Suy niệm
Chúa Nhật VI TN - B, Mt 15,1-6: Luật tối thượng là Luật Thiên Chúa
LUẬT TỐI THƯỢNG LÀ LUẬT THIÊN CHÚA
(Gc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)
M. Anrê Tường
Lề luật hay các quy định chung trong cuộc sống rất cần thiết, luật đó giúp mọi người thực hiện cho rập ràng, đúng nguyên tắc, hầu đem lại hiệu quả, ích lợi nhất có thể. Thế nhưng, điều quan trọng chúng ta phải nhận ra luật nào là lựa chọn cốt lõi cho cùng đích cuộc đời của mỗi người. Vậy nên, mọi thứ luật ở trần gian phải quy chiếu về luật cao trọng, chính yếu và vững bền là luật của Thiên Chúa, còn những lề luật của con người đặt ra thì có giới hạn. Chính vì thế, chúng ta phải ưu tiên luật Chúa. Lời Chúa hôm nay cho biết Giêsu khai mở và nhắn nhủ đến những người Pharisêu và các kinh sư cũng như cho chúng ta về phương cách sống giữ luật.
Hôm nay, Chúa Nhật VI Thường niên, cũng là ngày mồng hai Tết, kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là cơ hội thuận tiện, là dịp hữu ích để chúng ta ý thức về thân phận của mình được hiện hữu ở trần gian. Thiên Chúa dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (c.4). Thật vậy, không ai trong cuộc đời tự mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành và làm được mọi thứ, do đó, cuộc sống luôn cần tương quan và liên hệ với nhau. Đặc biệt, mỗi người hiện hữu trong cuộc đời được là nhờ các thế hệ đi trước là ông bà, cha mẹ, và nhất là cội nguồn chính từ Thiên Chúa.
Bài đọc một trích từ sách Huấn Ca khuyên bảo chúng ta tưởng nhớ về các thế hệ đi trước, những công đức của các ngài chúng ta không được quên lãng, bởi đó, việc tốt luôn được bảo tồn và gìn giữ. Vì chúng ta hiện hữu là nhờ các bậc tiền nhân, nhờ công phúc các ngài mang lại. Thế nên, chúng ta hãy lan tỏa công đức đó cho các thế hệ tương lai. Mỗi thế hệ qua đi, phải gieo lại và làm triển nở được niềm phúc nào đó cho hậu thế. Vì vậy, việc kính nhớ tổ tiên là phận vụ, và trách nhiệm để chúng ta nêu cao tinh thần thảo hiếu. Điều đó được thánh tông đồ Phaolô trong bài đọc hai khuyên nhủ đến kẻ làm con: “Hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, chính đó là điều phải đạo” (Ep 6,1). Đặc biệt, bài Tin Mừng được thánh sử Matthêu trình thuật về câu chuyện những người Pharisêu và mấy kinh sư tỏ ra khó chịu với các môn đệ của Chúa Giêsu khi không giữ luật truyền thống là rửa tay trước khi dùng bữa, nên thắc mắc với Người. Nhưng qua đó, Chúa Giêsu đã khai sáng cho họ, giúp họ nhận ra tinh thần giữ luật mà Ngài muốn họ thực hiện. Chúa nói: “Các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15,6).
Dù rằng, giữ luật theo truyền thống con người là điều tốt, thế nhưng, những người này đã quá đề cao và nghiêm ngặt mà không đặt trọng tâm vào đó để nhận ra luật sâu xa từ Thiên Chúa mới cao trọng hơn. Họ chỉ thấy điều trước mắt mà không hướng về điều răn cốt lõi. Chúa Giêsu không hề coi thường và bác bỏ những truyền thống của người phàm, nhưng Người nâng cao lên và căn dặn điều quan trọng không dừng ở bên ngoài, mà chính là giữ luật từ trong lòng bằng trái tim đầy yêu mến, và vui tươi, sẵn sàng. Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho họ ra ô uế được; nhưng chỉ có những gì từ trong con người xuất ra, mới làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Khi chúng ta giữ được như thế, sẽ có cái nhìn và nhận xét về tha nhân cách khách quan, chân thành và đặc biệt đúng với ý Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta đừng để quả tim dừng lại nơi mình mà hãy mặc lấy trái tim quảng đại đầy yêu thương của Chúa. Qua cách giữ luật ở trần gian, chúng ta phải hướng về luật cõi phúc, vĩnh cửu, cùng đích là chính Thiên Chúa.
Như vậy, suy niệm về bài Tin Mừng trùng ngày kính nhớ tổ tiên ông bà hôm nay, mỗi chúng ta phải kiến tạo làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp và triển nở yêu thương. Bởi trên phương diện gia phả, gia tộc, đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã hy sinh kế tiếp nhau truyền sinh qua các thế hệ để hôm nay chúng ta hiện hữu trong cuộc đời. Trên phương diện tôn giáo, các chứng nhân loan báo Tin Mừng đã dấn thân hiến mình qua sức lực, mạng sống để đem Chúa đến cho mọi người, trong đó chúng ta được hưởng. Với đời sống nhân đức của các ngài đã trở thành hạt giống đức tin, sinh hạ chúng ta hôm nay trong lòng Giáo Hội.
Bởi thế, Lời Chúa khai mở và nhắc nhở cho chúng ta nhận ra các bậc tiền bối không chỉ là những người đã sinh thành dưỡng dục nên chúng ta, mà các ngài còn là những người đã gầy dựng và truyền lại cho chúng ta một dân tộc, một gia đình, một nền văn hóa, một nguồn gốc. Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Thế thì, việc kính nhớ tổ tiên trong ngày mùng hai tết cổ truyền dân tộc là điều phải đạo, hợp lý, hợp tình, nhất là hợp với đạo hiếu. Đồng thời, chúng ta phải xác tín sâu xa rằng Thiên Chúa là nguồn gốc, là Đấng yêu thương tạo thành làm chủ vũ trụ. Chính vì thế, mọi thứ luật chúng ta thi hành thì luật Chúa là cùng đích và cao trọng hơn cả. Amen.
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sống yêu thương chia sẻ (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Đánh đổi gì để lấy Nước Trời (12/10)
-
Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Sự sống đời đời (12/10)
-
Thứ Ba, Tuần XXVII TN, B, Lc 10,38-42: Mácta và Maria (07/10)
-
Chúa Nhật XXVII TN, B, Mc 10,2-16: Hôn nhân bất khả phân ly (04/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Giáo huấn của Chúa Giêsu (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Óc bè phái và tính độc quyền (28/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, B, Mc 9,38-43.45.47- 48: Đừng gây gương xấu cho người khác (28/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Tinh thần phục vụ (21/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, B, Mc 9,30-37: Đấng Messia - Đấng Phục Vụ (21/09)