Suy niệm

Chúa Nhật VII Phục Sinh, Ga 17,20-26: "Để họ được nên một"

Sự hiệp nhất chỉ có thể đến từ Chúa Cha qua Chúa Con mới có thể mang lại vững bền, tồn tại và nên một. Sự hiệp nhất đó có liên hệ đến “vinh quang”, mà Chúa Con sẽ ban cho họ, với sự hiện diện được ban tặng qua Chúa Thánh Thần, hoa trái của việc Người chết trên thập giá, việc chuyển đổi của Người trong cái chết và phục sinh.

 

 

 

“ĐỂ HỌ ĐƯỢC NÊN MỘT”

(Ga 17,20-26)

 

M. Baptista Lý

 

Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái viết về Đức Kitô thượng tế đời đời như sau: “Trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vị đó. Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,23-25).

 

“Người hằng sống để chuyển cầu cho họ”. Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đã để lại một mẫu gương tuyệt vời trong lời cầu nguyện trước khi Ngài chịu khổ nạn. Lời nguyện đó được Giáo hội gọi là “Lời nguyện hiến tế”. Qua lời nguyện hiến tế này, Chúa Giêsu đã áp dụng theo nghi thức trong sách Lêvi ở chương 16: như vị Thượng tế dâng lễ đền tội cho bản thân, cho hàng tư tế và toàn thể cộng đồng Israel, Đức Giêsu cũng cầu nguyện cho chính Ngài, cho các Tông đồ, cho mọi người và cho những kẻ tin vào Người, rồi cho Giáo hội từ lúc mới bắt đầu cho đến tận cùng của thời gian. Nhưng trước hết, Chúa Giêsu cầu nguyện cho họ trong sự hiệp nhất: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. Lời cầu nguyện nhắc nhớ lại cho chúng ta hay, đây là hình ảnh của Môsê đang khẩn cầu, khẩn cầu tha thiết để xin Thiên Chúa cứu dân Israel, mà đây còn hơn cả Môsê nữa.

 

Lời cầu nguyện hiệp nhất của Chúa Giêsu được thánh sử Gioan viết lại sau ba đề tài lớn: Ngài “xin Chúa Cha ban sự sống đời đời cho họ, để họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô”. Tiếp đến, Ngài xin thánh hiến các môn đệ và Kitô hữu trong sự thật”, rồi lại “cho họ nhận biết Danh Cha”, và sau cùng là “để họ nên một”. Với cụm từ “để họ nên một”, đây là một đề tài lớn và rất quan trọng trong Giáo hội, bởi vì ngay từ đầu chính lời nguyện này Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất không chỉ dành riêng cho các môn đệ nhưng cho hết mọi người đã có lòng tin vào Đức Giêsu. Chúa Giêsu đã thấy được ngay từ đầu sự chia rẽ của Satan đã hiện hữu và nó có thể phá tan sự hiệp nhất của con người trong bất kỳ giây phút nào, trước hết có thể là các môn đệ mình rồi sau đó là mọi người tin vào Con Thiên Chúa. Bởi thế, sự cầu nguyện cho sự hiệp nhất các môn đệ, cho Giáo hội tương lai của Đức Giêsu thật cần thiết và quan trọng.

 

Tuy nhiên, trong lời nguyện của Đức Giêsu còn có một ý nghĩa cao quý hơn mà có thể nói trong lời nguyện này phải có sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần chứ không nó sẽ là lời cầu nguyện theo kiểu: hiện tượng của trần thế. Điều mà Chúa Giêsu từng nói sự hiệp nhất không đến từ thế gian, không thể do sức lực riêng của trần gian mà có được sự hiệp nhất. Sức lực riêng của trần gian chỉ đem lại sự chia rẽ. Chúng ta đã thấy, bao lâu tinh thần thế gian hoạt động trong Giáo hội, trong Kitô giáo, sẽ đưa đến chia rẽ. Nhưng sự hiệp nhất chỉ có thể đến từ Chúa Cha qua Chúa Con mới có thể mang lại vững bền, tồn tại và nên một. Sự hiệp nhất đó có liên hệ đến “vinh quang”, mà Chúa Con sẽ ban cho họ, với sự hiện diện được ban tặng qua Chúa Thánh Thần, hoa trái của việc Người chết trên thập giá, việc chuyển đổi của Người trong cái chết và phục sinh.

 

Chúng ta có thể nhận thấy Giáo hội được tồn tại và phát triển là nhờ vào Chúa Thánh Thần, qua lời cầu nguyện của Chúa Giêsu hằng sống và ở cùng Hội thánh mỗi ngày. Điều này Đức Cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI từng nói: “Sức mạnh của Thiên Chúa tác động giữa trần gian, nơi các môn đệ đang sống, sức mạnh này được thể hiện qua một cách thức mà thế gian có thể “nhận thức” được và qua đó đưa đến niềm tin. Điều không đến từ thế gian có thể và tuyệt đối là một điều gì đầy hiệu năng trong và cho thế giới, và thế giới có thể nhận ra được. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất có mục đích là, qua sự hiệp nhất của các môn đệ, sự thật về sứ vụ của Người sẽ được biểu lộ cách rõ ràng. Sự hiệp nhất phải xuất hiện, được dễ dàng nhận thức và nhận thức như một điều gì không có trong trần thế” (Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Đức Giêsu thành Nazareth, tr. 122).

 

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho một sự hiệp nhất chỉ có thể đến từ Thiên Chúa và qua Đức Kitô, nhưng xuất hiện cụ thể để cho thấy sức mạnh hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa biểu lộ cách rõ ràng. Vì thế, đay cũng là trách nhiệm khẩn thiết đối với các Kitô hữu ở mọi thời và mọi nơi. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập và từ lời cầu nguyện của Ngài, chúng ta nhận thức được rằng, chúng ta được hiệp thông với nhau trong tình yêu của Chúa Cha, của Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là một hành động, trong đó Chúa Giêsu tự thánh hiến mình cho sự dâng hiến mình đối với thế giới qua thập tự, để Giáo hội nhờ Ngài mà được sống và tồn tại.

 

Xin cho Lời Chúa hôm nay thấm nhuần vào lòng chúng ta như ‘mưa sa nội cỏ’, để chúng ta có thể sống nên một trong Chúa như cành nho được luôn luôn sáp nhập với thân nho mà được sống. Đồng thời, cũng xin cho Lời Chúa biến đổi tâm hồn mỗi người tín hữu, để các tín hữu được đồng tâm nhất trí trong tình yêu thương với nhau và luôn có Chúa hiện diện giữa họ.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á