Suy niệm
Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Ngạc nhiên để đi tới niềm tin
NGẠC NHIÊN ĐỂ ĐI TỚI NIỀM TIN
(Mc 6,1-6)
Luân An
Những tháng ngày vừa qua, một sự kiện nổi bật trên các trang mạng xã hội, đó là hình ảnh sư Thích Minh Tuệ đi khất thực từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vào Nam. Sự kiện này thu hút đông đảo quần chúng hướng về thầy. Có kẻ gác lại cuộc sống thường ngày, quấn trên mình tấm vải nâu sồng để bước đi theo thầy; có kẻ đón đợi thầy bên đường để khi thầy đi qua qùy xuống đảnh lễ; có kẻ đợi chờ thầy để mong được bố thí cho thầy bát cơm, chai nước như một chút lòng thành của mình dành cho thầy. Điều gì đã khiến cho bao người tỏ lòng thành kính và yêu mến thầy Minh Tuệ như thế?
Theo cha Phạm Quốc Văn, dường như người ta nhìn thấy nơi thầy Minh Tuệ một sự buông bỏ đến lạ lùng, một sự buông bỏ diễn tả một nỗi khao khát tâm linh. Hẳn thật, những ai đã từng nghe những lời thầy chia sẻ về cuộc sống tu hành của thầy, ít nhiều sẽ cảm nhận được điều đó. Sự kiện thầy Minh Tuệ xuất hiện trong thời gian vừa qua dường như là một “dấu chỉ” làm thức tỉnh tâm hồn bao con người. Tuy nhiên, bên cạnh biết bao người được thức tỉnh thì vẫn còn đó một số rất đông trong quần chúng vẫn thờ ơ, hay có thể nhìn sự kiện đó dưới một lăng kính khác và đi đến dẹp bỏ và cấm đoán.
Tin Mừng Chúa Nhật 14 Thường Niên hôm nay cũng kể lại cho chúng ta sự kiện Đức Giêsu trở về quê hương của Ngài và bị những người đồng hương từ chối và khinh dể: “Khi ấy Đức Giê-su trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày Sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người”.
Họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan và quyền năng làm được các phép lạ nơi Đức Giêsu. Họ ngạc nhiên vì họ quá biết rõ tông tích của Ngài: “Ngài là con bác thợ mộc Giuse và mẹ Ngài là bà Maria, và anh chị em của ông không phải là người cùng làng xóm chúng ta sao?” Từ ngạc nhiên họ đi tới nghi ngờ và có thái độ xem thường Ngài.
Trong cuộc sống nói chung và cách riêng trong triết học, sự ngạc nhiên vốn dĩ rất cần thiết, bởi có ngac nhiên mới dẫn người ta tới sự kiếm tìm, và từ sự tìm kiếm mới dẫn người ta đến sự hiểu biết. Với những người đồng hương của Đức Giêsu thì họ đi từ sự ngạc nhiên đến sự thành kiến nên họ đã không nhận ra Đức Giêsu là Đấng mà họ cần gặp. “Và họ vấp ngã vì Người”. Quả thật, lối suy nghĩ thành kiến đó đã che mất con mắt đức tin, làm cho họ không nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa họ.
Từ Lời Chúa của ngày hôm nay khi soi vào cuộc sống của mỗi chúng ta, chúng ta tự hỏi, thái độ và cách cư xử của những người đồng hương Đức Giêsu đối với Ngài có còn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta hôm nay không? Thiết nghĩ là có, bởi hằng ngày chúng ta tiếp xúc và gặp gỡ Chúa Giêsu qua Lời của Ngài cũng như qua Bí tích Thánh Thể, thế nhưng thử hỏi chúng ta ý thức được bao nhiêu, đã biến đổi chúng ta như thế nào? Hằng ngày chúng ta được chứng kiến bao nhiêu “dấu lạ” trong thiên nhiên, cũng như gặp gỡ bao nhiêu con người, nhưng thử hỏi chúng ta có nhận ra ý Chúa cũng như Đức Giêsu hiện diện nơi mọi người không?
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân trong một ca khúc đã từng viết: “Chúa hiện thân trong người bộ hành lang thang trên đường, rồi hiện thân nơi người ăn xin mang bao nghèo khó. Chúa hiện thân thành người cô đơn nằm trên vỉa hè, rồi hiện thân thành người lỡ bước không nơi nương nhờ”. Quả đúng như tâm tình của Đức Giám mục Ngô Quang Kiệt: “Hằng ngày chùng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nazareth và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta” (ĐGM Ngô Quang Kiệt, Suy niệm Tin mừng CN 18 TN, https://www.giaophanbaria.org).
Óc thành kiến, sự kiêu căng cũng như thiếu lòng tin, thiếu sự khiêm tốn chân thành là những trở ngại lớn trong việc đón nhận Chúa. Tất cả những điều trên cũng là căn bệnh khó trị của con người được đặt trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng mời gọi con người bước vào tương quan thân tình với Ngài. Vì vây, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta loại bỏ những điều đó, để trên hành trình dương thế chúng ta dễ dàng đón nhận Chúa hơn.
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Thấy Đấng Phục Sinh (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết - Biểu tượng của sự sống vĩnh cửu (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Kitô phục sinh mở ra niềm hy vọng mới cho các Kitô hữu (19/04)
-
Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa: Passio Iesu Christi (18/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Yêu đến cùng (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Tôi là ai? (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 19,28-40: Chúa là Vua hiền hậu và khiêm nhường (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Đón nhận thánh ý Thiên Chúa (12/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Trở về với con người thật của mình (05/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Đức Giêsu - Đấng giàu lòng thương xót (05/04)