Suy niệm

Chúa Nhật XII TN, B, Mc 4,35-41: Đức Giêsu là Đấng quyền năng

Người Do Thái cho rằng biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, và biển động là dấu quỷ dữ đang hoành hành. Họ cũng cho rằng chỉ Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển khơi và sự ngông cuồng của sóng cả.

 

 

 

ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG QUYỀN NĂNG

(Mc 4,35-41)

 

M. Ga. Tân Phạm Văn Quang

 

Chuyện kể rằng: Có một con tàu đang hành trình trên biển cả, bỗng nhiên gặp giông bão. Sóng rất lớn và làm con tàu chao đảo. Mọi người lo lắng chạy tới chạy lui kêu cứu. Một hành khách đi ngang qua phòng, thấy cậu thiếu niên, con của viên thuyền trưởng vẫn còn đang say ngủ, không biết gì. Người khách vội lay em dậy và cho biết tàu đang lâm nguy, sắp chìm, em phải lo tìm phao cấp cứu. Em dụi mắt hỏi ngay:

 

- Thế ai đang lái tàu vậy hả bác?

Người hành khách trả lời:

- Cha của cháu.

Nghe thấy thế, em lại tiếp tục nằm xuống, ngủ tiếp một cách bình thản. Người này lấy làm lạ hỏi:

- Tại sao mọi người đang lo lắng, riêng cháu lại có thể bình an mà ngủ được chứ, cháu không sợ sao?

Em hãnh diện trả lời:

- Hễ cha cháu lái tàu, thì chắc chắn con tàu sẽ an toàn, cháu đã trải qua nhiều phen như thế rồi, ba cháu dư sức lo liệu, bác cứ yên tâm đi [1].

 

Tin mừng hôm nay thánh sử Marcô kể câu chuyện rằng: “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy ngăm đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4,35.37-39).

 

Người Do Thái cho rằng biển cả là sào huyệt của quỷ dữ, và biển động là dấu quỷ dữ đang hoành hành. Họ cũng cho rằng chỉ Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới có thể chế ngự được sức mạnh của biển khơi và sự ngông cuồng của sóng cả. Sách Gióp cho biết rằng: “Giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: “Cửa đại dương ai ra tay khép lại, khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu, khi Ta giăng mây làm áo nó mặc, phủ sương mù làm tã che thân? Đường ranh giới của nó chính Ta vạch sẵn, lại đặt vào nơi cửa đóng then cài; rồi Ta phán: ‘Ngươi chỉ tới đây thôi, chứ không được tiến xa hơn nữa, đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!’” (G 38,1.8-11).

 

Vịnh gia cũng cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Chính Thiên Chúa đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng, và cũng chính Người cho sóng đang gầm bỗng nhiên im tiếng (x. Tv 106,29).

 

Các nhà tu đức thường ví đời sống của Giáo hội cũng như đời sống của mỗi Kitô hữu là một con thuyền đang lênh đênh giữa biển khơi. Mặc dù ở giữa biển khơi nhưng con thuyền ấy luôn có Chúa hiện diện và đồng hành.

 

Như cậu bé trong câu chuyện trên, dù gặp giông bão trên biển cả, nhưng cậu luôn luôn an tâm và tin tưởng vào sự hiện diện và vào tay lái của cha cậu mỗi khi đi tàu, bởi cậu đã quen bao phen như thế rồi.

 

Như các môn đệ trên biển hồ Galilê xưa khi gặp giông bão trên biển cả biết chạy đến Chúa xin Ngài cứu giúp, thì trên con thuyền trần thế hôm nay, dù khi gặp khó khăn, thử thách, bệnh tật, mỗi người chúng ta cũng biết chạy đến với Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, xin Ngài cứu giúp. Và dù có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng vẫn luôn tin rằng mọi nghịch cảnh ấy chỉ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, là phương tiện giúp chúng ta về với Ngài.

 

Lạy Chúa, xin Ngài luôn hiện diện với chúng con, và ban thêm sức mạnh, lòng tin cho chúng con, để chúng con luôn tin rằng Chúa là Đấng quyền năng trên vũ trụ mà Ngài đã tạo thành. Amen.

 

 

 ______________

 

 [1] x. Tài Liệu Học Tâp Mẹ Hiền, Tháng 6 năm 2021. Hội các bà mẹ công giáo Giáo phận Tp Hồ Chí Minh, tr. 12.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á