Suy niệm
Chúa Nhật VI Phục Sinh, B, Ga 15,9-17: Thực thi giới luật yêu thương
THỰC THI GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
(Ga 15,9-17)
M. Anrê Tường
Thiên Chúa mặc khải và trao ban tình thương của Ngài cho con người. Tình thương đó được Chúa Giêsu khẳng định: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (c.9), và Chúa Giêsu cũng đã nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (Ga 15,15). Lời Chúa hôm nay khai sáng cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa và Ngài muốn chúng ta thực thi điều răn của Chúa, đó là giới luật yêu thương. Quả thật, tình yêu là nhu cầu chính yếu của con người. Nếu không có tình yêu, con người sẽ thiếu thốn, bất an và dễ đổ vỡ khi gặp những biến động trong cuộc đời. Thật đặc biệt, tình yêu chúng ta được đón nhận khởi sự từ Chúa Cha thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
Sự thật đó được minh chứng qua lời Chúa Giêsu: “Phần tôi, tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Và thánh Gioan tông đồ đã khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Thật vậy, con đường của Chúa Giêsu là đường phục vụ, đường yêu thương. Nhưng để thực thi điều đó, Chúa Giêsu phải đi bằng hành trình đau khổ đến độ chấp nhận cái chết trên thập giá. Qua đó cho thấy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13). Bởi thế, chúng ta bước đi trên con đường ấy, được mời gọi hy sinh bản thân, sẵn sàng chịu khổ vì danh Đức Giêsu và dấn thân phục vụ tha nhân.
Thật thế, hy sinh bao giờ cũng cao thượng. Khi thực thi luật yêu thương, những khó khăn gặp phải dường như nhỏ lại, những vất vả như bị xóa nhòa. Thành quả mang lại làm cho tâm hồn chúng ta vui hơn, cuộc đời thư thái, thênh thang, rộng mở hơn.
Như vậy, chỉ có “ở lại” trong “tình yêu” của Đức Kitô, chúng ta mới có thể làm mới lại đời sống đức tin của mình. Từ đó, chúng ta mới có khả năng thi hành đúng căn tính của người Kitô hữu, là ở lại trong tình yêu Chúa Cha, vì tình yêu phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em”. Chúa Cha là cội nguồn của tình yêu. Vì thế, Chúa Giêsu đã ở lại trong tình yêu Chúa Cha và Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Có thế, lời mời gọi của Chúa mới thực sự không rơi vào hư vô và quên lãng. Do đó, một khi chúng ta trung thành đáp trả tiếng Chúa mời gọi, sẽ làm triển nở tình yêu từ Thiên Chúa đến tha nhân.
Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi chúng ta phải đáp trả mỗi lúc một dứt khoát hơn. Điều đó cho thấy, tình yêu là dòng chảy liên hệ, phải có sự đáp trả và trao ban, nghĩa là từ Chúa Giêsu yêu mến các môn đệ bằng tình yêu của Chúa Cha, rồi các môn đệ sống yêu thương nhau. Vì vậy, Chúa truyền cho các môn đệ khi xưa, và chúng ta hôm nay phải thực thi “điều răn yêu thương”. Bởi thế, chúng ta không được sống ích kỷ giữ cho riêng mình, nhưng phải biết chia sẻ, biết sống vị tha, phải thi hành tình yêu lan tỏa và trao ban tới những người khác; biến những tiêu cực, những hiềm thù, những nghi kỵ, những ghen ghét trở thành nguồn tương thân, tương ái cho nhau, đồng thời trở nên chứng nhân của Chúa giữa trần gian.
Luật của Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, lời thánh tông đồ Phaolô xác quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Chính vì thế, yêu tha nhân, sống cho tha nhân, thông cảm và trao ban cho tha nhân sẽ làm chúng ta nên giống Thiên Chúa, trở thành con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta yêu Đấng đã chết cho mình thì chúng ta sẽ biết cách yêu cho những người mà Chúa đã chết cho họ, khi chúng ta yêu Chúa thực sự thì chúng ta sẽ yêu được những người mà Thiên Chúa cho hiện diện cùng chúng ta.
Quả thật, Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 5,12). Nhưng thật khó biết bao! Làm sao phàm nhân có thể yêu được như vậy! Bởi những cố gắng mến yêu của con người dù sao đi nữa vẫn còn những khiếm khuyết. Tuy nhiên, khi suy nghĩ về tình yêu mà Chúa Giêsu trao hiến cho nhân loại, đặc biệt tình yêu được đón lấy chính Mình Máu Thánh Người đã cảm hóa chúng ta. Bởi Chúa Giêsu sẽ nối kết mọi hy sinh của chúng ta trong tình yêu của Người và làm cho tình yêu của chúng ta ngày càng triển nở. Để từ đó, chúng ta sẽ có những đổi thay về cách yêu và trong cách sống của mình. Cha tổ phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã nhắc nhở các môn sinh của mình rằng: “Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, các đạo ấy dễ mà không chắc chi, còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo” (LGH 6).
Như vậy, Lời Chúa hôm nay xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành trọn cho con người, do đó, Chúa nhắn nhủ chúng ta hãy có tâm tình cao quí khi xử sự hành động với tha nhân, với đồng loại của mình là biết chia sẻ những gì mình có, là trao ban tình thương với nhau. Quả thật, sứ mạng yêu thương phải được trải dài trong suốt hành trình của mỗi người và không ai được từ chối, trốn tránh trách nhiệm yêu thương. Vậy nên, để tình thương được sẵn sàng và loan tỏa thì mỗi chúng ta phải dẹp bỏ cái tôi ích kỷ, tự ái của bản thân để đến với người khác. Bởi vì, khi có tình thương, chúng ta sẽ vực dậy được những người đang rơi vào bế tắc, đường cùng, đối diện với nghịch cảnh bi đát. Đồng thời, những người đang rơi vào lầm đường, lạc lối, chưa có lối thoát trong đau thương khi đón nhận được sự chia sẻ giúp đỡ, họ sẽ có nơi để nương nhờ, bám trụ, và tin chắc họ sẽ vượt thắng và đạt được thành quả tốt.
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Thấy Đấng Phục Sinh (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết - Biểu tượng của sự sống vĩnh cửu (19/04)
-
Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Đức Kitô phục sinh mở ra niềm hy vọng mới cho các Kitô hữu (19/04)
-
Thứ Sáu Tuần Thánh - Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa: Passio Iesu Christi (18/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Yêu đến cùng (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Tôi là ai? (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 19,28-40: Chúa là Vua hiền hậu và khiêm nhường (12/04)
-
Chúa Nhật Lễ Lá, C, Lc 22,14-23,56: Đón nhận thánh ý Thiên Chúa (12/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Trở về với con người thật của mình (05/04)
-
Chúa Nhật V Mùa Chay, Ga 8,1-11: Đức Giêsu - Đấng giàu lòng thương xót (05/04)