Suy niệm
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Xin cho tất cả nên một
XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT
(Ga 17,20-26)
M. Matthêu Lê Văn Viết
Trong bữa Tiệc Ly, nơi tình yêu đạt đến tột đỉnh, khi Chúa Giêsu trao ban chính Mình và Máu làm của ăn cho nhân loại, Người không bận tâm đến số phận của riêng mình; tất cả các tư tưởng của Người đều hướng về các môn đệ và nhắm đến việc cứu độ họ. Chúa Giêsu không coi chuyện gì là quan trọng hơn chuyện ký thác các môn đệ cho Thiên Chúa khi Người cầu nguyện với Thiên Chúa Cha; Người ký thác họ cho tình yêu và quyền lực của Chúa Cha. Người sắp bỏ các môn đệ ở lại trong thế gian; Người biết họ bị thế gian đe dọa, thế mà Người lại đã giao cho họ một sứ mạng[1]. Vì thế, Người cầu nguyện với Chúa Cha cho các Tông đồ và cho cả các Kitô hữu cũng được hiệp nhất trong một đức tin và trong tình yêu thương: “Con không chỉ cầu xin cho những người này nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con để tất cả nên một” (Ga 17,20-21a). Điều kỳ diệu mà chúng ta bắt gặp ở đây đó là Chúa Giêsu muốn chia sẻ không chỉ với nhóm Mười Hai năm xưa, mà với mọi tâm hồn tin vào Người qua dòng thời gian. Vinh quang ấy không phải là hào quang chói lọi của chiến thắng, mà là vinh quang của tình yêu tự hiến, của một Thiên Chúa cúi xuống rửa chân (x. Ga 13,5), bẻ bánh, đón nhận thập giá để tất cả được nên một trong Người.
Đây là một lời nguyện không có giới hạn của thời gian, không khép lại trong khung cảnh Tiệc Ly, nhưng vang vọng đến từng người chúng ta hôm nay, những kẻ đang chập chững theo bước chân Người, giữa một thế giới đầy bạo lực và chia rẽ. Nói đúng hơn, đây không chỉ là một lời khấn xin, mà còn là di nguyện thánh thiêng của Con Thiên Chúa trước giờ tử nạn. Và điều mà Người tha thiết cầu xin không phải là sức mạnh, không phải thành công, không phải sự an toàn nhưng là sự hiệp nhất: “Như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21b), nghĩa là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu muốn có ở đây theo điển hình giữa Chúa Cha và Chúa Con[2]. Vì thế, sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con là nguồn mạch và sức mạnh để giúp các môn đệ sống sự hiệp nhất.
Lời nguyện ấy hé mở cho chúng ta trái tim mục tử của Chúa Giêsu, một trái tim không mang vết hằn của thù ghét, mà đầy ắp yêu thương; một trái tim không đóng kín vì đau khổ, mà mở ra cho mọi người, mọi thời, mọi thế hệ kể cả chúng ta hôm nay. Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu cầu xin không đơn thuần là sự đồng thuận, hòa bình hay chung sống. Người cầu xin cho chúng ta được ở trong tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, được liên kết nên một trong chính sự sống của Thiên Chúa, và từ đó trở thành ánh sáng và chứng nhân cho thế gian.
Mỗi lời cầu xin của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng này như một nhịp đập của trái tim thần linh thao thức, bền bỉ, đầy dịu dàng nhưng cũng đầy quyết liệt. Hiệp nhất không phải là một chọn lựa thứ yếu, nhưng là linh đạo cốt lõi của Kitô giáo, là dấu chỉ sống động để thế giới nhận ra Đấng đã được sai đến, hầu cho thế gian tin rằng chính Cha đã sai con (x. Ga 17,21b). Vì thế, không phải bài giảng, không phải hoạt động mục vụ, nhưng chính tình yêu hiệp nhất của các tín hữu mới là chứng từ hùng hồn nhất. Vậy Kitô hữu sống và làm chứng cho sự hiệp nhất trong xã hội hôm nay như thế nào?
Qủa thế, nếu lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đẹp đẽ và cao quý, thì thực tại hôm nay lại là một nghịch lý đau lòng: xã hội loài người đang chìm trong muôn vàn chia rẽ và đang sống giữa một thế giới đầy tường ngăn: giữa các dân tộc, các tầng lớp, các tôn giáo, và đôi khi ngay trong lòng Hội Thánh, ngay giữa những người cùng tuyên xưng một niềm tin. Tường ngăn ấy không luôn là gạch đá, nhưng được xây bằng thành kiến, tự ái, quyền lợi, và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, sống hiệp nhất hôm nay không phải là chuyện dễ, càng không phải là điều hiển nhiên, nhưng là một chọn lựa can đảm, một cuộc chiến nội tâm.
Hiệp nhất đòi hỏi chúng ta vượt qua chính mình, vượt qua cái tôi để bước vào cái chúng ta không phải bằng cách xóa bỏ khác biệt, mà bằng cách chấp nhận nhau trong yêu thương. Như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy chịu đựng nhau trong yêu thương, cố gắng duy trì sự hiệp nhất trong Thánh Thần” (Ep 4,2-3).
Ước chi phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta ý thức sống hiệp nhất; ý thức rằng Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất với nhau như Người trong Chúa Cha và Chúa Cha trong Người; ý thức rằng Chúa Giêsu đang cần đến sự cộng tác của chúng ta với ơn Chúa để làm triển nở sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các đoàn thể và trong mỗi gia đình của chúng ta. Từ đó, mỗi người cùng chung tay cộng tác để Giáo Hội được phát triển trong tình liên đới và đồng trách nhiệm. Khi chúng ta dám sống như vậy, chúng ta trở nên lời đáp trả sống động cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Khi chúng ta tha thứ, kiên nhẫn, cầu nguyện cho nhau, thì chính lúc đó, lời nguyện “xin cho tất cả nên một” bắt đầu thành hiện thực giữa trần gian này.
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Mầu nhiệm tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi (14/06)
-
Chúa Nhật XI TN - Lễ Chúa Ba Ngôi, Ga 16,12-15: Chúa Giêsu - Nhà giáo dục đức tin (14/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần" (07/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Cv 2,1-11: Chúa Thánh Thần - Ngọn lửa canh tân tâm hồn tín hữu (07/06)
-
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Ga 20,19-23: Hãy nhận lấy Thánh Thần (07/06)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Phút tâm giao (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: "Để họ được nên một" (31/05)
-
Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: Hiệp nhất trong Chúa (31/05)
-
Lễ Chúa Thăng Thiên, Lc 24,46-53: Chúa Kitô lên trời vinh hiển (28/05)
-
Chúa Nhật VI Phục Sinh, Ga 14,23-29: Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa (24/05)