Suy niệm

Chúa Nhật XXXII TN, A, Mt 25,1-13: Khôn hay khờ?

Khi nghe qua dụ ngôn, chúng ta cảm thấy có chút tiếc nuối cho những cô khờ, vì dù sao các cô cũng đã chuẩn bị đèn dầu từ trước, nhưng vì sơ suất không mang dầu dự trữ mà bị bỏ lại. Thực ra, đây là một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để diễn tả mầu nhiệm cánh chung. Câu chuyện có vẻ được thêm vào nhiều tình tiết hư cấu, nhưng lại trình bày rất thực tế về ngày cánh chung.

 

 

 

KHÔN HAY KHỜ?

(Mt 25,1-13)

 

M. Michael Hội

 

Vào những tuần cuối của năm Phụng vụ, Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Nước Trời và thực tại cánh chung. Kinh Thánh không cho biết cụ thể thời điểm kết thúc cuộc đời của từng cá nhân hay ngày thế mạt của toàn thể nhân loại, nhưng nói lên sự bất ngờ của nó. Ngày ấy sẽ đến như người chủ trở về bất ngờ (x. Mt 24,45-51), như tên trộm đến lúc chủ nhà không hay biết (x. Mt 24,43).

 

Cũng vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ví Nước Trời như chuyện mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, trong đó có năm cô khờ và năm cô khôn. Vì đám cưới diễn ra vào ban đêm nên các cô phải mang theo đèn dầu để thắp sáng cho cuộc rước dâu. Khi chàng rể đến muộn, đèn của các cô khôn vẫn cháy sáng, vì họ đã chuẩn bị đèn dầu đầy đủ, nên được tham dự tiệc cưới, còn những cô khờ cũng mang theo đèn nhưng lại thiếu dầu, nên đèn của họ bị tắt và bị loại ra ngoài.

 

Khi nghe qua dụ ngôn, chúng ta cảm thấy có chút tiếc nuối cho những cô khờ, vì dù sao các cô cũng đã chuẩn bị đèn dầu từ trước, nhưng vì sơ suất không mang dầu dự trữ mà bị bỏ lại. Thực ra, đây là một dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để diễn tả mầu nhiệm cánh chung. Câu chuyện có vẻ được thêm vào nhiều tình tiết hư cấu, nhưng lại trình bày rất thực tế về ngày cánh chung. Khi đó, Chúa Giêsu sẽ xuất hiện bất ngờ tựa như chàng rể đến lúc nửa đêm. Và mỗi người chúng ta giống như những cô trinh nữ có nhiệm vụ đón tiếp chàng rể. Theo một số nhà tu đức, đèn ám chỉ tới các Bí tích mà mọi tín hữu đã được lãnh nhận, dầu là các nhân đức mà mỗi người đã thực hiện. Kẻ nào khờ dại không chuẩn bị đủ dầu, tức là các nhân đức, sẽ bị đuổi ra ngoài. Những ai giữ được đèn luôn cháy sáng, tức là luôn thực hành lời Chúa và các nhân đức, người đó sẽ được đón vào tiệc cưới chung vui với chàng rể.

 

Dụ ngôn mười cô trinh nữ không chỉ nói về ngày cánh chung, ngày kết thúc thế giới vật chất này, ngày Chúa trở lại để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, nhưng còn ám chỉ đến ngày lìa thế của mỗi cá nhân. Ngày đó chắc chắn sẽ đến trên từng người chúng ta. Là con người chắc chắn ai rồi cũng phải chết (x. Tv 89,49). “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90,10). Điều nay mọi người đều biết, nhưng về mặt tự nhiên, không ai biết được chính xác ngày nào mình sẽ phải lìa thế. Tuy nhiên, chết không phải là hết, nhưng là thời khắc chuyển giao giữa cuộc sống tạm bợ sang cuộc sống vĩnh cửu. Vào thời khắc đó, Chúa sẽ đến và phán xét riêng từng cá nhân, và số phận chung cuộc của mỗi người sẽ được quyết định tùy vào công nghiệp của họ. Do đó, Chúa đã nhắn nhủ mỗi người chúng ta: “Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13).

 

Tỉnh thức mà Chúa nói ở đây không có nghĩa là không ngủ, để chờ ngày Chúa đến, nhưng là phải luôn chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để xứng đáng đón Chúa. Vậy chúng ta phải chuẩn bị những gì? Giống như mười cô trinh nữ đều mang theo đèn, tất cả chúng ta cũng được trở thành Kitô hữu, thành con Thiên Chúa qua bí tích Thanh tẩy. Tuy nhiên, chỉ thụ động lãnh nhận các Bí tính thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải thi hành lời Chúa và tích cực làm việc lành phúc đức. Vẫn biết, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã xuống thế làm ngươi và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc hết thảy mọi người, nhưng để cùng Ngài dự tiệc thiên quốc, chúng ta cũng phải sống chính danh là Kitô hữu và xứng đáng là con Thiên Chúa.

 

Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa tiêu thụ, con người ngày nay luôn tìm cách để hưởng thụ tối đa. Đáp ứng những nhu cầu chính đáng là một cách sống xứng hợp với phẩm giá của con ngươi. Tuy nhiên, đề cao lối sống hưởng thụ và thần tượng lối sống xa hoa lại là một hình thức thờ ngẫu tượng mới. Nhiều người chỉ lo tìm kiếm tiền tài, danh vọng ở đời này mà không lo tích trữ của cải đời sau. Lại có những kẻ tự bảo: “đời còn dài, cứ vui trọn hôm nay, ngày mai lo cũng không muộn”. Nhưng họ “không biết ngày nào giờ nào”, có thể là ngay hôm nay hay ngay lúc này, “Con Người sẽ đến”. Những người này chẳng phải là những kẻ khờ sao?

 

Là Kitô hữu, tu sĩ, linh mục, khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Thiên Chúa đã thổi bùng ngọn lựa đức tin trong lòng mỗi người chúng ta. Nhưng chúng ta có giữ được ngọn đèn đức tin đó luôn cháy sáng hay không, hay theo thời gian nó bị mờ dần và bị tắt ngủm do không được thường xuyên châm dầu? Là Kitô hữu, nếu không sống lời Chúa, không thực hành các nhân đức, chúng ta cũng giống những cô thiếu nữ khờ dại đi đón chàng rể, mang đèn mà không sáng, có đèn nhưng thiếu dầu. Và khi Chúa đến, chúng ta cũng sẽ bị loại ra ngoài vì không đủ điều kiện tham dự tiệc cưới cùng Ngài.

 

Một khi sống xứng danh là Kitô hữu, tức là luôn thi hành lời Chúa, giữ lửa đức tin, sống trong đức cậy và thực thi đức mến, chúng ta sẽ được kể là những người khôn trước mặt Chúa. Nếu mọi người chúng ta luôn tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, cho dầu Chúa đến hôm nay hay ngày mai, khi chiều tà hay lúc nửa đêm, Ngài cũng sẽ dẫn chúng ta vào chung hưởng tiệc cưới Nước Trời.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á