống, chỉ vậy thôi, đã được Chúa khen thưởng rồi.

 

Ngược lại, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta biết, khi chúng ta làm cớ cho một người yếu đuối hoặc chính chúng ta vấp phạm và sa ngã, là chúng ta tự chuốc lấy hình phạt đời đời. Chúa Giêsu nói đến hình phạt rất nghiêm khắc rằng: „Thà buộc cối đá lớn vào cổ mà ném xuống biển còn hơn“.

 

Thật vậy, ở Palestine thời Chúa Giêsu, có loại cối đá nhỏ mà phụ nữ dùng xay bột làm bánh, và một loại cối đá lớn phải dùng sức con lừa mới kéo được. Cối đá mà Chúa Giêsu nói ở câu trên thuộc loại lớn. Như vậy, nếu một người bị cột cối đá lớn vào cổ và bị ném xuống biển thì không có hy vọng sống sót và trở về được. Đây cũng chính là hình phạt mà người Roma đã dùng để xử phạt những người nổi dậy, hoặc những người phạm trọng tội, họ bị cột những vật nặng vào cổ và bị ném xuống biển hồ hoặc xuống sông[1].

 

Đối với chính bản thân chúng ta, Chúa Giêsu dạy rằng: Nếu tay, chân, mắt…làm cớ cho chúng ta sa ngã, thì hãy chặt, hãy móc nó đi, thà cụt tay, cụt chân, hay thiếu một con mắt mà được sống, được vào Nước Thiên Chúa, còn hơn là một thân thể đầy đủ các bộ phận mà phải ném vào hỏa ngục, bị lửa thiêu đốt và phải chết đời đời.

 

Tay, chân, mắt hay tấm lòng có thể là những phần của cơ thể, một cách nào đó, phụ họa, giúp sức dẫn chúng ta vào con đường sa ngã, phạm tội. Các Rabbi Do Thái từng nói rằng: „Con mắt và tấm lòng là hai tên mai mối cho người ta phạm tội“.

 

Quả thật, nếu chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu nói trên theo nghĩa đen và thực hiện, chắc chắn thế giới mà chúng ta đang sống sẽ toàn là những người cụt tay, cụt chân và những người mù thôi. Nhưng đây là một cách nói mạnh mẽ mà Chúa Giêsu dùng để dạy chúng ta cách thức đoạn tuyệt với tội lỗi.

 

Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng, cần từ bỏ, khai trừ một thói quen, một nết xấu, một thú vui không lành mạnh; tuyệt giao với những mối tương quan xấu và cắt đứt một điều gì đó vốn thân thiết với chúng ta để vâng phục trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa. Đây không phải là điều mà ai cũng có thể làm được, nhất là những thói quen, những nết xấu, những hành vi tội lỗi vốn đã trở nên thâm căn cố đế tồn tại trong bản thân của chúng ta. Đó cũng có thể là những phong tục, những tập quán đã trở thành một phần của chính đời sống, nhưng chúng ta cũng phải loại bỏ. Việc dứt bỏ có thể gây đau đớn như một cuộc giải phẫu, giống như phải cắt đứt một phần thân thể vậy.

 

Tuy nhiên, nếu muốn được sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc Nước Trời và bình an mà Chúa Giêsu trao ban, chúng ta phải quyết tâm thực hiện. Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay đối với chúng ta nghe có vẻ lạnh lùng, nghiêm khắc, nhưng thật ra, đó là thái độ chúng ta phải đối diện, phải chọn lựa trong cuộc sống.

 

Nhưng nếu tự sức mình, chúng ta không đủ khả năng để từ bỏ một cái gì đó đã trở nên thân thiết với chúng ta, nhưng với ơn Chúa và sự trợ giúp từ Ngài, cộng với sự quyết tâm, chúng ta có thể thực hiện được. Amen.

 

 

 


 

[1] x. William Barclay, Tin Mừng theo thánh Máccô, Nxb Tôn Giáo 2008, tr. 214-215.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á