Suy niệm
Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực thi lệnh truyền của Chúa
THỰC THI LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA
(Mc 6,7-13)
Hữu Quỳnh
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Giáo hội giới thiệu Đức Kitô là Thiên Chúa đến khai mở mầu nhiệm Nước Trời giữa trần gian và trao ban quyền năng đó cho các môn đệ. Sau khi kêu gọi, giáo huấn các ông, giờ đây, Người sai các ông theo từng nhóm cứ hai người một ra đi loan báo mầu nhiệm Nước Trời. Người ban cho họ quyền trừ quỷ, và chỉ thị không được mang bất cứ thứ gì khi lên đường ngoại trừ cây gậy và đôi dép (x. Mc 6,8-9). Với chỉ thị này Chúa Giêsu muốn giáo huấn cho các môn đệ bài học gì? Ý nghĩa của việc sai đi hai người một gợi lên điều gì?
Ý nghĩa của việc sai đi từng hai người một
Sai đi theo cặp là một cách thức đặc biệt của Đức Giêsu trong Tin Mừng Marcô. C. Cranfield cho rằng “đi theo cặp” phản ánh văn hóa Do Thái. Theo luật Môsê ít nhất phải có hai người chứng, thì điều làm chứng của họ có giá trị pháp lý (Đnl 19,15; Ds 35,30). Theo quan điểm của Donahue - D. Harrington cho rằng Marcô sử dụng ngôn ngữ “pháp đường”, bằng chứng của hai người trở lên mới được coi là hữu hiệu[1].
Chính vì lẽ đó, Chúa Giêsu không sai các môn đi từng người một lẻ loi, đơn độc mà là hai người một. Hai người vừa diễn tả cộng đoàn tính vừa nói lên mối hiệp thông và tình yêu, vừa là lời rao giảng hùng hồn và sống động nhất về Tin Mừng của Chúa[2]. Như vậy, việc làm chứng của hai người có ý nghĩa là làm cho sự thật được sáng tỏ, sự thật về chính Đức Kitô, con Thiên Chúa, đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa chúng ta.
Chúa Giêsu ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ
Sứ vụ Thiên Sai của Chúa Giêsu đến trần gian là rao giảng và chữa lành. Khởi đầu sứ vụ công khai Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15).
Quỷ: Danh từ Hylạp (διάβολος), nghĩa là kẻ vu khống, theo nghĩa Kinh Thánh là những thế lực chống lại Thiên Chúa. Sứ mệnh của Đức Giêsu là tiêu diệt ma quỷ (x. Dt 2,14), xua trừ chúng ra khỏi người bị nhập (x. Mc 5,8.13). Sứ vụ Thiên Sai của Chúa Giêsu khi vào trần gian là đem tình yêu đến cho nhân loại, Ngài khử trừ thần ô uế ám, cho người chết sống lại, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, dẹp yên sóng biển… Khi trao cho các môn đệ năng quyền trừ quỷ vừa nói lên thẩm quyền, vừa diễn tả sứ vụ được sai đi. Điều đó chứng thực rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài dùng quyền năng ấy trao cho các môn đệ, để các ông được thông phần bản tính thần linh khi thi hành sứ vụ.
Các Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng là được chia sẻ sứ vụ, và dấu chỉ của Tin Mừng là Triều Đại Thiên Chúa đang đến. Chính vì thế, Tin Mừng Nước Trời của Đức Giêsu Kitô là Tin Mừng “sự sống” mang lại “Niềm Vui”. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh trong Thông Điệp “Niềm Vui Tin Mừng” (Gaudium Evangelii) và Tông Huấn về Năm Đời Sống Thánh Hiến. Với sự sai đi và với quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu ban cho, các môn đệ và Giáo hội nhận được một sứ mạng mới, sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và sứ mạng trừ khử thần dữ trong thế giới.
Chỉ thị không mang gì khi đi đường ngoại trừ cây gậy và dép
Khi ra chỉ thị cho các môn đệ điều kiện này, ắt hẳn Chúa Giêsu không khắt khe với các tông đồ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhưng Ngài muốn giáo huấn các ông bài học đức tin qua nhân đức khó nghèo. Chúa đặt các ông vào tình thế khó khăn để các ông hoàn toàn tín thác vào lòng Chúa thương xót, và tin tưởng vào lòng tốt của người khác, để họ cảm thấu nỗi thống khổ của người nghèo. Với sự thiếu thốn như thế để các môn đệ khám phá hiệu quả của việc rao giảng Tin Mừng phát xuất từ đâu.
Tiền của, vật chất là những những phương tiện hữu ích giúp con người có đời sống sung túc, làm cho xã hội phát triển, nâng cao phẩm giá qua việc thực thi đức ái. Thế nhưng, nó là vật cản cho đời sống siêu nhiên. Chẳng hạn, anh thanh niên giàu có trong câu chuyện Chúa Giêsu kể (Mt 19,16-22), anh ta khát khao sự sống đời đời làm gia nghiệp, nên đến gặp Chúa Giêsu nhờ tư vấn. Để đạt được sự sống đó Chúa Giêsu chỉ cho anh phải tuân giữ lề luật. Thế nhưng, anh nói rằng lề luật tôi đã tuân giữ từ nhỏ. Vậy, điều quan trọng là anh phải làm là bán tất cả tài sản để thực thi đức ái. Nghe điều kiện này anh ta sa sầm nét mặt vì anh có quá nhiều của cải. Với chỉ thị cho các môn đệ không mang gì khi đi đường không những Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống siêu thoát, mà còn nhấn mạnh đến đức tin và sự khiêm nhường. Đức tin phải gắn liền với hành động và nhân đức. Bởi các ông ra đi loan báo mầu nhiệm Nước Trời đã đến, trong đó người ta cư xử bằng công lý, bằng hoà bình, bằng tình yêu và sự khiêm nhường. Nếu các ông không dám sống với lời công bố thì lời công bố sẽ không có giá trị vì đi ngược với Tin Mừng.
Đức nguyên tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt kinh nghiệm về đời sống mục tử ngài chia sẻ như sau: “Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình. Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa. Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa. Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi. Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa. Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn. Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ. Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả”[3].
Được mang gậy và dép, vì đây là vật bảo vệ và là nhu cầu cơ bản của người môn đệ trên hành trình rao giảng, chứ không phải là để cai trị hay trang điểm. Đặc biệt ở Palestine địa hình núi đồi hiểm trở, mang dép là điều cần thiết. Cây gậy cũng có tác dụng chống đỡ trên những con đường dốc, trơn trượt vì đất, đá. Cây gậy cũng có thể giúp người bộ hành tự vệ trước những thú dữ. J. Donahue - D. Harrington cho rằng tác dụng thực tế của cây gậy là để bảo vệ và hỗ trợ[4].
Là đan sĩ, chúng ta được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng và chữa lành. Lời loan báo của đan sĩ không phải bằng lời nhưng bằng chứng tá của sự hy hãm mình, âm thầm cầu nguyện, chuyên chăm lao động và suy gẫm Lời Chúa. Chữa lành bằng con đường tình yêu, tận tình phục vụ, bác ái với anh em: “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 72,11). Nguyện xin Chúa ban thêm cho đức tin để chúng con can trường làm chứng nhân Tin Mừng và trung tín với ơn gọi.
[1] https://ngoiloivn.net/uncategorized/chu-giai-tin-mung-chua-nhat-xv-tn-b-mc-66b-13/
[2]http://www.giaophanhunghoa.org/vi/suy-niem-suy-tu/cn-va-le-trong/cac-bai-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-15-thuong-nien-b-o81E0
[3] https://www.tonggiaophanhanoi.org/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-xv-thuong-nien-nam-b/
-
Thứ Ba, Tuần II MV, Mt 18,12-14: Bao dung tha thứ (10/12)
-
9/12 - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (07/12)
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, C, Lc 3,1-6: Sám hối - đoạn tuyệt với tội lỗi (07/12)
-
Thứ Sáu, Tuần I Mùa Vọng, Mt 9,27-31: Kiên trì trong đức tin (05/12)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: Tỉnh thức và cầu nguyện (30/11)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện" (30/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: "Tôi là Vua" (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu: Vua sự thật, Vua tình yêu (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu (23/11)