Suy niệm

Thứ Ba, Tuần VII TN, Mc 9,30-37: Cám dỗ về quyền lực

Cám dỗ quyền lực không chỉ có ở mọi cơ cấu xã hội trần thế, nhiều lúc nó còn len lỏi vào những chốn thánh thiêng, các tổ chức, giáo xứ, hội đoàn hay cộng đoàn tu trì trong Giáo hội.

 

 

 

CÁM DỖ VỀ QUYỀN LỰC

(Mc 9,30-37)

Lam Châu

 

Con người, từ cổ chí kim, luôn ám ảnh về quyền lực, danh vọng và tiền tài. Khởi đi từ những tham vọng rất người ấy, các môn đệ trong trình thuật Tin mừng hôm nay, dù đã được mời gọi bước theo Đức Giêsu, cũng đang đặt ra cho mình những nấc thang danh vọng để đạt tới.

 

Thật lạ, khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài, các môn đệ không hiểu, nhưng phẩm trật và ví trí đứng đầu trong nhóm, các ông lại bận tâm hỏi nhau: „Ai là người lớn hơn cả?“

 

Đức Giêsu biết được những gì các ông đang toan tính. Các ông đang tìm địa vị mà trong vương quốc Ngài thiết lập, vị trí đứng đầu không đi đôi với quyền lực cai trị, nếu có là để con người phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Hình ảnh em nhỏ mà Đức Giêsu đặt trước các môn đệ và lời dạy của Ngài xem ra như một nghịch lý: „Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người“.

 

Thật vậy, người lớn nhất chính là người biết đón nhận tất cả mọi người, cho dù đó là một trẻ nhỏ chưa có địa vị, quyền lực hay giá trị xét về mặt xã hội, nhưng nếu họ tiếp đón em nhỏ, chính là tiếp đón Đức Giêsu, vì em nhỏ chính là hiện thân của Ngài, mà tiếp đón Đức Giêsu chính là tiếp đón Đấng đã sai Ngài.

 

Từ bài Tin mừng, chúng ta thử đối chiếu với cuộc sống hiện tại của chúng ta xem như thế nào, có rút ra được bài học nào cho bản thân không?

 

Thật ra, trong cuộc đời, con người có rất nhiều cám dỗ, những cám dỗ thường được kể tên nhất có thể là: Quyền lực, danh vọng và tiền bạc. Những người vì lý do nào đó, không thể tiếp cận đường công danh, thao túng tiền bạc, thì cũng còn chút quyền lực để bám víu.

 

Cám dỗ quyền lực không chỉ có ở mọi cơ cấu xã hội trần thế, nhiều lúc nó còn len lỏi vào những chốn thánh thiêng, các tổ chức, giáo xứ, hội đoàn hay cộng đoàn tu trì trong Giáo hội. Vì là con người, mà đã là con người, thì có giới hạn, bất toàn, do đó, mọi chuyện xấu có thể xảy ra.

 

Khi ai đó còn dưới quyền, có thể họ rất khiêm nhường, dễ mến, nhưng khi được cất nhắc, được giao nhiệm vụ gì đó, thái độ của họ cũng dễ đổi thay.

 

Cũng dễ hiểu thôi, vì con người luôn bị tham sân si…bám chặt, nếu họ không thật sự sống khiêm nhường, tự hạ và phục vụ vô vị lợi như Chúa mời gọi, thì hậu quả sẽ khôn lường.

 

Lúc đó, những người dưới quyền tha hồ chịu trận. Người dưới quyền như con quay trong lòng bàn tay họ. Người có chút quyền lực cứ thế mà thao túng, thử nghiệm ý tưởng, nay thế này, mai đổi khác.

 

Lúc thể hiện quyền lực, đôi khi họ dễ bị sa đà vào chuyện hám danh, trục lợi, ưa được người khác xưng tụng, nịnh nọt mình...

 

Điều cần rút ra bài học cho bản thân là chúng ta hãy noi gương Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngài vốn dĩ chiếm chỗ nhất bên Chúa Cha, nhưng đã tự nguyện trở thành người nhỏ nhất: trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở thành người phàm và vâng lời cho đến chết (x. Pl 2,6-7).

 

Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta sống khiêm nhường, biết dang rộng vòng tay đón nhận mọi người như hiện thân của Chúa, để đến lượt mình, chúng ta cũng được Ngài đón vào chỗ nhất trong trái tim hiền phụ đầy yêu thương của Ngài. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á