Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I Mùa Vọng, A: Sống tinh thần Mùa Vọng

Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”

 

 

 

SỐNG TINH THẦN MÙA VỌNG

(Mt 24,37-44)

 

M. Gioan XXIII

 

Tỉnh thức là một phẩm chất quan trọng của sự trung tín. Dụ ngôn người đầy tớ trung thành và tên đầy tớ xấu xa, gian ác (x. Mt 24,43-51; Lc 12,42-46), đã giúp các môn đệ Đức Giêsu và người nghe hiểu tầm quan trọng của tinh thần tỉnh thức. Có một điều chắc chắn là sẽ đến lúc ông chủ nhà sẽ trở lại, nhưng không ai biết chính xác khi nào và bằng cách nào ông sẽ đến (x. Mt 24,43). Theo Kinh Thánh, người phục vụ trong dụ ngôn này là bức tranh của Hội Thánh (x. Lc 12,35-38; Mt 24,43-51; Mc 13,33-37). Louis Barbieri cho rằng, người hầu trong dụ ngôn này không mong đợi chủ của mình trở về bất ngờ, vì vậy anh ta không chỉ ngược đãi đồng nghiệp của mình mà còn có một lối sống tồi tệ - anh ta ăn uống và chè chén say sưa.[1]

 

Điều này, cũng giống như những người gian ác sống trong thời của ông Nô-ê mà Đức Giêsu đã nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 24,37-39). Do đó, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ hãy tỉnh thức, vì các ông không biết ngày nào Chúa đến (x. Mt 24,44; Mt 25,13). Điều đó chỉ có Chúa biết, còn những người sống sau đó sẽ chỉ có thể đoán trước. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải tỉnh thức và sẵn sàng. Nếu ai biết trước được thời gian kẻ trộm sẽ đến, người ấy sẽ đi trước và chuẩn bị (x. Mt 24,43). Do đó, các tín hữu cũng được mời gọi nên có thái độ tương tự trong lúc hoạn nạn trong khi họ chờ đợi sự trở lại của Chúa vinh hiển. Mặc dù họ sẽ biết thời gian đã đến từ các dấu hiệu trên bầu trời, nhưng thời gian chính xác của sự trở lại thì họ sẽ không thể biết.

 

Vì vậy, người Kitô hữu hãy sống theo Lời Chúa nói hôm nay trong bài Tin Mừng: „Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến“ (c. 42). Thực hành Lời Chúa hôm nay cũng chính là sống trọn ý nghĩa của Phụng vụ Mùa Vọng bởi vì „mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi”.[2]  Làm thế nào để người Kitô hữu sống đúng những ý nghĩa đó?

 

Mùa Vọng được gọi là „thời gian thinh lặng”. Nhưng nhiều người trải nghiệm nó trong sự bận rộn và ồn ào. Nhiều người đổ xô qua các cửa hàng để mua sắm Giáng sinh. Những ai vội vàng không để ý chính mình, thì linh hồn họ không thể thở và bị sao lãng. Cần phải tạm dừng để trở nên tĩnh lặng. Tôi phải ngừng chạy xung quanh và vội vã. Tôi phải dừng lại, ở lại với tôi. Nếu tôi cứ ngồi yên, tôi không còn thể hiện sự bồn chồn của mình ra bên ngoài nữa. Tôi sẽ cảm nhận được chúng trong tôi. Chỉ những ai dừng lại với sự bồn chồn của họ, những người đó mới đến được sự thinh lặng. Như người mẹ cho con bú, dỗ dành đứa con đang kêu đói. Vì vậy, tôi cũng phải làm dịu tâm hồn của chính mình, thứ đang gào thét ầm ĩ bên trong. Tôi phải hướng về trái tim của tôi như một người mẹ để có được sự nghỉ ngơi.[3]

 

Đồng thời Mùa Vọng, mùa đánh thức khỏi mọi mơ mộng, đánh thức tới thực tại. Chính vì vậy, mà bất cứ ai tỉnh táo đều trải nghiệm mọi khoảnh khắc một cách có ý thức, hoàn toàn hiện diện, sống động, tỉnh táo. Tỉnh táo là người không tự tê liệt hay hối hả choáng váng. Chúng ta không cần phải để mình bị cuốn theo sự điên cuồng của người tiêu dùng. Chúng ta không cần phải tham gia vào sự hối hả và nhộn nhịp của việc thực hiện mong muốn. Nếu không thì “chúng ta luôn gặp nguy cơ, gặp cám dỗ trần thế hoá lễ Giáng Sinh. Khi đại lễ thiếu vắng sự chiêm ngắm, khi ngày lễ của gia đình không đặt Chúa Giêsu là trung tâm, thì nó bắt đầu trở thành ngày lễ thế trần: mua sắm, gửi quà, thứ này, thứ khác. Và Con Thiên Chúa ở đó, bị lãng quên“.[4]

 

Sự nhận thức và cảnh giác sẽ dạy chúng ta điều gì thực sự quan trọng trong đại lễ Giáng Sinh. Tỉnh thức không chỉ là thái độ căn bản của Mùa Vọng. Câu chuyện Giáng Sinh kể về những người chăn cừu luôn cảnh giác. Vì họ tỉnh thức nên họ được loan báo tin mừng về sự giáng sinh của Đấng Mêsia. Ai tỉnh thức, người đó chân thành và đón nhận mầu nhiệm mà chúng ta muốn đón nhận.[5]  Đồng thời, “tỉnh thức và cầu nguyện là hai từ của Mùa Vọng; bởi Thiên Chúa đã đến trong lịch sử tại Bethlehem; Người sẽ đến vào thời chung cục của thế giới cũng như trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Nhưng Người cũng đến mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, nơi con tim chúng ta, với sự linh hứng của Thánh Thần”.[6]

 

Vì thế, chúng ta hãy làm một điều gì đó để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh: những khoảng thời gian tĩnh lặng để tìm kiếm Chúa và chuẩn bị tâm hồn để đón Ngài. Thời gian Mùa Vọng còn là cơ hội để làm dịu cơn đói bên trong của con tim và giúp nó tĩnh lặng hơn. Những ai thinh lặng sẽ cảm nghiệm được niềm vui nội tại sâu xa tận đáy lòng hơn mọi sự hối hả, nhộn nhịp từ bên ngoài mang lại.

 

 

_________________________

 

[1] X. Louis A. Barbieri, Matthäus, in: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 3–108, đây: 89.

[2] Normae de Anno litur[2]gico et Calendario (Những qui luật tổng quát về Năm PV và Niên Lịch), số 39.

[3] X. Anselm Grün, Die stille Zeit, in: German Neundorfer (HG), Ein Stern wird leuchten, Freiburg 2014,16.

[4] Đức Thánh Cha Phanxicô, Ước gì Mùa Vọng không mang tính trần thế (https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2018-12/santamarta-031218-muavongkhongmangtinhthetran-nhungluyenductin.html)

[5] X. Anselm Grün, Die stille Zeit, in: German Neundorfer (HG), Ein Stern wird leuchten, Freiburg 2014,16-17.

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Ước gì Mùa Vọng không mang tính trần thế (https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2018-12/santamarta-031218-muavongkhongmangtinhthetran-nhungluyenductin.html).