Suy niệm

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Cv 2,1-11: Chúa Thánh Thần - Ngọn lửa canh tân tâm hồn tín hữu

Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các Tông đồ và xuống đầy lòng các ông. Lửa là biểu tượng của sức mạnh có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần.

 

 

 

CHÚA THÁNH THẦN – NGỌN LỬA CANH TÂN TÂM HỒN TÍN HỮU

(Cv 2,1-11)

 

M. Thomas Aquino

 

Tương truyền rằng, ngày xưa, họa sĩ Michael Cardo đến dâng tặng vua Napoleon một bức họa Icon vẽ hình chim bồ câu. Chim bồ câu có mỏ màu cam, cánh màu xanh lam, ngực màu vàng và đuôi màu xám. Nhà vua lấy làm lạ vì chim bồ câu giống như con đồi mồi. Họa sĩ Michael trả lời rằng: Đó là biểu tượng Chúa Thánh Thần, trong đó màu cam là lửa thiêu đốt, màu xanh lam là hòa bình, màu vàng là ánh sáng và màu xám là bông lau làm chổi quét… Ngụ ý là Chúa Thánh Thần thánh hòa miệng lưỡi tín hữu để nói lời Thiên Chúa, là ánh sáng phát xuất từ trái tim để chiếu tỏa tình yêu Chúa đến với tha nhân, quét sạch mọi hận thù chia rẽ chiến tranh, đặc biệt, là đôi cánh hòa bình đem bình an cho thế giới.

 

Vâng, Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa được sánh ví với rất nhiều biểu tượng, mỗi biểu tượng giúp tín hữu hình dung và cảm nhận được phần nào tác động mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, các số 694 – 701 đã trình bày cho chúng ta chín biểu tượng chỉ Chúa Thánh Thần: Nước, sự xức dầu, lửa, áng mây, ánh sáng, dấu ấn, bàn tay, ngón tay và cuối cùng là chim bồ câu.

 

Trong bài chia sẻ này, chúng ta cùng dừng lại suy niệm về biểu tượng “Lửa” mà bài đọc thứ nhất trích sách Công vụ Tông Đồ mặc khải cho chúng ta.

 

Đoạn trích Cv 2,1-11 là một đoạn nổi tiếng trong sách Công vu Tông đồ, trình thuật lại việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ. Thánh sử Luca cho biết, vâng theo lời căn dặn của Đức Giêsu Phục sinh, các Tông đồ họp nhau lại trong nhà Tiệc ly, tại Giêrusalem, chờ đợi điều Chúa Giêsu hứa: đón nhận Chúa Thánh Thần. Khi các Tông đồ đang họp nhau cầu nguyện thì sự kiện lạ lùng xảy ra: từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy căn nhà. Tiếp theo người ta nhìn thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một, và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tuy theo khả năng Thánh Thần ban cho họ.

 

Dưới hình ảnh những cái lưỡi “như bằng lửa”, Chúa Thánh Thần ngự trên các Tông đồ và xuống đầy lòng các ông. Lửa là biểu tượng của sức mạnh có sức biến đổi của các hoạt động của Chúa Thánh Thần[1]. Các Tông đồ trước khi Chúa Thánh Thần ngự xuống là những người “cô đơn, hoang mang, thu mình sau những cánh cửa đóng kín, sống trong sợ hãi và choáng ngợp trước những yếu đuối, thất bại và tội lỗi của mình, vì các ông đã chối bỏ Chúa Kitô. Những năm tháng họ ở với Chúa Giêsu không hề thay đổi họ: họ không khác gì so với trước đây. Sau đó, họ nhận được Chúa Thánh Thần và mọi thứ đã thay đổi: những vấn đề và nhược điểm vẫn còn đó, tuy nhiên họ không còn sợ hãi chúng, cũng như không còn sợ bất kỳ ai thù địch với họ nữa. Họ cảm nhận được sự an ủi bên trong và họ tràn ngập sự an ủi của Chúa. Trước đây họ rất sợ hãi; giờ đây nỗi sợ duy nhất của họ là không làm chứng cho tình yêu mà họ đã nhận được”[2]. Họ đã mở tung cửa mạnh dạn bước ra rao giảng cho mọi người Tin Mừng về Đấng Phục sinh khiến mọi người sửng sốt, thán phục.

 

Ngày nay, qua bí tích Rửa tội và nhất là bí tích Thêm sức, Thiên Chúa Cha vẫn không ngừng ban tặng Chúa Thánh Thần - ngọn lửa của sự canh tân xuống trên tâm hồn các tín hữu để “rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, chữa lành nơi thương tích, uốn nắn điều cứng cõi, sưới ấm chỗ lạnh lùng và chỉnh đốn lại chỗ trật đường”[3], nhờ đó họ trở nên những môn đệ tự do, mạnh mẽ và can trường, ra đi loan báo Tin Mừng của Đức Kitô Phục sinh.

 

Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, trong bài giảng về lễ Chúa Thánh Thần đã có những chia sẻ rất ý nghĩa về sự biến đổi do Chúa Thánh Thần: “Khi ngự xuống trên các tín hữu, Chúa Thánh Thần không làm thay đổi cuộc sống chung quanh chúng ta, nhưng Ngài biến đổi con tim chúng ta; Ngài không giải thoát chúng ta khỏi những vấn đề của chúng ta bằng một cú đánh, nhưng Ngài giải phóng nội tâm chúng ta, để chúng ta bắt tay vào giải quyết những vấn đề đó; Ngài không trao tất cả cho chúng ta một lần, nhưng Ngài làm cho chúng ta tin tưởng tiến về phía trước mà không bao giờ trở nên mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ con tim được trẻ trung - một sự trẻ trung mới. Sớm muộn gì thì thời gian tuổi trẻ cũng qua đi, bất chấp tất cả những cố gắng để kéo dài thời gian ấy; trái lại, Chúa Thánh Thần chính là Đấng duy nhất có khả năng ngăn chặn sự lão hóa thiếu lành mạnh, tức sự lão hóa nội tâm. Ngài thực hiện điều đó bằng cách nào? Thưa, Ngài canh tân con tim chúng ta, và cho phép con tim tội lỗi chúng ta nhận được ơn tha thứ. Đó là một sự thay đổi lớn: Ngài biến những tội nhân chúng ta thành những người công chính, và như thế, tất cả sẽ biến đổi, vì từ kiếp nô lệ tội lỗi, chúng ta sẽ trở thành những con người tự do; từ những viên đầy tớ, trở thành những con người; từ những kẻ bị vứt bỏ, trở thành những người bạn quý; từ những con người thất vọng, trở thành những con người tràn trề hy vọng. Bằng cách đó, Chúa Thánh Thần làm cho niềm vui được tái sinh, cũng như làm cho niềm an bình được trổ bông trong tâm hồn”[4].

 

Hôm nay, cùng với Giáo hội mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta nài xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta, tuôn đổ bảy ngọn lửa tình mến của Ngài trên chúng ta, giúp chúng ta trở nên những môn đệ can đảm và trung thành làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh.

 

 

 

 

[1] Sách Giáo Lý Công Giáo, số 696.

[2] Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 23.05.2021.

[3] Bài ca Tiếp liên, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

[4] Đức Phanxicô, Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 20.05.2018.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á