Suy niệm
Chúa Nhật X TN, B, Mc 3,20-35: Satan - tên cám dỗ phạm tội chống lại Thiên Chúa
SATAN - TÊN CÁM DỖ PHẠM TỘI CHỐNG LẠI THIÊN CHÚA
(Mc 3,20-35)
M. Calasanz Sáng
Trong thế giới ngày nay, nhìn chung có một thực tại vô hình ẩn trong vỏ bọc “tinh xảo” (theo nghĩa tinh ranh và xảo quyệt) và rất đẹp mắt thu hút mọi ánh nhìn nhưng rất tai hại, đó là sự phá hoại của Satan. Ngày xưa thánh Phêrô đã khuyên cáo các tín hữu của ngài rằng: “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Phụng vụ Chúa nhật X cho chúng ta nghe Lời Chúa dạy và cho biết Satan luôn cám dỗ chúng ta như thế nào, và bằng cách nào chúng ta có thể thoát khỏi sự cám dỗ ấy.
Bài đọc một cho biết, đầu mối của tội lỗi là Satan. Khi bị Thiên Chúa tra vấn về tội đã phạm, ban đầu Ađam đổ lỗi cho Evà, nhưng sau cùng Evà đã thú nhận là do Satan xúi giục. Sau đó, sự cám dỗ của Satan vẫn còn tiếp tục và Thiên Chúa phán với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3,15a).
Thế nên, sự cám dỗ của Satan mà chúng ta vừa điểm qua ở trên được tiếp tục nơi Đức Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay. Satan cám dỗ phá hoại Ngài bằng nhiều cách: xúi giục các luật sĩ xuyên tạc phép lạ Đức Giêsu làm, rằng Ngài dùng sức quỷ vương mà trừ quỷ; xúi giục những người phạm tội “phạm đến Chúa Thánh Thần”, nghĩa là không chịu sám hối để được tha thứ; xúi giục những người thân của Đức Giêsu khiến họ cho rằng Ngài đã “mất trí” và “đi bắt” Ngài về không cho Ngài tiếp tục rao giảng Tin Mừng. Hậu quả, như Thiên Chúa tiên báo trong bài đọc một “dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,15b), và Đức Giêsu cũng khẳng định qua bài Tin Mừng rằng nước của Satan sẽ sụp đổ.
Satan xúi giục ông bà Nguyên Tổ phạm tội rồi đến Đức Giêsu (nhưng Ngài không lỗi phạm) và những người thời bấy giờ phạm tội. Và Satan vẫn không ngừng nghỉ, vẫn tìm nhiều cách cám dỗ phá hoại chúng ta bằng nhiều hình thức như: “dối trá, buộc tội, nghi ngờ, dụ dỗ, xúi dục. Những điều này khiến chúng ta bất an và dẫn đưa chúng ta vào những hoàn cảnh dễ phạm những mối tội đầu: kiêu ngạo, tham lam, thù hằn, đố kỵ, dâm dục, phàm ăn và lười biếng”[1], điển hình qua những cách trong các bài đọc hôm nay:
Chiêu thứ nhất: Đỗ lỗi cho người khác. Đối với mỗi người chúng ta, ai cũng muốn, có lỗi thì nhận lỗi. Đó là điều hợp lý đúng với nhân đức và việc phải làm, có như thế thì mới sửa lỗi được và mới đáng được tha thứ. Thật thế, một trong những cách phá hoại của Satan là xúi người ta chối lỗi và đổ lỗi cho người khác. Cách phá hoại này được Satan sử dụng thường xuyên, từ thủa ban sơ cho đến bây giờ. Ngày xưa nó xúi Ađam đổ lỗi cho Evà, và xúi Evà đổ lỗi cho con rắn. Ngày nay nó xúi từ trẻ nhỏ đến người lớn dù phạm tội nhưng luôn đổ lỗi cho người khác, dùng mọi lý do để tránh né, tại người này người kia, do nguyên nhân này nguyên nhân nọ, ít khi nào dám nhận là tại mình và do mình. Như vậy, khi chúng ta làm theo sự xúi giục của Satan mà đổ lỗi cho người khác, chúng ta không sửa lỗi được và không được tha thứ.
Chiêu thứ hai: ganh ghét và xuyên tạc. Một cách phá hoại khác của Satan là khơi lên lòng ganh ghét để người ganh ghét xuyên tạc việc làm của người khác. Tính thâm độc của cách phá hoại này là khiến cho người ganh ghét bị mù quáng không nhận ra sự thật, và làm cho điều tốt bị hiểu lầm là điều xấu. Trong bài Tin Mừng, các luật sĩ đâu phải là những người ít học và không có tinh thần đạo đức. Nhưng Satan đã làm mù những khiến thức và lòng đạo đức của họ bằng tính ganh ghét. Kết quả là khi họ bị mù quáng, rồi họ xuyên tạc việc Đức Giêsu chữa bệnh là “dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”[2]. Việc các luật sĩ mà cũng bị rơi vào bẫy của Satan, đó là còi báo động cho chúng ta đừng nghĩ mình là Kitô hữu, là tu sĩ hay là giáo sĩ mà có thể tránh khỏi lòng ganh ghét dẫn đến xuyên tạc người khác.
Chiêu thứ ba: khôn ngoan và “mất trí”. Một cách phá hoại của Satan nữa là xúi người ta đánh giá việc của Chúa bằng sự khôn ngoan của loài người. Những người thân của Đức Giêsu đã rơi vào cái bẫy này, khi Ngài đang làm công việc của một Đấng Cứu Thế, xả thân không ngưng nghỉ để giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng. Nhưng họ đã suy nghĩ theo sự khôn ngoan của loài người nên nói Ngài “mất trí” và muốn bắt Ngài về nhà[3].
Như vậy, cám dỗ bằng nhiều cách là phương thức hoạt động thường dùng của ma quỷ[4]. Satan là tên cám dỗ[5], như cách nó đã gây ra sự sa ngã, nó vẫn không ngừng xúi dục chúng ta khước từ ân sủng của Thiên Chúa và phạm tội. Thế nên, cám dỗ xảy ra với tất cả mọi người, bởi đó chúng ta phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, vì Lời Chúa vẫn luôn là tấm lá chắn tuyệt vời nhất để chống lại những mũi tên cám dỗ đến từ Satan. Khi chúng ta càng thấm nhuần lời Ngài thì chúng ta sẽ càng dễ dàng hơn để chiến thắng những chiến tranh trong đời sống hằng ngày, cùng với ăn chay, cầu nguyện trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn luôn tỉnh thức khỏi rơi vào bẫy cám dỗ của Satan.
-
Chúa Nhật II TN, C, Ga 2,1-11: Tiệc cưới Cana - Biểu tượng của tình yêu (18/01)
-
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy (11/01)
-
Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: "Chính Thầy đây, đừng sợ!" (08/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Trông thấy ngôi sao, họ vui mừng (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình (04/01)
-
Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Hành trình tìm gặp Thiên Chúa (04/01)
-
Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người (30/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Giáo dục con cái theo gương Chúa Giêsu trong Gia Đình Thánh (28/12)
-
Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Con Thiên Chúa hiển ngự trong gia đình (28/12)
-
Lễ Chúa Giáng Sinh 2024, Ga 1,1-18: "Đất trời xe duyên" (23/12)