Suy niệm

Chúa Nhật VI TN, C, Mc 6,17.20-26: Người hạnh phúc đích thực

Những người nghèo, người đang đói khát, người đang khóc lóc và người bị bách hại vì Con Người đó là những người có hạnh phúc đích thật. Thật vậy, cuộc sống họ dù có khó khăn trắc trở nhưng họ luôn tin tưởng và tín thác cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình, và như vậy họ trở thành người có Thiên Chúa làm gia nghiệp và họ sẽ là những người hạnh phúc thực sự.

 

 

 

NGƯỜI HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

(Lc 6,17.20-26)

 

M. Thomas Aquino Ân

 

Phúc - họa là cặp từ đối nghĩa mà chúng ta thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Phúc nói đến những điều may, điều tốt. Họa chỉ những điều không may mang lại những đau khổ, tổn thất lớn. Trong cuộc sống nhân sinh, mọi người đều mong muốn phúc lành đến nhà và họa hại rời xa.

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường niên hôm nay cũng nói đến các mối phúc và các mối họa được Đức Giêsu đưa ra cho các môn đệ của Ngài. Đức Giêsu nói rằng: “Phúc cho các ngươi…Nhưng khốn cho các…”.

 

Đọc bài Tin Mừng, có lẽ không ít người trong chúng ta cảm thấy hoang mang, khó hiểu, bởi giáo huấn của Đức Giêsu về phúc và họa xem ra đi ngược với ước muốn tự nhiên của con người. Thật vậy, con người thường cầu chúc cho nhau giàu có, ấm no, hạnh phúc và được mọi người ca tụng thì Đức Giêsu lại cho đó là một cái họa lớn và khốn cho ai có những điều đó. Còn những điều mà người đời tránh xa và tìm mọi cách để loại bỏ như nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại thì Đức Giêsu lại cho đó là những cái phúc lớn và phúc cho ai có những điều như thế.

 

Chúng ta phải hiểu thế nào về giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay? Đâu là sứ điệp mà Ngài muốn nhắn gửi cho mỗi người khi nghe đoạn Tin Mừng này?

 

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng, những cụm từ “phúc cho anh em!”, “khốn cho các ngươi!”. Đó là những lời mở đầu mà Chúa Giêsu đã dùng để diễn tả những người thiện chí và những người dửng dưng với Nước Trời. Nếu thánh Mátthêu ghi lại 9 mối phúc, 9 thái độ của người công chính, thì thánh Luca chỉ ghi lại 4 mối phúc nhắm tới những tình huống cụ thể hiện tại. Có thể là thánh Mátthêu nhấn mạnh khía cạnh khuyến thiện, còn thánh Luca nhấn mạnh tính cách xã hội, theo mối ưu tư quen thuộc của tác giả đối với người nghèo khổ. Song đối với 4 mối phúc, thánh Luca trình bày thêm bốn mối họa, tuyên bố một cách triệt để những mối họa dành cho những người đã hưởng thụ trên đời. Tuy vậy, những mối họa ở đây chúng ta không được hiểu như là những lời nguyền rủa mà cũng không phải là những lời buộc tội gay gắt nhưng là những lời than thở ái ngại và những lời ngăm đe: đó là những lời tha thiết kêu gọi người ta ăn năn hối cải.[1]

 

Thứ đến, chúng ta đặt câu hỏi: Ai là người thật sự hạnh phúc? Người nghèo hay người giàu? Người đói khát hay no nê đầy đủ? Người đang khóc lóc hay vui cười? Người bị bách hại, loại trừ hay người được mọi người ca tụng?

 

Chúng ta trở về với Bài đọc thứ nhất, trích sách ngôn sứ Giêrêmia, ngôn sứ cho chúng ta hay, người thật sự hạnh phúc đó là người đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và Thiên Chúa là niềm cậy trông của họ. Còn người bất hạnh là người đặt tin tưởng ở người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì xa Chúa.

 

Bước qua bài Tin Mừng, chìa khóa để trả lời cho biết ai là người thật sự hạnh phúc nằm ở mối phúc cuối cùng và đó là cụm từ “vì Con Người”. Những người nghèo, người đang đói khát, người đang khóc lóc và người bị bách hại vì Con Người đó là những người có hạnh phúc đích thật. Thật vậy, cuộc sống họ dù có khó khăn trắc trở nhưng họ luôn tin tưởng và tín thác cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình, và như vậy họ trở thành người có Thiên Chúa làm gia nghiệp và họ sẽ là những người hạnh phúc thực sự.

 

Những người nghèo, người đang đói khát, người đang khóc lóc và người bị bách hại vì Con Người đó là những người có hạnh phúc đích thật. Còn những người giàu có, người đang được no nê, người đang được vui cười, người được người đời ca tụng thì sao, nếu họ có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày? Họ sẽ là người như thế nào? Chắc chắn họ cũng là người hạnh phúc đích thực vì được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc.

 

Mẹ Têrêsa Calcutta, một người rất gần gũi với chúng ta. Khi còn tại thế, mẹ không thiếu tiền của, mẹ là người luôn vui cười và mẹ là người nổi tiếng trên khắp thế giới, nhưng mẹ vẫn sống như “một người nghèo khó của Thiên Chúa”. Với chiếc xe hơi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng ở Bombay, mẹ đã bán để lấy tiền xây dựng một trung tâm lớn cho bệnh nhân phong cùi. Với số tiền nhận từ giải Hòa Bình Gioan XXIII của Vatican, mẹ đã thiết lập một trung tâm hồi phục chức năng cho người cùi. Với số tiền nhận từ giải Nobel Hòa Bình, mẹ đã xây nhà cho những người nghèo.

 

Mẹ Têrêsa đã tận hiến cuộc đời mình cho những người nghèo và tất cả những gì của mẹ đều thuộc về những người nghèo đói, khổ đau, vì mẹ luôn gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô, tín thác cuộc đời mẹ trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Mẹ đã lấy Thiên Chúa làm cứu cánh và cùng đích của cuộc đời mẹ.[2]

 

Trong cuộc sống thường nhật, mỗi người đều phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới làm ra của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta dù cuộc sống đang vất vả lầm than hay giàu có sung túc, biết lấy Chúa là niềm cậy trông, niềm hạnh phúc để cuộc đời chúng ta luôn vui tươi và triển nở.

 

 

 

 

[1] Kinh Thánh, Ấn bản năm 2011, x. Phần chú giải, tr. 2280-2281.

[2] Bài chia sẻ của cha Carôlô Hồ Bạc Xài trên https://tgpsaigon.net/

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á