Suy niệm

Thứ Ba, Tuần XXVII TN, B, Lc 10,38-42: Mácta và Maria

Điều duy nhất cần thiết và luôn luôn đúng, đó là lắng nghe Chúa. Vì Lời Chúa là đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của cuộc đời.

 

 

MÁCTA VÀ MARIA

(Lc 10,38-42)

Tùng Linh

 

Văn hóa Phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng luôn chú trọng đến việc đón tiếp khách. Mỗi khi chúng ta đến nhà một ai đó chơi, thường có một người tiếp chúng ta bằng những cuộc trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm về sức khỏe, gia đình, công việc, một người khác lo việc làm bếp để nấu những món ăn thiết đãi chúng ta. Lúc gần đến giờ cơm thường người tiếp chuyện hoặc người làm bếp mời khách đi rửa mặt chuẩn bị ăn cơm, còn người kia xuống phụ bếp. Bối cảnh Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng đã khắc họa hình ảnh đó khi Mácta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúng ta thấy Mácta đã làm đúng, nhưng tại sao Chúa Giêsu lại khiển trách cô và khen ngợi Maria? Muốn hiểu điều đó, chúng ta cùng nhau phân tích ba nhân vật tiêu biểu trong câu chuyện.

 

Chúa Giêsu ghé thăm gia đình cô Mácta và Maria. Ngài ngồi với tư thế của vị Thầy, của vị Tôn Sư để giáo huấn các Tông đồ. Thánh Marco cho chúng ta biết, thời gian này Chúa Giêsu hay đưa các môn đệ đến nơi hoang vắng, tách biệt với đám đông để giáo huấn các ngài. Chúa Giêsu biết giờ của Người sắp đến nên muốn mạc khải “Bí Mật Thiên Sai” cho các ông.

 

Mácta ra đón tiếp Chúa Giêsu và các tông đồ xong là đi một mạch xuống bếp để chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn để thiết đãi các ngài, vì gia đình cô rất quý trọng các ngài. Thánh Luca diễn tả cô Martha với tư thế đứng và tâm thế tất bật “cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ” (Lc 10,40). Một người tất bật thì không hề để ý những gi xung quanh. Cô Mácta chỉ để ý những gì xung quanh bếp và những tỏi ớt tiêu hành…

 

Cô Maria được thánh Luca diễn tả với tư thế ngồi dưới chân Chúa Giêsu và với tâm thế yên lặng ngồi chăm chú lắng nghe Chúa giáo huấn. Trong Luca, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. Lc 10,39; Cv 22,3).

 

Qua phân tích ba gương mặt, ta thấy Chúa Giêsu như một vị Tôn sư, Maria như một người môn đệ, Mácta như một người phục vụ.

 

Sự việc xảy ra một cách bình thường và lặng lẽ, ai làm việc đó. Nhưng xung đột xảy ra khi cô Mácta đến nói với Chúa Giêsu “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” (Lc 10,40). Lúc này, Chúa Giêsu liền gọi cô Mácta! Mácta, Chúa Giêsu gọi Mácta! Mácta là muốn nhấn mạnh một điều rất hệ trọng. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có những lần tác giả dùng lối văn này. Như khi Abraham chuẩn bị sát tế Isaac, sứ thần Chúa từ trời cao phán “Abraham! Abraham! Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó!” (St 22,11-12). Khi Samuel ngủ trong đền thờ Silo, Thiên Chúa đến gọi cậu “Samuel! Samuel! Này Ta sắp làm một điều tại Itrael mà bất cứ ai nghe nói cũng phải ù cả hai tai”. (1Sm 3,10-11). Khi Phaolo bách hại đạo ở Damas, Chúa Kitô phục sinh cũng đã gọi ngài “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9,4). Điều hệ trọng Chúa Giêsu muốn nói với Mácta là “hãy là môn đệ của Thầy”, hãy lắng nghe những lời Thầy dạy bảo.

 

Tại sao Chúa Giêsu lại khiển trách Mácta như vậy? Ngay từ đầu, hầu như là do thói quen, cô tưởng là mình biết khách cần cái gì, không hề tự hỏi là Chúa Giêsu thật sự muốn gì, cô áp đặt cho Ngài điều cô nghĩ là hợp lý hơn, cần thiết hơn, vào lúc này. Chắc chắn Mácta có ý tốt, nhưng cô không mấy quan tâm đến các sở thích và ý hướng của Người. Đức Giêsu giúp cô hiểu rằng trước tiên Người không muốn được đón tiếp, không muốn được phục vụ. Ở đây, Đức Giêsu đang muốn một điều hết sức quan trọng[1]. Thánh Luca muốn nhấn mạnh đến “phần duy nhất cần thiết” là: làm môn đệ Đức Giêsu, là lắng nghe giáo huấn của Người, để Người tiếp tục hướng dẫn[2].

 

Tại sao Chúa Giêsu lại khiển trách Mácta và khen ngợi Maria? Thánh Luca diễn tả Chúa Giêsu trách cô Mácta rằng “Mácta, Mácta, con lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10,41-42). Khi dịch bản văn này, có những thủ bản cũ dịch là “chỉ cần một món cần thiết mà thôi”, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch “cần thì ít thôi, hay một điều thôi”, có nghĩa là Chúa muốn nói với Mácta là con không cần phải nấu nhiều món thịnh soạn làm gì, hãy nấu một món thôi, rồi lên đây, ngồi dưới chân Thầy để nghe những lời giáo huấn của Thầy như Maria đã làm. Đó là điều tốt nhất Thầy cần, và Maria đã làm điều tốt nhất đó. Hành động ngồi dưới chân và lắng nghe, theo như thánh Luca, đó là hành động của người môn đệ.

 

Chúa Giêsu không có ý trách Mácta là cứ lo nấu ăn mà không lo tiếp chuyện với Chúa. Chúa muốn nói rằng chị đừng cứ lo nấu những món cầu kỳ, nấu thật nhiều món để tiếp đãi Ngài, nhưng nấu ăn một cách sơ sài thôi, một món là đủ rồi, có ăn là được rồi. Hãy dành thời gian còn lại mà nghe Chúa giáo huấn. Chúa Giêsu ý thức thời gian Ngài còn ở thế gian này không còn bao nhiêu nữa, nên Ngài muốn dùng hết tâm huyết để dạy dỗ, giáo huấn các môn đệ và những người Ngài yêu mến.

 

Maria đã chọn phần tốt nhất nghĩa là thế nào? Như đã nói ở trên về Mácta, Maria đã chọn phần tốt nhất là làm “môn đệ Chúa”, chị đã ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe những lời Chúa dạy bảo.

 

Nhiều người khi diễn giải bài Tin Mừng này lại so sánh giữa chiêm niệm và hoạt động. Cô Maria đại diện cho chiêm niệm, được Chúa Giêsu khen là đã chọn phần tốt nhất. Cô Mácta đại diện cho hoạt động, bị Chúa khiển trách.

 

Maria chọn phần tốt nhất, là ngồi lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Phần tốt nhất không hẳn là phần tuyệt hảo nên chúng ta cũng đừng dựa vào câu nói này mà đề cao giá trị của đời sống chiêm niệm hơn đời sống hoạt động tông đồ. Phần tốt nhất mà Chúa Giêsu muốn nói đến đó là làm môn đệ của Chúa. Người làm môn đệ là người ngồi dưới chân Thầy và lắng nhe lời Thầy.

 

Không có chuyện chiêm niệm cao trọng hơn hoạt động và hoạt động thấp kém hơn chiêm niệm. Nếu trong chiêm niệm mà chúng ta không biết lắng nghe Lời Chúa, đọc và suy đi nghĩ lại trong lòng và đem ra thực hành thì chúng ta cũng như không.

 

Điều duy nhất cần thiết và luôn luôn đúng, đó là lắng nghe Chúa. Vì Lời Chúa là đèn soi cho loài người tiến bước trong đêm tối và vượt qua bao giông tố của cuộc đời. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” Chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn hầu có thể yêu mến Lời Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng ta hãy nêu gương Đức Maria là người môn đệ đầu tiên vì Mẹ luôn lắng nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng.

 

 


 

 

[1] X. Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ, Nxb Đồng Nai tr. 273-274.

[2] X. Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ, Nxb Đồng Nai, tr. 276.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á