Suy niệm

Chúa Nhật XXXIII TN - Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26: Gương chứng nhân

Lời Chúa hôm nay đã soi sáng, hướng dẫn và giúp cho chúng ta không những biết rõ về các Thánh mà còn giúp chúng ta cách sống chứng tá như các ngài đã sống.

 

 

GƯƠNG CHỨNG NHÂN

(Lc 9,23-26)

 

M. Porres Toàn

 

Chúa Nhật 33 Thường Niên được Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể những người con ưu tú là các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tổ tiên ông bà chúng ta, những nhân chứng của đức tin, nhân chứng cho Chúa và Tin mừng. Lời Chúa hôm nay đã soi sáng, hướng dẫn và giúp cho chúng ta không những biết rõ về các Thánh mà còn giúp chúng ta cách sống chứng tá như các ngài đã sống.

 

Danh từ “tử đạo” (martyr) gốc tiếng Hy lạp (Martus) có nghĩa là nhân chứng. Vậy, việc cha ông chúng ta, từng lớp người sẵn sàng bỏ tất cả mọi sự, từ vinh hoa, phú quý, vợ con để chết đi làm chứng điều gì? Chắc chắn việc các ngài sẵn sàng chết không phải vì các ngài không muốn sống, nhưng là để làm chứng rằng, sự sống nơi trần thế này không phải là tuyệt đối, và mọi vinh dự ở đời này không phải là vĩnh cửu mà chỉ là “phù vân” chóng qua.

 

Với cái chết của mình, cha ông chúng ta đã cho thấy rằng: chết chưa phải là hết, nhưng là cửa ngõ để đi vào một đời sống vĩnh cửu đúng như tâm thức từ bao đời nay trong lòng người dân Việt: “sống gởi, thác về”. Và chính dòng máu của các ngài đổ ra trên mảnh đất Việt Nam đã làm phát sinh Giáo hội Việt Nam hôm nay, như lời Đức Kitô: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

 

Có rất nhiều lý do dẫn đến cảnh bách hại: vì ghen tương đố kỵ, hiểu lầm hay do những nguyên nhân chính trị. Trong vòng 300 năm, Hội thánh Việt nam đã dâng cho Chúa một số chứng nhân anh dũng, đã nhận lấy cái chết để làm chứng và tỏ lòng trung thành với Chúa Kitô. Con số thực sự của các tử đạo tại Việt nam cũng không có được thống kê chính xác, chỉ biết rằng con số này rất đông, từ 100.000 đến 130.000 người. Các tử đạo tại Việt nam cũng rất đa dạng, gồm đủ mọi thành phần trong dân Chúa và ngành nghề xã hội: các giám mục, linh mục, linh mục thừa sai Pháp và Tây Ban Nha, các chủng sinh, thầy giảng và giáo dân, có những cụ già và thanh niên, binh lính, thầy thuốc, quan chức…. Và, ngày 19.06.1988 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc hiển thánh 117 chứng nhân anh dũng và đưa vào niên lịch chung để mừng kính trong toàn thể Giáo hội vào ngày 24 tháng 11 hằng năm, cũng là ngày kỷ niệm thành lập hàng giáo phẩm tại Việt nam vào năm 1960 (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Chứng nhân anh dũng).

 

Vâng! Chính trong ánh sáng của Đức Kitô, chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm: Đầy tớ không lớn hơn chủ (Ga 15,20). Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con. Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng người ấy sẽ được cứu độ (x. Mt 10,16-25).

 

Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ tìm nên giống Thầy, giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết. Các Thánh Tử Đạo là những vĩ nhân của nhân loại. Các ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Đức Kitô như chính Đức Kitô đã chết cho các ngài. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ vì Đức Kitô. Các ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, chiến công. Các ngài chết tử đạo là chết vì Đức Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu.

 

Các Thánh Tử Đạo có chung một chọn lựa lựa khoát là theo Đức Kitô. Các ngài đã hoan hỉ chấp nhận chết để được sống một cuộc đời mà không mỹ từ nào diễn tả nổi, không bút hoạ nào vẽ thành và không hùng biện nào tuyên dương cho trọn. Ước vọng của họ không phải là được người đời tưởng niệm, được hậu thế tôn phong. Họ chết là vì đức tin thúc đẩy. Họ chỉ muốn thực hiện điều đã từng nghe biết từ Thầy Giêsu: “Ai tuyên xưng danh Ta trước mặt trần gian, Ta sẽ tuyên danh nó trước mặt Cha Ta trên trời” (Mt 10,32) (x. Thiên Hùng Sử, trang 4).

 

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét nhưng nét đẹp nhất trong chân dung các ngài là niềm tin phục sinh. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm hy vọng phục sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Các ngài đã chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa được mở ra để về với Đấng là sự sống vĩnh hằng (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An, Can đảm phi thường).

 

Bài học của các vị tử đạo không phải là khơi lên máu nóng tìm đến cái chết, mà chính là sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sự sống đó luôn kêu mời chúng ta: mỗi ngày chết đi những yếu đuối, để can đảm làm chứng cho Đức Kitô. Sự sống đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á