Suy niệm
Thứ 5, Tuần XX TN, B, Lc 1,26-38: Lời xin vâng của Đức Maria
LỜI XIN VÂNG CỦA ĐỨC MARIA
(Lc 1,26-38)
Tùng Linh
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là lời đáp trả của đức Maria khi nghe sứ thần truyền tin Mẹ sẽ mang thai Đấng Cứu Thế. Thánh Bernado nói: “Khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu”.
Đức Maria đã sẵn sàng thưa xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Khi thưa “xin vâng”, Đức Maria đã chấp nhận cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại.
Hai tiếng “xin vâng” Mẹ đã dễ dàng thưa, nhưng để sống với tiếng xin vâng ấy, trước mặt Mẹ là một tương lại mù tối. Luật lệ xã hội thời ấy rất khắt khe, làm sao Mẹ có thể giải thích được với mọi người. Gia đình hai bên, hàng xóm và ngay cả người bạn đính hôn sẽ nghĩ gì về Mẹ đây? Mẹ có đủ sức bảo vệ mạng sống của mình hay không? Còn bào thai kia là Đấng Cứu Thế nữa thì sao?
Xin vâng, đó là tiếng Fiat, lời của Đức Maria trả lời sứ thần Gabriel. Nhưng theo cha Nguyễn Văn Hương, giáo sư Kinh Thánh Đại chủng viện thánh Phanxicô Xavier: “Đức Maria không bao giờ nói “Fiat”. Fiat là một từ Latin và Mẹ không nói tiếng Latin cũng như tiếng Hy Lạp. Mẹ nói một từ mà tất cả mọi người ai cũng biết, đó là từ “Amen”.
Amen được hiểu như thế nào? Theo sách Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tiếng Amen trước hết có nghĩa là: tất nhiên, xác thực, chắc chắn. Thưa Amen, tức là tuyên bố điều vừa được phát biểu là đúng.
Tiếng Amen là một lời cam kết: lời đó chứng thực ta đồng ý với ai, ta bằng lòng nhận một sứ mạng, lãnh một trách nhiệm. Nếu ta cam kết với Thiên Chúa, chính là ta tin tưởng ở lời Ngài và phó mình cho quyền năng và lòng từ ái của Ngài.
Amen chúng ta đọc hàng ngày trong các giờ kinh. Và chữ Amen chúng ta cũng thưa khi bề trên phát Bài sai cho chúng ta. Ngài nói vì lòng yêu mến Chúa Kitô, xin cha hoặc thầy phụ trách…chúng ta đáp Amen. Chữ Amen ở đây là sự xin vâng tuyệt đối, cho dù công việc đó chúng ta không thích, công việc đó tự khả năng chúng ta thấy là không thể chu toàn tốt được. Chúng ta hãy noi gương Đức Maria thưa Amen, không nghi ngờ khi thưa Amen một cách xác tín và tuyệt đối.
Sứ thần Gabriel truyền tin cho ông Dacaria là bà Elisabeth sẽ có thai và sinh hạ con trai, ông Dacaria đã yêu cầu một dấu chỉ chứng tỏ sứ điệp đáng tin. Còn Đức Maria thì tin ngay sứ điệp, không đòi hỏi dấu chỉ. Câu hỏi của Mẹ không phải là dấu chứng tỏ một sự hoài nghi, nhưng là một lời xin ánh sáng để soi sáng đức tin của Mẹ.
Theo thánh Maximiliano Kolbe, trong các công trình của Người, Thiên Chúa luôn muốn sử dụng các dụng cụ…Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta có ý chí tự do, muốn rằng chúng ta phục vụ Người cách tự do trong tư cách là những dụng cụ, do chỗ ý chí của chúng ta ưng thuận ý muốn của Người, giống như cách của Mẹ rất thánh khi Mẹ nói: “Tôi đây là nữ tỳ Chúa, xin Người làm cho tôi theo ý Người muốn”.
Thực vậy, trong suốt cuộc đời Mẹ, Mẹ luôn thưa Amen trong những biến cố đời Mẹ. Mẹ thưa Amen khi Chúa Giêsu rời bỏ vòng tay Mẹ để thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó. Mẹ thưa Amen khi con Mẹ bị kết án treo trên thập giá. Mẹ thưa Amen khi lòng Mẹ như gươm sắc đâm thâu khi ôm thân xác con Mẹ.
Lời thưa Amen của Mẹ Maria cũng là lời thưa Amen của Chúa Giesu đối với Thiên Chúa trong mọi biến cố của Người. Trong vườn Cây Dầu, Ngài thưa: “Con vâng theo ý Cha”. Ngài thưa Amen trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”.
Lời xin vâng của Đức Maria và lời xin vâng của Chúa Giêsu là khuôn mẫu cho đời sống chúng ta. Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu và mẹ nói lên lời Amen trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thưa Amen khi được trao cho một sứ vụ nặng nề, vượt quá khả năng và sức lực của chúng ta. Thưa Amen khi gặp đau khổ, bệnh tật trong cuộc sống. Thưa Amen khi gặp thử thách gian nan. Thưa Amen khi bị hiểu lầm, vu oan giá họa. Khi ta sống lời thưa Amen là ta làm cho vinh danh Thiên Chúa.
Xin mượn lời bài hát “Xin Vâng” của Linh mục Mi Trầm để kết thúc bài suy niệm: “Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời”.
-
Chúa Nhật XXIII TN, B, Mc 7,31-37: Đức Giêsu chữa lành người câm điếc (06/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, B, Mc 7,31-37: Sứ vụ chữa lành của Đức Giêsu (06/09)
-
Chúa Nhật XXII TN, B, Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Thiên Luật mới là nền tảng của mọi giá trị (31/08)
-
Chúa Nhật XXII TN, B, Mc Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Ý hướng bên trong làm nên giá trị việc làm bên ngoài (31/08)
-
Chúa Nhật XXII TN, B, Mc Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Luật Thiên Chúa và luật con người (31/08)
-
Chúa Nhật XXI TN, B, Ga 6,54a.60-69: Lời Chúa là thần khí và là sự sống (24/08)
-
Chúa Nhật XXI TN, B, Ga 6,54a.60-69: Chọn lựa theo Chúa (24/08)
-
Chúa Nhật XX TN, B, Ga 6,51-58: Bánh Hằng Sống (17/08)
-
Chúa Nhật XX TN, B, Ga 6,51-58: "Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây" (17/08)
-
Chúa Nhật XIX TN, B, Ga 6,41-51: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống" (10/08)