Suy niệm

Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Giáo huấn của Chúa Giêsu

Giá trị Tin Mừng đã đặt các môn đệ vào tình huống bắt buộc phải chọn lựa. Những chọn lựa này thật đau đớn vì nó phá vỡ những thói quen, những định kiến của con người.

 

 

 

GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU

(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48)

 

M. Pet. Dũng Nguyễn Đình Khi

 

Bài Tin Mừng của Mác-cô hôm nay khá ngắn nhưng lại chứa tới 4 bài giáo huấn của Chúa Giêsu. Văn phong của Mác-cô ngắn gọn, súc tích nhưng lại đặt 4 vấn đề liên tục, dồn dập và thay đổi đề tài đột ngột làm cho người nghe rất khó nắm bắt.

 

Bốn bài giáo huấn này của Đức Giêsu là SỰ ĐỤNG CHẠM giữa các giá trị. Giá trị của con người và giá trị của Tin Mừng, và hai giá trị này đi ngược lại nhau gây nên những căng thẳng. Cụ thể:

 

Bài giáo huấn thứ nhất: Chống lại thói ghen tương, đố kị, bè phái

 

Bài giáo huấn thứ hai: Chống lại sự tham lam, ích kỉ và lòng dạ hẹp hòi

 

Bài giáo huấn thứ ba: Chống lại gương mù

 

Bài giáo huấn thứ tư: Chống lại thói “hai mặt”

 

Giá trị Tin Mừng đã đặt các môn đệ vào tình huống bắt buộc phải chọn lựa. Những chọn lựa này thật đau đớn vì nó phá vỡ những thói quen, những định kiến của con người.

 

Trong bài giáo huấn thứ nhất, Chúa Giêsu dạy Gioan về cách đối nhân xử thế chống lại sự ghen tị, óc phe nhóm. Cụ thể, khi Gioan gặp Chúa Giêsu và nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỉ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Gioan nói câu này, có lẽ ông không có ý hỏi Thầy là liệu chúng con làm thế có đúng không, nhưng thực chất, Gioan khó chịu về việc đó, và có thể Gioan tưởng mình làm đúng muốn tự hào dâng công với Chúa.

 

Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu làm cho Gioan ngạc nhiên, nó như một gáo nước lạnh dội vào sự tự mãn của ông: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ…Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Hóa ra việc làm của Gioan không đúng với quan điểm của Chúa Giêsu và Người đưa ra nhận định: Tuy họ không theo chúng ta nhưng việc trừ quỉ của họ là đúng.

 

Trở lại câu khoe thành tích của Gioan, có lẽ ông nghĩ rằng quyền trừ quỉ là “độc quyền” của những ai theo Chúa. Còn những người không thuộc về Chúa Giêsu thì không được phép làm vì không chính danh, vì không thuộc “phe ta”. Nghĩ vậy, nên ông nảy sinh những ý nghĩ rất con người, từ đó sinh ra óc phe nhóm, bè phái, thói đố kị, ghen tương.

 

Ý kiến của Chúa Giêsu đi ngược lại nhận thức của Gioan, điều đó cho thấy Chúa Giêsu đứng về lẽ phải chứ không ghen tương mù quáng. Đồng thời muốn ông xóa bỏ tính đố kị. Nhờ đó Gioan và cả chúng ta nữa mới xứng đáng là những người theo Chúa.

 

Tương tự như vậy, trong bài đọc 1, sách Dân số miêu tả ông Giô-suê cũng ghen tương với hai người khác khi các ông này phát ngôn trong Trại. Ông Giô-suê chạy đến nói với Mô-sê rằng hãy ngăn cản họ, không cho họ nói tiên tri. Ông Mô-sê thay vì bênh người “nhà mình” thì trái lại mắng ông Giô-suê rằng: Anh ghen giùm tôi à? Mô-sê cũng đứng về lẽ phải như Chúa Giêsu.

 

Từ hai câu chuyện này, Chúa Giêsu và Mô-sê dạy chúng ta một bài học là: Hãy bỏ cái tôi nhỏ nhen, ích kỉ, hay ghen tương của con người, nhưng hãy can đảm và cao thượng đứng về cái đúng, sự công bằng, nhất là tập cho chúng ta cái nhìn của Chúa Giêsu về cuộc đời, lúc đó chúng ta mới xứng danh là người theo Chúa.

 

Trong bài giáo huấn thứ hai, Đức Giêsu nói: “Ai cho anh em uống một chén nước, vì lẽ anh thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần phưởng đâu”. Những lời nhắn nhủ này của Chúa Giêsu có tính hiện sinh rõ ràng: những người thuộc về Ta, là môn đệ của Thầy thì phải có tình thương với người khác, tình thương ấy phải được thực tế và bằng hành động cụ thể. Đã là người theo Chúa, đã thấm nhuần tình yêu từ Thầy mình, thì tình yêu ấy phải được thi hành, hệ tại không phải cho bao nhiêu, nhưng là thái độ sẵn sàng ban tặng. Vì Đức Giêsu đã đến thiết lập một điều răn mới là: “Các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).

 

Cho dù một chén nước quá nhỏ bé nhưng được cho đi với tư cách là người của “Điều Răn Mới”, nghĩa là tình thương của Chúa đang được thao diễn nơi người ban tặng thì người ấy xứng danh là môn đệ Thầy và đáng được thưởng công.

 

Từ đây Đức Giêsu muốn dạy mọi người rằng: Hãy làm mọi việc vì động cơ yêu mến, cụ thể hơn hãy sẵn sàng ban tặng những mình có cho kẻ khác, cho đi để nhận được phần thưởng gấp bội là Nước Trời, thì việc cho đi ấy rốt cuộc lại là cho chính mình. Một việc làm bình thường nhưng với tình thương thì việc làm ấy trở lên có giá trị phi thường. Và cuối cùng Nước Thiên Chúa là của những ai biết chọn lựa yêu thương, chia sẻ. Hơn nữa Nước Trời là phần thưởng quí giá nhất. Chẳng có nỗ lực hay hy sinh nào được coi là quá đáng để đoạt được tài sản ấy (Mt 6,33; 13,44-46).

 

Trong bài đọc hai, Gia-cô-bê đã lên án những người giàu có nhưng keo kiệt, không những thế họ còn đi ăn cắp của người khác về cho mình giàu thêm, họ hưởng thụ lối sống xa hoa, trụy lạc, giết chết những người đạo đức. Nhưng những ngày tàn của họ đang đến, tai họa sẽ giáng xuống đầu họ. Gia-cô-bê đã lên án họ và cho họ thấy họ tự chuốc họa vào thân và tự chọn cái chết.

 

Kế đến, Mác-cô đã trình bày giáo huấn thứ ba của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Tuy thông điệp của Chúa rất dễ hiểu và rành mạch nhưng độ ám chỉ rất cao. Những người làm cho người khác sa ngã có thể là những người: làm gương xấu, người dụ dỗ, lôi kéo kẻ khác, hoặc tệ hơn những kẻ ép buộc người khác làm theo mình. Nhưng trong bài giáo huấn này được hiểu đa số cho những người làm gương xấu, nhất là những người có thế giá, người có địa vị, có uy tín, có quyền thế…tuy họ không dụ dỗ hay ép buộc nhưng đã làm cho những người bé mọn khác phải theo. Chẳng hạn trong gia đình, bố mẹ có uy thế chuyên làm điều xấu, những đứa con nhỏ chưa biết nhận thức đúng sai, chúng sẽ bắt chước làm theo cha mẹ, điều đó gây ra những hậu quả vô cùng tai hại. Những người làm gương mù cho kẻ khác là một tội ác, vì nó đã phá hủy cuộc đời của họ.

 

Vậy bài học rút ra là: mỗi người cố gắng làm gương sáng cho những kẻ bé mọn, đó là cách tốt nhất để giáo dục họ, đồng thời cũng cứu được cả hai sinh mạng: chính mình và tha nhân.

 

Tóm lại, trong ba bài giáo huấn trên đây của Đức Giêsu là những lời rất thẳng thắn, rất rõ ràng, chúng ta có thể hiểu ngay và chuyển ngay sang áp dụng vào đời sống thực tế của mình. Chúng ta có thể hiểu sát nghĩa và đem ra thực hành.

 

Những lời dạy dỗ trên đây của Đức Giêsu trở thành tiêu chuẩn tối thượng để chúng ta qui chiếu vào đó những hành vi của mình.

 

Còn bài giáo huấn thứ bốn, chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen và đem ra thực hành ngay được. Các kiểu nói: nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi, là những kiểu nói phóng đại và có tính ẩn dụ rất cao. Nhưng với kiểu nói này của Đức Giêsu giúp con người nhận ra các yêu cầu của Chúa luôn có sự chọn lựa triệt để, dứt khoát, vô điều kiện. Các thông điệp này đặt ra những thách thức không nhỏ cho các môn đệ. Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen vì chắc chắn Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải chặt tay, chặt chân hay móc mắt. Nhưng Chúa đòi chúng ta có một sự lựa chọn không khoan nhượng giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thiện và sự ác, giữa Thiên Chúa và thế gian, giữa Thiên Đàng và Hỏa Ngục. Thậm chí Chúa còn yêu cầu con người đạt tới một sự hoàn thiện siêu việt.

 

Tuy nhiên, trong thực tế không ai có thể tự tin rằng mình sẽ thực hiện mệnh lệnh này của Chúa một cách dễ dàng, tới mức không còn gì để làm nữa. Điều quan trọng là Chúa cần mỗi người có thiện chí, nỗ lực hết khả năng của mình, còn lại Chúa sẽ giúp sức. Thánh Phaolô đã diễn tả thật hay thái độ của một người sau khi đã cố gắng thực thi mệnh lệnh của Thiên Chúa như sau: Tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu(Pl 3,13t).

 

Từ bài giáo huấn này của Chúa Giêsu chúng ta có thể tự nhắc nhở mình rút ra những kinh nghiệm thực tế: Khả năng của con người có giới hạn, từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách rất xa, con người lại hay thay đổi, hay hướng về điều xấu. Cho dẫu có sự chọn lựa rồi nhưng nhiều khi lại phản bội, thiếu trung thành, thiếu chung thủy. Nói lên tình trạng “xung đột nội tâm” bi đát này của con người, thánh Phaolô tông đồ đã nói trong thư gửi tín hữu Rôma: Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làmvà thánh Phaolô nói tiếp:Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,14.19).

 

Lạy Chúa, chúng con không quá bi quan về con người, nhưng những yếu đuối thì rất nhiều, chúng con nhận ra thực trạng của chúng con để xin Ngài giúp chúng con chọn lựa đúng và thực hành tốt như những điều Chúa mong ước.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á