Suy niệm

Chúa Nhật XXII TN, B, Mc Mc 7,1-8a.14-15.21-23: Ý hướng bên trong làm nên giá trị việc làm bên ngoài

Mỗi hành động tội lỗi bộc lộ ra bên ngoài đều do một ước muốn, một ý định từ bên trong. Từ những ước muốn và ý định đó, con người tự do chọn lựa trước từ trong lòng. Cuối cùng dẫn đến hành động tội lỗi ở bên ngoài.

 

 

 

Ý HƯỚNG BÊN TRONG LÀM NÊN GIÁ TRỊ VIỆC LÀM BÊN NGOÀI

(Mc 7,1-8a.14-15.21-23)

 

M. Calasanz Sáng

 

Theo kết quả đánh giá Chỉ số thành tích môi trường EPI 2022 (Environmental Performance Index), Đan Mạch là quốc gia sạch nhất thế giới với chỉ số EPI là 77,90/100[1]. Theo chiều hướng này, Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Vệ sinh sạch sẽ là một yếu tố để diễn tả chất lượng cuộc sống. Thế nhưng sự tinh sạch bên trong tâm hồn con người mới là điều đáng quý. Kinh Thánh nhiều lần nói đến vấn đề sạch và dơ trong đời sống con người. Bởi thế, có lần Chúa Giêsu phê phán thái độ giả dối của các kinh sư và nhóm người Pharisêu, họ giữ luật tỉ mỉ từ việc rửa tay cho đến rửa chén bát nhưng bên trong tâm hồn chứa đầy thói tham lam ích kỷ. Bên ngoài họ có vẻ đẹp đẽ như những mồ mả tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa thối nát (x. Mt 23,23-28).

 

Cũng vậy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Điều này cho thấy, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp hoàn hảo, còn những gì xấu xa là do tội lỗi của con người gây ra. Con người bị dục vọng thúc đẩy và kéo ghì xuống. Con người luôn bị điều khiển bởi ước muốn xấu dẫn đến những hành vi xấu như: “Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7, 21-22). Như thế, mỗi hành động tội lỗi bộc lộ ra bên ngoài đều do một ước muốn, một ý định từ bên trong. Từ những ước muốn và ý định đó, con người tự do chọn lựa trước từ trong lòng. Cuối cùng dẫn đến hành động tội lỗi ở bên ngoài. Chẳng hạn, Evà “ước muốn” từ trong lòng, rồi bà tự do “chọn lựa” từ bên trong, cuối cùng bà quyết định “hành động” hái trái cây đó, bất kể lời cảnh báo của Thiên Chúa. Hay như vua Đavít đi bách bộ trên sân thượng trong một ngày đẹp trời thì nhìn thấy bà Bathsheba tắm rồi ước muốn chiếm hữu và đã lập chương trình giết Urigia để lấy bà Bathsheba. Như vậy, một hành động phạm tội luôn luôn có một hành trình: Ước muốn - chọn lựa - hành động.

 

Thế nên, tội lỗi thường phát xuất từ lòng con người, nó làm cho con người mất ân nghĩa với Chúa, mất tương quan tốt đẹp với tha nhân. Bởi vậy, người ta thường nói: “Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn như vậy”. Khi chúng ta nghĩ điều gì, ấp ủ điều gì trong long, chúng ta dễ dàng hành động theo cách chúng ta suy nghĩ. Khi mình yêu mến ai, nghĩ tốt cho ai, mình thường đối xử với người đó một cách dễ dãi, hay nói cách khác là có một tương quan khá dễ chịu. Ngược lại, “ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Khi ta ác cảm với ai ta thường hay bắt bẻ, so đo, tính toán với người đó. Vì vậy, tội lỗi thường xuất phát từ lòng người, đó là cái bên trong làm cho con người ra dơ bẩn. Đó cũng là cái bên trong mà Chúa Giêsu muốn nói đến, cái bên trong hay chúng ta còn gọi là “tâm”. Tâm tốt thì con người tốt và ngược lại tâm xấu làm cho con người cũng có những hành động xấu. Bởi thế, có lần Chúa Giêsu dạy dân chúng: “Đèn thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối” (Lc 11,34).

 

Là Kitô hữu, là tu sĩ, là đan sĩ, chúng ta cần phải “tu tâm dưỡng tính” để ta luôn xuất ra bên ngoài những hành động tốt, đầy tình yêu thương. Cái dơ bẩn bên ngoài thì dễ tẩy rửa, nhưng nếu tâm hồn ta hoen ố vì tội lỗi, vì những đố kỵ, những hiềm khích thì ta khó có thể sửa đổi ngay được. Đôi khi chúng ta chỉ vì những cái lợi nho nhỏ mà làm mất chính mình, làm mất những tương quan tốt đẹp trong đời sống của mình. Sống trong nền kinh tế thị trường hôm nay, người ta thường đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Người ta tìm mọi cách để trục lợi, bất chấp những luân thường đạo lý, nói cách khác là tâm xấu. Vì thế, người ta thường sống trong nghi kỵ, không còn tin vào người khác.

 

 Nhóm Pharisêu và Kinh sư thời Đức Giêsu là nhóm chuyên để ý soi mói, lên án và trách móc người khác. Trong khi chính họ lại không quy hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa mà luôn ảo tưởng, tự mãn với cái đạo đức giả hình của mình. Vì vậy họ thường tìm cách bắt bẻ người khác, chú tâm đến những luật lệ bên ngoài còn chính họ, họ lại không “tu tâm” để chính họ được sạch và bình an. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo chúng ta về những ảnh hưởng của thế gian. Chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng chính cái tâm trong sáng của mình để tất cả những hành động, lời nói của chúng ta là những điều tích cực, mang lại niềm vui và bình an cho người khác.

 

Tóm lại, nhân dịp nhóm Pharisêu và Kinh sư chê trách các Tông đồ không rửa tay khi dùng bữa, Chúa Giêsu muốn dạy cho họ và cho mỗi người chúng ta một bài học: cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào, mà ở trong mà ra. Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ. Thế nên, yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không có giá trị: ý hướng tốt thì việc làm tốt (sạch), ý hướng xấu thì việc làm cũng xấu (dơ bẩn).

 

 


 

[1] x. https://luatminhkhue.vn/quoc-gia-sach-nhat-the-gioi-la-quoc-gia-nao.aspx

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á