Suy niệm
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Óc bè phái và tính độc quyền
ÓC BÈ PHÁI VÀ TÍNH ĐỘC QUYỀN
(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-78)
Luân An
Không biết tự bao giờ khuynh hướng độc quyền, độc tôn nơi con người được hình thành. Chỉ biết là ở thời đại hôm nay, khuynh hướng đó dường như được đề cao và được biểu lộ một cách mạnh mẽ. Những cụm từ như thương hiệu nước hoa độc quyền, thương hiệu xe hơi độc quyền, thương hiệu bánh kẹo độc quyền…có thể nhìn thấy khắp nơi. Hai chữ “độc quyền” xem ra rất cao cả vì chính nó sẽ bảo vệ một doanh nghiệp, một cơ sở nào đó trong việc chiếm lĩnh thị trường trên phương diện thương mại. Tuy nhiên cũng với hai chữ “độc quyền”, nhiều khi người ta có thể kiện cáo nhau ra tòa dẫn đến việc tán gia bại sản, mất tình bạn bè, nuôi hận thù với nhau suốt cuộc đời. Trong cuộc sống, khuynh hướng óc bè phái, tính độc quyền tưởng chừng nó chỉ dừng lại ở lĩnh vực vật chất, tuy nhiên ở đâu đó chúng ta thấy nó cũng đã len lỏi vào cả trong lãnh vực tinh thần và tâm linh nữa.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ. Tin Mừng kể: “Khi ấy, ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Theo Thánh Kinh, Gioan là môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Phải chăng ông vịn cớ sự thân tín này để tự mình đứng ra bảo vệ sự “Độc Quyền” cho thầy mình? Nhưng, thật bất ngờ trước sự hăng say của mình, Thầy đã trả lời: “Đừng ngăn cản người ta làm gì! Vì không có ai nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta cũng thấy một hình ảnh tương tự, khi ông Giôsuê muốn dành độc quyền nói tiên tri cho nhóm mình, đã xin Môsê ngăn cản hai ông Elđát và Mêđát nói tiên tri. Nhưng ông Môsê cũng đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều làm ngôn sứ!”
Cả hai câu trả lời thật đáng giá, vì một mặt trực tiếp lên án những tấm lòng hẹp hòi, những khối óc cục bộ, ích kỷ cá nhân, và mặt khác cho thấy ý định của Thiên Chúa khác xa ý định của con người. Hẳn thật, làm sao người ta có thể nói tiên tri, có thể trừ quỷ, nếu Thiên Chúa, không ban cho họ quyền năng ấy.
Thái độ khép kín, mang màu sắc độc quyền phe nhóm và cục bộ của Giôsuê và của Gioan phải chăng là phản ảnh của con người nói chung? Qua dòng lịch sử cũng như qua chính cuộc sống từng ngày nơi mỗi người, hình thức này hay hình thức khác, chúng ta vẫn nhìn thấy sự ích kỷ và hẹp hòi được thể hiện cách nào đó trong cuộc sống. Thái độ này không đúng với tinh thần cởi mở của Thiên Chúa, bởi ý định của Thiên Chúa là muốn cho mọi người được nhận biết Ngài: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Bởi vậy, bất cứ ai cộng tác với Thiên Chúa để làm cho nước ấy được lớn mạnh, đều thuộc về Thiên Chúa, dẫu người ấy là ai, hay thuộc tôn giáo nào.
Nhìn lại suốt dòng lịch sử của Giáo hội, ta thấy đã có quá nhiều biến cố đau thương làm cho những trang sử của Giáo hội mất đi vẻ trong sáng. Trong những trang sử đó, ta thấy con người luôn bị cám dỗ áp đặt cho chính Thiên Chúa những suy nghĩ hẹp hòi của chính mình. Và rồi Công Đồng Vatican II đã đánh dấu một trang sử mới của Giáo hội về chính mình, về thế giới, về những tôn giáo khác, về những người không tin. Bản tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate) là một ví dụ. Ở đây, Giáo hội không còn khép kín, bảo thủ hay lên án, khinh thường miệt thị các tôn giáo cũng như những người khác nữa, mà là một thái độ trân trọng thực sự và đối thoại chân thành. Từ thái độ tự cao tự đại, tưởng mình độc quyền chân lý chuyển sang thái độ khiêm tốn biết giới hạn chính mình, đồng thời nhìn ra cái chân, cái thiện, cái mỹ nơi người khác, nơi các dân tộc khác, trong các nền văn hoá khác.
Môsê đã dạy cho Giôsuê một bài học. Đức Giêsu đã dạy cho Gioan một bài học. Giáo hội đã nhận ra sự khép kín của mình và đã thay đổi bằng cách mở ra với thế giới, với mọi người. Phần chúng ta, khi nghe lời Chúa của ngày hôm nay, chúng ta có thái độ nào?
Thiết nghĩ, là những người sống theo giáo huấn của Đức Kitô, chúng ta phải có trái tim rộng lớn, cởi mở như Thầy mình, sẵn sàng giang rộng vòng tay đón nhận mọi người, đồng thời hợp tác với mọi người và mời gọi mọi người cộng tác vào những việc tốt, việc hữu ích cho con người, cho xã hội, không hạn chế, không loại trừ hay cấm cản ai, nhất là những người thành tâm thiện chí. Có như vậy thì nước Thiên chúa mới ngày một lan rộng, và cuộc sống con người sẽ ngày một tốt đẹp hơn.
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sống yêu thương chia sẻ (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Đánh đổi gì để lấy Nước Trời (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sự sống đời đời (12/10)
-
Thứ Ba, Tuần XXVII TN, B, Lc 10,38-42: Mácta và Maria (07/10)
-
Chúa Nhật XXVII TN, B, Mc 10,2-16: Hôn nhân bất khả phân ly (04/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Giáo huấn của Chúa Giêsu (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Đừng gây gương xấu cho người khác (28/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ (21/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Đấng Messia - Đấng Phục Vụ (21/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Yêu thương phục vụ (21/09)