Suy niệm

Chúa Nhật XVIII TN, B, Ga 6,24-35: "Ai đến với tôi không hề phải đói, ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ"

Theo trào lưu minh triết Do Thái, như chỉ về mạc khải Thiên Chúa thành lời và giáo huấn thần linh. Rồi giáo huấn ấy được cô đọng trong Lề Luật: bánh nuôi sống Israel là Torah (x. Tl 4,5-8). Theo cách nhìn như thế, độc giả Kitô giáo hiểu bánh bởi trời hoặc ‘bánh sự sống là mạc khải của Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại bởi và trong Đức Giêsu Kitô.

 

 

 

“AI ĐẾN VỚI TÔI KHÔNG HỀ PHẢI ĐÓI,

AI TIN VÀO TÔI, CHẲNG KHÁT BAO GIỜ”

(Ga 6,24-35)

 

M. Gioan TG Ủy

 

Hiện nay, quan tâm hàng đầu của đa số người là bảo đảm của ăn cho hiện tại và tương lai, vì không có lương thực thì sự sống sẽ chấm dứt. Tự thân, con người không có sự sống nơi mình, con người phải không ngừng đón nhận từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống. Nhưng dù sao đi nữa, một ngày kia sự sống sẽ rời khỏi chúng ta vì đã không tìm được lương thực trường tồn[1]. Vì thế từ cổ chí kim, từ đông sang tây, mọi người đều khao khát, tìm cách để no thỏa ước muốn có lương thực trường tồn. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đạt đến tình trạng no thỏa, không còn phải đói phải khát? Con người chỉ thỏa mãn được nỗi ước vọng của mình khi tìm đến, tin và sống đạo lý của Chúa Giêsu và lãnh nhận Thánh Thể. Vì Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta: “Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”  (Ga 6,35).

 

Nhận diện cơn đói đang diễn ra

 

Thánh Phaolô cho biết lòng ham muốn lừa dối con người (x. Ep 4,17-24). Nhưng lòng ham muốn lừa dối con người ra sao? Đó là sự nghi ngờ, không được thỏa mãn, nổi loạn và kêu trách. Những thái độ thụ động, tiêu cực như thế là cuộc sống đói khát triền miên về công việc, vật chất, tinh thần, đạo lý của con người.

 

Lòng ham muốn là sự ham, tham, thèm khát của một ai đó do lý trí bày vẽ ra ước muốn, dục vọng vào một người, một vật hay một công việc nào đó. Con người sẽ không bao giờ thỏa mãn được hết các ước muốn. Bởi khi ước muốn được người này, vật nọ, họ cũng sẽ ước muốn những điều khác nữa. Cho dẫu đạt được nữa thì ở thế gian hữu hạn này cũng không đáp ứng đủ những nhu cầu ham muốn của con người nên con người luôn đói khát.

 

Trình thuật Xuất hành ghi lại, bởi không thỏa mãn những đam mê, những ham muốn về ăn uống trong quá khứ như củ hành, bánh, nồi thịt trong sa mạc, Israel đã nghi ngờ, nổi loạn, kêu trách trực tiếp không chỉ với các ông Môsê, Aharon mà còn với Thiên Chúa nữa (x. Xh 16,2-15). Bởi đâu dân Israel nghi ngờ? Vì lòng ham muốn và bám víu vào quá khứ xa hoa ở Ai Cập, họ mong được thỏa mãn ăn củ hành, củ tỏi, nồi thịt, bánh nướng… Khi đối diện với thử thách, khó khăn, hay một thực tại mới, họ liền nghi ngờ, kêu trách và nổi loạn. Kết cục cũng được toại nguyện, họ được ăn no nê manna và thịt chim cút, nhưng rồi phải chết.

 

Cũng như dân Israel xưa, khi bị lòng ham muốn lừa dối, chúng ta cũng có thể sẽ được thỏa mãn điều ước muốn. Nhưng chỉ bằng lòng thỏa mãn ham muốn ở của cải vật chất, tinh thần ở thế gian như: tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc đẹp, nhưng chúng ta cũng có thể sẽ đánh mất ý nghĩa cuộc đời và sự sống trường tồn.

 

Tìm đến no thỏa trong Chúa

 

Đứng trước những giới hạn của vật chất, tinh thần, chúng ta chỉ còn cách tìm đến và no thỏa trong Chúa Giêsu. Bởi “ai đến với tôi sẽ không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35). Lời minh định của Chúa Giêsu cho chúng ta biết, con ngưởi không hề phải đói khát, khi tin vào đạo lý của Người và đón nhận Thánh Thể[2].

 

No thỏa trong đạo lý của Chúa Giêsu. Ý tưởng bánh bởi trời xuất phát từ câu chuyện Kinh Thánh về ơn ban manna (x. Xh 16, Ds 11…). Theo trào lưu minh triết Do Thái, như chỉ về mạc khải Thiên Chúa thành lời và giáo huấn thần linh. Rồi giáo huấn ấy được cô đọng trong Lề Luật: bánh nuôi sống Israel là Torah (x. Tl 4,5-8). Theo cách nhìn như thế, độc giả Kitô giáo hiểu bánh bởi trời hoặc ‘bánh sự sống là mạc khải của Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại bởi và trong Đức Giêsu Kitô.

 

Các giáo phụ có những cách nhìn khác nhau. Thời cổ, Origene hiểu toàn bộ hai phần diễn từ về bánh (x. Ga 6) theo nghĩa thiêng liêng, các ngài chỉ cho thấy bánh bởi trời là đạo lý mạc khải hay chính Đức Giêsu. Ở thời hiện đại, cha Moloney cũng lấy lại truyền thống các giáo phụ thời đầu, theo phương pháp đọc trình thuật. Toàn bài diễn từ về bánh của Đức Giêsu, liên tục từ (Ga 6,25-58), diễn từ ấy muốn nói về bánh theo đạo lý mạc khải của Đức Giêsu và sau là về chính bản thân Ngài tự hiến trong cái chết làm lương lực nuôi sống thế gian được sống đời đời.

 

Khi dùng từ ăn thịt và uống máu Đức Giêsu chỉ là cách nói cụ thể, tượng hình, theo lối người Phương Đông, bằng chứng là ở (Ga 6,57) Đức Giêsu lại nói “ ai ăn thịt Ta”, đồng nghĩa với ai tin vào Ta, để cho thấy giống hệt như việc ăn uống, nhai, nuốt đồ ăn, thức uống vật chất, tức là lãnh nhận và tin vào đạo lý mạc khải của Ngài, cũng chuyển thành sự sống thần linh thế ấy. Vì thế, thịt (sarx) máu không trực tiếp chỉ về phép Thánh Thể cho bằng nhấn mạnh về đời sống nhập thể (thành xác phàm: sarx egeneto) của Ngôi Lời (x. Ga 1,14) của Con Thiên Chúa, để trở thành lương thực ban sự sống, vì một thân xác thể lý của một con người thật mới có thịt có máu. Lời hứa trong tương lai của Đức Giêsu đã được thực hiện và đạt tới chóp đỉnh: Đức Giêsu sẽ ban bánh cho thế gian được sống, và bánh đó nay là chính thịt máu Ngài qua sự hiến toàn thân trong một cái chết, làm lương thực cho thế gian được sống.

 

Như dân Israel được nuôi bằng manna và Lề luật Thiên Chúa ban, Đức Giêsu sẽ nuôi thế giới bằng chính bản thân Ngài hiến ban cho họ. Manna và Lề luật nuôi dân cũng đã chết, cho nên họ phải tuyệt đối ăn và uống máu của Con Người, tức là tin và lãnh nhận chính bản thân Ngài, mới nhận được sự sống (Ga 6,53-54). Đức Giêsu tự hiến thân mình, bị nghiền nát và máu đổ ra trên thập giá. Đó là sự hiến tặng vĩnh viễn mà Đức Giêsu ban làm lương thực không hư nát, làm cho những ai ăn (ai ăn thịt Ta) sẽ không bao giờ phải đói khát nữa (x. Ga 6,35.55-56).

 

Chính khi tiếp xúc với thịt máu Chúa Giêsu trong cử hành thánh lễ của Hội Thánh, tín hữu được mời gọi làm một quyết định chấp nhận hay từ chối mạc khải Thiên Chúa xảy ra trong cuộc tiếp xúc ấy, và bởi đó, lãnh nhận được hay đánh mất đi sự sống đời đời.

 

Vào cuộc đời với thân phận con người tại thế, dù muốn hay không chúng ta cũng vẫn phải ăn uống để duy trì sự sống, ngoài ra còn có những ước vọng, lòng ham muốn, niềm vui và hạnh phúc nữa. Tuy nhiên, ở thế gian này, con người không thể thỏa nguyện những ước vọng của mình và có thể gây ra những điều tai họa từ ước muốn ấy. Vì thế, Lão Tử cho rằng: “Họa mạc đại ư bất tri túc. Cửu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”[3]Theo nhà hiền triết, không hoạ nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết thế nào là đủ thì sẽ luôn có đủ. Cũng trong cái nhìn như thế, triết gia Erich Fromm cho rằng: “Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thõa mãn”. Đứng trước giới hạn chưa có lời giải đáp cho khao khát của con người, thánh Augustino chân nhận một chân lý sâu xa rằng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để đi tìm Chúa. Tâm hồn con chỉ được nghỉ yên trong Chúa[4]. Chỉ trong Thiên Chúa, qua Ngôi Lời Nhập Thể, con người mới được no thỏa khát vọng không ngừng nghỉ của mình về ý nghĩa cuộc đời, sự sống đời đời. Muốn được thỏa nguyện như thế, chúng ta cần nhận diện ra những cơn đói của lòng ham muốn lừa dối, biết tin và sống theo lời Chúa Giêsu dạy và đón rước Ngài vào tâm hồn để sự sống thần linh của Ngài châu lưu trong thân thể như nhựa sống của thân nho gắn kết với cành nho (x. Ga 15,5 b).

 

 

 

 

[1] x. Bernard Hurault và Louis Hurault, Lời Chúa cho mọi người, Bản dịch Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Nxb Tôn Giáo, tr. 442.

[2] x. Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn,  Đọc Tin Mừng Gioan, Tập III, Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 137-157.

[3] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Ch. 46.

[4]  Thánh Augustino, Tự Thuật, I, 1.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á