Suy niệm

Chúa Nhật XXXI TN, A, Mt 23,1-12: Đừng như kinh sư và người Pharisêu

Các kinh sư và người Pharisêu nói những bài nói đạo đức, nhưng không bước đi trên con đường đạo đức. Họ trình bày những nguyên tắc sống đạo, nhưng lại không sống đạo. Họ nói thánh nhưng không sống thánh. Họ thích đứng nơi công cộng để được chú ý và được kính trọng, nhưng lại không có những tư cách xứng đáng để được kính trọng. Họ thích được ngồi bàn trên và chỗ danh dự, thích được gọi là thầy, nhưng lại không có tư cách của một vị thầy .

 

 

 

ĐỪNG NHƯ KINH SƯ VÀ NGƯỜI PHARISÊU

(Mt 23,1-12)

 

Tùng Linh

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm A hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta biết về giáo huấn của Chúa Giêsu đối với dân chúng nói chung và với các môn đệ nói riêng. Mở đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của mình và dân chúng đừng bắt chước những gì các kinh sư và người Pharisêu làm, nhưng hãy nghe những giáo huấn của họ. Sau đó, Chúa Giêsu lại dạy cho các môn đệ tinh thần phục vụ.

 

Chúa Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ rằng: Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ thích chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘rápbi’”. Họ bó những gánh nặng: “gánh nặng” đây là những bó buộc về lương tâm mà các kinh sư áp đặt cho dân chúng do những giải thích Kinh Thánh của họ[1].

 

Hộp kinh là những hộp vuông nhỏ bằng da bê đen chứa những giải giấy da bê trên đó có chép bốn bản Kinh Thánh: Đnl 11,13-22; 6,4-9; Xh 13,11-16; 13,2-10[2].

 

Tua áo là những núm tua bằng len hoặc lụa mà luật dạy đeo ở bốn góc áo choàng như một lời thường xuyên nhắc nhớ đến các giới răn của Thiên Chúa phải thi hành. Người Pharisêu nối dài các tua này vì khoe khoang[3].

 

Ghế đầu trong hội đường: các ghế này quay lưng lại với hòm bia luật và đối diện với công chúng[4].

 

Ưa được chào hỏi: Qui luật truyền thống kinh sư buộc “một người phải chào người thông hiểu luật hơn mình” có nghĩa là thích được ở trên kẻ khác[5].

 

Kinh sư cũng được gọi như là các ký lục, người chuyên ghi chép các lời Chúa truyền và có nhiệm vụ công bố giảng dạy. Vì thế, các kinh sư buộc phải có kiến thức sâu rộng về lề luật, ngôn ngữ pháp lý, cách giải thích luật…các ông được đào tạo để soạn thảo và viết luật. Công việc của các kinh sư được người ta rất kính trọng[6].

 

Pharisêu có nghĩa là một người tách biệt, một người ly khai. Đây là một nhóm người hoạt động dưới thời Macabe cho đến khi đế chế Hy Lạp trao lại toàn quyền cai trị cho người Do Thái, sau năm 165 tCN. Đây là nhóm người trí thức thượng lưu, họ được kính trọng vì là thành phần lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Họ tuân thủ rất nghiêm ngặt luật của Thiên Chúa và có khả năng giải thích luật, nắm một quyền lực to lớn để áp đặt luật pháp lên trên dân chúng. Họ giải thích luật một cách cực đoan và gây ra những cuộc cãi vã gay gắt[7].

 

Theo các nhà chú giải, Chúa Giêsu không lên án những kinh sư và người Pharisêu, nhưng Ngài muốn qua đó dạy cho các môn đệ không nên sống hai mặt như họ[8].

 

Thật vậy, họ giải thích chi tiết các luật lệ, có tới 613 khoản, gồm 248 lệnh truyền và 365 lệnh cấm. Tuân giữ bấy nhiêu khoản luật là một gánh nặng không ai mang nổi nhưng họ bắt mọi người phải tuân giữ trong khi họ không động vào một ngón tay. Họ đeo hộp kinh cho thật to để mọi người thấy họ là người đạo đức. Họ huênh hoang đi trên đường và muốn cho mọi người phải chào hỏi họ. Họ muốn chỗ nhất trong các bữa tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường.

 

Họ nói những bài nói đạo đức, nhưng không bước đi trên con đường đạo đức. Họ trình bày những nguyên tắc sống đạo, nhưng lại không sống đạo. Họ nói thánh nhưng không sống thánh. Họ thích đứng nơi công cộng để được chú ý và được kính trọng, nhưng lại không có những tư cách xứng đáng để được kính trọng. Họ thích được ngồi bàn trên và chỗ danh dự, thích được gọi là thầy, nhưng lại không có tư cách của một vị thầy[9].

 

Họ là những người có thẩm quyền giải thích luật, họ nhấn mạnh luật lệ từng chữ, từng tiếng và họ khắt khe đòi hỏi mọi người phải tuân giữ, nhưng chính họ thì lại không áp dụng cho chính mình. Như thế, họ nói mà không làm, hoặc tệ hơn nữa, họ nói một đàng làm một nẻo, như thánh Phaolô nói: “Ngươi giáo dục kẻ khác mà không giáo dục mình. Ngươi hãnh diện về lề luật mà chính ngươi lại lỗi luật”, nghĩa là ngôn ngữ và hành vi của họ mâu thuẫn nhau, lý thuyết và thực hành của họ bất nhất[10].

 

Sau khi nêu ra hàng loạt gương xấu của những kinh sư và người Pharisêu, Chúa Giêsu lại nhắn nhủ các môn đệ mình, Ngài nói: Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là ‘rápbi’, nghĩa là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”

 

Khi đọc lại bài Tin Mừng, nghe những lời nhận xét của Chúa Giêsu đối với kinh sư và người Pharisêu, tôi thấy dường như Chúa cũng muốn nói đến tôi, đến sự lười biếng của tôi, nói mà không làm, tôi chỉ đốc thúc người khác làm nhưng tôi không buồn động một ngón tay vào. Thành quả của một tập thể nhưng tôi tự nhận là chính của tôi. Tôi luôn huênh hoang tự đắc cho mình là giỏi giang nhưng thực chất bên trong trống rỗng: “thùng rỗng kêu to”. Trong những đám tiệc thích được người khác mời, không mời thì tỏ ra buồn phiền, trong bữa tiệc lúc nào cũng tỏ ra cho người ta thấy mình là người quan trọng. Ưa được chào hỏi nơi công cộng, thích được người khác gọi là thầy, thích làm ông này bà nọ.

 

Tin Mừng hôm nay thật sự đang chất vấn tôi và mọi người. Chúng ta khoan vội trách móc những kinh sư và người Pharisêu. Lời Chúa hôm nay muốn biến đổi chúng ta. Chúng ta phải xác tín rằng chúng ta chỉ có một vị lãnh đạo thôi, giữa chúng ta tất cả là anh em với nhau và người lớn hơn phải là người phục vụ, chính Chúa Giêsu đã dạy dỗ như thế. Có như vậy chúng ta mới thực sự là chứng nhân sống động của Đức Giêsu Kitô, một Thiên Chúa hạ mình xuống để nâng loài người lên.

 

Lạy Chúa, Luật pháp Ngài, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại! Mọi nẻo đường tà, chân con chẳng bước, cốt làm sao giữ được lời Ngài. Con chẳng lìa xa điều Ngài quyết định, bởi chính Ngài chỉ giáo cho con. Con cảm thấy lời Ngài đã hứa ngọt ngào hơn mật ong trong miệng. Con thành người sáng suốt nhờ huấn lệnh Ngài ban (Tv 119, 97.101-104).

 

 

 

 

[1] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, p. 382.

[2] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, p. 382.

[3] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, p. 383.

[4] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, p. 383.

[5] Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, p. 383.

[6] Youtube/@tonggiaophansaigon

[7] Youtube/@tonggiaophansaigon

[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tin Mừng Chúa Nhật Năm A, p. 304

Thiết kế Web : Châu Á