Suy niệm

Chúa Nhật XXXI TN, A, Mt 23,1-12: Tất cả chúng ta là anh em

Khi chúng ta đón nhận nhau là anh em, thì chúng ta sẽ quảng đại dấn thân phục vụ nhau. Chúa cần chúng ta hành động thực tiễn, chứ không phải chỉ trên lời nói suông, đó là lời khiển trách của Chúa với các nhà lãnh đạo Do Thái: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4).

 

 

 

TẤT CẢ CHÚNG TA LÀ ANH EM

(Mt 23,1-12)

 

M. Anrê Tường

 

Nhìn vào tình cảnh thế giới hiện tại, biết bao hậu quả đau thương mà nhiều người phải đối diện và gánh chịu. Thật là bi đát cho nhân loại bởi những người cứ tìm cách hành động tiêu diệt nhau, họ đang đánh mất phẩm giá cao quý của con người, đó là thực trạng rất đau buồn. Trước diễn biến như vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ra lời kêu mời những người đó hãy từ bỏ hành động sai trái, tàn ác; đồng thời ngài nhắn nhủ các Kitô hữu hãy làm việc lành, ăn chay, cầu nguyện cho thế giới được hòa bình. Thật vậy, tất cả chúng ta phải trân quý mạng sống của nhau, vì chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, là con một Cha. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng. Trong ý nghĩa đó, Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, thánh Matthêu trình thuật cho chúng ta về lời của Chúa Giêsu nói: “Tất cả chúng ta là anh em với nhau” (c.8); đồng thời, Chúa còn căn dặn: “Người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em” (c.11).

 

Quả thật, chúng ta là anh em, vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, đầy tình yêu thương đã dựng nên vũ trụ và Người tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa để được tham dự vào mầu nhiệm thần thiêng của Người. Vì thế, chúng ta còn được gọi là Con Thiên Chúa (x. 1Ga 3,1), được làm nghĩa tử. Như vậy, tất cả chúng ta là anh em với nhau, do đó, sứ vụ của chúng ta là phục vụ. Thánh Phêrô kêu mời: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em hãy dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4,10). Nên chúng ta đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Chúng ta sẵn sàng hi sinh, dấn thân nâng đỡ nhau cùng thăng tiến, cùng vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống.

 

Chính vì thế, thực hiện chiến tranh thảm sát nhau là tội ác. Đức Giáo hoàng Phanxicô phản ánh trong Thông điệp “Frateli Tutti”: Chiến tranh là thất bại của nhân loại. Vì chiến tranh đã làm hại nhiều người dân vô tội. Bởi vậy, đừng dùng tiền để chế tạo và mua vũ khí, nhưng hãy dùng tiền vào quỹ quốc tế chống nghèo đói. Ngài mời gọi mỗi người hãy ra khỏi chính mình để thấy nơi tha nhân sự tăng trưởng của hiện hữu. Vì tình yêu bắc những nhịp cầu và chúng ta được sinh ra cho tình yêu. Vì vậy, tình yêu luôn là vị trí ưu tiên hàng đầu giúp chúng ta nỗ lực vì lợi ích tha nhân (x. số 88). Đồng thời, ở số 213, Đức Thánh Cha khẳng định: “Phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là điều chúng ta đã sáng chế hay tưởng tượng ra, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại vượt lên trên giá trị của các đồ vật”.

 

Thật vậy, khi chúng ta đón nhận nhau là anh em, thì chúng ta sẽ quảng đại dấn thân phục vụ nhau. Chúa cần chúng ta hành động thực tiễn, chứ không phải chỉ trên lời nói suông, đó là lời khiển trách của Chúa với các nhà lãnh đạo Do Thái:  “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (c.4). Vì thế, Chúa muốn nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trong yêu thương và phục vụ. Chúng ta hãy giang rộng vòng tay để cứu người khác khỏi cảnh bất trắc, không của ăn, mặc, không nhà, không phương tiện, không việc làm,... đến cảnh dốt nát, bệnh tật, hư hỏng, cô đơn,... Hơn nữa, để con người được xoa dịu các cơn đau tâm hồn, được rót vào tâm can họ sự an ủi tươi trẻ và niềm hi vọng bình an, thì con người cần được phục vụ và phải được phục vụ. Vậy nên, chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho ta thấy điều Chúa làm cho ta, và Ngài đã yêu ta như thế nào.

 

Quả vậy, chính tinh thần hy sinh phục vụ làm cho con người thêm phong phú trong đời sống của mình, đồng thời, là yếu tố thiết yếu quyết định sự tồn tại của nhân loại, là yếu tố để đạt tới tương lai tốt đẹp hơn. Vì phục vụ đòi hỏi mỗi người biểu lộ tình yêu thương giữa người với người mà không nhuốm màu ích kỷ và hoàn toàn vô vị lợi.

 

Như thế, Đức Giêsu chính là hình ảnh khuôn mẫu, là ngọn nến thần linh đã đến với thế gian đầy thương tích tỗi lỗi. Ngài chấp nhận hiến mình hi sinh, chấp nhận tự hủy qua việc phục vụ sống như người trần thế. Cả cuộc đời Đức Giêsu là cuộc ‘thí mạng’ vì người khác (Mt 20,28; Mc 10,45; Ga 10,11), và Ngài thực sự phục vụ kẻ khác bằng cái chết khổ đau, như lời George MacLeod đã nói: “Đức Giêsu không bị đóng đinh trong nhà thờ, giữa hai ngọn nến, nhưng trên thập giá giữa hai tên cướp, trên núi rác, ... tại nơi những tên vô lại dối trá, kẻ cắp văng tục, chửi thề và lính tráng bài bạc... Đó là nơi mà Chúa muốn mỗi người chúng ta phải tìm đến, và đó là nơi cần phải có chúng ta hiện diện”. Đó chính là sứ mạng như thánh Phaolô tông đồ khẳng định: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa mà có chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14,7-9). Amen.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á