Suy niệm

Chúa Nhật XII TN, B, Mc 4,35-41: Ngài là ai?

Bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: Hãy tin cậy vào Chúa và chuyên tâm cầu nguyện, tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Trong chúng ta ai cũng thích một cuộc sống bình dị, sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời không như là mơ, không có một bước lên tiên mà cuộc sống không thiếu những giông tố?

 

 

 

NGÀI LÀ AI?

(Mc 4,35-41)

 

M. Duy Khang

 

Biển nói chung là một vùng nước mặn rộng lớn nối liền với các đại dương, hoặc là các hồ lớn chứa nước mặn mà không có đường thông ra đại dương một cách tự nhiên như biển Caspibiển Chết… Trong Văn hóa Do Thái, tiếng “gió” có nghĩa là “thần trí”. Biểu tượng này thường gặp trong Kinh thánh là những thế lực sự dữ mà Thiên Chúa muốn đánh gục để kế hoạch của Người toàn thắng. Thế lực sự dữ đó chúng ta phải hiểu là có “thần trí xấu”, nghĩa là “Satan” đang tung những ma lực chết chóc để ùa đến tấn công con thuyền đang lênh đênh trên biển hồ, tức là tấn công các môn đệ[1]. Con thuyền tròng trành trước phong ba bão táp, nhưng Đức Giêsu vẫn ung dung ngủ, có lẽ vì Người quá mệt sau một ngày dài làm việc. Hơn nữa, Người muốn chứng tỏ cho các môn đệ biết, Người luôn làm chủ trong mọi tình huống. Như Vịnh gia nói: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9). Chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao các môn đệ cuống cuồng trước phong ba bão táp? Thưa, vì các ông thiếu niềm tin, thiếu sự tin tưởng vào Chúa quan phòng.

 

Cơn sóng gió nổi lên dữ dội, các môn đệ bất lực, không chèo chống nổi, nước tràn vào đầy thuyền và sắp ngập, khi đó Đức Giêsu lại đang nằm ngủ ở đàng lái! Ngài ở chỗ quan trọng nhất vì số phận con thuyền tuỳ ở tay lái[2]. Các môn đệ không biết rằng, Đức Giêsu có quyền năng kiểm soát được gió và biển. Chính đây là điều mặc nhiên khẳng định rằng Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể điều khiển được gió và biển. Làm cho bão tố yên lặng là một dấu chỉ đặc biệt tỏ rõ Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa.

 

Cuồng phong bão táp trong trình thuật của Tin Mừng Marco dùng động từ phimoô, câm đi” được coi như một thú dữ. Động từ này cho chúng ta hiểu rằng: Đức Giêsu đang chứng tỏ Người có thể kiểm soát được gió và biển cùng các mãnh lực của tà thần. “Chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển, lên làn nước biếc, Ngài đập vỡ sọ thuồng luồng. Chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long, vứt nó làm mồi cho thủy quái” (Tv 73,13-14). Thật vậy, sai lầm của các môn đệ là chỉ nghĩ đến mình chứ không sẵn sàng chia sẻ nguy hiểm với nhau và với Đức Giêsu. Đức Giêsu - Đấng quyền phép mà các môn đệ đã từng chứng kiến những phép lạ Ngài đã làm, nhưng khi các ông gặp phong ba bão táp, lại không có lòng tin vào Ngài.

 

“Người thức dậy, ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!”. Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4,39). Đức Giêsu trách các môn đệ: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao”?  Lời trách này rất nặng, nhắm thẳng vào các môn đệ. Phải chăng họ đã đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu? Chứng kiến cảnh Đức Giêsu làm cho sóng gió im lặng, các môn đệ ngạc nhiên nói: “Người này là ai, mà đến cả gió và biển cũng đều tuân lệnh Người” (Mc 4,41). Câu hỏi này cho thấy, tác giả muốn nhấn mạnh thần tính của Đức Giêsu, bởi vì Ngài làm được những việc Thiên Chúa làm. Đồng thời, câu hỏi này của các môn đệ hàm chứa một lời tuyên xưng mặc nhiên rằng Ngài làm được những việc mà truyền thống Cựu Ước thường tiên báo là chỉ Thiên Chúa mới làm được. Thực ra, các môn đệ chỉ hiểu biết về Đức Giêsu theo quan niệm của loài người, chưa có sự xác tín, Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Phép lạ này cho thấy Đức Giêsu chăm sóc các môn đệ của Ngài trong vinh quang của Thiên Chúa quan phòng để họ nhận ra chính Ngài là Đấng Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.

 

Bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: Hãy tin cậy vào Chúa và chuyên tâm cầu nguyện, tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Trong chúng ta ai cũng thích một cuộc sống bình dị, sóng yên biển lặng, xuôi chèo mát mái. Nhưng cuộc đời không như là mơ, không có một bước lên tiên mà cuộc sống không thiếu những giông tố? Có lẽ, trong giông tố, sẽ giúp chúng ta nhận ra chính mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém tin. Ước gì qua giông tố cuộc đời, chúng ta biểu lộ đức tin[3], trông cậy, xin Chúa cứu giúp trong mọi hoàn cảnh để đức tin được lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa. Những phong ba bão táp tượng trưng cho những thử thách và đau buồn mà chúng ta phải chịu đựng và chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta ra khỏi tình trạng kém lòng tin.

 

Văn sĩ Tertullianô nói:Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị sóng gió dập dồn”. Không sao cả, không bị chìm vì có Đức Giêsu luôn đồng hành, dù Ngài có ngủ trong tâm thức nhưng thực ra Ngài vẫn thức để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu Ngài giúp đỡ[4]. Cơn sóng gió cuối cùng chúng ta sẽ gặp, và không có cách nào tránh được, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta đều sẽ phải đương đầu với cái chết; cái chết có thể đến bất ngờ như một trận cuồng phong hay chậm chạp từ từ, vì sinh ra làm người, ai cũng đều phải chết. Nhưng bản chất của người Kitô hữu, “dù sống, dù chết chúng ta đều thuộc về Chúa” (Rm 14,8). Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ và làm cho sóng gió bão táp phải lặng yên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Như Vịnh gia đã nói:

 

“Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ” (Tv 107,29-30).

 

 

 

[1] x. https://www.simonhoadalat.com/Suyniem/BaiGiang/GiangLeChuaNhat/NamB/ThuongNien12.htm

[2] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/chua-nhat-12-thuong-nien-nam-b-mc-4-35-41-28976

[3] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/chua-nhat-12-thuong-nien-nam-b-mc-4-35-41-28976

[4] x. https://tgpsaigon.net/bai-viet/chua-nhat-12-thuong-nien-nam-b-mc-4-35-41-28976

 

 

Thiết kế Web : Châu Á