Suy niệm

Chúa Nhật VI TN - B, Mt 15,1-6: Luật Thiên Chúa và Lệ phàm nhân

Đừng quên, giới răn“hãy thờ cha kính mẹ” là một mệnh lệnh mang tính cưỡng bức, bó buộc người làm con phải có trách nhiệm đối với cha mẹ, không được thoái thác hay biện minh dưới bất cứ hình thức nào. Thế mà với tư cách là thầy dạy, các kinh sư và những người Pharisêu lại dựa vào “lễ phẩm dâng cho Chúa” để hợp thức hóa việc làm sai trái của họ.

 

 

 

LUẬT THIÊN CHÚA VÀ LỆ PHÀM NHÂN

(Gc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6)

 

Minh Triệu

 

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu tường thuật lại cho chúng ta nghe cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm biệt phái. Nguyên nhân, do các môn đệ của Chúa đã vi phạm luật truyền thống, cụ thể đã không rửa tay trước khi dùng bữa. Vậy một cuộc tranh luận như thế có ý nghĩa gì? Và chúng ta học được gì qua cuộc tranh luận này?

 

Để trả lời, trước hết ta cần tìm hiểu ngữ cảnh của cuộc tranh luận. Sau khi Chúa Giêsu bị chính người đồng hương chối bỏ (x. Mt 13,53-58) và Gioan Tẩy giả bị bạo chúa Hêrôđê loại trừ (x. Mt 14,1-12), Ngài lánh về một nơi hoang vắng (x. Mt 14,13). Dầu vậy, “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, Tin Mừng hôm nay Mt 15,1-6 cho chúng ta hay, các kinh sư và những người Pharisêu không quản đường xa, từ miền Nam đi lên miền Bắc Israel tìm gặp Chúa để hạch hỏi Người: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Xét bối cảnh như thế, kết hợp với cách thức Chúa trả lời giúp ta nhận ra động cơ thúc đẩy nhóm biệt phái tìm đến chất vấn Chúa có gì đó không mấy thiện chí.

 

Quả thực, những người này không mong tìm kiếm một câu trả lời cho bằng ẩn sau lời chất vấn là một với lời kết án. Bởi vậy, thay vì nhẹ nhàng giải thích, Chúa Giêsu đưa ra lời phản biện đầy cứng rắn: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? (c.3). Để làm rõ nghĩa, ta có thể diễn đạt lại như sau: các ông tố cáo các môn đệ của tôi thiếu tôn trọng luật truyền thống, vậy phải giải thích thế nào, chính các ông lại coi thường luật Thiên Chúa? Thật vậy, những người này đã coi thường luật Thiên Chúa. Và để chỉ cho họ thấy, Chúa Giêsu cụ thể hóa việc họ vi phạm giới răn được ghi trong Xh 20,12: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ”, đồng thời đưa ra bằng chứng: những người này đã dựa vào “lễ phẩm dâng cho Chúa” (c.5) để dạy người ta “không phải thờ cha kính mẹ nữa” (c.6a), rồi kết luận: “Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa (c.6b).

 

Đừng quên, giới răn“hãy thờ cha kính mẹ” là một mệnh lệnh mang tính cưỡng bức, bó buộc người làm con phải có trách nhiệm đối với cha mẹ, không được thoái thác hay biện minh dưới bất cứ hình thức nào. Thế mà với tư cách là thầy dạy, các kinh sư và những người Pharisêu lại dựa vào “lễ phẩm dâng cho Chúa” để hợp thức hóa việc làm sai trái của họ. Vậy nếu so sánh một bên vi phạm luật truyền thống, bên còn lại làm tổn thương giới răn của Chúa, bên nào nặng hơn? Chẳng lẽ giới răn Chúa dạy lại không thể là nền tảng cuộc sống cho bằng luật truyền thống người phàm sao?

 

Với nội dung ý nghĩa như thế, thì giá trị truyền thống dù tốt đẹp đến mấy cũng chỉ có ý nghĩa khi bắt rễ sâu vào trong giáo lý mặc khải của Chúa và mãi mãi gắn liền với giá trị mặc khải ấy nếu không nó sẽ thành ra vô nghĩa.

 

Cũng cần nói thêm, thánh sử Mátthêu viết Tin Mừng cho cộng đoàn đức tin của ngài trong đó đa số là các Kitô hữu gốc Do Thái rất tôn trọng truyền thống các tiền nhân. Điều đó không có gì đáng trách, trái lại đáng khen bởi như lời trong bài đọc thứ nhất đã mời gọi: “Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44,1). Hay trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô Tông Đồ mời gọi hãy tôn kính các ngài (x. Ep 6,2). Tuy nhiên, vì có sự kỳ thị giữa những người Kitô hữu gốc Do Thái đối với anh chị em cùng một đức tin gốc dân ngoại, mà nguyên nhân đến từ tinh thần tự tôn cách thái quá các giá trị truyền thống. Điều này dẫn đến sự rạn nứt và chia rẽ trong cộng đoàn đức tin. Bởi vậy, thánh sử Mátthêu mới dùng giáo huấn của Chúa được mặc khải qua cuộc tranh luận giữa Ngài với nhóm biệt phái như ta thấy trong Tin Mừng hôm nay để giáo dục anh chị em của mình, qua đó kiến tạo một cộng đoàn yêu thương hợp nhất, một cộng đoàn không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, giàu hay nghèo, sang hay hèn, dơ hay sạch, trái lại tất cả đều nên một trong Chúa Kitô.

 

Chẳng phải sau khi tranh luận với các kinh sư và những người Pharisêu, Chúa đến địa hạt Tia và Xiđôn, vùng đất dân ngoại, ở đó Ngài chữa lành bệnh cho con gái của một người phụ nữ gốc Phinixi, xứ Xiri đó sao? (x. Mt 15,21-28). Và còn nhiều trường hợp với đủ thứ bệnh tật khác nhau tại ven biển hồ Galilê: kẻ câm, người què, và mù lòa tất cả đều được Chúa chữa lành (x. Mt 15,29-31). Trong Chúa rõ là không còn sự ngăn cách hay phân biệt giữa người với người, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau bởi tất cả đều chung một Cha trên trời. Và đây phải là bài học đối với mỗi người trong chúng ta.

 

Tuy nhiên, trong thực tế, những bức tường ngăn cách giữa người với người, giữa các vùng miền, các tôn giáo và các quốc gia với nhau vẫn còn đó, mà nguyên nhân đến từ nhận thức sai lầm. Người dân Nazareth từ chối Chúa, Hêrôđê loại trừ Gioan Tẩy Giả, giới lãnh đạo tinh thần trong dân Do Thái tìm Chúa hạch hỏi và làm khó Chúa, hay cộng đoàn đức tin của thánh sử Mátthêu bị chia rẽ bởi đa phần các Kitô hữu gốc Do Thái tự tôn thái quá về giá trị truyền thống của mình là những bằng chứng tiêu biểu.

 

Vậy ước gì lời Chúa hôm nay mãi mãi là tiếng chuông ngân vang trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta, có sức đánh động và làm thức dậy khả năng nhận thức nơi mỗi người trong chúng ta, để từ nay mọi ngăn cách, đố kỵ và chia rẽ gắn liền với phê bình, chỉ trích, chỉ còn là quá khứ, thay vào đó là một thế giới mới mở ra cho Thiên Chúa và anh chị em của mình.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á