Suy niệm
Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa
KHÔNG NHẬN RA CHÚA
(Mc 6,1-6)
Tùng Linh
Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài như một ngôi sao sáng chói đã lịm tắt, vì ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc, hấp thụ một nền văn học uyên thâm và đã để lại bao nhiêu công trình lớn lao cho hậu thế, cho Giáo hội.
Cơ Mật Viện đã bầu Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị. Giáo Hoàng này xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với hình dáng mập mạp, quê mùa, chất phát. Người ta bảo, đây chỉ là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp cho một vị Giáo Hoàng khác có tầm cỡ như vị tiền nhiệm của ngài. Nhưng có ngờ đâu con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người. Và nhất là với Công đồng Vaticano II mà ngài đã triệu tập, Giáo Hoàng Gioan XXIII đã trở thành một “siêu sao”của thời đại, trổi vượt hơn các vị tiền nhiệm của mình[1]. Đức Giêsu cũng bị những người đồng hương xem thường như vậy khi Ngài về thăm làng quê Nazareth. Họ biết quá rõ lý lịch của Ngài, biết rõ họ hàng nhà Ngài, nên họ chẳng nhìn nhận Ngài là ai khác hơn là “anh thợ mộc trong làng”.
Tin Mừng (Mc 6,1-6) tường thuật Đức Giêsu về thăm làng quê Nazareth, quê hương của Ngài sau một thời gian rong ruỗi khắp nơi. Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài đã gặt hái những thành công vang dội. Lời giảng thì có uy quyền, giáo lý thì mới lạ, bên cạnh đó Ngài còn làm nhiều phép lạ và chữa cho rất nhiều bệnh nhân được lành bệnh. Danh tiếng của Ngài vang xa khắp vùng Galile và vùng phụ cận (x. Mc 1,16-3,12), chắc hẳn những người ở Nazareth cũng biết điều đó.
Vào ngày Sabat, Đức Giêsu vào Hội đường cùng với các môn đệ. Người ta trao cho Ngài cuộn Sách Thánh, sau khi đọc xong, Ngài cuộn sách lại và bắt đầu giảng dạy. Mọi người đều chăm chú lắng nghe, nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên và tỏ ra rất thán phục những giáo lý Ngài nói, nó khác xa so với những gì họ thường nghe các Kinh sư trước đây. Từ thán phục chuyển sang nghi ngờ. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6,2). “Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3). Đúng như lời Đức thánh cha Phanxicô nói: “Theo những người dân Nazareth này thì Thiên Chúa quá ư vĩ đại nên không thể nào hạ mình nói qua một con người quá ư tầm thường như thế được! Đó là điều không thể chấp nhận của mầu nhiệm Nhập Thể”[2].
Với con mắt người phàm, thêm vào đó là sự thành kiến đố kị, và có cái nhìn quá thiển cận, dân làng Nazareth đã không nhận ra được Đức Giêsu chính là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa.
Dân làng Nazareth không tin Chúa Giêsu nên Ngài đã không làm những phép lạ ở đó như Ngài đã từng làm ở Galile. Ngài chỉ chữa lành một số bệnh nhân tin vào Ngài mà thôi. Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ (Mc 1,6). Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn hiện diện và quan tâm đến con người, cho dù con người có cố tình từ chối Người.
Chúng ta trách những người làng Nazareth thành kiến, kiêu ngạo, thiển cận, kém tin khi không nhìn nhận Đức Giêsu là một vị ngôn sứ, không nhận Ngài là Đấng Messia, là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Chúng ta nhìn lại mình xem, chúng ta có xác tín đức tin của mình vào Chúa Giêsu không, hay chúng ta chỉ sống đức tin của ông bà, cha mẹ chúng ta để lại, hoặc chúng ta sống đức tin của Giáo hội, chúng ta sống đức tin của các vị thánh? Đức thánh cha Phanxicô nói về điều này như sau: “Nhiều người đã được rửa tội sống như thể không có Đức Kitô vậy: người ta lặp lại những cử chỉ và những dấu chỉ đức tin mà không hề có được một sự dính kết thực sự nào với con người Đức Giêsu và với Phúc Âm của Người”[3].
Có khi nào Chúng ta dám trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu dành cho chúng ta: “Con nói Thầy là ai?” (Lc 9,20). Chúng ta có mạnh dạn xác tín trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” không?
Thiết nghĩ chúng ta chưa xác tín và chưa tuyên xưng đức tin của mình đủ vào Chúa Kitô, chúng ta cũng giống như tông đồ Thomas khi ông không tin là Chúa Giêsu đã sống lại. Và chính Chúa đã hiện ra giúp củng cố đức tin của ông: “Hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh Thầy, xỏ bàn tay con vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27).
Tóm lại, như câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã được nói ở trên, có ai ngờ đâu, một con người khiêm tốn, bình dân, giản dị và vui tươi ấy đã thu hút mọi người, và nhất là ngài đã triệu tập Công đồng Vaticano II. Đức Giêsu, một người xuất thân nghèo nàn, nhưng chính Ngài là Con Thiên Chúa. Dân làng Nazareth đã không tin, cũng chẳng đón nhận Chúa Giêsu, nhưng chúng ta phải tin nhận Người. Chúng ta tin và sống bằng đức tin của chính chúng ta chứ không thể sống bằng đức tin của ông bà cha mẹ, của Giáo hội, của các thánh. Chính chúng ta phải là người tìm kiếm Chúa Kitô, chiếm lấy Ngài và yêu mến Ngài. Có như thế, đức tin của chúng ta mới vững mạnh và giúp chúng ta sống trung thành với Chúa và kiên trung mãi cho đến cùng.
-
Thứ Ba, Tuần II MV, Mt 18,12-14: Bao dung tha thứ (10/12)
-
9/12 - Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (07/12)
-
Chúa Nhật II Mùa Vọng, C, Lc 3,1-6: Sám hối - đoạn tuyệt với tội lỗi (07/12)
-
Thứ Sáu, Tuần I Mùa Vọng, Mt 9,27-31: Kiên trì trong đức tin (05/12)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: Tỉnh thức và cầu nguyện (30/11)
-
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Lc 21,25-28.34-36: "Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện" (30/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: "Tôi là Vua" (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu: Vua sự thật, Vua tình yêu (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Chúa Kitô Vua Vũ Trụ (23/11)
-
Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Giêsu (23/11)