Suy niệm
Chúa Nhật VIII TN, C, Lc 6,39-45: Những bài học đáng quý
NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG QUÝ
(Lc 6,39-45)
M. Eugenio Nguyên
Không như mọi khi, bài giảng hôm nay Chúa Giêsu không nói với đám đông dân chúng mà Chúa lại dành để khuyên nhủ các môn đệ thân tín của mình.
Chúa Giêsu căn dặn với các môn đệ của mình 3 điều:
1. Nếu muốn làm thầy cần phải trang bị về kiến thức
Mỗi người được Chúa ban cho mỗi sở trường khác nhau, và dĩ nhiên không thiếu những sở đoản đính kèm. Vì thế thay vì bổ túc cho nhau, có người lại thích dạy đời, chẳng coi ai ra gì, cho mình là người nắm hết túi khôn nhân loại. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu cho các môn đệ hôm nay, ắt hẳn là Chúa muốn nhắm đến đường hướng thiêng liêng nhiều hơn. Người giảng dạy Lời Chúa là người trước hết phải biết nghe theo tiếng Chúa, công bố theo ý hướng của Chúa chứ không phải theo ý mình, theo cách sống và quan niệm niệm sống của mình. Như thế, không những có nguy cơ cho người rao giảng và lẫn cho người nghe rơi vào tình trạng hư vong, ‘cả hai lăn cù xuống hố’.
Và sự khó khăn cho việc làm cha làm mẹ hôm nay là cảm thấy mình không thể bắt kịp công nghệ mới bằng lớp trẻ được, từ đó dẫn đến rất khó dạy dỗ và hướng dẫn cho con cái. Thế nhưng, có thứ quý giá hơn nhiều mà cha mẹ Công giáo nào cũng có thể tự tin làm được, đó là giáo dục cho con cái mình về đức tin. Chỉ cho các em biết thế nào là thiện, thế nào là vô đạo đức, vô nhân bản, sống thế nào mới có lương tri của con người. Và đó cũng chính là thứ mà bậc làm cha mẹ phải trả lẽ trước mặt Chúa: vì sinh được thì cũng phải dưỡng được.
Đó cũng là lý do anh chị nào muốn kết hôn phải qua lớp giáo lý hôn nhân gia đình cái đã. Chỉ khi với cặp mắt sáng, các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta mới có thể chu toàn sứ mạng hướng dẫn người khác đến với Chúa được.
Vậy thì ai mới xứng đáng được coi là thầy dạy, thông suốt? Trong bài đọc II, thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô sẽ cho ta biết. Người khôn ngoan và sáng suốt thật là người tin tưởng những gì Đức Kitô đã mặc khải. Con người được cứu thoát khỏi sự chết không phải bởi Lề luật, nhưng bằng niềm tin vào Chúa Kitô và thực hành các lệnh truyền của Người.
2. Hãy loại bỏ thói quen phê bình, chỉ trích người khác
Bí quyết để tránh hay phê bình người khác là ta hãy năng kiểm điểm bản thân. Như người xưa khuyên nhủ: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hãy sửa đổi, xét bản thân mình trước sau đó mới có thể sửa dạy kẻ khác. Vấn đề góp ý, khuyên bảo, xây dựng cho nhau là điều đáng quý và đáng được khích lệ. Nhưng chuyện trở nên xấu khi ta cho mình là quan tòa rồi phê phán hay lên án người khác. Chính vì sự chủ quan, rộng lượng với bản thân, thậm chí còn có cả sự ảo tưởng về chính mình, nên cái đà to tướng cồng kềnh trong mắt mình mà ta cũng chẳng thấy, trong khi một cái rác bé xí nơi người đối diện ta lại thấy rõ ràng.
Ngày xưa, ở Xêtê có cuộc họp về một anh em có lỗi. Các linh phụ đều lên tiếng, nhưng Viện phụ Pio làm thinh. Sau cùng, ngài đứng lên đi ra mang theo một cái bao tải lớn, đổ đầy cát rồi vác sau lưng. Ngài cũng đổ cát vào một túi nhỏ và đeo trước ngực. Các linh phụ hỏi tại sao làm vậy, ngài trả lời: “Cái bao tải này chứa đầy cát là vô số tội lỗi của tôi, tôi vác sau lưng để khỏi phải đau buồn khóc lóc vì chúng. Còn cái túi trước ngực tôi đây là tội của anh em tôi, lúc nào tôi cũng nhìn thấy và kết án họ. Không được làm như thế, nhưng đúng ra tôi phải đeo tội lỗi của tôi phía trước để ăn năn sám hối và cầu xin Chúa tha thứ cho tôi. Nghe xong lời Viện phụ Piô, các linh phụ đều nói: “Quả thật, đó chính là con đường cứu rỗi” (Dom Lucien Regnault, Giai Thoại Sa Mạc, dịch giả Phan Bảo Luyện, tr. 67-68).
Với thói quen độc hại này, nó rất dễ lây lan nhưng lại vô cùng khó khăn chữa trị, mỗi người hãy cầu nguyện và xin Chúa ban thêm đức khiêm nhường cho chúng ta mới mong thuyên giảm, nếu không cả đời ta cũng khó vượt qua được căn bệnh này.
3. Lòng có đầy thì miếng mới nói ra
Trong bài đọc I, Sách Huấn ca chú trọng đến lời nói, vì thông qua lời nói sẽ biểu lộ phần nào cho ta hiểu hơn về một con người. Tác giả sử dụng hai hình ảnh rất thực tế: sàng gạo và bình gốm. Khi người ta sàng gạo, trấu sẽ ở lại trong sàng và gạo sẽ được thảy vào thùng. Khi một người mở miệng nói, người ta sẽ biết ngay, anh nói dở hay nói hay, suy nghĩ cẩn thận hay bạ gì nói đó.
Cái bình sẽ được cứng cáp hơn, nếu người thợ gốm chịu khó nung đất ở nhiệt độ cao. Trái lại, nó sẽ dễ vỡ khi đất được nung ở nhiệt độ thấp. Cũng vậy, phải nghe một người chuyện trò, chúng ta mới biết kiến thức và sự hiểu biết của người ấy sâu xa hay nông cạn.
Vì chưng “ở bụi gai làm gì có vả mà kiếm, trong bụi rậm làm sao có nho mà tìm”. Một người hay cầu nguyện, năng suy gẫm Lời Chúa, siêng năng đọc kinh sáng tối, lòng luôn hướng về sự thánh thiện tốt lành dần dà ắt sẽ có đời sống đạo tốt hơn. Trái lại, những ai chỉ chú tâm đến chuyện thế gian, hưởng thụ bản thân thì chuyện xưng tội rước lễ làm sao được coi trọng.
Bởi thế, chúng ta hãy cảnh giác, vì cây nghiêng hướng nào sẽ đổ về hướng đó thôi. Lòng chúng ta đang nghiêng về hướng nào? Thiên Chúa hay tiền tài?
Kết
Thích lên mặt dạy đời, phô trương háo thắng, muốn khi nào mình cũng phải trên cơ kẻ khác, từ đó dễ dẫn đến phê phán, chỉ trích tha nhân. Đó vẫn luôn là căn bệnh thâm căn cố đế của loài người. Lời Chúa hôm nay là liều thuốc đặc trị giúp ta chữa dần dần và với ơn Chúa, mong rằng mỗi người chúng ta sẽ được thuyên giảm và lành bệnh.
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Thấy Đấng Phục Sinh (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết - Biểu tượng của sự sống vĩnh cửu (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Kitô phục sinh mở ra niềm hy vọng mới cho các Kitô hữu (19/04)
-
Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa: Passio Iesu Christi (18/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Yêu đến cùng (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Tôi là ai? (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 19,28-40: Chúa là Vua hiền hậu và khiêm nhường (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Đón nhận thánh ý Thiên Chúa (12/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Trở về với con người thật của mình (05/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Đức Giêsu - Đấng giàu lòng thương xót (05/04)