Suy niệm
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Đấng Messia - Đấng Phục Vụ
ĐẤNG MESSIA – ĐẤNG PHỤC VỤ
(Mc 9,30-37)
Tùng Linh
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật 24 Thường niên, năm B, khi Chúa Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” (Mc 8,29), chúng ta thấy thánh Phêrô đã mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình rằng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Trong mắt Phêrô, Đức Giêsu là Đấng Messia, Đấng Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại tuyên bố với các ông: “Con Người sẽ bị bắt, bị trao nộp vào tay Thượng Tế, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mc 9,31). Thử hỏi, các tông đồ có đón nhận điều đó không? Chắc hẳn các ông không đón nhận điều đó nên mới xảy đến chuyện tranh cãi ai là người lớn nhất.
Đây là lần thứ hai, Đức Giêsu nói đến cuộc thương khó và phục sinh của Người. Người tuyên báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Khi giải thích về câu này, cha Vũ Phan Long có viết: “Thiên Chúa sẽ nộp Con Người vào tay loài người”, không phải là sự gian ác đang hoành hành và thắng thế, nhưng là chính chương trình của Thiên Chúa đang được thực thi xuyên qua sự ngang trái (x. Ga 3,16; Rm 8,32)! Đức Giêsu ý thức Người đang đi vào cuộc Khổ Nạn như biến cố trung tâm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa[1].
Nhưng các tông đồ không hiểu hay nói đúng hơn các ông không muốn hiểu, dửng dưng, thờ ơ vì các ông mang lý tưởng Do Thái quá nặng nề, và tư tưởng phàm tục quá lớn. Đấng Messia trong mắt các tông đồ phải là Đấng Messia chiến thắng, Đấng Messia vua, Đấng đến giải thoát dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do Thái được hùng cường, bá chủ hoàn cầu. Cho nên các ông đã chuẩn bị cho mình mỗi người một cái ghế. Giacôbê và Gioan được mẹ đến xin Đức Giêsu cho hai con của bà hai cái ghế gần Chúa nhất: “Một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả thầy”. Các môn đệ khác thì bất mãn với hai ông về chuyện đó.
Thánh Marcô thuật lại, dọc đường các ông tranh luận với nhau ai là người lớn nhất. Đức Giêsu buồn rầu không nói gì. Ngài đang nói đến cuộc khổ nạn của Ngài sắp đến, thì các môn đệ không quan tâm, không chia sẻ. Ngược lại, họ lại tranh luận về vị trí trong vương quốc Giêsu.
Về đến nhà, lúc này chỉ còn lại Đức Giêsu và các môn đệ. Ngài đã ôn tồn dạy bảo họ. Ai làm lớn phải là người phục vụ. Người làm lớn trong vương quốc Giêsu phải là người phục vụ. Phục vụ và hiến dâng mạng sống mình. Đức Giêsu nói: “Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,25-27). Đức Giêsu đã lấy Ngài làm gương sáng cho các môn đệ. Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Quyền bính phải gắn liền với phục vụ, và hiến dâng mạng sống mình. Chúng ta không được xem mình ở trên người khác; chúng ta cần phải khiêm tốn để sống theo giáo huấn của Đức Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và là Đấng đã đến, không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại[2]: “Người để lại mẫu gương cho chúng ta dõi bước theo, vì Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà không hề ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công minh” (1Pr 2,21-23).
Để minh họa cụ thể sự khiêm hạ, yêu thương và phục vụ của người lãnh đạo, Đức Giêsu đặt một em bé vào giữa các tông đồ, ôm lấy nó và nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37).
“Trẻ nhỏ” ở đây được xem là những người không quan trọng, không đáng kể, không cần lưu ý; những người nghèo hèn, tàn tật, bị bỏ rơi. Ðức Giêsu muốn hòa đồng với những con người bất hạnh ấy, để khi đón tiếp họ, chúng ta hoàn toàn vô vị lợi, vì không mong chờ sự đáp trả của những kẻ khốn khổ ấy. Cha Vũ Phan Long viết: “Với ví dụ về em bé, Đức Giesu muốn cho các môn đệ thấy rằng các ông phải phục vụ cả những người thấp bé cùng rốt nhất. Người đã thiết lập một tiêu chuẩn tổng quát để phân biệt điều thật sự quan trọng và đúng đắn trong đời sống và trong lối cư xử của con người”[3].
Thay vì cao vọng thống trị người khác, Ngài dạy họ phục vụ người khác. Thay vì cao vọng muốn người khác hầu hạ mình, Ngài dạy họ biết hầu hạ người khác. Như thế điều Ngài lên án không phải là cao vọng mà là cao vọng sai.
Tin mừng hôm nay dạy chúng ta hai điều. Thứ nhất đừng thờ ơ, dửng dưng trước những hoàn cảnh khổ đau của người khác như các tông đồ đã thờ ơ trước lời tuyên báo của Đức Giêsu. Thứ hai, biết dùng quyền bính để phục vụ mọi người. Người phục vụ phải là người như thánh Phaolô nói: Là người vì người khác mà bị dồn ép tư bề, là người bị ngược đãi, là người bị quật ngã. Quyền bính là như thế, phải là người đứng mũi chịu sào chứ không phải là người thống trị người khác, là người cai quản người khác.
[1] FX Vũ Phan Long OFM, Các bài Tin Mừng Maccô dùng trong Phụng Vụ, Nxb Đồng Nai, tr. 227.
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sống yêu thương chia sẻ (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Đánh đổi gì để lấy Nước Trời (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sự sống đời đời (12/10)
-
Thứ Ba, Tuần XXVII TN, B, Lc 10,38-42: Mácta và Maria (07/10)
-
Chúa Nhật XXVII TN, B, Mc 10,2-16: Hôn nhân bất khả phân ly (04/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Giáo huấn của Chúa Giêsu (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Óc bè phái và tính độc quyền (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Đừng gây gương xấu cho người khác (28/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ (21/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Yêu thương phục vụ (21/09)