Suy niệm
Chúa Nhật XXXIV TN, A, Mt 25,31-46: Đức Giêsu - Vua khiêm nhường
ĐỨC GIÊSU - VUA KHIÊM NHƯỜNG
(Mt 25,31-46)
M. Thomas Aquino Ân
Hôm nay Chúa nhật 34 TN, Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ. Qua thánh lễ này, chúng ta tuyên xưng vương quyền của Chúa Kitô trên vũ trụ và trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Vương quyền của Chúa Kitô “không giống quyền lực của các vị vua chúa hoặc những người vĩ đại trên trần gian này: Đó là quyền lực thánh thiêng để ban sự sống đời đời, giải thoát khỏi sự dữ, đánh bại ách thống trị của sự chết. Đó là quyền lực của tình yêu có thể lôi kéo điều thiện từ điều ác, có thể làm tan chảy một trái tim chai đá, đem lại hòa bình giữa những xung đột gay gắt nhất và thắp lên hy vọng trong bóng tối dày đặc nhất”[1]. Chúng ta hãy đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Giêsu. Hãy để cho Người chiếm trọn tất cả con người mình, tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ đó, chúng ta thuộc về vương quyền của Người là vương quyền của sự sống và sự thật, vương quyền của niềm tin và ân sủng, vương quyền của sự thánh thiện, công lý tình yêu và hòa bình.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua năm nay, Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng Mt 25,31-46. Trong bài Tin Mừng này, thánh sử Matthêu phác họa bức tranh mô tả về “Ngày Chung Thẩm” của nhân loại. Lúc đó, Vua Giêsu xuất hiện như một vị thẩm phán công minh: “Con Người trong vinh quang tiến vào ngai vinh hiển của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu. Các dân thiên hạ tập hợp trước mặt Người và Người tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người cho chiên đứng bên phải Người còn dê ở bên trái” (cc.31-34).
Tiếp đến, Người xét xử kẻ dữ người lành, trả công cho mỗi người theo công việc họ làm khi ở trần gian. Đối với người ở bên phải, Đức Vua phán: Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa, vì họ đã cho “những người bé mọn” ăn uống, tiếp rước, cho mặc, thăm viếng hỏi han. Với những người bên trái, Ngài trách họ đã vì đã không làm như thế.
Bấy giờ những người bên phải và bên trái đều thưa: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngôi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? Vị thẩm phán đáp lại họ rằng, Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các người làm (hoặc không làm) như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã làm (hoặc không làm) cho chính Ta vậy (x. cc.35-45).
Với lời tuyên bố: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các người làm (hoặc không làm) như thế cho một trong những người bé mọn nhất đây, là các ngươi đã làm (hoặc không làm) cho chính Ta vậy”. Vua Giêsu đã làm cho chúng ta không khỏi ngạc nhiên, bỡ ngỡ. Ngài đã tự đồng hóa mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù để rồi những ai giúp đỡ những con người bé mọn này là đã giúp đỡ Ngài, những ai bỏ rơi họ là đã bỏ rơi Ngài.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường quen với hình ảnh một Thiên Chúa oai phong, một Thiên Chúa giàu sang, luôn là Đấng ban phát dư dật. Chúng ta không quen với hình ảnh một Thiên Chúa ngửa tay xin, một Thiên Chúa xấu xí vì túng nghèo, vì bệnh tật, vì vấp váp, một Thiên Chúa khiêm nhường nhận những người nghèo khó, trần truồng, khách lạ, bệnh tật, tù đày...là chính Ngài. Vua Giêsu nhận mình chính là Đấng Emmanuel lạ lùng. Ngài chẳng những ở với chúng ta, mà còn ở nơi những anh chị em bất hạnh, thiếu may mắn. Như thế, Ngài vẫn ở quanh ta, ở gần ta đến nỗi ta có thể chạm được. Lúc nào ta cũng có thể tiếp xúc với Ngài: nuôi sống Ngài qua ngày, cho Ngài trú ngụ trong nhà mình, thăm Ngài ở nhà tù, nhà thương. Ngài không chỉ là Đấng ban ơn trong nhà thờ, mà còn là Đấng đang xin ta trợ giúp ngoài nhà thờ[2]. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên dạy chúng ta rằng: “Trước con mắt trần gian người nghèo ít có giá trị, nhưng họ lại là những người mở ra cho chúng ta con đương về trời, họ là thông hành vào thiên đàng của chúng ta… Thiên Chúa ban cho chúng ta các nén bạc, các khả năng, cần phải tận dụng và phát triển để mưu ích cho tha nhân, nhất là cho người nghèo… Yêu thương người nghèo như thế có nghĩa là chiến đấu chống lại mọi thứ nghèo đói tinh thần cũng như vật chất”[3].
Trong tâm tình của ngày lễ Chúa Kitô Vua, cách riêng là trong tinh thần của bài Tin Mừng, là Kitô hữu, tức là công dân của Nước Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi xây dựng nước Chúa ở trần gian bằng sự hiệp nhất yêu thương nơi những người con cái của Chúa có chung một Cha trên trời. Sự hiệp nhất đó phải được xây dựng từ nơi gia đình, cộng đoàn, nơi xứ đạo chúng ta. Phải xóa bỏ những tị hiềm, ghen ghét, những bất công, hận thù trong cuộc sống. Mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội còn được mời gọi làm chứng cho sự thật giữa thế gian. Điều đó mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhau loại trừ điều gian dối, bất công và xây dựng một nền hòa bình, công lý và sự thật giữa thế gian còn quá nhiều chiến tranh, bất công và đau thương. Để đến ngày Chung Thẩm, Vua Giêsu - Vua yêu thương là Vua mọi người, mọi thời sẽ nói với chúng ta rằng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)