Suy niệm

Chúa Nhật VI Phục Sinh, Ga 14,23-29: Sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa

Đoạn Tin Mừng này đã khai mở sơ khởi về sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi trần thế. Trong thần học Gioan, Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo vũ trụ vạn vật, là tình yêu và nguồn ơn cứu độ. Ngài đã mạc khải chính mình qua Người Con Chí Ái, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa.

 

 

 

SỰ HIỆN DIỆN CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA

(Ga 14,23-29)

 

M. Michael Hội

 

Đoạn Tin Mừng Ga 14,23-29 mà Giáo Hội cho chúng ta suy niệm hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp bước vào cuộc vượt qua. Trong thời khắc chia tay, Chúa Giêsu đã hứa rằng Người sẽ không để cho các môn đệ “mồ côi”. Hơn nữa, Người còn mạc khải cho họ biết mầu nhiệm hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi những người yêu mến Người. Tình yêu dành cho Người phải được biểu lộ qua việc tuân giữ lời Người, và chính trong hành vi đó, Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến và cư ngụ nơi tâm hồn các tín hữu.

 

Đoạn Tin Mừng này đã khai mở sơ khởi về sự hiện diện và hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi trần thế. Trong thần học Gioan, Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo vũ trụ vạn vật, là tình yêu và nguồn ơn cứu độ. Ngài đã mạc khải chính mình qua Người Con Chí Ái, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa (Logos). Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (c. 24). Điều này cho thấy chính Chúa Giêsu là hiện thân của lời Thiên Chúa, lời của Ngài không phát xuất từ kinh nghiệm trần thế, mà là Lời hằng hữu của Thiên Chúa, mang quyền năng sáng tạo và cứu độ. Nhờ Ngôi Lời, Thiên Chúa đã đến giữa thế gian, cứu độ và ở cùng nhân loại.

 

Thật vậy, Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, Đấng mạc khải trọn vẹn Chúa Cha. Ngài không chỉ nói Lời Chúa, mà chính Người là Lời. Chính vì vậy, khi chúng ta yêu mến Đức Giêsu và giữ lời Người, là chúng ta đang bước vào tương quan mật thiết với Chúa Cha nhờ trung gian Chúa Con: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (c. 23). Việc “tuân giữ lời Thầy” không đơn thuần là thực hành luân lý, mà là gắn bó với một Ngôi Vị, Ngôi Lời. Qua sự vâng phục và yêu mến Ngài, con người được cuốn vào tình yêu Ba Ngôi, được tham giữ vào sự sống của Thiên Chúa. Cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô là đỉnh cao của hành vi mạc khải, nơi Người biểu lộ cách trọn vẹn tình yêu và lòng trung tín với Cha, và đồng thời mở lối cho nhân loại bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.

 

Nếu Chúa Cha là Nguồn, Chúa Con là Lời, thì Chúa Thánh Thần là hơi thở ban sự sống, là Đấng làm cho Lời ấy trở nên hiện sinh và hữu hiệu. Thánh Thần không mạc khải điều gì khác ngoài Lời Thiên Chúa, và làm cho Lời đó trở nên sống động trong Hội Thánh và trong từng tâm hồn. Quả vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng dạy dỗ và nhắc nhớ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (c. 26). Chúa Thánh Thần không những nhắc lại mà còn khai lòng mở trí giúp các môn đệ khám phá ra ý nghĩa lời nói và hành động của Chúa Giêsu dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh. Đây không phải là trí nhớ thủ động, nhưng là năng lực tái hiện mạc khải trong hoàn cảnh mới, là ánh sáng thần linh giúp người tín hữu hiểu Lời Chúa một cách sâu sắc và sống động hơn. Nhờ đó, mạc khải không còn là quá khứ, mà trở thành hiện tại hóa, giúp con người gắn bó liên lỉ với Thiên Chúa.

 

Như vậy, ơn cứu độ của nhân loại có khởi điểm từ Chúa Cha - Đấng là Nguồn phát sinh Lời Hằng Hữu, đến Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời nhập thể và là Đấng Cứu Chuộc, và cuối cùng là Chúa Thánh Thần - Đấng ghi khắc và khai mở Lời nơi cung lòng mỗi người. Điều này cho thấy sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa không những trong nội tại mà ngay cả trong sứ vụ. Ba Ngôi Thiên Chúa liên kết trong tình yêu, và tình yêu này không khép kín trong nội tại, nhưng luôn mở ra và hướng về thụ tạo. Quả vậy, mạc khải Thiên Chúa là một hành trình tình yêu, là cuộc viếng thăm của Ba Ngôi nơi tâm hồn mỗi người.

 

Để được kết hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cần tuân giữ lời Chúa Giêsu. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ Lời Người, là đem Lời Chúa vào thực hành trong đời sống hằng ngày. Tuân giữ Lời Chúa không chỉ là ghi nhớ Kinh Thánh, nhưng là để chính Chúa hướng dẫn mọi suy nghĩ, quyết định và hành động của chúng ta. Xin cho chúng ta trở nên những tâm hồn biết lắng nghe và yêu mến Lời Chúa, để chính Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong chúng ta, biến chúng ta thành đền thờ sống động của Ngài giữa thế gian.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á