Suy niệm
Suy niệm Tin Mừng CN XV TN, C: “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”
“CHẠNH LÒNG THƯƠNG”
(Lc 10,25-37)
Đình Ủy
Cuộc sống con người ở trần gian vốn dĩ trải qua các giai đoạn “sinh, lão, bệnh, tử”. Tứ khổ luôn đeo đẳng với thân phận con người, dù muốn hay không ai cũng phải trải qua những thời gian khắc nghiệt của cuộc đời như thế. Do vậy, sống cuộc đời có ý nghĩa, làm vơi đi nỗi đau khổ của bản thân, gia đình và tha nhân đó là điều mỗi người mông ước. Tuy nhiên, cuộc đời có ý nghĩa không mấy lệ thuộc vào những yếu tố xuất phát như gốc gác, nơi sinh, thân phận, địa vị trong xã hội của con người, nhưng điểm cốt yếu xuất phát từ thâm tâm, biết động lòng trắc ẩn, hay chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của những người thân cận. Thái độ của những tư tế, thầy Lêvi bàng quan, ghẻ lạnh với nạn nhân trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô và thái độ của người Samari nhân hậu mau lẹ, chạnh lòng thương người thân cận đã là lời chứng hùng hồn cho chúng ta về những điều đó. Trên muôn nẻo đường cuộc sống, Thiên Chúa từng ngày vẫn luôn gửi tới những anh chị em đang đau khổ, họ cần được chúng ta mở rộng tấm lòng, trái tim để chạnh lòng thương.
Những trạng huống bi kịch cuộc đời
Thánh Luca thuật lại cậu chuyện Chúa Giêsu kể cho người thông luật về một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô bị rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, tả tơi, để lại anh ta bên vệ đường với tình trạng dở sống dở chết. Trong hoàn cảnh nạn nhân như thế, thầy tư tế và một thầy Lêvi dửng dưng tránh né nạn nhân…cuối cùng chỉ có một người Samari, người mà dân Do Thái xếp vào hàng dân ngoại; người này lại chạnh lòng thương, đến bên, xức dầu, băng bó vết thương cho nạn nhân và đưa về quán trọ chăm sóc (x. Lc 10, 25-37).
Trạng huống bi kịch của người lữ hành bên vệ đường ở Giêrikhô đang từng ngày tái diễn nơi cuộc sống xã hội hôm nay. Những hang ổ tinh vi của kẻ cướp đang gài bẫy rình chờ thân phận những người nghèo, người cô thân cô thế, … và trẻ em trên mọi ngóc ngách của xã hội đương thời. Hay nói đúng hơn là những cơ cấu tội lỗi, tổ chức phi đạo đức, hay những cá nhân nhẫn tâm như những tên cướp đang buôn bán phụ nữ, trẻ em, người lao động, gây ra chiến tranh, phân biệt chủng tộc…đang từng ngày đẩy con người đến tình trạng dở sống dở chết bên lề của xã hội.
Cũng không đâu xa lạ, những bi kịch của con người đang từng ngày diễn ra những trạng huống nơi một số gia đình, sự thờ ơ lãnh đạm, thiếu sự quan tâm, những người cha, người mẹ, hay ngay cả con cái bị bỏ rơi, ghẻ lạnh như là những người xa lạ. Hóa ra ngay cả trong những mái ấm gia đình, người ta vẫn có thể trở thành người xa lạ với người thân ruột thịt của mình.
Trong tình cảnh bi kịch của người lữ khách, chúng ta nhận thấy ánh mắt thờ ơ, bàng quan, lạnh nhạt của “tư tế”, “ thầy Lêvi”. Thật bi ai, đau khổ tột độ khi những người cần biểu lộ tình thương, chăm sóc anh chị em đồng loại hay người đồng đạo và hơn nữa người thân ruột thịt lại là những người vội vàng tránh nhé, bỏ rơi anh chị em mình nhất. Họ sợ đụng vào sẽ bị ô uế. Sợ đủ điều để bảo đảm an toàn giả tạo, ích kỷ cho bản thân, cho nhóm mình hay dân tộc mình. Nhưng khi họ sợ quá đáng cho đôi tay khỏi bị ô uế, thì thái độ cư xử ghẻ lạnh, bàng quan, thờ ơ với nỗi đau khổ thể xác hay tinh thần của người anh chị em thì chính lúc ấy tâm hồn họ cũng đã nặng mùi “ô uế” rồi. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ của họ?
Thật thế, tư tế và thầy lê Lêvi là những người kiểu mẫu của lề luật, ngày ngày ở đền thờ, những người kiểu mẫu lại hành xử bàng quan và trái tim nguội lạnh, trơ trẽn như thế? Kinh Thánh không nêu lên chi tiết cụ thể về lý do tại sao tư tế và thành Lêvi làm như thế? Nhưng ở đây chúng ta có thể nghĩ rằng, đời sống họ có gì đó bất ổn trong tương quan với Thiên Chúa. Bấy lâu nay họ phụng sự, ngày ngày dâng lễ tiến Thiên Chúa, nhưng lòng họ lại xa cách Ngài. Đáng lẽ ra họ phải là người ở trong đền thánh luôn diện kiến, tỏa ánh tôn nhan của Thiên Chúa. Nói rõ hơn họ là những người chiếu tỏa hình ảnh, tình thương sống động của Thiên Chúa. Nhưng không làm được như thế, họ trở nên xa cách với Thiên Chúa, xem Ngài như một vị thần, họ chỉ biết dâng hương, dâng hy lễ. Trong khi Thiên Chúa luôn “muốn lòng nhân từ hơn hy lễ”. Từ thái độ, tương quan lạnh nhạt, vụ hình thức với Thiên Chúa, nên họ cũng ghẻ lạnh, thờ ơ trước nỗi đau của tha nhân.
Người môn đệ chạnh lòng thương
Trái ngược lối hành xử thiếu tình người của những tư tế và thầy Lêvi, người môn đệ Chúa cần biết mau mắn chạnh lòng thương trước nỗi đau khổ của anh chị em đồng loại.
Thánh Luca cho chúng ta biết một sự ngạc nhiên quá độ. Một người Samari, người ngoại đạo, người bị các kinh sư, tư tế miệt thị, kinh thường; ngay cả dân tộc họ kinh chê, thì lại là người có lòng thương xót với người thân cận khi gặp hoạn nạn. Thánh Luca kể lại: “Nhưng một người Samari kia đi đường, tới chỗ nạn nhận, thấy vậy thì động lòng thương” (Lc 10,33). Hóa ra con tim, tấm lòng nhạy cảm, người ta đã cảm được trước nỗi đau của đồng loại trước khi đôi tay chạm đến. Dầu thuốc xức lên, băng bó vết thương sẽ không có nếu không có con tim biết chạnh long thương. Con tim biết rung cảm với nỗi đau thương của đồng loại họ luôn mau lẹ, tới gần, không nề hà, không quản khó khăn, đánh đổi sức khỏe, tài sản và những rủi ro phải gánh chịu.
Không phải ngẫu nhiên, tình cờ mà người Samari nhân hậu thi thố lòng tốt, chạnh lòng thương người thân cận. Tự thâm tâm, ông đã được mặc lấy lòng nhân hậu, tình thương của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã chân nhận, Thánh Thần đã ngự xuống trên cả dân ngoại (x. Cv 11,15). Hành động của người Samari mang đậm đầy ắp hoa quả của Thần Khí là bác ái, khóc với người khóc. Chúng ta cũng không xa lạ gì khi cùng đọc lại sách Sáng thế: “Con người là hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Thánh Gioan thì cho biết: "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4,8.16). Ngài là Đấng Nhân hậu (x. Lc 15; Mt 5). Như thế, tự bản chất trong thâm tâm con người đã có tình yêu, có lòng nhân hậu, có lòng chạnh thương của Thiên Chúa. Người Samari nhân hậu cũng có bản chất đó. Nay khi gặp trạng huống bi kịch, đau khổ của anh chị em đồng loại, người này đã thể hiện lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ông chạnh lòng thương, tới gần, xức dầu, băng bó cho người bị nạn. Có thể nói, ông đã quặn đau, ôm nạn nhân vào lòng, an ủi, và muốn trao ban hết tình thương, cố gắng chữa lành hết sức có thể cho họ trước khi đưa họ đến nhà trọ.
Là người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng luôn mang nơi mình thân phận của con người tại thế, có những trạng huống, những hoàn cảnh mà một con người phải trải qua. Trên muôn nẻo đường đời, Chúa đang gửi tới những anh chị em thân cận để chúng ta chạnh lòng thương, trao ban tình thương Chúa cho anh chị em mình. Người thân cận với muôn màu muôn vẻ: người bệnh tật thể lý, người đau yếu tinh thần, chúng ta không lạnh nhạt, bàng quan, dửng dưng như tư tế, thầy Lêvi xưa, nhưng như người Samari nhân hậu, với ánh mắt cảm thông, một tấm lòng chạnh thương, một đôi tay nâng đỡ, để trao ban, chữa lành, tiếp sức anh chị em bước tiếp trên đường lữ hành.
Đường lữ hành là những đoạn trường cheo leo, hốc đá hay bụi rậm, nơi có “những bọn cướp” rình rập, hay những những đoạn trường trong đêm đem của thử thách khi sóng gió cuộc đời. Như mục sư Luther King có nói tình thương thì trao ban không mức độ, chúng ta không chỉ mau mắn giúp đỡ người bị nạn như người Samari đã làm, nhưng còn phải cùng anh chị em mình sửa sang con đường, dọn sạch những hang ổ của bọn trộm cướp để những bà mẹ, những anh chị em của chúng ta không bị hại trên bước đường cuộc đời họ[1]. Khi thực thi lòng nhân từ, chạnh lòng thương như thế với anh chị em đang đau khổ, chúng ta làm vơi đi nỗi đau khổ của người thân cận, khi đó chúng ta phản chiếu lòng thương xót Thiên Chúa và làm cho cuộc đời nhân thế của chúng ta tròn đầy ý nghĩa.
______________________________
[1] x. Lm Bernard Hurault và Louis Hurault. Lời Chúa cho mọi người, dịch giả Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ, tr. 334.
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, B, Mc 1,1-8: Hãy dọn đường cho Chúa đến (09/12)
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, B, Mc 1,1-8: Sứ vụ Tiền hô (09/12)
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, B, Mc 1,1-8: Chuẩn bị đón Chúa đến (09/12)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B, Mc 13,33-37: Tỉnh thức (02/12)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B, Mc 13,33-37: Tỉnh thức và sẵn sàng (02/12)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, A, Mt 25,31-46: Đức Giêsu - Vua khiêm nhường (25/11)
-
Chúa Nhật XXXIII TN, A, Mt 25,14-30: Phát triển tài năng Chúa ban (18/11)
-
Chúa Nhật XXXIII TN - Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26: Gương chứng nhân (18/11)
-
Chúa Nhật XXXII TN, A, Mt 25,1-13: Khôn và dại (11/11)
-
Chúa Nhật XXXII TN, A, Mt 25,1-13: Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (11/11)