Suy niệm

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Người Mục tử hết lòng vì đàn chiên

Thật thú vị, bản văn Tin Mừng hôm nay cho ta thấy càng ngày càng có nhiều người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu và sự thật, tất cả đều được Ngài thương, chữa lành và dạy dỗ. Với ý nghĩa như thế, lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là một phác họa bức chân dung: Đức Giêsu - vị Mục tử tốt lành luôn hết lòng vì đàn chiên.

 

 

 

NGƯỜI MỤC TỬ HẾT LÒNG VÌ ĐÀN CHIÊN

(Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34)

 

Minh Triệu

 

Sau khi các môn đệ được Chúa Giêsu trao sứ vụ tiếp nối công trình của Ngài: giảng dạy, trừ quỷ và chữa lành (x. Mc 6,7-13), bản văn Tin Mừng hôm nay (Mc 6,30-34) kể lại việc các ngài trở về làm bản phúc trình (c. 30). Kết quả truyền giáo tuy không nói rõ nhưng có một sự thật là ngày càng có nhiều người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu (c. 31b). Số người rất đông, đông tới mức, để phục vụ họ, Chúa không còn giờ nghỉ ngơi. Đến như giờ dùng bữa cũng không (c. 31c). Dầu vậy, Chúa vẫn thương dạy dỗ vì họ như bầy chiên không người chăn dắt (c. 34). Họ như bầy chiên không người chăn dắt và Chúa đã hết lòng vì họ là nội dung cốt lõi của bản văn. Vậy với một nội dung như thế lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay muốn nói lên điều gì? Và chúng ta học được gì?

 

Để trả lời, trước hết, ta cần biết rằng, bản văn Tin Mừng hôm nay là phần dẫn nhập cho biến cố Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (Mc 6,34-44). Phần này có gí trị như một lời giới thiệu toàn bộ ngữ cảnh của phép lạ; đặc biệt ẩn chứa trong đó mục đích Chúa làm phép lạ. Khác với Gioan, phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn (x. Ga 6,1-15), là để dẫn bạn đọc đến với mạc khải trung tâm: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Đây là mặc khải vô cùng quan trọng, liên hệ đến sự sống còn nơi mỗi người trong chúng ta nhưng cũng là một mặc khải khó được người Do Thái chấp nhận, bởi với họ, Đức Giêsu là người phàm, mà người phàm thì làm sao có thể cho người ta ăn thịt và uống máu của mình được? Nhưng không ăn thịt và uống máu Con Người thì không thể có sự sống đời đời (x. Ga 6,53). Vậy làm sao để người ta ăn, nhờ đó mà được sống? Các phép lạ, đặc biệt phép lạ hóa bánh ra nhiều phục vụ cho mục tiêu đó.

 

Thật sâu sắc, nhưng với Marcô thì khác. Lý do Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là vì Ngài thương đám đông như bầy chiên không người chăn dắt: “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34a). Bầy chiên không người chăn dắt chắc chắn sẽ bị tản lạc, bị bỏ đói và bị sói dữ ăn thịt. Nếu muốn tồn tại và phát triển, nó cần được quy tụ, bảo vệ và nuôi dưỡng. Và thật thú vị, bản văn Tin Mừng hôm nay cho ta thấy càng ngày càng có nhiều người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu và sự thật, tất cả đều được Ngài thương, chữa lành và dạy dỗ. Với ý nghĩa như thế, lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay là một phác họa bức chân dung: Đức Giêsu - vị Mục tử tốt lành luôn hết lòng vì đàn chiên.

 

Khác với các vị mục tử mà trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Giêrêmia đã lê án: gây chia rẽ và bỏ đói đàn chiên (x. Gr 23,1-2), Đức Giêsu hoàn toàn ngược lại. Ngài đã làm cho lời trong Gr 23,3-5 mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nghe trở nên ứng nghiệm. Cao hơn nữa, Ngài còn là vị mục tử hòa giải và bình an đúng như lời thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai (x. Ep 2,13-18).

 

Chúa yêu chúng ta là thế, thật đúng như lời trong Thánh Thi Kinh Đêm, Thánh Vịnh tuần II đã diễn tả: “Như mục tử từ ái nhân hiền, thương đàn chiên lạc lối ưu phiền, dẫn đưa về trong đồng cỏ xanh bình yên”. Không dừng lại, Chúa còn sai các môn đệ ra đi tiếp nối công trình của Người (x. Mc 6,7-13). Và để công trình của Người phát triển bền vững, Chúa dạy các ngài tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi bên Chúa, để được Chúa thương, dạy dỗ và thêm sức như ta thấy trong Tin Mừng hôm nay hầu có thể ra đi phục vụ lời Chúa, phục vụ anh em mình cách hiệu quả và tốt đẹp.

 

Đừng quên hình ảnh Chúa phục vụ không chút thời giờ để ăn uống nghỉ ngơi là cách thánh sử Marcô muốn làm toát lên tình thương yêu của Chúa, một tình yêu không thể diễn tả bằng lời hơn là dạy chúng ta tinh thần phục vụ trái với luật tự nhiên. Vì như lời cổ nhân đã nói: “Thuận thiên dã tồn, nghịch thiên dã vong”. Thuận theo tự nhiên thì sống, đi ngược lại thì chết. Hãy nhớ luật tự nhiên là do Chúa mà có. Và vì thế, ta không ngạc nhiên khi Chúa mời gọi các môn đệ tìm chỗ thanh vắng nghỉ ngơi (c. 31). Và đây phải là bài học cho mỗi người trong chúng ta: trong hành trình truyền giáo, hành trình tiếp nối công việc của Chúa, mỗi người phải biết trở về bên Chúa để lắng nghe, cầu nguyện và nghỉ ngơi. Việc làm ấy thật sự có giá trị dưỡng sinh to lớn, giúp ta hồi phục sức khỏe thể chất, tinh thần và đạo đức cùng với những giá trị thiêng liêng to lớn để dấn thân phục vụ Chúa và anh em mình cách hiệu quả.

 

Với những ý nghĩa như thế, ước gì lời Chúa hôm nay mãi mãi là tiếng chuông ngân vang trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta, giúp chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành luôn hết lòng vì đàn chiên. Ở bên Ngài chúng ta không còn sợ hãi chi, và không lo thiếu thốn thứ gì. Vì chính Ngài là đường là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6). Đi theo Ngài chúng ta sẽ không bao giờ bị lầm đường lạc lối, trái lại như đàn chiên luôn tìm được đồng cỏ xanh, nguồn suối mát, không ngừng sinh sôi phát triển.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á